Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Những năm tháng không quên
"Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy" - (Thế Lữ)
Trong đời làm Toán của tôi có nhiều may mắn, nhưng có lẽ may mắn nhất đối với tôi là những năm tháng được làm Toán với những người trẻ tuổi, tài cao.

Năm 1965 sau khi tốt nghiệp Khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), tôi được GS. Hoàng Tụy (lúc đó ông mới 38 tuổi, là Chủ nhiệm Khoa Toán) phân công chữa bài tập Hình học lớp 9 cho Khối phổ thông Chuyên Toán (ĐHTHHN). Dạy lý thuyết Hình học là cố GS. Hoàng Hữu Đường (1936-1987), dạy lý thuyết Đại số là GS. Phan Đức Chính, chữa bài tập Đại số là GS. Đặng Hữu Đạo. Đây là mô hình đào tạo mới, nên tất cả các thầy đều bỡ ngỡ vì phải biên soạn giáo trình cho học sinh giỏi. Thầy Hoàng Hữu Đường lấy một cuốn Hình học nổi tiếng của Pháp làm tài liệu chính. Ông đã dịch cho tôi tất cả các bài tập của sách này. Vì không biết tiếng Pháp, sách lại không có lời giải sẵn, tôi phải tự giải lấy từ A đến Z. Phải nói rằng đây là cuốn sách quý và bài tập trong đó rất hay. Lúc đó tôi còn rất trẻ (23 tuổi), khoẻ mạnh và hăng say, nên dù trong hoàn cảnh chiến tranh rất khó khăn ở khu sơ tán Đại Từ (Bắc Thái) tôi đã cùng những học sinh khối Chuyên Toán đầu tiên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau đó tôi còn dạy thêm 3 khoá nữa (khóa 2, 3, 4). Nhờ làm việc với các bạn trẻ, tôi phải tự đào tạo lại bản thân mình, nhờ đó có đủ kiến thức và bản lĩnh làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Thế rồi tôi không còn “duyên” dạy Chuyên Toán nữa, nhưng luôn gắn bó với các thầy của khối: thầy Nguyễn Vũ Lương, thầy Phạm Văn Hùng, thầy Doãn Minh Cường (ĐH Sư phạm), thầy Mai Tư (ĐH Vinh), thầy Nguyễn Dắc Liêm (Quốc Học Huế), thầy Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Duy Thái Sơn (Đà nẵng). Mối quan hệ này giúp tôi rất nhiều trong những năm tiếp theo.

Nhưng số phận lại “mỉm cười” với “duyên thầm” của tôi. Sau nhiều năm tháng làm việc ở nước ngoài trở về (1996), tôi được giao trách nhiệm làm Phó Trưởng ban điều hành Hệ Đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng. Tôi nhớ rất rõ, một hôm vào đầu tháng 6/1997, họp ở Viện Toán về Trường ĐHKHTN, tôi được anh Đào Trọng Thi (lúc đó là Hiệu trưởng ĐHKHTN) cho đi xe cùng. Lúc ngồi trên xe, anh Thi hỏi tôi ”Trường ta sắp mở Hệ Đào tạo cử nhân Khoa học Tài năng (HĐTCNKHTN), anh có thể tham gia được không?” Tôi nhận lời và sau đó bắt tay vào công việc ngay. Thời kỳ đầu, Trưởng ban điều hành HĐTCNKHTN là GS. Đàm Trung Đồn (một nhà Vật lý có uy tín). Tôi và GS. Nguyễn Văn Nhân (nhà Địa chất) làm phó cho GS. Đồn. Ba chúng tôi làm việc ngày đêm và hết sức tâm đắc với công việc.Tôi nhận dạy Giải tích, thầy Đồn dạy Vật lý. Môn Toán do tôi phụ trách, nên tôi mời GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng dạy Đại số và PGS. Đặng Hùng Thắng chữa bài tập Giải tích giúp tôi. Thật may mắn GS. Hưng và PGS. Thắng nhận lời ngay. Thầy Nhân phụ trách quản lý sinh viên (rất tận tâm và tình cảm). Lại một lần nữa chúng tôi bắt tay vào biên soạn giáo trình mới cho HĐTCNKHTN. Thầy Đồn và tôi rất thống nhất quan điểm: trong 2 năm đầu phải lấy Toán, Lý làm gốc, đặc biệt là Toán và coi trọng Tin học cho tất cả các ngành Toán, Lý, Hoá, Sinh, Khoa học Trái đất. Tôi biết rằng đã hơn 30 năm kể từ khi lớp Chuyên Toán đầu tiên được thành lập, trình độ sinh viên của Hệ đã tiến bộ vượt bậc. Có thể nói, về mặt kỹ thuật Toán sơ cấp họ còn giỏi hơn tôi. Nhiều sinh viên đã đạt giải trong các kỳ thi Quốc tế, Quốc gia, nên họ học rất nhanh. Vấn đề chính là phải viết được những giáo trình thích hợp và tìm tài liệu tham khảo tốt cho sinh viên. Điều tôi vui sướng nhất là lần đầu tiên Hệ có các sinh viên Toán, Lý, Hoá, Sinh, Địa chất học chung với nhau, đặc biệt là sinh viên Toán, Lý, Hoá sẽ có điều kiện hợp tác làm việc sau này (về sau một số cặp đã nên vợ nên chồng). Môi trường học tập tốt, được Nhà trường và các thầy cô quan tâm đầy đủ, nên sinh viên học hành chăm chỉ và tiến bộ rất nhanh. Tôi nhớ như in những khuôn mặt thông minh, sáng ngời của các em sinh viên khi nghe giảng bài, tiếp thu những kiến thức mới, hoặc chau mày suy ngẫm một điều gì đó chưa rõ (về không gian metric chẳng hạn).

Hệ mới thành lập nhưng tiếng vang đã bay sang tận Pháp (nhờ GS. Đàm Trung Đồn). Hội Rencontres du Việt Nam liền cấp 30 suất học bổng cho 40 sinh viên của Hệ. Trường Ecole Polytechnicque (danh tiếng của Pháp) cử người sang tuyển chọn sinh viên đi học ở Pháp. Sinh viên đầu tiên được lựa chọn sang Pháp học là Đỗ Quốc Anh (hiện đang học tại Harvard). Thế rồi hàng năm, sinh viên của Hệ lại được nhận học bổng đều đều từ tay các GS. Trần Thanh Vân, Phạm Xuân Yêm hoặc học bổng ODON VALLET. Tôi rất biết ơn các GS. Trương Nguyên Trân, Nguyễn Quốc Sơn luôn luôn quan tâm và cổ vũ thầy trò chúng tôi (tới nay đã có tới 59 sinh viên học tại Pháp). Nhờ sự giới thiệu của GS. Trần Thanh Vân, GS. Greg Landsberg (Mỹ) đã nhiều lần đến Hệ tuyển chọn sinh viên của Hệ cho một số trường Đại học của Mỹ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt khuyến khích các tài năng trẻ của Hệ. GS. Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thường xuyên gọi điện cho tôi hỏi thăm về tình hình của Hệ. Nhờ vậy, nhiều sinh viên của Hệ đã được gửi đi đào tạo tại các đại học nổi tiếng của Anh, Nga, Đức, Nhật, Úc, Singapore,…. Năm 2003 tôi tới thăm Nga, gặp được hơn 20 sinh viên của Hệ đang học tại Đại học Tổng hợp MGU. Thêm vào đó, đúng dịp chương trình VEF (Viet Nam education FOUNDATION) của Mỹ ra đời, nhiều sinh viên của Hệ đã có cơ hội sang Mỹ học tập, đào tạo thành Tiến sĩ.

Với tôi thì một trong những thành công ban đầu của Hệ là có một số sinh viên giỏi Toán hoặc Lý, Hoá đã tự nguyện sang học một số lĩnh vực Sinh học, Khoa học Trái đất. Về sau các sinh viên này đã có nhiều đóng góp cho ngành Sinh học, Địa chất, Địa lý, Khí tượng, Thuỷ văn và Môi trường (điển hình là Ngô Đức Thành, sau khi bảo vệ tiến sĩ ở Pháp về địa chất, đã sang Nhật làm việc và trở thành nhà khoa học có uy tín). Thỉng thoảng tôi nói đùa với thầy Nhân rằng “ngành Địa chất sẽ hưởng lợi nhiều từ HĐTCHKHTN”. Ngoài ra, ngành Cơ học và Thiên văn cũng được quan tâm đặc biệt (một số sinh viên của Hệ đang theo học hai lĩnh vực này tại Mỹ). Tôi tin rằng, chúng tôi đã là đơn vị đầu tiên đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế và thực sự thành công.

Tôi lại phải tự đào tạo lại bản thân một lần nữa để hướng dẫn sinh viên của mình chọn đúng môi trường học tập và làm việc ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Nhìn chung, tôi cho rằng tôi không phải là người có tài làm Toán, nhưng tôi có nhiều tài… liệu và biết cách liên hệ, tổ chức để sinh viên học tập tốt. Các thầy Hưng, thầy Thắng, thầy Dư, thầy Kỳ Anh, thầy Long, thầy Thư, thầy Châu, thầy Hữu Cụng, thầy Minh, thầy Thụy, thầy Đinh Dũng đó gúp cho tụi nhiều ý kiến xác đáng. Các thầy trong Ban lãnh đạo nhà trường như Giám đốc ĐHQGHN Đào Trọng Thi, Hiệu trưởng ĐHKHTN Nguyễn Văn Mậu cũng tham gia giảng dạy. Thầy Lương, thầy Hùng, thầy Cường, thầy Mai Tư, thầy Liêm, thầy Thông, thầy Sơn luôn cổ vũ học sinh giỏi của họ vào học HĐTCNKHTN. Nhờ thế, hầu hết các học sinh đoạt giải Quốc tế và Quốc gia đã tình nguyện trở thành sinh viên của Hệ. Nhiều nhà toán học, vật lý, hoá học,… đã gửi con em của họ cho Hệ đào tạo. Hệ có gần đầy đủ đại diện học sinh của các khối chuyên thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước: chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), Trần Phú (Hải phòng), Nguyễn Trãi (Hải dương), Lê Hồng Phong (Nam Định), Lam Sơn (Thanh Hoá) Phan Bội Châu, chuyên Đại học Vinh, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), Đại học sư phạm Hà Nội, Amsterdam, Chu Văn An (Hà Nội), chuyên Quốc Học (Huế), Lê Quí Đôn (Đà Nẵng),…

Viện Toán học (là một ví dụ của một cơ quan khác) rất hoan nghênh việc thành lập HĐTCNKHTN. Chúng tôi đã mời nhiều nhà Toán học của Viện giảng dạy cho sinh viên của Hệ như: GS. Ngô Việt Trung, GS. Lê Tuấn Hoa, GS. Nguyễn Tự Cường, GS. Nguyễn Đình Công… và một số nhà toán học trẻ như Nguyễn Khắc Việt, Phùng Hồ Hải, Nguyễn Quốc Thắng,…Có thể nói rằng khắp mọi nơi trong nước đều quan tâm đến kết quả đào tạo của Hệ. Báo, đài thường xuyên đến phỏng vấn. Nhiều Giáo sư nước ngoài tự nguyện đến Hệ giảng bài như GS. F. Pham (nhà Toán học nổi tiếng của Pháp), GS. Đàm Thanh Sơn (nhà Vật lý trẻ của Mỹ), GS. Trịnh Xuân Thuận (nhà thiên văn lừng danh của Mỹ). Có tới 4 người được giải thưởng Nobel đến thăm và cổ vũ cho Hệ:

1. Norman Ramsay, Nobel 1989. (Various techniques in atomic physics )

2. Jerome Friedman , Nobel 1990. (Development of the Quark model )

3. James W.Cronin, Nobel 1980, (Charge-parity violation )

4. Klaus Von Klitzing, Nobel 1985, (Quantized Hall effect )

(GS. Norman Ramsay và GS. Jerome Friedman đến thăm Hệ năm 2001; GS. James W.Cronin và GS. Klaus Von Klitzing đến thăm Hệ năm 2006). Năm 2003, ngài Giám đốc Polytechnique, Trường Gabriel de Nomazy cũng đến thăm và nói chuyện thân mật với sinh của Hệ. Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng “có bột mới gột nên hồ”. Không có sự ủng hộ của lãnh đạo, các phòng ban, các khoa và các thầy cô giáo của nhiều lĩnh vực khác nhau thì chương trình đào tạo của Hệ sẽ thất bại. Không có sự hưởng ứng tham gia học tập của sinh viên thì chương trình của Hệ sớm tàn lụi. Tôi luôn ghi nhớ điều ấy.

Đã mười năm trôi qua rồi, ít nhất có tới 150 sinh viên của mỗi ngành khoa học cơ bản được đào tạo theo chương trình của HĐTCNKHTN. Và do đó ít nhất tôi đã làm quen được 600 bạn trẻ. Tuổi trẻ và tài năng của sinh viên buộc tôi (như một huấn luyện viên) phải trẻ lại, làm việc hăng say hơn. Một số sinh viên của Hệ nay đã trở thành Tiên sĩ, giảng viên, cán bộ nghiên cứu ở nhiều viện nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước. Nhân dịp này tôi muốn nhắc nhở các bạn trẻ đôi đìều:

1. Trong truyện Kiều có những câu thơ đáng nhớ sau đây:

Mở đầu truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Sau đó là

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Rồi ông nhắc nhở

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen

và kết luận

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

2. Người Trung Quốc xưa đã phân người tài ra làm hai loại:

Người tài năngNgười tài trí

và có câu bình luận sau đây:

Người tài năng thường dễ nổi và hay xem thường người tài trí. Người tài trí ít nổi hơn, nhưng người tài năng thường là vật sở hữu của người tài trí.

Theo tôi thì tài năng là phong độ, còn tài trí là đẳng cấp.

3. Tục ngữ Việt Nam có câu:

Xấu đều hơn tốt lỏi.

Theo tôi câu này trong nhiều trường hợp không đúng (một đội bóng phải có một cầu thủ dẫn dắt lối chơi của toàn đội chứ!). Tuy nhiên, ngẫm cho kỹ thì câu này nhắc nhở người tài không được “khôn lỏi”, không được ích kỷ. Người tài phải biết toả sáng cùng với đồng đội (thủ quân lừng danh của đội tuyển Hà lan Johahn Cruiff đã từng nói: Tôi đá bóng để cùng đồng đội ghi bàn và chiến thắng).

4. Bác Hồ nói:

Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.

Theo tôi câu này luôn luôn đúng. Nhưng diệt giặc dốt rất khó, vì giặc dốt ở trong mỗi con người (kể cả những người rất tài).

5. Trong Quốc Tử Giám có ghi câu:

Hiền tài là nguyên khí Quốc gia.

Theo tôi câu này là hay nhất trong tất cả các câu trên.

Người ta thường khen nhau: Tài tình quá. Trong thơ và nhạc thường nói nhiều đến chữ tình, ít khi nói đến chữ tài. Nếu trong chương trình “Trò chơi âm nhạc” mà có ô chữ TÀI thì tôi chịu không hát được bài gì ngoài bài “Hoan hô chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê”. Còn chữ TÌNH thì có “Tình em biển cả”. Văn nghệ sĩ còn rất kiêng nói đến chữ tài đến thế, thảo nào, khi đặt tên cho Hệ, Giám đốc Đào Trọng Thi phải kiên trì lắm mới giữ được chữ TÀI cho Hệ. Người Việt quí trọng người tài, nhưng khiếm tốn. Nhớ lấy điều này các em nhé.

Các em sinh viên của Hệ thân mến, thầy Đồn (sinh năm 1934), thầy Nhân (sinh năm 1939), tôi (sinh năm 1942) và sau này là thầy Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1943), thầy Nguyễn Trọng Uyển (sinh năm 1940) đã già rồi: thầy Đồn, thầy Nhân, thầy Uyển đã về hưu, tôi cuối năm nay, và thầy Hùng sang năm cũng thế. Tất cả chúng tôi mong mỏi ngày thành đạt của các em, thay thế hệ già chúng tôi, hoặc vì lý do nào đó mà phải ở lại nước ngoài thì hãy theo gương các bác Trân, Vân, Yêm, Sơn, Thuận, Phạm, Tráng… hướng về Tổ quốc Việt nam, tìm cách nào đó phục vụ cho quê hương mình.

Với tôi, mười năm cuối của tôi làm việc ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thật sự may mắn, vì được làm việc đúng với tâm nguyện và ước vọng của mình: mười năm trồng cây (vườn hơn 600 cây đã bắt đầu ra hoa, kết trái).

Chúc các em sức khoẻ, thành đạt, may mắn và hạnh phúc. Nhớ rằng, các thầy cô luôn tin tưởng và tự hào về các em.

Các em ơi! Hà nội đang vào Thu 2007. Những mùa thu trước, thầy thường hát bài ca “Mặt trời bé con” của Trần Tiến để đón các em và Hệ. Mùa thu này, Dự án Đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng đã kết thúc, không còn Ban điều hành Hệ ĐTCNKHTN nữa. Riêng thầy, đâu có buồn, mà chỉ tiếc, Hệ mình không đi tiếp những ngày đắm say. Để diễn tả nỗi niềm của thầy lúc này, thầy “hát” tặng các em bài ca “Thư tình cuối thu” của Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Xuân Quỳnh nhé!

Mùa thu vàng hoa cúc,

Chỉ còn anh và em là của mùa thu cũ…

Kìa bao người yêu mới đi qua vùng heo may,

Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại.

Thu Hà Nội 2007

 GS.TSKH. NGUT. Nguyễn Duy Tiến
Trưởng ban điều hành Hệ Đào tạo CNKHTN - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   |