TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 08/02/2016 GMT+7
Phát triển đội ngũ thông qua đẩy mạnh hợp tác phát triển
Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà khoa học còn hạn chế, trong khi tiềm lực hợp tác của ĐHQGHN và nhu cầu của các đối tác rất lớn, đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển là giải pháp quan trọng để phát triển đội ngũ các nhà khoa học. Thông qua cơ chế đặt hàng hợp tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao tri thức từ các đối tác, năng lực phát hiện vấn đề, đề xuất, nghiên cứu và đóng gói chuyển giao của các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu, các đơn vị sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Thay đổi cách tiếp cận về hoạt động hợp tác phát triển

Cùng với công tác điều chỉnh, sắp xếp lại và phát triển cơ cấu tổ chức của các đơn vị giai đoạn I, chức năng, nhiệm vụ về hợp tác quốc tế, đối ngoại trong toàn ĐHQGHN được điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Giám đốc ĐHQGHN đã chỉ đạo rõ về mục tiêu của hoạt động hợp tác là để phát triển các đối tác, phát triển năng lực và phát triển nguồn thu. Tại cấp ĐHQGHN, Ban Quan hệ Quốc tế được điều chỉnh thành Ban Hợp tác và Phát triển. Tại các đơn vị, cơ cấu tổ chức bộ máy từng bước được hoàn thiện, chức năng, nhiệm vụ hợp tác phát triển được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và tiềm lực phát triển của đơn vị, bộ phận hợp tác phát triển được chuyên biệt hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xúc tiến hợp tác phát triển được quan tâm, đầu tư bài bản nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc ĐH Reykjavík Ari Kristinn Jónsson (Iceland) ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác tại Phủ Chủ tịch dưới sự chứng kiến của Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Bên cạnh việc kế thừa và tiếp nối các kết quả hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống, ĐHQGHN thúc đẩy mở rộng hợp tác trong nước một cách toàn diện và mạnh mẽ từ Chính phủ, cơ quan quản lý các cấp đến các địa phương và doanh nghiệp. Hợp tác được triển khai theo cơ chế đặt hàng, hợp đồng, thỏa thuận theo hướng hai bên cùng có lợi, góp phần đẩy mạnh chuyển giao tri thức theo các trục lớn gắn với lợi thế của ĐHQGHN là tư vấn chính sách (kinh tế - xã hội), chuyển giao và ứng dụng KHCN, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục/đào tạo. Có thể nói, hoạt động hợp tác phát triển đã trở thành giải pháp quan trọng để phát triển đội ngũ các nhà khoa học, thông qua hoạt động này, các nhà khoa học có cơ hội tiếp cận thông tin, tiếp cận nhu cầu, tiếp cận thị trường, tiếp cận các điều kiện sinh thái cụthểvà khai thác được các nguồn lực hỗ trợ.

Với thế mạnh là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, ĐHQGHN đã có những bước đi đột phá về đổi mới, về cải cách trong nhiều mảng lĩnh vực hoạt động để từng bước hoàn thiện mô hình đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến. Dấu ấn trong việc đổi mới quản lý các hoạt động là quan điểm về quản trị chiến lược đại học; trên tinh thần tin tưởng và gắn kết các hoạt động chung của ĐHQGHN với các nhà khoa học để vừa lấy nhà khoa học làm điểm tựa, vừa thúc đẩy các nhà khoa học phát triển, đổi mới, sáng tạo trong môi trường học thuật tiên tiến. Các nhà khoa học thường xuyên được tăng cường đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp cận nhanh với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, 63 tỉnh thành, các doanh nghiệp và các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Thông qua việc đáp ứng nhu cầu của đối tác, các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN hợp tác với nhau, trao đổi về chuyên môn, kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra các giải pháp vàxây dựng kế hoạch nhiệm vụ phù hợp, qua đó phát triển năng lực nghiên cứu, năng lực thực tiễn, năng lực triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Một số điểm sáng ban đầu

Năm 2015 tiếp tục được đánh dấu với những thành công đến từ nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của ĐHQGHN, trong đó phải kể đến các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo và chính khách nước ngoài như: Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius (6/3/2015); Phó Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Seko Hiroshige (11/4/2015); Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson (4/11/2015); Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cuba Herminio López Díaz và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga Vnukov Konstantin Vasilievich (30/11/2015).v.v.; các thỏa thuận hợp tác quan trọng với các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín đến từ Nhật Bản (xây dựng các chương trình đào tạo thạc sĩ của VJU), Italia (hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực môi trường, năng lượng, biến đối khí hậu, y tế,..), Đài Loan (hợp tác đào tạo, nghiên cứu các lĩnh vực du lịch, khách sạn, phật học, công nghệ sinh học, y dược).v.v.; phối hợp với Đại học Quốc gia Seoul và UBND tỉnh Quảng Ninh tổchức thành công diễn đàn các đại học châu Á- AUF với chủ đề “Tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững và hài hòa”...

Trong năm qua, thông qua một số chương trình hợp tác quốc tế, các hoạt động ứng dụng, chuyển giao, kết nối cung cầu giữa ĐHQGHN với các đối tác trong nước được thúc đẩy mạnh, bước đầu đã đạt được một số thành tựu nhất định, cụ thể như: chương trình hợp tác của Viện Vi Sinh vật & Công nghệ Sinh học và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên với Bỉ tạo ra các sản phẩm có thể chuyển giao với doanh nghiệp (thức ăn chăn nuôi, men vi sinh), với địa phương (thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ bảo quản sạch); đề xuất hợp tác với Quỹ USAID (Hoa Kì) gắn với phát triển nhân lực lãnh đạo các tỉnh miền núi; hợp tác của Trường Đại học Kinh tế với Úc tạo nền chuyển giao về đào tạo khởi nghiệp cho Nghệ An.v.v. Mô hình hợp tác hiệu quảnày trong thời gian tới rất cần được nhân rộng, hợp tác quốc tế trong KH&CN là cách tốt nhất để đưa các nghiên cứu khoa học tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, các nhà khoa học của ĐHQGHN kết nối với cộng đồng khoa học toàn cầu và đặc biệt là thu hút được các nguồn lực quốc tế để giải quyết các bài toán đặt ra với địa phương, doanh nghiệp.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cùng ký kết biên bản hợp tác (tháng 12/2015)

Hoạt động chuyển giao tri thức gắn với hợp tác địa phương, doanh nghiệp bước đầu đi vào quy lát và đạt được kết quả đáng khích lệ. Quy trình hợp tác với các đối tác trong nước được thực hiện theo các bước rất bài bản: lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo đối tác thống nhất chủ trương nguyên tắc, các nhà khoa học và đối tác (các sở, ban, ngành, doanh nghiệp thuộc địa phương) đề xuất và thống nhất nội dung hợp tác, xúc tiến hội nghị trao đổi và ký kết hợp đồng hợp tác, tổ chức triển khai và theo dõi, đánh giá, tổng kết. Trong năm 2015, ĐHQGHN ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020 với các đối tác như: Lào Cai (xác định được 18 nhiệm vụ hợp tác trong đó có 3 hợp đồng ký kết triển khai trong 2016), Nghệ An (ký kết 8 nhiệm vụ triển khai trong năm 2016), PVN (01 đề tài của Trường Đại học Khoa học Tựnhiên đã được duyệt), BIDV (hỗ trợ chương trình nghiên cứu về gen và về giáo dục), Viettel (nghiên cứu về cảm biến hồng ngoại), chuyển giao khung năng lực lãnh đạo quản lý cho Hà Giang, Sơn La, Lào Cai và một số bộ ngành có liên quan, đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo cấp sở, huyện cho Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Cao Bằng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ...  Dự kiến trong năm 2016, ĐHQGHN tiếp tục đẩy mạnh thỏa thuận hợp tác với 12 tỉnh trọng điểm; trong quý I sẽ xúc tiến hội nghị ký kết hợp tác với Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Nai, Thái Bình.

Đẩy mạnh hỗ trợ các nhà khoa học triển khai các nhiệm vụ HTPT

Hỗ trợ thúc đẩy cán bộ giảng viên tham gia đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ HT&PT là một trong những giải pháp trọng tâm của Đề án Phát triển đội ngũ nhà khoa học, quản lý trình độ cao của ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2015, hoạt động này đã được triển khai một cách bài bản, đa dạng và có tính hội nhập cao. Thực hiện chủ chương của Ban Giám đốc, việc phát triển các sản phẩm KH&CN được định hướng theo 03 nhóm sản phẩm chính: nghiên cứu cơ bản; chuyển giao, ứng dụng; và sản phẩm đỉnh cao. Vì vậy, quan điểm tiếp cận - cấu trúc và cơ chế thực hiện nhiệm vụ HT&PT cũng được đổi mới, phân theo định hướng sản phẩm hợp tác, đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để các nhà khoa học dễ dàng triển khai các nhiệm vụ.

Trong kỳ họp tháng 12/2015, Hội đồng ĐHQGHN cũng đã thống nhất ban hành Quyết nghị về việc thực hiện cơ chế, chính sách trọng dụng với các nhà khoa học trình độ cao. Theo đó, nhà khoa học trình độ cao được ưu tiên đầu tư và hỗ trợ để tạo ra các sản phẩm KH&CN đỉnh cao, có thể chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ĐHQGHN khuyến khích các nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu ứng dụng trình độ cao chủ động gắn kết hợp tác quốc tế với hợp tác trong nước, mở rộng và phát triển hướng nghiên cứu gắn với chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Hỗ trợ hợp tác chặt chẽ với các cơ sở KH&CN uy tín ở nước ngoài, nhập khẩu công nghệ, “đi tắt, đón đầu” và làm chủ công nghệ và đưa nó thành bản sắc riêng của ĐHQGHN.

Phát triển nhóm sản phẩm có khả năng ứng dụng và chuyển giao, trực tiếp Giám đốc đã có nhiều chỉ đạo sát sao và được triển khai đồng bộ theo nhiều kênh, tuyến, phương thức khác nhau. Ban HTPT, KH&CN, CLB Nhà khoa học đã triển khai rất tích cực nhiệm vụ này, góp phần thiết thực hỗ trợ các nhà khoa học tiếp cận được thông tin đặt hàng, nhu cầu của đối tác một cách nhanh chóng, công khai, hiệu quả và tháo gỡ được nút thắt của rào cản hành chính, bước đầu hoạt động này đã có sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng các nhà khoa học của ĐHQGHN. Nhiều nhà khoa học, nhóm nghiên cứu bắt đầu xuất hiện và tham gia sâu vào các hoạt động hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp như: nhóm nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực (Trường ĐH Kinh tế, Trung tâm Dự báo và Phát triển Nguồn nhân lực); nhóm nghiên cứu phát triển giáo viên, giảng viên (Trường ĐH Ngoại ngữ và ĐH Giáo dục); nhóm nghiên cứu về quản trị chất lượng đại học (Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục); Các nhóm nghiên cứu về phát triển du lịch như: nghiên cứu và chuyển giao công nghệ 3D, công nghệ ảnh 3600 (Trường Đại học Công nghệ), nhóm nghiên cứu mô hình quản lý du lịch theo GIS (Trường ĐH KHTN), nhóm nghiên cứu chính sách và phát triển (Trường ĐH KHXH&NV); các nhóm nghiên cứu về mô hình sinh kế, cộng đồng dân cư (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH KHXH&NV); các nhóm nghiên cứu về chuỗi giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; các nhóm nghiên cứu về lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng như: nhóm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hỗ trợ chẩn đoán bệnh sớm (Trường ĐH Công nghệ), nghiên cứu bệnh lạ, bệnh hiếm gặp (Viện VSV&CNSH), nghiên cứu thuốc (Khoa Y Dược); các nhóm nghiên cứu về ứng  dụng CNTT trong quản lý hành chính công, nghiên cứu ứng dụng phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường (Trường ĐH Công nghệ)...

Nhiều đề xuất nhiệm vụ hợp tác được các đối tác quan tâm, đánh giá cao và được thể hiện qua các văn bản ký kết hợp tác MOU giữa ĐHQGHN và các đối tác. Giai đoạn tiếp theo, với những đề xuất hợp tác nghiên cứu có tính khả thi cao, ĐHQGHN khuyến khích để các nhóm nghiên cứu phát triển thành các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao, các doanh nghiệp KH&CN, vận hành theo cơ chế 115, ĐHQGHN hỗ trợ khởi nghiệp trong 1-2 năm đầu vận hành, đánh giá hiệu quả và dần dần “cai sữa”.

Nhìn về tương lai

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải luôn được đặt trong tổng thể của nguồn nhân lực chung với các yêu cầu đồng bộ về: số lượng, chất lượng, cơ cấu theo lĩnh vực, mục tiêu chiến lược... Để đổi mới thành công, phát triển tổ chức phải đi liền với phát triển đội ngũ. Năm 2016, lãnh đạo ĐHQGHN tiếp tục trao gửi niềm tin cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ thông qua các hoạt động: xúc tiến hợp tác nghiên cứu về đào tạo, KH&CN với các đối tác trong nước và nước ngoài thông qua các đề xuất từ các NKH; khởi tạo và tìm kiếm các nhóm nghiên cứu tiềm năng để phát triển thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc phục vụ phát triển ĐHQGHN; thu hút mọi nguồn lực để đầu tư cho các nhóm nghiên cứu hướng tới khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, các sản phẩm KH&CN có khả năng thương mại và chuyển giao để có sản phẩm bản sắc của ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN có kế hoạch tìm kiếm và chọn lọc các nhà khoa học có năng lực để bồi dưỡng, đào tạo thành các nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo quản lý cấp chiến lược, đủ năng lực lãnh đạo các nhóm nghiên cứu mạnh nghiên cứu giải quyết các vấn đề lớn của đất nước.

 Phó Giám đốc Lê Quân - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ