TIN TỨC & SỰ KIỆN
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế - sứ mệnh và đặc sắc của ĐHQGHN
Nhân dịp ĐHQGHN được tổ chức QS xếp vào top 170 các cơ sở đại học hàng đầu Châu Á năm 2014, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN đã có bài viết tổng kết đánh giá về các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, chương trình tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược – những chương trình đào tạo đặc biệt nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và góp phần quan trọng vào việc khẳng định uy tín và vị thế của ĐHQGHN. Website ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài viết này tới bạn đọc.
1. Quá trình hình thành các chương trình đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế tại ĐHQGHN
Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế, đào tạo nguồn lực con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, lực lượng trí thức có đủ phẩm chất và tài năng bắt kịp trình độ phát triển của thế giới là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn. Đảng ta đã khẳng định "Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững" (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX).
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (Khóa VII) ngày 14/1/1993 về “Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”, năm 1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 97/CP về việc thành lập ĐHQGHN và năm 1995 tiếp tục ban hành Nghị định số 16/CP về việc thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG Tp.HCM). Việc Chính phủ xây dựng ĐHQG với mục tiêu xây dựng một số trung tâm đại học tiên tiến đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN, được ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế là một hướng đi vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, vừa phù hợp với điều kiện và yêu cầu của Việt Nam.
Sứ mệnh của ĐHQGHN được xác định là trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước, là đầu tàu tiên phong đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Lần đầu tiên ở Việt Nam, từ năm 1997, ĐHQGHN đã xây dựng và triển khai dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và từ năm 2001, là Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Bên cạnh truyền thống đào tạo nhân tài ở bậc trung học phổ thông chuyên (với 2 trường chuyên Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên – Trường ĐHKHTN và Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - Trường ĐHNN), ĐHQGHN là trung tâm đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện một cách chính quy công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ở bậc đại học. Mục tiêu của Dự án năm 2001 là khai thác tiềm lực và thế mạnh của ĐHQGHN về cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học để đào tạo các nhà khoa học giỏi thuộc các ngành khoa học cơ bản cốt lõi, các ngành công nghệ cao và kinh tế xã hội mũi nhọn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các khoa học cơ bản tại các trường đại học, cao đẳng cũng như các nghiên cứu viên, nhà quản lý, chuyển giao công nghệ tài năng tại các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong toàn quốc.
Để chuẩn bị cho triển khai đào tạo tài năng, chất lượng cao, mấu chốt quan trọng nhất là phải chuẩn bị được đội ngũ và xây dựng được chương trình đào tạo tốt, phù hợp. Kế tiếp đó là phải chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng phục vụ công tác đào tạo.
Thuận lợi lớn nhất của ĐHQGHN là luôn có đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo và mạnh nhất trong hệ thống các trường đại học của cả nước,trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành (với 15 giải thưởng Hồ Chí Minh và 10 giải thưởng Nhà nước về KHCN), có uy tín lớn ở trong và ngoài nước về các ngành, chuyên ngành khác nhau thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, công nghệ, kinh tế, luật, giáo dục,…Hiện nay, ĐHQGHN gần 3000 cán bộ viên chức, trong đó có 1864 CBGD với 49 GS, 269 PGS, 14 TSKH và 815 TS (tỷ lệ TS đạt 44,5%, trong đó có 521 TS được đào tạo ở nước ngoài về). Trường ĐHKHTN và Trường ĐHCN là 2 đơn vị có tỷ lệ tiến sỹ chiếm trên 75% tổng số CBGD. Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã thu hút khoảng 300 GS, PGS của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong cả nước và hàng trăm nhà khoa học có uy tín của thế giới, trong đó có một số người đạt giải Nobel và các giải thưởng lớn có uy tín khác cùng tham gia đào tạo, NCKH.
Năm 2005, ĐHQGHN đã tiến hành tổng kết Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Với thành công sau gần 10 năm thí điểm, Đảng và Nhà nước đã đánh giá cao mô hình đào tạo tài năng bậc đại học của ĐHQGHN. Và được chính thức giao nhiệm vụ thường xuyên, tiếp tục triển khai đào tạo tài năng chất lượng cao.
Từ năm 2006 trở đi, để tăng cường hội nhập các chuẩn mực quốc tế, trong khi quy mô đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao còn nhỏ, mức độ “quốc tế hoá” về chương trình, phương pháp đào tạo, ngôn ngữ sử dụng chưa cao, ĐHQGHN bắt đầu triển khai đào tạo các chương trình tiên tiến. Chương trình đào tạo tiên tiến là các chương trình đào tạo bậc đại học, sử dụng toàn bộ chương trình, giáo trình của một đại học nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đội ngũ giảng viên của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy. Chương trình này chỉ đảm nhận việc phát triển quốc tế hóa một chương trình đào tạo, chưa nhằm mục tiêu phát triển được cả ngành, đơn vị cấp Khoa đạt chuẩn quốc tế.
Tiếp sau chương trình tiên tiến, năm 2007, ĐHQGHN bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, còn gọi là chương trình nhiệm vụ chiến lược (ban đầu được gọi là chương trình 16-23, vì tập trung lựa chọn được 16 ngành đại học và 23 chuyên ngành sau đại học tham gia Đề án). Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển cả ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, từ chương trình đào tạo đến đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu,…theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển từng bước từ bộ môn, khoa đến trường đại học thành viên và ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế và được đầu tư, phê duyệt theo từng đề án cho từng ngành/chuyên ngành. Đây là mục tiêu và sách lược quan trọng của ĐHQGHN trong quá trình phát triển, nhằm chọn lọc vun cao, từng bước khả thi nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của ĐHQGHN, góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam, tiếp cận các chuẩn mực và chất lượng quốc tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển ĐHQGHN đến 2020 và tầm nhìn 2030, phù hợp với sứ mệnh của ĐHQGHN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao, chuyển giao tri thức, đóng vai trò nòng cột và tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cũng như tầm nhìn của ĐHQGHN là trở thành trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực trong nhóm 200 đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2015, vươn lên nhóm 500 đại học tiên tiến của thế giới vào năm 2020.
Từ năm 2009, trên cơ sở thực tiễn, các chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo theo Đề án 165 do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì và các chương trình khác của Nhà nước được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược và các yêu cầu nói trên cũng được coi là chương trình đạt chuẩn quốc tế.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong một buổi giảng bài cho sinh viên lớp Chất lượng cao
2. Chương trình đào tạo
Việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực tài năng, chương trình tiên tiến được đào tạo ở bậc đại học ; với các chương trình chất lượng cao và nhiệm vụ chiến lược đã được triển khai đào tạo cả ở bậc đại học và sau đại học.
Chương trình đào tạo được thiết kế tiếp cận và có so sánh với chương trình đào tạo của một số trường đại học có uy tín quốc tế cao. Với các chương trình tiên tiến và nhiệm vụ chiến lược chọn theo chương trình của các trường nằm trong nhóm 100 trường đại học tốt nhất thế giới. Các chương trình tài năng và chất lượng cao đáp ứng phù hợp 80% các môn học trong chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến của nước ngoài. Môn số chương trình trong khối xã hội nhân văn có đặc thù riêng, được thiết kế có tính đến sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Chương trình đào tạo cử nhân tài năng (TN) được thiết kế riêng đối với những sinh viên xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản, được thiết kế từ 160 đến 170 tín chỉ, với yêu cầu về trình độ cao hơn và nội dung rộng hơn so với chương trình chuẩn. Chuẩn đầu ra của chương trình cũng cao hơn chương trình chuẩn, ví dụ chuẩn đầu ra tiếng Anh là C1 (tương đương 6.5 IELTS)
Chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao (CLC) đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn và ngoại ngữ, được thiết kế từ 140 đến 155 tín chỉ, trên cơ sở nâng cao, bổ sung một số môn học so với chương trình chuẩn.
Chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược) đào tạo theo chương trình và công nghệ đào tạo của các trường đại học tiên tiến có uy tín cao trên thế giới, được điều chỉnh phù hợp với khả năng, điều kiện của ĐHQGHN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đạt mức độ cao nhất theo các tiêu chí kiểm định chất lượng của ĐHQGHN, được thiết kế từ 140 đến 155 tín chỉ.
Ngoài việc trang bị kiến thức sâu và rộng, sinh viên được nâng cao trình độ tiếng Anh và Tin học cũng như các kỹ năng mềm khác (yêu cầu của ĐHQGHN về chuẩn đầu ra là sinh viên tối thiểu có chứng chỉ 5 kỹ năng mềm/100 kỹ năng được định dạng đào tạo). Với các chương trình thạc sỹ của ĐHQGHN, ngoài 4 tín chỉ tiếng Anh cơ bản, học viên còn phải học thêm 3 tín chỉ tiếng Anh chuyên ngành, và với NCS còn có thêm 4 tín chỉ nữa dành cho tiếng Anh học thuật nâng cao.
Một buổi học tại Phòng thí ngiệm Thông tin Vô tuyến, Cao tần và Anten - Trường ĐH Công nghệ
3. Tổ chức đào tạo
Hiện nay toàn ĐHQGHN tổ chức đào tạo 32 ngành đại học (4 ngành tài năng; 17 ngành chất lượng cao; 4 ngành tiên tiến; 7 ngành đạt chuẩn quốc tế) và 8 chuyên ngành sau đại học đạt chuẩn quốc tế. Số sinh viên hiện nay (đến 2/2014) theo học các chương trình đào tạo đặc biệt là 3.267, chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên chính quy toàn ĐHQGHN (bảng 1). Số học viên hiện đang theo học các chương trình sau đại học là 1200 học viên cao học và 1180 NCS.
Bảng 1. Quy mô đào tạo Đại học chính quy của ĐHQGHN tính đến 2/2014

STT
Tên đơn vị
Hệ chuẩn
CLC
Tài năng
Tiên tiến
Chuẩn QT
1
Trường ĐH Công nghệ
1.873
258
-
-
480
2
Trường ĐH Giáo dục
1.082
-
-
-
-
3
Trường ĐH Kinh tế
1.242
202
-
-
177
4
Trường ĐH Ngoại ngữ
4.246
309
-
-
-
5
Trường ĐH KH Tự nhiên
3.967
101
233
413
505
6
Trường ĐH KHXHNV
4.879
313
-
-
171
7
Khoa Luật
1.106
105
-
-
-
8
Khoa Y Dược
193
-
-
-
-
 
Tổng của ĐHQGHN
18.588
1.288
233
413
1.333

Thời gian đầu với hệ đào tạo đặc biệt (tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược) các đơn vị đào tạo thành lập Ban điều hành để điều phối và tổ chức quản lý quá trình đào tạo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng các đơn vị đào tạo. Riêng các chương trình thuộc nhiệm vụ chiến lược Giám đốc thành lập Ban chỉ đạo cấp ĐHQGHN.  
ĐHQGHN đã tập hợp được đội ngũ các thầy, cô giáo giỏi, các nhà khoa học có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm giảng dạy và tâm huyết trong và ngoài ĐHQGHN (kể cả các chuyên gia nước ngoài) tham gia vào đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao, chương trình tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược. Một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới, từng đạt giải Nobel đã đến thăm, gặp gỡ, trao đổi với sinh viên các khóa đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Trường ĐHKHTN như: GS. James W. Cronin (Nobel 1980); GS. Klaus Von Klitzing (Nobel 1985); GS. Norman Ramsay (Nobel 1989); GS. Jerome Friedman (Nobel 1990); các giáo viên người nước ngoài dạy ngoại ngữ cho các lớp tài năng; Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐHNN mời một số giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy, Trường ĐHCN mời một số giáo sư Việt kiều về giảng dạy và quản lý bộ môn...
Công tác giáo trình, bài giảng được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Nhiều môn học đã sử dụng giáo trình dịch từ nước ngoài. 100% các môn học ổn định đều có giáo trình hoặc bài giảng và tài liệu tham khảo cho sinh viên dưới dạng sách in hoặc photocopy. Các cơ sở học liệu dùng cho sinh viên ngoại ngữ và môn học ngoại ngữ chuyên ngành khá đầy đủ. ĐHQGHN đã dành kinh phí khá lớn cho việc mua các sách, tạp chí khoa học, tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên cho các ngành tham gia đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược.
Phần lớn các môn học nâng cao đều được dạy theo phương pháp tích cực ở những mức độ khác nhau, có sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ, kết hợp giảng lý thuyết, xemina, thảo luận, thực hành. Một số đơn vị đào tạo đã chú ý đến việc tổ chức dạy một số môn học bằng tiếng nước ngoài. Với các chương trình tài năng, khuyến khích năm cuối xemina, học chuyên đề bằng tiếng Anh. 
Các chương trình chuẩn quốc tế (tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược) được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh (ngoại trừ một số chương trình thuộc xã hội nhân văn chỉ yêu cầu khoảng 50% số môn học trong chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh). Luận văn, luận án và bảo vệ luận văn luận án của các chương trình này thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh.
ĐHQGHN phát triển theo định hướng mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến. Nghiên cứu khoa học luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của tri thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao. Vì vậy tất cả sinh viên những chương trình tài năng (TN), chất lượng cao (CLC), chương trình tiên tiến (TT), chương trình nhiệm vụ chiến lược (NVCL) được tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ những năm đầu. Vì vậy, nhiều sinh viên đã đạt giải cao của trường, của ĐHQGHN và Bộ Giáo dục và Đào tạo về nghiên cứu khoa học của sinh viên và đã có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước.
Trong quá trình tổ chức đào tạo, ĐHQGHN luôn đặc biệt quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng như: chất lượng đầu vào (tuyển sinh), tổ chức và quản lý đào tạo, cơ sở vật chất…, ĐHQGHN đã thực hiện một số phương thức mới, hiện đại để phát hiện và tuyển chọn được các học sinh giỏi vào học chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Hàng năm, trung bình ĐHQGHN tuyển chọn từ 60 dến 80 sinh viên vào học các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Các sinh viên được tuyển chọn vào học chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng hầu hết đã đạt loại giỏi trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Olympic quốc tế hoặc là học sinh xuất sắc của các trường trung học phổ thông.
Trong mùa tuyển sinh 2014, sau khi các em đã thi kỳ thi 3 chung, đã trúng tuyển nhập học, ĐHQGHN sẽ áp dụng bài thi chuẩn hóa theo phương pháp đánh giá năng lực để tuyển sinh viên các hệ TN, CLC, TT, NVCL. Riêng các em đào tạo theo các chương trình chuẩn quốc tế sẽ có thêm bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh.
Sinh viên luôn được khuyến khích trao đổi với giảng viên. Trong ảnh là buổi học tại Phòng thí nghiệm Robotic thuộc Trường ĐH Công nghệ
4. Kết quả đào tạo
Số sinh viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao từ năm 1997 đến nay của ĐHQGHN là 2.845 (bảng 2).
Được học tập trong môi trường thuận lợi, sinh viên có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo, nâng cao tầm nhìn chiến lược và kỹ năng làm việc, nghiên cứu. Không chỉ trang bị kiến thức, sự khác biệt trong đào tạo của ĐHQGHN là chú trọng phát triển tầm nhìn cho người học. Quan điểm xuyên suốt là đào tạo không chỉ để người học ra trường có việc làm, để khởi nghiệp, mà còn có đầy đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất, phương pháp tư duy và bản lĩnh để sáng nghiệp.
Trong các chương trình đào tạo các hệ đặc biệt: CLC,TN, TT, NVCL có thể đánh giá đến nay hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng của ĐHQGHN có chất lượng tốt nhất, được chọn lọc kỹ từ khâu tuyển sinh đầu vào, thiết kế chương trình cũng như lựa chọn giảng viên (là các nhà khoa học đầu ngành, giỏi chuyên môn). Chính vì thế chất lượng đào tạo cử nhân khoa học tài năng của ĐHQGHN đã được xã hội trong nước và quốc tế công nhận. 100% sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng và số đông sinh viên tốt nghiệp các hệ TT, CLC, NVCL đã nhận được học bổng để đi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài. ĐHQGHN là một trong hai đại học của cả nước có nhiều sinh viên nhất được nhận học bổng của Vietnam Education Foundation (VEF) đi học thạc sĩ và tiến sĩ tại Mỹ. Điều cần nhấn mạnh là các giáo sư nước ngoài trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ đánh giá rất cao năng lực của các sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Đến nay, nhiều sinh viên đã trở thành những cán bộ giảng dạy, những nhà khoa học trẻ xuất sắc ở trong và ngoài nước. Các sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đạt trình độ ngang tầm quốc tế, nhiều sinh viên được công nhận kết quả học tập và được chuyển sang học tiếp ở ĐH Bách khoa Pari, nhiều sinh viên được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh ở các trường đại học Pháp, Hoa Kỳ (ĐH Chicago, ĐH Ohio, ĐH Florida,...), Nhật Bản (ĐH Tokyo, ĐH Osaka, JAIST)...
Để nhanh chóng hội nhập và tiếp cận chuẩn mực quốc tế, từ năm 2012 và đến hết năm 2013, ĐHQGHN đã tiến hành hoàn thành chuyển đổi toàn bộ trên 300 chương trình đào tạo đại học, sau đại học theo chuẩn đầu ra. Các chương trình CLC, TN, TT, NVCL có chuẩn đầu ra cao hơn hệ đào tạo chuẩn về kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ.
Bảng 2. Số SV đã tốt nghiệp các chương trình CLC, TN, TT, chuẩn quốc tế của ĐHQGHN tính đến 2.2014

STT
Đơn vị
CLC
Tài năng
Tiên tiến
Chuẩn QT
Tổng
1
Trường ĐH Công nghệ
338
-
-
174
512
2
Trường ĐH Giáo dục
-
-
-
-
-
3
Trường ĐH Kinh tế
135
-
-
68
203
4
Trường Đại học Ngoại ngữ
593
-
-
-
593
5
Trường ĐH KH Tự nhiên
142
531
71
59
803
6
Trường ĐH KHXHNV
569
-
-
23
592
7
Khoa Luật
142
-
-
-
142
8
Khoa Y Dược
-
-
-
-
-
Tổng của ĐHQGHN
1.919
531
71
324
2.845

Ngoài sinh viên tốt nghiệp chương trình TN, CLC, TT, NVCL, ĐHQGHN cũng đã đào tạo được một lực lượng lớn các tiến sĩ, thạc sĩ, chất lượng cao bổ sung đội ngũ cán bộ giảng dạy của ĐHQGHN và của ngành đại học, cao đẳng cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học và quản lý kinh tế - xã hội khác; thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo cho toàn bộ các hệ đào tạo của ĐHQGHN. Từ năm 2008 đến nay, thông qua hoạt động nghiên cứu, ĐHQGHN đã đào tạo sau đại học hiệu quả và có chất lượng tốt: đã cấp bằng cho 12.334 thạc sỹ (và đang đào tạo trên 11.000 học viên cao học), 423 tiến sỹ (và đang đào tạo 1.180 NCS); xuất bản bổ sung trên 500 sách chuyên khảo, giáo trình; đăng tải hơn 1.000 bài báo trên các tạp chí quốc tế, hơn 3.000 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước; 1.500 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế, 2.000 báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước; thực hiện trên 500 đề tài KH&CN các loại. Theo thống kê từ năm 2012 đến nay, khoảng 50% số NCS của các ngành KHTN-CN của ĐHQGHN khi bảo vệ luận án tiến sỹ đều có bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Cá biệt như chuyên ngành vật liệu và linh kiện nano, trung bình mỗi NCS khi tốt nghiệp có 6 công bố, trong đó có 2 bài báo trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI. Với chất lượng NCS như vậy có thể đánh giá không thua kém đào tạo NCS ở các nước tiên tiến.
Trong quá trình triển khai đào tạo các hệ đặc biệt, ĐHQGHN đã đầu tư được hệ thống trên 60 PTN chuyên ngành hiện đại, hơn 30 phòng học chuẩn, hàng trăm nghìn học liệu, cử hàng nghìn lượt cán bộ, giảng viên của ĐHQGHN đi trao đổi hợp tác với nước ngoài, thiết lập hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn trên địa bàn cả nước cũng như hợp tác với trên 140 cơ sở giáo dục đào tạo có uy tín trên thế giới.
Trải qua 17 năm tổ chức đào tạo các hệ đặc biệt, khởi đầu từ cử nhân khoa học tài năng, rồi đến CLC, và sau đó là các chương trình chuẩn quốc tế (TT, NVCL) đã gắn liền với tên tuổi của ĐHQGHN. Mô hình đào tạo tài năng, CLC của ĐHQGHN sau đó đã được nhân rộng ở một số trường đại học của Việt Nam. Các chương trình đào tạo này đã góp phần quan trọng vào việc đưa lĩnh vực khoa học tự nhiên của ĐHQGHN vào top 100 các trường đại học của châu Á trong 2 năm vừa qua, cũng như góp phần vào việc nâng xếp hạng của ĐHQGHN lọt vào top 170 trường đại học hàng đầu của châu Á năm 2014.
Sinh viên đang thực tập tại Phòng thí nghiệm máy gia tốc, Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Hệ thống Máy gia tốc Pelletron 5SDH-2 là loại máy gia tốc tĩnh điện kép (Tandem) được sản xuất tại hãng National Electrostatics Corporation (NEC) – Hoa Kỳ. Đây là máy gia tốc tĩnh điện hiện đại, lần đầu tiên lắp đặt tại Việt Nam.
 
5. Một số bài học kinh nghiệm
- Đào tạo tài năng, chất lượng cao và chuẩn quốc tế nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học tài năng và đưa chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế là một chủ trương đúng, là sứ mạng, chức năng và mục tiêu của ĐHQGHN, phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước, xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của thời đại.
- Để làm tốt công tác đào tạo các hệ đặc biệt này trước hết cần có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo từ tuyển sinh, lựa chọn chất lượng đầu vào; chuẩn bị đội ngũ giảng viên; thiết kế chương trình phù hợp, tiên tiến, hiện đại; sự đầu tư về CSVC, trang thiết bị và kinh phí phù hợp và đặc biệt là cần có sự thống nhất trong tư tưởng, chỉ đạo và hành động từ các cấp lãnh đạo và sự nhất trí cao của cán bộ giảng dạy, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thì mới thành công.
- Bài học quan trọng nhất trong quá trình triển khai là cần xuất phát từ thực tiễn kết hợp với đổi mới tư duy, phát huy trí tuệ tập thể để tìm ra những giải pháp đột phá nhằm vượt khó khăn, khai thác triệt để mọi thuận lợi hiện có và tìm ra những bước đi phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của Việt Nam và của đơn vị đào tạo.
- Để triển khai đào tạo và kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, phải xây dựng, ban hành được các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học nhằm đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra, đồng thời phù hợp với thực tế của đơn vị đào tạo.
- Phải ưu tiên tập trung đầu tư các nguồn lực cho đào tạo tài năng. Mạnh dạn đề xuất và áp dụng những quy định chế độ, chính sách đặc biệt, cũng như kịp thời điều chỉnh sát với tình hình thực tế. Đi đôi với chương trình và đội ngũ, phải đảm bảo các điều kiện về CSVC, PTN, học liệu và phát triển các quan hệ hợp tác trong và ngoài nước.
- Cần nghiên cứu, kế thừa và phát huy kinh nghiệm đào tạo tài năng của Việt Nam và các nước để thiết kế và triển khai thí điểm thành công những mô hình đào tạo phù hợp với hoàn cảnh thực tế trên cơ sở đó nhân rộng ra.    
- Từ các chương trình chuẩn quốc tế, từng bước mở rộng xây dựng từng ngành, từng khoa đạt chuẩn quốc tế là bước đi khả thi và phù hợp.
Kết luận
Các chương trình đào tạo TN, CLC, TT, NVCL vừa là phương thức thể hiện, vừa là biểu hiện và kết quả của triết lý, mục tiêu và hành động của ĐHQGHN trong việc đào tạo tinh hoa, thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài.       
ĐHQGHN đã kiên trì và đạt được mục tiêu đề ra là thu hút được nhiều sinh viên giỏi, cán bộ giỏi vào thực hiện các chương trình đào tạo đặc biệt, góp phần cung cấp nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao cho đất nước. Thông qua các chương trình đặc biệt này đã nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo trong toàn ĐHQGHN, góp phần quan trọng trong việc phát triển đội ngũ, CSVC và đặc biệt là tạo tiền đề thuận lợi để ĐHQGHN tiếp cận chuẩn khu vực, quốc tế cho từng ngành, từng đơn vị đào tạo.
Với những thành công đã được khẳng định của gần 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển các chương trình đào tạo đặc biệt: CLC, TN, TT, NVCL, ĐHQGHN tự hào vững bước trên con đường phát triển và hội nhập. Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ (14/2005/NQ-CP ban hành ngày 2 tháng 11 năm 2005) về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, ĐHQGHN sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo đặc biệt, mở rộng và nâng cấp các chương trình hệ chuẩn và các chương trình liên kết đào tạo quốc tế có chất lượng tốt lên thành các chương trình CLC, TN, NVCL; gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, tiến hành kiểm định theo chuẩn khu vực (AUN) và chuẩn quốc tế các chương trình đào tạo, đồng thời đẩy nhanh và mạnh quốc tế hoá hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiến tới có thể “xuất khẩu” các chương trình đào tạo, thu hút giảng viên, sinh viên quốc tế được xem như là giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế và uy tín của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cũng như nâng cao xếp hạng của ĐHQGHN trong bảng xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
 
 
 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQGHN - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ