TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 02/12/2019 GMT+7
Thấu cảm - chìa khóa đồng hành cùng sinh viên
Ngày 29/11/2019, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm số 4 trong chuỗi tọa đàm về đổi mới phương pháp giảng dạy cho giảng viên tại ĐHQGHN.

Với mong muốn thúc đẩy một thế hệ sinh viên có khát vọng sống, lý tưởng sống, luôn sáng tạo, tích cực, chủ động và dũng cảm đón nhận mọi thách thức như những cơ hội để phát triển bản thân và cộng đồng…, Ths. Nguyễn Thị Hải Hà – giảng viên Trường ĐH Kinh tế và nhóm diễn giả từ Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN đã chia sẻ và lan tỏa giá trị mà họ nhận được từ khóa học VIBE đến nhiều giảng viên, sinh viên tại ĐHQGHN và điều thú vị là nhóm đã nhận được tiếng nói đồng cảm, sự cổ vũ nhiệt thành từ rất nhiều giảng viên khác trong cộng đồng giảng viên đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.

ThS. Nguyễn Thị Hải Hà chia sẻ tại tọa đàm

Nguồn cảm hứng cho Ths. Hải Hà và cộng sự thực hiện nghiên cứu về thấu cảm người học là khóa học Nhà giáo dục khởi nghiệp VIBE, cách gọi thân thương và ngắn gọn của dự án hợp tác đào tạo song phương giữa Việt Nam và Ireland. Ths. Hải Hà đã nhận được từ khóa học rất nhiều năng lượng tươi mới và mong muốn được chia sẻ, lan tỏa năng lượng đó đến đồng nghiệp, sinh viên của mình ngay khi bắt đầu học. Bên cạnh khóa học Nhà giáo dục khởi nghiệp, khóa học “Design Your life” ở đất nước Ireland xinh đẹp đã thể hiện một cách tiếp cận mới về cuộc đời với một hệ thống về những kỹ năng sống thông minh, từ kỹ năng xác định mục tiêu, xác định giá trị, cân bằng cuộc sống, lập kế hoạch chủ động và linh hoạt cho tương lai bất định… Tất cả những điều trên đã mang lại cho cô một nguồn cảm hứng để sống một cuộc đời giảng viên thú vị hơn, “yomost” hơn và mang lại nhiều giá trị hơn cho sinh viên của mình. Vậy cô nên bắt đầu từ đâu?   

Câu trả lời bắt đầu từ “Thấu cảm”. Thấu cảm được hiểu theo nghĩa của từ “Empathy” trong quy trình Design Thinking (Tư duy thiết kế), một phần kiến thức quan trọng mà các thầy cô giáo Ireland đã chia sẻ trong khóa học nhà giáo dục khởi nghiệp. Thấu cảm được hiểu là hãy nhìn bằng đôi mắt của người khác, lắng nghe bằng đôi tai của người khác và cảm nhận bằng trái tim của người khác. Những cách để thấu cảm như sau: Dấn thân trải nghiệm, Quan sát, Lắng nghe và Nghiên cứu. Quá trình thấu cảm nhằm tìm hiểu được những vấn đề, những nỗi khổ, niềm đau, những lợi ích, những mong muốn của đối tượng (Pains/Gains) từ đó có thể sáng tạo ra những ý tưởng làm xoa dịu, giải quyết vấn đề (Pains) hay thỏa mãn hơn, làm chất lượng hơn nữa những lợi ích (Gains) mà đối tượng đang được hưởng.

Thông qua bài trình bày “Thấu cảm sinh viên – khơi nguồn cảm xúc và những điều thú vị”, Ths. Nguyễn Thị Hải Hà đã chia sẻ những nội dung gợi mở về thấu cảm sinh viên, như lý do cần thấu cảm sinh viên? Ai là người cần thấu cảm sinh viên và thấu cảm sinh viên những khía cạnh nào? Một phần kết quả nghiên cứu của nhóm đã được chia sẻ tại tọa đàm, những kết quả tổng hợp từ 257 phiếu khảo sát sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN mở ra những thông tin đáng để nhà trường và các thầy cô lưu tâm như: (i) 5 vấn đề lớn nhất sinh viên gặp phải: mệt mỏi vào giờ học cuối buổi, không biết quản lý thời gian hiệu quả, mất định hướng mục tiêu trong cuộc sống, không rõ mình muốn gì, dùng điện thoại quá nhiều thời gian, tìm việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập; (ii) 5 mong muốn lớn nhất của sinh viên: Phát triển bản thân toàn diện, có kiến thức nghề vững chắc để xin được việc sau khi ra trường, mở rộng các mối quan hệ, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời của mình, có tấm bằng đại học để tham gia thị trường lao động bậc cao; và (iii) một số giải pháp hỗ trợ mà sinh viên mong muốn từ nhà trường: Thành lập/liên kết Trung tâm giới thiệu việc làm trong trường để hỗ trợ sinh viên tìm việc part time khi học và Fultime khi ra trường; thành lập các Ban Cố Vấn: Học tập, Định hướng nghề nghiệp, Tâm lý tình cảm để hỗ trợ cho sinh viên, Nhiều khóa học, buổi chia sẻ về kỹ năng sống, giá trị sống hơn trong chương trình của sinh viên…

Các cán bộ Khoa Các khoa học liên ngành

Nếu giảng viên Nguyễn Thị Hải Hà tập trung vào đối tượng sinh viên bậc đào tạo đại học thì nhóm cán bộ Khoa học liên ngành rất quan tâm đến đối tượng là học viên bậc sau đại học. Làm việc tại một đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức đào tạo các chương trình sau đại học có tính mới, tiên phong và liên ngành cao của ĐHQGHN, nhóm nhận thấy thấu cảm là một trong những chìa khóa cho sự thành công trong tổ chức đào tạo và là bước đà vững chắc cho thực hiện cá thể hóa người học.

Từ thực tiễn đào tạo trong nhiều năm vừa qua tại đơn vị, nhóm nhận thấy mục đích tham gia học tập ở bậc sau đại học không chỉ dừng lại ở việc có thêm bằng cấp, mà còn là nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng mạng lưới quan hệ. Đặc biệt với những chương trình đào tạo liên ngành, nơi tri thức được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau và người học đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì nhu cầu giao lưu, tri nhận những kiến thức cập nhật và thực tiễn càng trở nên hiện hữu. Nhận thức được vấn đề đó, Khoa Các khoa học liên ngành đã thiết kế và tổ chức học phần thực địa liên ngành. Học phần thực địa liên ngành có tiền đề là những chuyến thực tế tại các địa phương của từng học phần giúp người học trải nghiệm các vấn đề thực tế về biến đổi khí hậu, khoa học bền vững hay quản lý phát triển đô thị.

Qua khảo sát người học nhóm nhận thấy người học ở bậc sau đại học có một số đặc thù tương đối khác biệt so với đào tạo ở bậc cử nhân. Một bộ phận không nhỏ người học ở bậc thạc sĩ thường đang công tác và đã lập gia đình. Do đó, việc cân đối thời gian giữa học tập và làm việc là một trong những thách thức không nhỏ. Sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp và nguyện vọng của học viên, các giảng viên của chương trình đã xây dựng nên học phần thực địa liên ngành. Bên cạnh việc đảm bảo tính thực tiễn, học phần này còn giúp gắn kết các học phần trong tổng thể chương trình đào tạo. Đồng thời, học phần trang bị cho học viên kiến thức và kỹ năng nghiên cứu và tác nghiệp chuyên môn trong thực tế. Học phần thực địa liên ngành, bên cạnh đó, tạo nên sự gắn kết và tăng cường sự kết nối, giao lưu giữa thầy và trò cũng như trong tập thể lớp. Một số học viên đã tìm thấy hướng nghiên cứu luận văn của mình chính trong những chuyến thực địa. Nhờ có sự thấu cảm sâu sắc giữa giảng viên, học viên và các cán bộ quản lý mà học phần đã trở thành một hoạt động được các học viên vô cùng hưởng ứng và đón nhận. Nhóm đã chia sẻ học phần này với mong đợi lan tỏa những kinh nghiệm tích cực của mình trong đào tạo ở bậc sau đại học.

Không dừng lại ở đó, nhóm cán bộ Khoa Các khoa học liên ngành đã cố gắng tìm tòi những cách tiếp cận và công cụ phù hợp cho việc hiện thực hóa thấu cảm ở ĐHQGHN. Thông qua việc nghiên cứu một số cách tiếp cận thấu cảm trong giáo dục, nhóm đã lựa chọn tiếp cận chánh niệm như một thực hành giản đơn nhưng sâu lắng cho mỗi giảng viên, mỗi học viên trong môi trường giáo dục. Đó cũng là lý do ra đời của cuốn Sổ tay thấu cảm với cấu trúc như một cuốn nhật ký của giảng viên thời 4.0. Cuốn sổ tay gồm hai phần: Phần một với những gợi ý mộc mạc nhưng không kém phần tươi mới nhằm đánh thức vai trò thiêng liêng của nhà giáo cũng như mang lại trải nghiệm trọn vẹn trong từng giờ giảng. Và đó chính là những bước để tạo nên sự giao tiếp, sự thấu cảm giữa giảng viên và sinh viên. Phần hai của cuốn sổ tay là những chỉ dẫn thực hành chi tiết nhằm hiện thực hóa việc thấu cảm ở phần một. Tuy vậy, nhóm cũng kỳ vọng cuốn Sổ tay thấu cảm không phải là một cẩm nang cho thực hành thấu cảm ở mọi tình huống, mọi trường hợp trong giảng dạy. Thay vào đó, qua hình thức viết nhật ký, mỗi giảng viên sẽ có những trải nghiệm và cách thức của riêng mình. Việc chia sẻ những trải nghiệm ấy của mỗi ngưởi sử dụng Sổ tay thấu cảm mới thực sự tạo nên một cuốn cẩm nang thực sự sống động về thấu cảm trong môi trường giáo dục. Trong thời gian tới, nhóm dự kiến phối hợp xuất bản với Trung tâm hỗ trợ giảng dạy – CTE để cuốn sổ tay đến được tay các giảng viên.

 

Các tin liên quan:

- Cá thể hóa trong hoạt động dạy học – một cách tiếp cận hiệu quả để đánh thức tiềm lực người học

- Tích hợp, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên qua các hoạt động dạy - học

- Đổi mới giảng dạy sử dụng game mô phỏng

- Để trẻ vui học quản lý tài chính cá nhân

- Ra mắt Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy ĐHQGHN: bạn đồng hành cùng giảng viên trên lộ trình đổi mới giảng dạy

- Đổi mới hoạt động giảng dạy phải là nhu cầu tự thân của mỗi giảng viên

Đổi mới hoạt động giảng dạy: bước phát triển tiến tới một đại học thông minh, bền vững

 VNU - CTE
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ