Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >   Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI
Đẩy mạnh đào tạo tài năng tại ĐHQGHN dưới góc nhìn thực tiễn
Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài tham luận với chủ đề “đầy mạnh đào tạo tài năng tại ĐHQGHN dưới kinh nghiệm thực tiễn của trường ĐH Khoa học Tự nhiên”. Bài tham luận được trình bày tại Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020-2025 được tôt chức tại Hà Nội trong 2 ngày 15 và 16/8/2020.

 

Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng (CNKHTN) được ra đời tại Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN vào năm 1997 đã khởi đầu một trào lưu giáo dục mới về đào tạo sinh viên trình độ cao trong khắp cả nước vào cuối những năm 1990 và đầu thập kỷ 2000-2010. Trải qua chặng đường hơn 20 năm phát triển, hệ đào tạo CNKHTN luôn khẳng định sứ mệnh trọng đại, đáng tự hào là "kho báu" nhân lực xuất sắc, nơi đào tạo "những viên ngọc sáng" trong khoa học cơ bản cho Việt Nam và thế giới, và trở thành một trong những điểm sáng trên hành trình đưa Trường ĐHKHTN trở thành một đại học nghiên cứu tiên tiến cũng như một đặc sản nhằm thu hút các học sinh năng khiếu, xuất sắc theo học các ngành khoa học cơ bản.

Đột phá trong công tác đào tạo của ĐHQGHN

Năm 1997, khi nhìn thấy nguy cơ thiếu hụt đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản cả về số lượng và chất lượng của nước nhà, Trường ĐHKHTN đã đề xuất với ĐHQGHN về đề án đào tạo CNKHTN, mở ra một hướng mới trong bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Chương trình đào tạo đặt 3 mục tiêu: xây dựng một mô hình đào tạo tài năng trẻ tuổi mới ở Việt Nam, tạo bước đột phá tiếp cận chất lượng quốc tế; thu hút những học sinh năng khiếu, xuất sắc theo học các ngành khoa học cơ bản; cung cấp cán bộ khoa học cơ bản kế cận, bổ sung cho ĐHQGHN và các trường đại học, viện nghiên cứu lớn khác.

Bám sát mục đích đó, suốt hơn 20 năm qua, các lớp CNKHTN được Nhà trường chú trọng đầu tư chiều sâu, trở thành cái nôi đào tạo trí thức tài năng thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ mũi nhọn. Sinh viên của Hệ được đầu tư gấp gần 4 lần so với sinh viên hệ chuẩn; có sự hỗ trợ tốt nhất về cơ sở vật chất, giảng viên; nhận học bổng cao hơn mức trung bình suốt 4 năm học; ưu tiên ký hợp đồng làm giảng viên khi ra trường; xét chuyển tiếp nghiên cứu sinh và nhiều quyền lợi khác. Đặc biệt, Hệ áp dụng công nghệ giảng dạy, học tập tiên tiến, chương trình đào tạo CNKHTN thiết kế cho những sinh viên xuất sắc, tiếp cận và đáp ứng phù hợp 80% các môn học trong chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến, trong nhóm 100 trường đại học xếp hạng cao nhất thế giới.

Trường đã tập hợp được đội ngũ tâm huyết gồm các giáo sư giỏi, nhiều kinh nghiệm giảng dạy, các nhà khoa học có uy tín với trình độ chuyên môn cao cùng tham gia đào tạo CNKHTN. Một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới, từng đạt giải Nobel đã đến thăm, gặp gỡ, trao đổi với sinh viên các khóa CNKHTN của Trường ĐHKHTN. Ngoài ra, Hệ thường xuyên tổ chức các bài giảng đại chúng, mời các giáo sư đầu ngành giới thiệu về những hướng nghiên cứu và thành tựu mới trong KH&CN cho sinh viên. GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, khẳng định: "Hệ đào tạo CNKHTN của Trường ĐHKHTN đã góp phần cứu ngành Toán học khỏi thảm cảnh bị tan rã tại Việt Nam vào những năm chuyển tiếp sang thiên niên kỷ. Nhờ Hệ ra đời mà nhiều em có năng lực Toán thật sự đã theo đuổi học Toán sau khi tốt nghiệp phổ thông".

Ngay từ khi bắt đầu, hệ CNKHTN là nơi thu hút và tiếp 2. Công tác đào tạo ở các chương trình CNKHTN

tục đào tạo các học sinh đạt giải học sinh giỏi QG, Olympic QT hoặc kết quả cao trong kì thi TS. Hàng năm đều có 6-8 học sinh đạt giải QT, 25-30 SV đạt giải học sinh giỏi QG (chiếm khoảng 55-60% chỉ tiêu) đăng kí vào các chương trình CNKHTN Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Việc xét tuyển vào chương trình CNTN được thực hiện sau khi nhập học và dựa vào thành tích học tập. Điểm hấp dẫn của các CTĐT CNKHTN nằm ở chương trình đào tạo nâng cao, đội ngũ cán bộ giảng dạy là các GS, PGS, TS trình độ quốc tế, và chính sách học bổng dành riêng. Đặc biệt, sinh viên hệ này có điều kiện tiếp xúc với các GS nước ngoài đến thỉnh giảng, có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi hay học sau đại học tại các trường đại học tiên tiến. Bên cạnh chương trình đào tạo được thiết kế nâng cao (nhiều học phần tương đương bậc sau đại học), sinh viên các CTĐT CNKHTN còn được sớm tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên đã đạt giải cao trong hội nghị khoa học sinh viên các cấp, thậm chí một số em có công trình công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín ngay khi còn là sinh viên đại học.

Trong giai đoạn 2008-2012, các CTĐT tài năng được tích hợp phần lớn cùng với các chương trình tiên tiến (Toán học, và Hoá học) và các chương trình đạt chuẩn quốc tế (Vật lý, và Sinh học) với khung chương trình và chương trình chi tiết dựa trên chương trình của các trường đối tác Hoa Kỳ và chuẩn đầu ra của ĐHQGHN trong khuôn khổ Nhiệm vụ chiến lược. Việc tích hợp này có ưu điểm là năng lực tiếng Anh của sinh viên được nâng cao rõ rệt, sinh viên có điều kiện tiếp xúc với giáo sư thỉnh giảng và học liệu của các trường đại học tiên tiến. Tuy nhiên, việc học bằng tiếng Anh cũng ảnh hưởng đến việc học và dạy các kiến thức chuyên ngành (lịch trình học tập bị thay đổi do phải học ngoại ngữ tăng cường, trong giai đoạn đầu sinh viên còn thiếu kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành). Từ khoá QH.2013.T, sinh viên CTĐT tài năng lại được tổ chức theo lớp riêng theo ngành đào tạo và ngôn ngữ giảng dạy hầu hết là tiếng Việt.

Hiện nay có 04 CTĐT CNKHTN: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học; 04 CTĐT CLC: Địa lí tự nhiên, Khoa học môi trường, Khí tượng học và Địa chất học. Tổng số sinh viên: 320 SV, trong đó có 67 SV khóa QH 2019.

Sự nghiệp xán lạn sau cánh cửa đại học

Với trình độ ngang tầm quốc tế, nhiều cựu sinh viên được công nhận kết quả học tập và nhận học bổng và tài trợ để làm tiến sĩ, sau tiến sĩ ở nước ngoài. Cộng với sự giới thiệu của lãnh đạo, giảng viên Trường, cựu sinh viên Hệ đào tạo CNKHTN đã giành được học bổng sau đại học tại các trường danh tiếng trên thế giới, như: ĐH Harvard, ĐH Stanford, ĐH Princeton, Học viện Công nghệ Massachusett, Học viện Công nghệ California, ĐH Cambridge, ĐH Oxford (Anh), ĐH Tokyo, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), ĐH Melbourne, ĐH New South Wales, ... Năng lực của họ được các giáo sư trực tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ đánh giá rất cao. Sau đó, họ dễ dàng có được vị trí làm việc tốt ở nước ngoài hoặc trở về Việt Nam công tác. Điều đặc biệt, dù làm việc ở nước ngoài thì cựu sinh viên của Hệ vẫn liên hệ chặt chẽ với đồng nghiệp trong nước để cộng tác nghiên cứu, đóng góp cho nền khoa học-công nghệ cũng như giải quyết các vấn đề thực tiễn của nước nhà.

Ở trong nước, rất nhiều sinh viên hệ CNKHTN sau khi tốt nghiệp được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại Trường ĐHKHTN. Hiện nay có hơn 30 cựu sinh viên đang là cán bộ giảng dạy, nhà khoa học trẻ xuất sắc của Trường. Nhiều cựu sinh viên được các trường ĐH, viện NCKH, cơ quan, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau rộng mở cửa chào đón. Nhà tuyển dụng đánh giá rất cao sinh viên tốt nghiệp của Hệ bởi kiến thức sâu, rộng, khả năng nghiên cứu khoa học xuất sắc, khả năng giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, kỹ năng giao tiếp tốt, đáp ứng yêu cầu đa dạng của họ. Nói như GS. Lê Tuấn Hoa: "Dù học đại học hoàn toàn trong nước, thậm chí cả làm thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh trong nước, nhưng sau đó các em tốt nghiệp Hệ CNKHTN vẫn phát triển tốt: bảo vệ tương đối nhanh luận án tiến sĩ và nhận được việc làm tốt. Nếu biết phát huy và làm bài bản hơn, tôi tin Hệ sẽ tạo ra nhiều tài năng lớn trong tương lai".

Khó khăn và hạn chế đang gặp phải

Mặc dù trong 2-3 năm gần đây, kinh phí hỗ trợ đào tạo sinh viên CNKHTN được tăng cường nhưng mới đáp ứng được yêu cầu cơ bản và phần lớn được chi cho việc cấp học bổng khuyến khích cho sinh viên. Mức học bổng khuyến khích (khoảng 1 triệu/ tháng) chưa thu hút được các sinh viên giỏi.

Mức thù lao giảng dạy tăng rất ít so với thời điểm bắt đầu chương trình hơn 20 năm trước; chưa có nguồn kinh phí đầu tư phát triển đồng bộ các trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực tập, nghiên cứu.

Trình độ ngoại ngữ của sinh viên không đồng đều, gặp khó khăn trong việc nghiên cứu và học tập các học phần bằng tiếng Anh hoặc khi có sự tham gia của các giảng viên nước ngoài hay tham gia các chương trình trao đổi.

Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích sinh viên và giảng viên tham gia CNKHTN nhằm động viên và thu hút các sinh viên và cán bộ giỏi để lấy lại cũng như phát huy thương hiệu cử nhân tài năng như trong giai đoạn 10 năm đầu tiên khi có đề án.

Kiến nghị và đề xuất để chương trình đào tạo tài năng được tăng cao

KINH PHÍ: Xây dựng đề án phát triển chương trình đào tạo tài năng; Tìm kiếm các nguồn kinh phí khác từ quỹ, tổ chức tư nhân/nước ngoài.

CƠ CHẾ: Cần có cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt cho sinh viên và giảng viên; cho phép công nhận tín chỉ đối với một số học phần nâng cao khi học sau đại học đúng ngành tại Trường ĐHKHTN;

PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: Xây dựng phương thức thí điểm đào tạo tài năng theo hướng cá thể hóa. Chương trình cần được thiết kế mềm dẻo, linh hoạt, tận dụng sự ưu việt của phương thức đào tạo tín chỉ, tạo sự liên thông cũng như thúc đẩy việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.

ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN: Bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên. Ưu tiên chủ trì đề tài, đi trao đổi ở nước ngoài.

QUỐC TẾ HÓA: Nâng cao hình ảnh và thương hiệu; Trao đổi sinh viên hai chiều; Giảng viên nước ngoài.

TỔ CHỨC & QUẢN LÝ: Xây dựng cơ chế quản lý hợp lý và phân công công việc rõ ràng để có sự phối kết hợp hiệu quả giữa Ban điều hành Hệ CNKHTN, các phòng ban chức năng, và các Khoa.

Mô hình cử nhân tài năng, kĩ sư tài năng đã được nhân rộng ở các trường đại học chuyên sâu về khoa học và công nghệ trong nước như trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM,… và đã chứng tỏ được sự thành công trong công tác đào tạo nhân tài. Mô hình CTĐT tài năng hoàn toàn có thể và rất nên được nhân rộng trong ĐHQGHN ở những lĩnh vực khác cũng rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, luật, kinh tế, vv. Các chương trình đào tạo tài năng cũng cần được sự quan tâm hơn nữa để có thể thực sự là nét nổi bật trong công tác đào tạo, góp phần đưa thứ hạng của ĐHQGHN tăng cao hơn nữa trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Lịch sử phát triển chương trình đào tạo tài năng tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

10/06/1997: Hệ Đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng được thành lập.

9/1997: Khai giảng Khoá K1 với 40 sinh viên.

Trong hơn 10 năm hình thành và phát triển 1997-2008, Hệ đã thu hút được rất nhiều học sinh đạt giải QG, QT; đào tạo được nhiều cử nhân chất lượng cao, tiếp tục học tiếp ở các bậc cao hơn ở trong nước và nước ngoài; và trở thành các nhà khoa học, giảng viên ở các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín…

2008-2012: CTĐT CNKHTN được lồng ghép trong hệ thống các CT NVCL của ĐHQG HN cùng với CTĐT Tiên tiến và CTĐT đạt chuẩn QT liên kết với các trường đối tác tại Hoa Kỳ.

Từ 2013: CTĐT CNKHTN lại được tổ chức riêng.

Hiện nay có 04 CTĐT CNKHTN: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học; 04 CTĐT CLC: Địa lí tự nhiên, Khoa học môi trường, Khí tượng học và Địa chất học. Tổng số sinh viên: 320 SV, trong đó có 67 SV khóa QH 2019.

Tuyển sinh:

Tuyển thẳng: SV đạt giải olympic quốc tế, quốc gia

Thi tuyển: 1997-2007: dựa vào thành tích học THPT và kết quả thi tuyển (Bài kiểm tra đánh giá chỉ số thông minh và chỉ số sáng tạo + Bài kiểm tra tự luận hiểu biết xã hội)

Xét tuyển: 2008-2013: dựa vào thành tích học THPT, kết quả thi TS đại học, và kết quả đánh giá trình độ tiếng Anh

Từ 2014: dựa vào thành tích học THPT, kết quả thi TS đại học (THPT QG) và thi đánh giá năng lực

Trung bình mỗi năm hệ thu hút 6-8 SV đã đạt giải QT, 25-30 SV đạt giải QG, chiếm khoảng 55-60% chỉ tiêu.

>>> Link tin liên quan:

-[Infographic] Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025

-Vị thế và Trách nhiệm Quốc gia

-Đảng viên trẻ, những kỳ vọng và tự hào

 

 Nhật Linh
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :