TIN TỨC & SỰ KIỆN
ĐHQGHN tăng cường hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học
Ngày 9/3/2017, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị tăng cường đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) và xếp hạng đại học.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự có các Phó Giám đốc ĐHQGHN; Chủ tịch Hội đồng ĐBCL, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cùng lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng, thủ trưởng/phó thủ trưởng các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hôi nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm điểm lại những kết quả đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN-QA đối với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và nhận diện các vấn đề cần khắc phục nhằm nâng cao chất lượng cũng như tăng chỉ số xếp hạng quốc tế của toàn ĐHQGHN.

Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Viện trưởng Viện ĐBCLGD đã trình bày báo cáo kết quả sơ bộ đánh giá chất lượng theo chuẩn AUN cấp đơn vị Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và báo cáo phân tích kết quả xếp hạng QS 2016 và webometrics 2017.

Hội nghị cũng nghe Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Phan Tuấn Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm cũng như bài học của Nhà trường trong công tác kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Theo GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, chính sách, thực hiện chính sách, kiểm tra đánh giá định kỳ… chính là điểm mấu chốt nhất cho việc ĐBCLGD. Để thực hiện tốt các hoạt động ĐBCL thì cần thiết tuân thủ nguyên lý PDCA: P (plan) – lập kế hoạch, D (do) - đưa kế hoạch vào thực hiện, C (check) - dựa theo kế hoạch để kiểm tra kết quả thực hiện, A (act) - thông qua các kết quả thu được để đề ra những tác động điều chỉnh thích hợp, cải thiện chất lượng.

Một trong những điểm được Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN nhấn mạnh là sự thống nhất, đồng thuận, đồng lòng của Ban Giám hiệu, các đơn vị, cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Trường chính là yếu tố quan trọng mang đến thành công.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng ĐBCLGD ĐHQGHN cho rằng, để phát triển chất lượng bền vững, có thể áp dụng nguyên lý PDCA nhưng lưu ý rằng việc tổ chức quản trị đại học hay ĐBCL, đánh giá hay giám sát thì đều phải dựa vào giá trị thật và sản phẩm đầu ra, mức độ đáp ứng yêu cầu của xã hội, đất nước. Một số giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng được GS đưa ra như: tiếp thu ý kiến, đề xuất, nhu cầu, yêu cầu của đất nước, xã hội, của thị trường lao động và các bên liên quan trong đó có người sử dụng sản phẩm; điều chỉnh sứ mệnh, tầm nhìn, kế hoạch…phục vụ mục tiêu phát triển xã hội, đất nước; cần liên kết chặt chẽ, mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp và các bên liên quan; triển khai hoạt động quản lý, đãi ngộ theo sản phẩm đầu ra…

Nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học  & Đào tạo ĐHQGHN cho rằng chất lượng của một cơ sở giáo dục ĐH nằm ở khâu nghiên cứu khoa học vì giáo dục ĐH về bản chất khác với các bậc giáo dục khác là sự tham gia vào quá trình sáng tạo tri thức mới. Cho nên, chất lượng đào tạo có cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào hàm lượng nghiên cứu, vào việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đào tạo và thực tiễn. Do đó, muốn nâng cao chất lượng thực chất cần gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quyết tâm, chủ động và tinh thần làm việc của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Viện ĐBCLGD và các đơn vị của ĐHQGHN vào đợt kiểm định cấp đơn vị đầu tiên theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc tăng cường ĐBCLGD luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên và cho biết hoạt động này tại ĐHQGHN đang dần đi vào chiều sâu và phải là hoạt động duy trì thường xuyên. Giám đốc cho rằng, việc kiểm định chất lượng vừa qua đã giúp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu, từ đó củng cố và nâng cao chất lượng về mọi mặt. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần tăng cường cũng như lan tỏa văn hóa chất lượng không chỉ đối với các đơn vị thuộc ĐHQGHN mà còn đối với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới cần chú trọng gia tăng vấn đề chất lượng, xây dựng văn hóa chất lượng trong tất cả các hoạt động từ nhỏ đến lớn. Trong quá trình phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu cần chú ý đến xây dựng kết nối xã hội, tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội. Đồng thời, cần đưa ra dự báo về nhu cầu của xã hội để có những điều chỉnh cho phù hợp. Giám đốc cũng yêu cầu trong năm 2017, các đơn vị phải thực hiện việc điều tra cơ hội việc làm của sinh viên và xây dựng CSDL, thông tin về người học sau khi tốt nghiệp.

Năm 2016, QS đã công bố kết quả xếp hạng đại học theo khu vực, bao gồm QS Châu Á, QS các nước Ả Rập, QS BRICS (Brazil, Russia, India, China and South Africa), QS Châu Mỹ Latin và QS khu vực EECA (Emerging Europe and Central Asia). Theo đó, ĐHQGHN đã vươn lên vị trí thứ 139 trong top 150 đại học hàng đầu Châu Á và giữ vững vị trí thứ 1 Việt Nam.                            

Cũng trong năm 2016, có 05 trong tổng số 07 trường đại học thành viên được trao chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt, đầu năm 2017, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là trường đại học đầu tiên của Việt Nam và ASEAN được đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA.

 

 

>>> Các tin bài liên quan:

- ĐHQGHN tiên phong kiểm định chất lượng cấp trường theo chuẩn quốc tế

- Bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của AUN – QA: Cần nhận thức chung trước khi hành động

- Chính thức khởi động hệ thống kiểm định chất lượng trường đại học theo chuẩn AUN-QA

 Sinh Vũ - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ