TIN TỨC & SỰ KIỆN
Xây dựng ĐHQGHN hiện đại, chuẩn quốc tế
Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV đã đặt ra mục tiêu phát triển ĐHQGHN trong giai đoạn 2010-2015 là “phát triển ĐHQGHN theo mô hình đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, tiến tới đạt trình độ ngang tầm các đại học tiên tiến trong nhóm 200 của châu Á”. Để đạt được mục tiêu trên, ĐHQGHN đã đặc biệt quan tâm đến đổi mới quản trị đại học theo Chiến lược, Kế hoạch, vận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính và đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, phát triển cơ sở vật chất tại Hoà Lạc được xác định là một trong các khâu đột phá trong Chiến lược phát triển của ĐHQGHN.

Trong giai đoạn 2010-2015, ĐHQGHN đã triển khai xây dựng Chiến lược và Kế hoạch. Chiến lược là để định hướng phát triển trong dài hạn, Kế hoạch là các bước cụ thể hoá để thực hiện Chiến lược. Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành, làm cơ sở quan trọng để kiến tạo sự phát triển của ĐHQGHN. Việc xây dựng Chiến lược được thực hiện dân chủ, chặt chẽ, khoa học, tiếp thu các ý kiến từ các chuyên gia, các Nhà khoa học, các Bộ, ngành; được Hội đồng ĐHQGHN và Đảng ủy ĐHQGHN thông qua trước khi ban hành; đảm bảo đầy đủ tính pháp lý và tính khoa học, thực tiễn. Trên cơ sở này, các đơn vị thành viên và trực thuộc đã xây dựng Chiến lược phát triển cấp đơn vị. Các Chiến lược của đơn vị không rời rạc, độc lập mà liên thông với nhau một cách chặt chẽ để nhằm mục tiêu thực hiện Chiến lược chung của ĐHQGHN.

Kế hoạch phát triển 5 năm (2011-2015) và kế hoạch hằng năm được xây dựng trên cơ sở đánh giá tiềm năng và nguồn lực, xác định rõ các mục tiêu và sản phẩm cần đạt được; trong quá trình thực hiện thường xuyên được rà soát, đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, ĐHQGHN đã chủ động, tiên phong áp dụng các phương pháp tiếp cận quản trị đại học tiên tiến theo hướng tiếp cận theo chất lượng, số lượng và hiệu quả sản phẩm đầu ra. Song song với đó, ĐHQGHN đã đổi mới công tác xây dựng Kế hoạch. Theo đó, hằng năm, ĐHQGHN ban hành hai hệ thống chỉ tiêu: Hệ thống chung áp dụng cho các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và Hệ thống riêng biệt, đặc thù áp dụng cho từng đơn vị phục vụ, dịch vụ. Các chỉ tiêu được lựa chọn, cân nhắc kĩ lưỡng, có tính lượng hoá cao. Việc phân chia thành hai hệ thống như vậy giúp cho việc xây dựng, thực hiện, giám sát và điều chỉnh chỉ tiêu sát với thực tiễn của các đơn vị và cũng là căn cứ để phân bổ các nguồn lực của ĐHQGHN cho phù hợp. Mạng lưới các cán bộ làm công tác kế hoạch cũng đã được hình thành, bước đầu phát huy hiệu quả trong việc quy trình hoá công tác kế hoạch, tiến tới áp dụng công nghệ thông tin vào công tác này trong thời gian tới.

Trong hoàn cảnh kinh tế, ngân sách khó khăn, ĐHQGHN đã rất cố gắng cân đối để đảm bảo các khoản chi hoạt động thường xuyên và chi phát triển của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp để tăng nguồn thu bổ sung ngoài ngân sách cũng được ĐHQGHN tích cực triển khai như liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước, thu học phí theo chất lượng đào tạo; phát triển các hoạt động khoa học, kinh doanh, dịch vụ, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, chuyển giao quy trình công nghệ hiện đại,... Thời gian qua, mức tăng nguồn thu sự nghiệp hằng năm của ĐHQGHN đạt khoảng 10%; tỉ lệ nguồn thu sự nghiệp trên tổng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên xấp xỉ 60%; tỉ lệ thanh quyết toán, giải ngân các nguồn kinh phí thường xuyên đạt 83% và vốn đầu tư đạt 100%; mức tăng kinh phí từ các đề tài, dự án khoa học công nghệ, chuyển giao khoa học công nghệ đạt xấp xỉ 20%. Trong những năm qua, phương thức phân bổ ngân sách có nhiều đổi mới, theo nhiệm vụ và kết quả đầu ra, đưa thêm hệ số các ngành khó tuyển vào nguyên tắc phân bổ kinh phí; mức tăng trưởng bình quân hằng năm về thu nhập của cán bộ đạt 7%. Sau khi Nghị quyết Trung ương 20 và 29 được ban hành, ĐHQGHN đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để tăng đầu tư phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, tạo điều kiện vững chắc cho các hoạt động chuyên môn của ĐHQGHN.

Về phát triển cơ sở vật chất, ĐHQGHN đã chủ động huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Trong khi tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc còn chậm; cơ sở vật chất của ĐHQGHN tại nội thành Hà Nội còn chật hẹp, ĐHQGHN đã chủ động chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu cấp bách về giảng đường, thư viện, trụ sở làm việc, cơ sở nghiên cứu trong giai đoạn chờ chuyển lên Hòa Lạc. Một số công trình đã được hoàn thành và đưa vào khai thác như công trình nhà làm việc Khoa Y dược, Trường THPT chuyên KHTN, Tòa nhà Trung tâm hợp tác văn hóa Sunwah-VNU, Phòng khám đa khoa 182 Lương Thế Vinh,... Khu vực điều hành của ĐHQGHN tại 144 Xuân Thủy cũng được chỉnh trang theo hướng thuận lợi trong sử dụng, tạo cảnh quan đẹp, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của ĐHQGHN. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đã tiếp nhận từ Thành phố Hà Nội đơn nguyên 1 và 2 khu Ký túc xá Mỹ Đình, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.300 sinh viên nội trú. Đây là công trình được xây dựng đồng bộ, hiện đại, giúp ĐHQGHN giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho sinh viên. Việc điều chỉnh, sắp xếp, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất ở các quận nội thành có bước chuyển biến tích cực. Diện tích mặt sàn của ĐHQGHN đã tăng lên đáng kể, từ 168.912 m2 năm 2010, đến năm 2015 ước đạt 317.886 m2. Hệ thống phòng thí nghiệm, hội trường, giảng đường, phòng học đã được bổ sung, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Số phòng học hiện nay lên tới 1.451 phòng, tăng 28% so với năm 2010. Số lượng phòng họp, hội thảo, hội trường được trang bị hiện đại tăng từ 13 phòng năm 2010 lên 20 phòng năm 2015.

Khu Ký túc xá Mỹ Đình của ĐHQGHN

Cùng với đó, ĐHQGHN đã hiện đại hóa cơ sở vật chất, hệ thống học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đã triển khai có hiệu quả 22 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế từ các nguồn lực khác để xây dựng mới và nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm. Các dự án đầu tư tập trung vào việc nâng cấp các giảng đường phục vụ công tác đào tạo, kí túc xá sinh viên, nâng cấp các phòng thí nghiệm phục vụ thực hành, thực tập cho sinh viên của các đơn vị (Trường ĐHKHTN; Trường ĐHKHXH&NV, Trường chuyên Khoa học Tự nhiên,...); phát triển một số hướng nghiên cứu mũi nhọn về khoa học, công nghệ micro-nano, địa nhiệt, giám sát hiện trường,... phát triển một số hướng nghiên cứu mới về y dược.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đã triển khai Dự án phát triển cơ sở học liệu từng bước đạt chuẩn quốc tế. Hệ thống Trung tâm Thông tin - Thư viện được quan tâm đầu tư; hệ cơ sở dữ liệu điện tử ngoại văn đa dạng, phong phú, đa ngành, chất lượng cao. Tài nguyên thông tin số được tăng cường. Mạng thông tin VNUnet của ĐHQGHN được nâng cấp, kết nối với mạng VINAREN, mở ra khả năng mới trong việc khai thác thông tin trên toàn cầu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên. Kết quả khảo sát cho thấy, 90% ý kiến sinh viên được hỏi hài lòng về chất lượng phục vụ của Trung tâm Thông tin - Thư viện. Theo bảng xếp hạng của Cybermetrics Lab năm 2014, Thư viện số của ĐHQGHN xếp số 1 tại Việt Nam và đứng thứ 794 thế giới.

Trong giai đoạn 2010-2015, Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã đạt được một số kết quả ban đầu, với việc ĐHQGHN nhận bàn giao từ Bộ Xây dựng Nhà công vụ số 1 và KTX số 4 để khai thác, sử dụng; việc bàn giao khu đất 130ha về Thành phố Hà Nội quản lý được hoàn thành; tuyến đường số 3 và số 11 kết nối giao thông ngoại vi được đưa vào sử dụng; công tác chuẩn bị đầu tư Dự án Trường ĐHKHTN và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh được hoàn tất. ĐHQGHN đã được giao làm chủ đầu tư Dự án Khu nhà công vụ và Trường Đại học Việt Nhật, hai Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Những Dự án trên khi được hoàn thành sẽ tạo thành quần thể cơ sở vật chất có kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN.

Để đạt được những kết quả nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện, ĐHQGHN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố Hà Nội, Ban Quản lí Khu công nghệ cao Hòa Lạc,… và huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất, trong đó có việc thu hút các nguồn vốn ngoài Ngân sách.

Như vậy có thể đánh giá công tác tài chính và cơ sở vật chất của ĐHQGHN trong giai đoạn 2010-2015 vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế của ĐHQGHN trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn tới, ĐHQGHN cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhằm phát triển nguồn lực tài chính bền vững và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, góp phần xây dựng ĐHQGHN hiện đại, chuẩn quốc tế.

 

 Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải - Bản tin ĐHQGHN số 292+293
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ