Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Kết nối hoạt động khảo thí trong toàn ĐHQGHN
Ngày 23/11/2018, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức tọa đàm “Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN: Mục tiêu ưu tiên và hành động chung với các đơn vị đào tạo giai đoạn 2019 – 2020” với sự tham gia của đại biểu là lãnh đạo các phòng Đào tạo, phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trung tâm Đảm bảo chất lượng … của các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc của ĐHQGHN.

Các đại biểu đã cùng thảo luận về hai báo cáo của Trung tâm Khảo thí: “Kết quả khảo sát mô hình tổ chức và hoạt động khảo thí của các đơn vị đào tạo ở ĐHQGHN” và “Mục tiêu ưu tiên và hoạt động chung của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN với các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2019 – 2020”.

Ở báo cáo thứ nhất, Trung tâm Khảo thí đã trình bày kết quả khảo sát được thực hiện tại các 11 trường đại học thành viên và khoa trực thuộc từ tháng 07/2018 đến tháng 10/2018 về các nội dung:

- Mô hình tổ chức công tác khảo thí, phân cấp quản lý và hệ thống văn bản quản lý về khảo thí ở các đơn vị đào tạo;

- Chức năng, nhiệm vụ khảo thí giữa 2 mô hình tổ chức công tác khảo thí (mô hình kết hợp công tác khảo thí trong công tác đào tạo và mô hình kết hợp công tác khảo thí trong công tác đảm bảo chất lượng;

- Đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí ở các phòng, trung tâm chức năng;

- Việc chuẩn hóa các loại hình đánh giá kết quả học tập thành văn bản quy phạm;

- Các hình thức hỗ trợ giảng viên, sinh viên về đo lường, đánh giá ở đơn vị đào tạo;

Ở báo cáo thứ hai, Trung tâm Khảo thí đã trình bày nhận định về bối cảnh của việc xây dựng các đề xuất phối hợp hoạt động giữa Trung tâm Khảo thí với các đơn vị đào tạo, bao gồm: Về đổi mới kiểm tra đánh giá trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học; về mối quan hệ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục với công tác khảo thí; về vai trò của bộ phận khảo thí ở các đơn vị đào tạo với hoạt động khảo thí của đội ngũ giảng viên. Việc phân tích các nội dung đó nhằm làm rõ những đặc điểm quan trọng của môi trường bên ngoài và môi trường bên trong của các đơn vị đào tạo đối với hoạt động khảo thí và lý giải rõ ràng cơ sở của việc lựa chọn và đề xuất các mục tiêu ưu tiên trong việc nâng cao năng lực khảo thí của các đơn vị đào tạo trong giai đoạn 2019 – 2020, bao gồm:

- Xây dựng mạng lưới nhân lực làm công tác khảo thí ở ĐHQGHN gồm các cán bộ của bộ phận khảo thí, giảng viên nòng cốt đổi mới công tác khảo thí ở các đơn vị đào tạo và cán bộ của TTKT;

- Đổi mới việc xây dựng và sử dụng các công cụ đo lường, đánh giá trong giáo dục đại học và sau đại học;

- Tổ chức hoạt động định kỳ, hoạt động thường niên về nâng cao năng lực khảo thí cho mạng lưới nhân lực làm công tác khảo thí ở ĐHQGHN

- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hoạt động tập huấn chung về đo lường, đánh giá trong giáo dục cho đội ngũ cán bộ của các bên.

TS Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (Trường Đại học Ngoại ngữ):

“Chúng tôi nhiệt thành tham gia tọa đàm này cũng như các đề xuất mà Trung tâm Khảo thí đề ra bởi sự đa dạng đến từ các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN tạo cơ hội cho chúng tôi học hỏi và cũng bởi sự đa dạng đó lại đang là thách thức vô cùng lớn với công tác khảo thí ở ĐHQGHN”.

“Khảo thí phải xuất phát từ các quy chuẩn, từ sự chính xác, tin cậy và từ nhu cầu của đơn vị đào tạo về mô hình sản phẩm đào tạo được mong đợi. Sự đa dạng đó cho thấy khó có chỉ đạo chung nào cho tất cả các đơn vị nhưng đòi hỏi cần có các nguyên tắc chung được xác lập từ ĐHQGHN”.

Các đại biểu đã thảo luận về đề xuất của Trung tâm Khảo thí. Đại diện tất cả các đơn vị đào tạo đều khẳng định sự cần thiết của mục tiêu xây dựng mạng lưới nhân lực làm công tác khảo thí ở ĐHQGHN và các hoạt động tập huấn, đào tạo, phối hợp nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và tài liệu … cần sớm được triển khai để vừa xây dựng mạng lưới và vừa phát huy hiệu quả của mạng lưới trong công việc cụ thể tại các đơn vị đào tạo.

PGS.TS Hà Lê Kim Anh (Trường Đại học Ngoại ngữ) cho rằng cùng với mục tiêu xây dựng mạng lưới nhân lực khảo thí phải đồng thời thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và năng lực khảo thí của đội ngũ giảng viên; việc xây dựng bộ công cụ đánh giá trong đào tạo đại học, sau đại học là rất cần thiết nhưng cần làm từng bước để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

ThS. Nguyễn Thị Minh Phượng (Trường Đại học Kinh tế) đề xuất nghiên cứu sâu mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Khảo thí Đại học Ngoại ngữ để tham khảo cho việc tổ chức bộ phận chuyên trách về công tác khảo thí ở các đơn vị đào tạo và xây dựng các chính sách về việc này ở ĐHQGHN.

TS. Dương Tuyết Hạnh (Trường Đại học Giáo dục) cho rằng cần phối hợp giữa các đơn vị để đề xuất xây dựng hệ thống văn bản quy định chung của ĐHQGHN về công tác khảo thí; đồng thời, cần sớm kết luận xem mô hình tổ chức như thế nào là phù hợp cho việc tổ chức và hoạt động khảo thí ở các đơn vị đào tạo. TS Hạnh cũng nêu vai trò của khoa Quản trị chất lượng (Trường Đại học Giáo dục) trong việc tham gia nâng cao năng lực khảo thí cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và giảng viên của các đơn vị đào tạo.

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu nhất trí đề nghị Trung tâm Khảo thí có báo cáo chính thức về kết quả làm việc của Trung tâm với các đơn vị đào tạo, kết quả của tọa đàm hôm nay với lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo các đơn vị đào tạo và làm đầu mối triển khai chương trình hành động chung của Trung tâm Khảo thí với bộ phận khảo thí của các đơn vị đào tạo trong giai đoạn 2019 – 2020. Các đại biểu cũng nhất trí cao với hoạt động đầu tiên của Mạng lưới nhân lực làm công tác khảo thí ở ĐHQGHN trong năm 2019 là chuyên đề về “Tổ chức công việc của bộ phận khảo thí chuyên nghiệp: Yêu cầu và các giải pháp xây dựng đội ngũ” do Trung tâm Khảo thí Đại học Ngoại ngữ chủ trì.

 ĐVH - VNU CET
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :