TIN TỨC & SỰ KIỆN
VNU - VJU: Biểu tượng của quan hệ hợp tác Việt – Nhật
GS. Furuta Motoo - nguyên Phó Giám đốc ĐH Tokyo, Nhật Bản - Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN đã trở thành người nước ngoài đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật (viết tắt là VNU - VJU) - một trong 7 trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN.

GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN (Ảnh: Bùi Tuấn)

Nhân dịp lễ khai trường của VNU - VJU, Cổng thông tin ĐHQGHN đã có buổi phỏng vấn với tân Hiệu trưởng Furuta Motoo.

-  Thưa Giáo sư, cảm xúc của ông về việc trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của VNU - VJU?

Đây là một vinh dự lớn đối với tôi. Tôi là người Nhật Bản thuộc “thế hệ chiến tranh Việt Nam”. Khi tôi là sinh viên đại học, cuộc Kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang diễn ra ác liệt và vấn đề Việt Nam đang là tiêu điểm trên vũ đài chính trị quốc tế. Tôi cho rằng “Việt Nam là trung tâm thế giới”, nên nếu hiểu được Việt Nam thì chắc có thể hiểu được thế giới dễ dàng hơn và tôi đã chọn Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu của mình.

Trong cuộc đời nghiên cứu Việt Nam, tôi có một may mắn khi có cơ duyên với Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân ĐHQGHN ngày nay.

Từ năm 1974, khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, Đại học Tổng hợp Hà Nội cử giáo viên dạy tiếng Việt sang Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Trong thời gian từ 1974 đến 1976, tôi đã cơ hội học tiếng Việt với người thầy đầu tiên từ Hà Nội sang là thầy Nguyễn Cao Đàm.

Sau đó, tôi đã có cơ hội học hỏi được rất nhiều về lịch sử và xã hội Việt Nam từ các giáo sư uyên bác của ĐHQGHN như: GS. Phan Huy Lê, GS. Trần Quốc Vượng... Mặc dù không sang Việt Nam học nhưng trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ mình là “sản phẩm đào tạo” của ĐHQGHN.

Năm 1994, một năm sau khi Chính phủ thành lập ĐHQGHN, GS. Phan Huy Lê - nguyên Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nhật đã dẫn tôi đến gặp Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN - GS.VS Nguyễn Văn Đạo. Cuộc gặp gỡ này đầy xúc động đối với tôi. Trong buổi gặp ấy, GS. Nguyễn Văn Đạo đã yêu cầu tôi đóng góp vào việc nâng cao vị thế ĐHQGHN trên trường quốc tế.

Từ đó đến ngày nay, tôi luôn tâm nguyện rằng yêu cầu của GS. Nguyễn Văn Đạo là sứ mệnh thiêng liêng.

Tôi luôn hi vọng trở thành nhịp cầu nhỏ góp phần bắc nhịp giữa ĐHQGHN với ĐH Tokyo và các trường ĐH khác ở Nhật Bản.

Tôi - một “sản phẩm đào tạo của ĐHQGHN” thấy rằng, không có vinh dự nào lớn hơn là trở thành Hiệu trưởng trường thành viên của ĐHQGHN.

- VNU - VJU là biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Nhật, được tổ chức theo mô hình đại học tiên tiến của Nhật Bản. Việc quản lý điều hành của VNU - VJU sẽ như thế nào, thưa Ngài Hiệu trưởng?

VJU là một biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển toàn diện. Có thể nói rằng giữa hai nước chúng ta vào đầu thế kỷ 20 có phong trào Đông du thì vào thế kỷ 21 có VJU. Chính vì vậy nhiều đại học hàng đầu của Nhật Bản đang tích cực hợp tác với ĐHQGHN trong việc xây dựng VJU.

VNU - VJU hướng đến việc tạo ra một trường đại học theo mô hình mới ở Việt Nam. Việc này không chỉ đến từ phương diện thực hiện nghiên cứu và đào tạo trong những lĩnh vực khoa học tiên tiến mà trước nay các trường đại học của Việt Nam chưa làm, mà còn từ phương diện tổ chức, quản trị đại học một cách cơ bản hơn.

Ví dụ, trong giáo dục đại học tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại khuynh hướng nhấn mạnh giáo dục chuyên môn hẹp với lực lượng chính là các trường đại học đơn ngành, còn ở VJU, chúng ta sẽ chú trọng lĩnh vực mang tính  liên ngành và nuôi dưỡng tầm nhìn rộng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tạo ra một mô hình mới về điều hành trường đại học ở Việt Nam, trong đó có sự kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu, điều hành tài chính một cách độc lập, chú trọng liên kết với doanh nghiệp sản xuất,.. v.v

- Trong năm học đầu tiên này, việc tuyển sinh của VNU - VJU ra sao, thưa ông? Ông có thông điệp gì gửi tới những học viên đầu tiên của VNU – VJU?

VNU - VJU đã hoàn thành công tác tuyển sinh khóa đầu tiên, trong đó có nhiều chương trình tỷ lệ trúng tuyển tương đối cao. Chúng tôi coi trọng chất lượng của học viên. Các đại học phía Nhật Bản muốn thu hút nhiều nhân tài ưu tú quốc tế, trong đó Việt Nam là nguồn cung cấp nhân tài nhiều hứa hẹn.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu hóa đang được đẩy mạnh, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang lên kế hoạch chuyển một số chức năng của công ty mẹ từ Nhật Bản sang công ty con hoặc đốt tác ở Việt Nam. Khi có được nhà lãnh đạo, quản lý người Việt Nam có trình độ chuyên môn cao và có tầm nhìn chiến lược rộng, kế hoạch đó mới có thể thực hiện được. Vì thế, VNU – VJU được coi là nguồn cung cấp nhân tài tinh hoa hàng đầu của Việt Nam hướng đến Nhật Bản.

Tuy nhiên, VNU -VJU sẽ không chỉ là một đại học kín của Việt Nam và Nhật Bản, mà còn mở rộng cửa cho khu vực và thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng đón được nhiều học viên chất lượng thật cao, và học viên tốt nghiệp tại VNU -VJU sẽ có thể tung cánh tại Việt Nam, Nhật Bản và rộng khắp thế giới.

GS. Furuta Motoo trong lễ công bố quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng

- Được biết, Giáo sư có rất nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam. Ông có thể giới thiệu thêm thông tin về một số công trình ông đã xuất bản? Xin Giáo sư chia sẻ thêm về cơ duyên đưa ông đến với Việt Nam?

Các công trình của tôi chủ yếu nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam và mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam. Tôi xin điểm qua ba công trình tiêu biểu.

Một là Việt Nam trong Lịch Sử Thế Giới, bản tiếng Nhật được xuất bản năm 1995, bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia được xuất bản năm 1998.

Đây là cuốn sách tổng kết cách nhìn lịch sử Việt Nam của tôi. Trong cuốn sách này, đựa vào phương pháp vừa xem xét Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của thế giới nhân loại, vừa phân tích người Việt Nam tự xác định vị trí của mình trong thế giới như thế nào ở từng thời kỳ lịch sử, tôi đã mạnh dạn trình bày các bước phát triển của lịch sử Việt Nam.

Cuốn sách này được sử dùng sách giáo khoa lịch sử Việt Nam ở một số trường đại học Nhật Bản có chương trình Việt Nam học. Năm 2015, Nhà xuất bản Đại học Tokyo đã tái bản có bổ sung cuốn sách này.

Hai là cuốn “ Hồ Chí Minh - Giải phóng Dân tộc và Đổi mới”, bản tiếng Nhật được xuất bản năm 1996, bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1997. Đây vừa là tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là sách phân tích lý do tại sao Việt Nam trong thời đổi mới nêu lên tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ba là cuốn “Sự ra đời của đường lối đổi mới”, được xuất bản tại Nhật Bản năm 2009. Cuốn sách này phân tích quá trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối đổi mới từ những năm cuối 1970 đến Đại hội VI năm 1986

Cuốn sách này chưa được xuất bản tại Việt Nam, nhưng các bạn Việt Nam có thể hiểu được quan điểm cơ bản của cuốn sách này qua tham luận của tôi đọc tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư năm 2012 dưới đầu đề “Một vài suy nghĩ về đặc điểm tiến trình đổi mới ở Việt Nam.”

- Là một nhà nghiên cứu có sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam, đã nhiều lần tham gia Hội thảo quốc tế về Việt Nam học, ông có thể cho biết học giả quốc tế nói chung và giới học giả Nhật Bản nói riêng, đánh giá thế nào về ngành Việt Nam học?

Tôi đánh giá cao ý nghĩa của các hội thảo quốc tế Việt Nam học. Tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học đầu tiên năm 1998, tôi đã có tham luận với chủ đề “Tại sao ở Nhật Bản có nhiều nhà Việt Nam học?”. Trong đó tôi phân tích thế mạnh của ngành Việt Nam học tại Nhật Bản là có định hướng “triệt để hướng về Việt Nam”.

Ở Nhật Bản, chúng tôi có Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam do tôi làm Chủ tịch gồm hơn 120 hội viên. Đây là một tổ chức tập hợp các nhà Việt Nam học ở nước ngoài do tôi và một số nhà Việt Nam học trẻ tuổi sáng lập năm 1987, với mục đích chính là xúc tiến giao lưu học thuật với Việt Nam.

Sau khi Việt Nam bắt đầu đổi mới thì giao lưu học thuật giữa Nhật Bản - Việt Nam phát triển nhảy vọt với nhiều hội thảo và hợp tác nghiên cứu được thực hiện.

Hội thảo về đô thị cổ Hội An được tổ chức ở Đà Nẵng năm 1990 là hội thảo quốc tế đầu tiên ở Việt Nam có nhiều học giả Nhật Bản tham gia. Kết quả của hội thảo sau này đã góp phần đưa Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới.

Tiếp đó, năm 1993, chúng tôi đã có cuộc điều tra điền dã khu vực làng Bách Cốc, Nam Định do GS. Sakurai Yumio chủ trì.

Qua việc giao lưu thường xuyên với giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong nước Việt Nam, chúng tôi đã có điều kiện am hiểu tình hình nghiên cứu tại Việt Nam. Điều đó đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nghiên cứu của các học giả Nhật Bản.

Khi nghiên cứu một đề tài về Việt Nam, học giả Nhật Bản dễ tìm thấy đối tác của mình tại Việt Nam và tiến hành được công việc nghiên cứu trên cơ sở hợp tác song phương. Số dự án hợp tác nghiên cứu giữa chuyên gia hai nước chúng ta ngày càng nhiều. Tôi cho rằng, các hợp tác ấy góp phần tạo nền tảng để xây dựng và phát triển dự án VNU - VJU ngày nay.

- ĐHQGHN và ĐH Tokyo – nơi Giáo sư đã từng giữ cương vị Phó Giám đốc, là những thành viên chủ chốt của Mạng lưới các trường đại học hàng đầu Đông Á (BESETOHA). Cá nhân Giáo sư đánh giá thế nào về hoạt động của BESETOHA thời gian qua?

Từ năm 1999 đến năm 2014, tôi là một trong những người khởi xướng và tổ chức Diễn đàn 4 đại học chủ chốt Đông Á (BESETOHA). Đây là một diễn đàn về nền giáo dục đại học giữa bốn đại học tiêu biểu của Đông Á là Đại học Bắc Kinh, Đại học Seoul, Đại học Tokyo và ĐHQGHN.

Tuy đã ngừng hoạt động từ năm 2015, nhưng tôi cho rằng Diễn đàn đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao vị thế quốc tế của ĐHQGHN.

Qua bốn lần hội thảo ở Hà Nội, gần một trăm giảng viên của ĐH Tokyo đã đến Hà Nội và thiết lập nhiều hợp tác với các đồng nghiệp tại ĐHQGHN. Lực lượng chính của ĐH Tokyo đang xúc tiến dự án VNU -VJU là các giảng viên, nhà khoa học đã từng tham gia Hội nghị BESETOHA tại Hà Nội. Tôi cho rằng BESETOHA đã góp phần tạo dựng nền tảng của dự án VNU - VJU hiện nay.

- Hiệu trưởng có thể cho biết thông tin cụ thể hơn về định hướng phát triển VNU - VJU?

Chúng tôi mong muốn phát triển VNU – VJU theo 3 định hướng. Đó là, phát triển VNU – VJU trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thực tiễn đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam.

VNU – VJU là một cơ sở đào tạo thuộc ĐHQGHN do Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam cùng nhau xây dựng, hướng đến một mô hình mới có tính tự chủ cao tại Việt Nam.

Cùng với đó, VNU – VJU chú trọng phát triển khoa học liên ngành và công nghệ tiên tiến mà Nhật Bản có thế mạnh, với định hướng đào tạo ra những sinh viên có tầm nhìn rộng. Bởi thế, trong khóa học đầu tiên, VNU – VJU sẽ khai giảng 6 chương trình đào tạo thạc sĩ liên quan đến khoa học bền vững gồm: Khu vực học, Chính sách công, quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ nano và Kỹ thuật hạ tầng.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Hiệu trưởng về cuộc trao đổi vừa qua.

 

>>> Tin tức liên quan trên website ĐHQGHN:

- Thành lập Trường Đại học Việt Nhật thuộc ĐHQGHN

- Lễ công bố các Quyết định bổ nhiệm, công nhận lãnh đạo Trường ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN

- Lễ động thổ xây dựng Trường ĐH Việt Nhật

>>> Vietnamnet:

- Giảng viên ĐH Việt Nhật "bắt giò" điểm yếu của sinh viên Việt Nam

- Giáo dục khai phóng: Triết lý đào tạo phù hợp cho xã hội Việt Nam

 

 Đỗ Ngọc Diệp (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ