Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Tọa đàm “Sinh viên và tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0”
Ngày 6/9/2017, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm “Sinh viên và tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0”.

Diễn giả của chương trình là TS. Lê Thẩm Dương - chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như tài chính, lãnh đạo, nhân sự đã chia sẻ thông tin giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng 4.0 - thách thức, cơ hội phát triển và tinh thần khởi nghiệp, đồng thời giúp các bạn sinh viên trang bị hành trang để bước vào kỷ nguyên mới.

Tham dự tọa đàm có ban Chủ nhiệm, giảng viên và hơn 400 sinh viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN.

Ngay trong phần đầu chương trình, TS. Lê Thẩm Dương đã lưu ý các sinh viên về bối cảnh thế giới hiện nay: kinh tế phẳng, kinh tế tri thức và siêu cạnh tranh. Trong đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của sức sáng tạo, dùng tri thức để tạo ra sự khác biệt và nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới.

Ông cho rằng các bạn trẻ trong hành trang của mình, bên cạnh việc hiểu rõ bối cảnh mới cần phải: hướng nghiệp, có tinh thần khởi nghiệp, có kỹ thuật khởi nghiệp và nuôi nghiệp (quản trị kinh doanh). Để hướng nghiệp đúng, cần phải hiểu mình, hiểu nghề và hiểu thời thế, đặc biệt cần hiểu rõ sở trường, đam mê và năng lực của bản thân.

Trình bày về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Lê Thẩm Dương cho hay: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

TS. Lê Thẩm Dương cũng cho biết, tốc độ đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính.  Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.

Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).

Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

TS. Lê Thẩm Dương cũng chia sẻ với sinh viên về những thách thức, mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.

 Khẳng định cách mạng công nghiệp lần 4 mang đến cơ hội, và cũng đầy thách thức với nhân loại, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, thế hệ trẻ, đặc biệt là các sinh viên cần chú trọng xây dựng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo để có thể thích nghi và thành công.

TS. Lê Thẩm Dương:

Là một trong những cố vấn của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, khách mời thường xuyên của chương trình CEO chìa khóa thành công VTV1. Chuyên gia tư vấn quản trị cho rất nhiều tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước.

Khách mời, chủ toạ thường xuyên của các diễn đàn cấp quốc gia và khu vực như diễn đàn “Triển vọng kinh tế, tìm vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, “Thị trường chứng khoán Việt Nam qua từng giai đoạn, các giải pháp hạn chế lạm phát”.

 Sinh Vũ - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :