Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >   Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
ĐHQGHN tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước
Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu tới độc gia bài tham luận của đại diện Đảng bộ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với tiêu đề “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước” tại sự kiện Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020 -2025 được tổ chức tại Hà Nội ngày 15-16/8/2020.

Tham luận này gồm 3 phần: Tầm quan trọng của công tác tư vấn chính sách, một số hình thức tư vấn chính sách, một số đề xuất nhằm nâng cáo chất lượng công tác tư vấn chính sách.

Tầm quan trọng của công tác tư vấn chính sách

Đại hội XI của Đảng[1] chỉ rõ: “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội”. Nói như vậy để thấy rằng, vai trò của hoạt động tư vấn chính sách là vô cùng quan trọng. Không một quốc gia/một chính phủ nào tránh được sai lầm trong suốt quá trình điều hành, xây dựng đất nước thông qua các quyết định, chiến lược, chính sách. Mọi sai lầm dù là nhỏ nhất đều có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự “được - mất”, “thành - bại”, thậm chí là “sự tồn vong” của một quốc gia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sai lầm, đó có thể là do sự chủ quan, thiếu cái nhìn toàn diện của các cơ quan quản lý; do thiếu/yếu công tác phân tích, dự báo chính sách hay từ sự thay đổi/rủi ro của yếu tố môi trường,... Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, mỗi quốc gia muốn tiến nhanh thì phải hết sức hạn chế các quyết sách sai lầm. Bởi tất cả những gì chúng ta đang có và đã đạt được ở hiện tại chính là kết quả của những chuỗi quyết định ở trong quá khứ. Vậy làm thế nào để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và cải thiện kĩ năng hoạch định chính sách trong quản trị đất nước? Câu trả lời là nằm ở công tác tư vấn chính sách cho quốc gia. Vậy làm thế nào để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư vấn chính sách cho Nhà nước trong bối cảnh đầy rủi ro, biến động nhưng cũng đầy cơ hội như hiện nay? Đây là một vấn đề tuy không mới nhưng chưa bao giờ hết quan trọng.

Vai trò của hoạt động tư vấn chính sách tại các quốc gia được thể hiện qua mấy điểm chính sau:

Cung cấp các luận cứ làm cơ sở cho hoạch định chính sách

Hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới thông qua việc phân tích, đánh giá chính sách

Phản biện các dự thảo chính sách, phương án chính sách do các cơ quan hoạch định chính sách đề xuất

Đánh giá hiệu quả thực thi chính sách công

Kết nối ý kiến, phản hồi của các đối tượng thụ hưởng chính sách với các cơ quan quản lý của Nhà nước

Một số hình thức tư vấn chính

Thứ nhất, nghiên cứu, tư vấn đề xuất chủ trương, chính sách mới. Ở đây, hoạt động tư vấn được thể hiện ở hai điểm. Một là cung cấp hệ thống lý luận liên quan đến chính sách, cung cấp nền tảng tri thức về khoa học chính sách. Đối với ĐHQGHN, đặc biệt là Trường ĐHKHXH&NV đã xuất bản giáo trình Khoa học Chính sách sử dụng như tài liệu giảng dạy của chuyên ngành từ năm 2010, và các tài liệu chuyên khảo, tham khảo về khoa học chính sách, bản tin chính sách 4 kỳ (2009 và 2011). Phát 500 cuốn sách “Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách” cho đại biểu Quốc Hội theo lời đặt hàng của Viện Nghiên cứu Lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (2012) và 500 cuốn sách theo đặt hàng của Thư viện Quốc hội phục vụ nhu cầu thông tin của các đại biểu Quốc hội (2018). Đây là những tài liệu quan trọng để cung cấp, hỗ trợ thêm nền tảng lý luận cho các đại biểu quốc hội, nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, việc cung cấp hệ thống lý thuyết về chính sách còn được thực hiện thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng phân tích, hoạch định và đánh giá chính sách. Trường ĐH KHXH&NV có đơn vị Viện Chính sách và Quản lý (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách) đã thực hiện khoảng 40 khóa đào tạo về Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách, Kỹ năng thẩm định chính sách… cho cán bộ các văn phòng Trung ương, thuộc Văn Phòng Quốc Hội; các cán bộ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Kon Tum, Hải Phòng, Hà Nội, Đăk Lắc, Lâm Đồng….  Thứ hai, hình thành và đề xuất chủ trương, chính sách mới. Thông qua hoạt động nghiên cứu và phân tích chính sách, các cá nhân, tổ chức đã đề xuất những bản kiến nghị chính sách, từ đó tạo lập cơ sở để hình thành chủ trương, chính sách mới. Với mong muốn các nghiên cứu không chỉ dừng lại ở trên giấy, trong những năm vừa qua, ĐHQGHN đã có nhiều đề tài nghiên cứu về các chính sách cũng như đề xuất nhiều kiến nghị chính sách liên quan đến các cấp ban ngành.

Thứ hai, nhận diện các vấn đề chính sách và tư vấn phương án chính sách cho chính phủ. Một trong những bước quan trọng trong chu trình chính sách là xác định vấn đề chính sách. Xác định đúng vấn đề của chính sách là tiền đề và cơ sở để có thể đề xuất được phương án chính sách hợp lý. Hiện nay, các vấn đề chính sách mang tính đa chiều, phức tạp và có sự thay đổi thường xuyên theo môi trường tác động. Do đó, nếu chỉ dựa vào năng lực của cơ quan hoạch định chính sách sẽ là chưa đủ. Việc tham gia phân tích vấn đề chính sách có vai trò quan trọng giúp chính phủ xác định đúng vấn đề chính sách công. Thêm vào đó, trong các bước tiếp theo trong chu trình chính sách đều cần có sự tham gia của hoạt động tư vấn chính sách như việc hình thành chính sách (cân nhắc các mục tiêu chính sách, phương tiện thực hiện chính sách, hình thức thể hiện chính sách), xây dựng chính sách (xác định các bên liên quan, vai trò, trách nhiệm của từng bên liên quan), thực hiện chính sách (xem xét các bước triển khai chính sách), đánh giá thực hiện chính sách (đánh giá tác động của chính sách đối với các bên liên quan, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách,...)

Thứ ba, tổ chức đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng công chức, nhà hoạch định chính sách, xây dựng mạng lưới tư vấn chính sách. Trong một bài viết trên báo Nhân dân đại biểu số 265 ra ngày 21/9/2016 có bài viết nhằm hướng tới mục tiêu: Quốc hội và Hội đồng nhân dân: gắn kết – đổi mới – hành động với tiêu đề “Ai bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND)?”. Trong đó, tác giả nêu ra thực trạng hiện nay là đại đa số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm. Sau mỗi nhiệm kỳ, khoảng 2/3 tổng số đại biểu sẽ được bầu mới nên có nhiều vấn đề thuộc về kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động nghị trường đối với các đại biểu này hầu như là chưa có. Đặc biệt, HĐND các địa phương có nhu cầu lớn trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND. Nhu cầu này xuất phát từ thực tế mảng công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu lâu nay vẫn bị bỏ trống, không cơ quan nào được giao chủ trì. Thông thường, Bộ Nội vụ chỉ tổ chức một khóa tập huấn đầu nhiệm kỳ để giới thiệu thổng quan những kiến thức cơ bản về tổ chức, hoạt động của HĐND. Như vậy là chưa đủ chuyên sâu về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý, kỹ năng phân tích, hoạch định và đánh giá chính sách. Việc nâng cao kỹ năng “làm” chính sách cũng là một phần quan trọng của công tác tư vấn chính sách. Xây dựng và phát huy nền tảng hơn 15 năm về nghiên cứu và đào tạo chính sách, Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng với Viện Rosa Luxemburg, Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức 03 khóa tập huấn về đào tạo giảng viên lĩnh vực chính sách và quản lý. Thành quả của các khóa tập huấn là tạo ra được một mạng lưới liên kết các giảng viên đang trực tiếp tham gia và quan tâm các chương trình đào tạo về chính sách, các cán bộ quản lý chương trình đào tạo, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học, học viện tại địa bàn Hà Nội. Thêm vào đó, Khoa Khoa học Quản lý - Trường ĐHKHXH&NV có các nội dung môn học liên quan đến chính sách như: Khoa học Chính sách, Chính sách KH&CN, Lý thuyết Quyết định…có các nội dung liên quan đến công tác tư vấn chính sách. Đồng thời, Khoa có chuyên ngành Chính sách công với chương trình đào tạo đại học và sau đại học (Thạc sĩ) đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực tư vấn chính sách công chất lượng cao, chuyên nghiệp. Trong khoảng gần 20 nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN có tới 04 nhóm có liên quan đến chính sách như Nghiên cứu chính sách và quản lý Nghiên cứu về Luật Hiến pháp-Hành chính, Nghiên cứu về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam. Những nhóm nghiên cứu này có vai trò nòng cột trong các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách (theo đặt hàng) và tư vấn chính sách (trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển).

Một số đề xuất nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước

- Tạo lập môi trường cho các hoạt động tư vấn chính sách: Các đơn vị tạo các điều kiện để tham gia hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo chính sách công bằng cách đổi mới cơ chế, chính sách để phát triển các loại hình Think Tank.

- Tuân thủ các nguyên tắc trong tư vấn chính sách: Công việc tư vấn chính sách cần được thực hiện độc lập, không lấy lợi nhuận làm mục đích hoạt động, không đại diện cho lợi ích của bất cứ nhóm ngành hay khu vực nào. Dù có thể tiếp nhận sự trợ giúp kinh phí của chính phủ hay nhóm xã hội nào đó, nhưng cần đảm bảo tính độc lập, khách quan về nội dung chuyên môn trong nghiên cứu.

- Xây dựng mạng lưới tư vấn chính sách: việc xây dựng mạng lưới tư vấn chính sách dựa trên cơ sở những mối quan hệ thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển. Việc thành lập mạng lưới này không chỉ đơn thuần là việc trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các cá nhân, đơn vị mà còn tạo dựng một tổ chức tư vấn lớn, đa ngành. Có thể nhân rộng mô hình TOT – Training for Trainers để thúc đẩy và mở rộng mạng lưới nghiên cứu và đào tạo về chính sách. Thêm vào đó, việc hình thành và tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh về nghiên cứu chính sách cũng góp phần tạo nên các sản phẩm tư vấn chính sách.

- Mở rộng hình thức/phạm vi/đối tượng tư vấn: với sức mạnh của công nghệ thông tin trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay thì việc mở rộng hình thức tư vấn “trực tiếp” sang tư vấn “trực tuyến” sẽ nâng cao khả năng tiếp cận chính sách với tốc độ nhanh, nhận được nhiều tư vấn, phản biện chính sách cùng một lúc và khả năng phổ quát của thông tin cũng mạnh hơn. Thêm vào đó, các cá nhân, tổ chức phát triển hoạt động tư vấn chính sách với nhiều cấp độ: quốc tế, khu vực, quốc gia, vùng, địa phương song hành với việc mở rộng đối tượng tư vấn sẽ góp phần lan tỏa hiệu quả cũng như hiệu ứng từ hoạt động này trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 - Đa dạng hóa các hình thức tương tác giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các cá nhân/tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách. Bên cạnh hình thức tương tác và trao đổi có tính chất gián tiếp, các cơ quan hoạch định chính sách có thể tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến, hội thảo khoa học, hội nghị tư vấn...có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau.

- Các cá nhân, tổ chức tăng cường xây dựng năng lực tư vấn chính sách của mình. Điều này được thể hiện thông qua việc:

+ Chủ động phát hiện, phân tích, đánh giá những vấn đề chính sách, những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội của quốc gia

+ Đề xuất các cơ sở lý luận, giải pháp/phương án hoạch định và thực thi chính sách. Đặc biệt, chú trọng vào những kiến nghị mang tính “dẫn dắt”, “dẫn đầu”.

+ Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có khả năng tư vấn và phản biện chính sách;

+ Chú trọng đầu tư cho các tổ chức “Think Tank”, các nhóm nghiên cứu mạnh về chính sách và quản lý

+ Xây dựng và mở rộng mạng lưới tư vấn chính sách (bao gồm các chuyên gia nước ngoài) thông qua các hoạt động hợp tác phát triển

+ Mỗi đơn vị/tổ chức tư vấn cần tập trung vào lĩnh vực sở trường và thế mạnh, xác định rõ các định hướng giá trị và lĩnh vực ảnh hưởng của mình.

- Các tổ chức, cá nhân tư vấn chính sách tập trung vào ”4 M’s”[2]: Mission (coi việc tư vấn chính sách là một nhiệm vụ); Market (lấy thị trường – nhu cầu từ cơ quan quản lý, từ thực tiễn đời sống làm trung tâm trong các hoạt động tư vấn), Manpower (coi nguồn nhân lực tư vấn chính sách chất lượng cao là hạt nhân duy trì và phát triển của tổ chức) và Money (cần có kinh phí, cần có sự đầu tư thỏa đáng để đảm bảo kết quả hoạt động tư vấn chính sách).

Kết luận

Việc các quốc gia đang phải chịu các tác động từ toàn cầu hóa, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế đã thúc đẩy việc ra đời các quyết định chính sách. Ngay cả các cá nhân, tổ chức tư vấn chính sách cũng đang trong ”vòng quay” của ”04 điểm hơn”: nhiều vấn đề hơn, nhiều thành phần hơn, nhiều cạnh tranh hơn và nhiều xung đột hơn. Điều này tạo nên các thách thức về nguồn lực cũng như công nghệ đối với các tổ chức tư vấn chính sách. Hoạt động tư vấn chính sách, đặc biệt là các chính sách quốc gia đã được các cá nhân, tổ chức tư vấn chính sách nói chung và ĐHQGHN nói riêng chú trọng đầu tư và phát triển. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận và khẳng định được thương hiệu, uy tín của ĐHQGHN – đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, một ”hub” trong nghiên cứu chính sách và quản lý.

>>> Link tin liên quan:

-[Infographic] Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025

-Vị thế và Trách nhiệm Quốc gia

-Đảng viên trẻ, những kỳ vọng và tự hào

 

 

 Gia Lộc
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :