TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 09:58:22 Ngày 05/04/2019 GMT+7
Hướng tới thương mại hóa sản phẩm trạm thu di động tín hiệu truyền hình vệ tinh ứng dụng trên tàu biển đầu tiên tại Việt Nam
Lần đầu tiên tại Việt Nam có một đơn vị triển khai nghiên cứu phát triển sản phẩm thương mại hóa trạm thu di động tín hiệu truyền hình vệ tinh ứng dụng trên tàu biển. Đây là đề tài khoa học và công nghệ cấp ĐHQGHN do Trường ĐH Công nghệ chủ trì và Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Micro – Nano triển khai thực hiện. Vừa qua, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Giám đốc Phòng Thí nghiệm, chủ nhiệm đề tài cùng các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và đơn vị phối hợp là Viện Điện – Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã tới kiểm tra công tác chạy thử sản phẩm tại thị trấn Cát Bà, Hải Phòng.

Trên thế giới hiện nay, hệ thống thông tin vệ tinh hiện nay đã phát triển rất mạnh, mang lại khả năng ứng dụng tín hiệu vệ tinh cho mục đích thông tin hoặc giải trí (truyền hình, phát thanh) thậm chí cả mục đích an ninh, quốc phòng. Các sản phẩm trạm thu thông tin vệ tinh, đặc biệt là thông tin truyền hình trên tàu biển đã được thương mại hóa rộng rãi trên thế giới và ngày càng phát triển, đạt đến độ hoàn chỉnh cao. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc sở hữu những thiết bị này không hề dễ dàng do giá thành cao cũng như khó khăn trong việc duy tu, bảo dưỡng. Mặc dù vậy, nhu cầu sử dụng các thiết bị thông tin truyền hình, phát thanh bằng tín hiệu vệ tinh tại nước ta là rất lớn, do đặc thù có bờ biển dài chạy dọc đất nước và có tới khoảng 130.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản đang hoạt động trên biển. Hạn chế lớn nhất của các phương pháp liên lạc truyền thống như sóng vô tuyến là chỉ có thể hoạt động ở khoảng cách ngắn, chính vì vậy các tàu đánh bắt xa bờ gặp nhiều trở ngại trong việc giữ liên lạc với đất liền. Điều này đặt ra yêu cầu nghiên cứu, làm chủ công nghệ và chế tạo thiết bị trạm thu tín hiệu vệ tinh trang bị cho tàu biển để tự sản xuất và cung cấp cho nhu cầu sử dụng trong nước.

Sản phẩm của nhóm nghiên cứu lần này được kế thừa từ những kết quả nghiên cứu của đề tài “Thiết kế và chế tạo trạm thu di động thông tin vệ tinh dựa trên sensơ từ trường độ nhạy cao ứng dụng trên tàu biển” mà Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã triển khai thực hiện trong khuôn khổ Chương trình KH&CN quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2013-2015.  Tuy nhiên, việc nghiên cứu hoàn thiện, tối ưu sản phẩm trạm thu di động tín hiệu truyền hình vệ tinh nhằm hướng tới thương mại hóa rông rãi mà Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Micro – Nano đang triển khai này chính là hướng đi mới hoàn toàn ở trong nước, chưa một đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp nào triển khai thực hiện. Sản phẩm này không chỉ đòi hỏi nghiên cứu đa ngành ở các lĩnh vực cảm biến, cơ khí tự động hóa, điện tử và mạch xử lý mà còn đòi hỏi độ chính xác cao của các kỹ thuật sử dụng.

Hệ thống chảo vệ tinh của sản phẩm trạm thu di động thông tin vệ tinh

Trạm thu di động này sử dụng hệ thống ba mô đun bám vệ tinh, sử dụng ăng ten chảo. Về cơ bản, tại buổi chạy thử, các chảo ăng ten này đã bám hướng vệ tinh chính xác khi tàu chuyển động trong thời tiết ổn định, duy trì được cường độ tín hiệu, thể hiện ổn định trên màn hình ti vi.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Giám đốc Phòng Thí nghiệm, chủ nhiệm đề tài cùng các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và đơn vị phối hợp là Viện Điện – Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội kiểm tra công tác chạy thử sản phẩm tại thị trấn Cát Bà, Hải Phòng.

Trong thời gian tới, nhóm đề tài đặt ra mục tiêu nghiên cứu cải tiến khắc phục các nhược điểm và hạn chế để hoàn thiện sản phẩm về cả mẫu mã công nghiệp cho ra đời một sản phẩm có thể thương mại hóa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ĐHQGHN và hướng đến thị trường trong nước với nhu cầu rất lớn hiện tại. Với tiêu chí kích thước nhỏ gọn, giá thành rẻ, dễ bảo trì, bảo dưỡng, thích ứng trong mọi điều kiện rung lắc và chuyển động khác nhau của tàu, thích ứng  làm việc trong điều kiện môi trường biển và khí hậu Việt Nam, hoạt động ổn định bám hướng vệ tinh Vinasat1 độ chính xác cao. Hệ thống này có thế mạnh là tận dụng được lợi thế nghiên cứu của nhóm nghiên cứu tại ĐHQGHN chuyên về lĩnh vực cảm biến độ nhạy, độ phân giải và độ chính xác cao kết hợp với nhóm nghiên cứu về cơ học, điều khiển và tự động hóa của trường bên cạnh với sự phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu tại Viện Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội đảm bảo tính khả thi của sản phẩm nghiên cứu.

 

Nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu sản phẩm thương mại hóa trạm thu di động tín hiệu truyền hình vệ tinh ứng dụng trên tàu biển

 

 Thùy Trang - Ảnh: Lan Anh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ