TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 11:18:22 Ngày 22/07/2020 GMT+7
Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về Tây Bắc: Tích hợp và chuyên sâu
Một trong những sản phẩm nổi bật và quan trọng của chương trình trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (Chương trình Tây Bắc) chính là hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành. Hệ thống cơ sở dữ liệu này đã bổ sung cơ sở khoa học và thực tiễn góp phần làm sâu sắc thêm các định hướng phát triển phù hợp với điều kiện và đặc thù mỗi tỉnh, trong đó nhấn mạnh vai trò của liên kết vùng và tiểu vùng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Phạm vi nghiên cứu rộng, phức tạp

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” thuộc Chương trình Tây Bắc, do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì. Phạm vi nghiên cứu bao trùm diện tích 109.900km2 của 12 tỉnh cùng với diện tích của 22 huyện, thị xã của khu vực miền núi phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, thuộc phạm vi của Ban chỉ đạo Tây Bắc.

Xét về khía cạnh kinh tế - xã hội, tất cả 14 tỉnh của vùng Tây Bắc đều thuộc nhóm có trình độ phát triển dưới mức trung bình của cả nước. Mức sống của đại bộ phận người dân đều ở mức nghèo. Trên cơ sở phân tích, nhận diện các tồn tại của vùng Tây Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học đã xác định vùng Tây Bắc “thiếu số liệu đồng bộ và liên ngành phục vụ quản lý, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển một cách bền vững”.

“Để xác lập được các luận cứ khoa học và xây dựng các mô hình phát triển và phát triển bền vững cho các tỉnh vùng Tây Bắc, cần có hệ thống số liệu, dữ liệu toàn diện, đầy đủ bao phủ các lĩnh vực của đời sống hàng ngày của các địa phương. Việc có được bộ cơ sở dữ liệu có tính liên ngành và tích hợp các dữ liệu của nhiều ngành thành khối thông tin đơn nhất là điều kiện cần thiết cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, lập kế hoạch, quy hoạch, chỉ đạo điều hành của các tỉnh cũng như của Ban chỉ đạo Tây Bắc và Chương trình Tây Bắc” - PGS.TS. Nguyễn Văn Vượng - chủ nhiệm đề tài nhận định.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền, tích hợp liên ngành từ thông tin, dữ liệu hiện có, phục vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý kinh tế - xã hội ngành và phát triển bền vững của vùng và các địa phương trong vùng Tây Bắc.

Các nội dung nghiên cứu triển khai của đề tài tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành của 14 lĩnh vực, gồm: Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, môi trường, tai biến, cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, dân cư, dân tộc, nhân lực. Ngoài ra, đề tài còn bổ sung lớp chỉ tiêu phát triển bền vững, lớp liên kết vùng và lớp hành chính. Thứ hai, xây dựng hệ thống phần mềm cổng thông tin phục vụ công tác lưu trữ, hiển thị, truy vấn, tính toán, khai thác cơ sở dữ liệu.

Tích hợp lớp dữ liệu về vị trí các đập thủy điện trên nền bản đồ thổ nhưỡng

Chính thống và tính pháp lý cao

Mức độ sẵn có về dữ liệu, số liệu của các lĩnh vực này không giống nhau; mức độ chi tiết, chủng loại, tính đồng nhất, sự đồng bộ, đầy đủ, thống nhất trong phân cấp quản lý số liệu, dữ liệu, thời gian cập nhật… cũng rất khác nhau. Hơn nữa, ở Việt Nam chưa có mô hình mẫu nào về một hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành được tích hợp tương đối đầy đủ các dữ liệu của nhiều lĩnh vực. Đây là những khó khăn mà đề tài phải đối mặt.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã tiến hành điều tra hiện trạng dữ liệu, nhu cầu sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành tại UBND 14 tỉnh, 210 sở, ngành của 14 tỉnh và trên 700 phiếu điều tra đến cấp huyện thuộc địa bàn nghiên cứu để làm cơ sở thiết kế, xây dựng khung cấu trúc dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Tất cả số liệu, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu của đề tài đều bảo đảm tính pháp lý cao, tính chính thống của các cơ quan chuyên ngành và quản lý hành chính nhà nước cung cấp trên cơ sở dữ liệu hiện có đến thời điểm bàn giao năm 2015.

Dữ liệu của 14 lĩnh vực chính và 3 lĩnh vực bổ sung được biên tập thành 1.275 chuyên đề và xây dựng và bố trí sắp xếp thành 108 lớp dữ liệu bao gồm dữ liệu bản đồ và các lớp dữ liệu phi không gian kết nối với đối tượng thực thể hiển thị trên bản đồ của hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành. Hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đồng thời tính chuyên sâu nhất định của từng lĩnh vực, tính liên ngành và tính tích hợp phục vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý kinh tế - xã hội ngành và phát triển bền vững của vùng và các địa phương trong vùng Tây Bắc giai đoạn 2016 - 2020.

Nhóm nghiên cứu cũng đã triển khai cổng thông tin không gian một cửa để hỗ trợ người dùng tìm kiếm, tra cứu và lấy dữ liệu không gian; chiết xuất các biểu mẫu thống kê, báo cáo theo yêu cầu quản lý, thống kê của các bộ, ngành, địa phương và hỗ trợ phân tích sâu về chỉ số phát triển bền vững. Các cổng này có thể truy cập thông tin và dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp phân phối độc lập thông qua internet. Hệ thống có thể chịu tải cùng thời điểm gần 100 người dùng một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không gặp bất cứ vấn đề gì…

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Vượng, bên cạnh cung cấp dữ liệu cho các đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình Tây Bắc, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao sử dụng từng phần cho các địa phương, đề xuất mô hình kết nối không gian, liên kết vùng, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2016 - 2020. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng đã được áp dụng hiệu quả đối với tỉnh Lào Cai trong việc rà soát, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể vùng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến 2030; Quy hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; và Quy hoạch chế biến nông lâm sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

“Mặc dù đề tài đã cố gắng thu thập dữ liệu, số liệu hiện có liên quan đến 14 lĩnh vực, nhưng thực tế cho thấy các dữ liệu chưa đầy đủ về số lượng và chưa hoàn toàn đồng nhất về thời gian thu nhận dữ liệu, chỉ tiêu, độ chi tiết của dữ liệu… Vì thế, hệ thống cơ sở dữ liệu cần phải được bổ sung hoàn thiện. Trước mắt, ưu tiên xây dựng bộ chỉ tiêu và các tiêu chí đánh giá mức độ phát triển và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời triển khai phát triển các công cụ giám sát sự phát triển và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của các tỉnh, các tiểu vùng và vùng Tây Bắc trong mối quan hệ với các vùng kinh tế ở Bắc Bộ và vùng Thủ đô”. PGS.TS. Nguyễn Văn Vượng nhận định.

 

 Đỗ Vũ
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ