Tin tức  Sinh viên 00:21:22 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Sinh viên ĐHQGHN với ý tưởng về giải pháp giảm thiểu xâm nhập mặn và giành giải cao tại cuộc thi môi trường quốc tế
Nhận thức được một cách sâu sắc về các vấn đề môi trường đang diễn ra, mong muốn tìm ra giải pháp để hỗ trợ người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long cải thiện tình trạng xâm nhập mặn, nhóm sinh viên ngành Kinh tế - Tài chính, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN phối hợp với nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã đưa ra ý tưởng về giải pháp giảm thiểu xâm nhập mặn Futuresalt.

Dự án nằm trong top 2 của vòng chung kết cuộc thi Thử thách #TeamUpForClimate do Egis Foundation - tổ chức quốc tế nổi tiếng về xây dựng, kỹ thuật và dịch vụ di động, chuyên tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, thúc đẩy sự thích ứng và tồn tại trong điều kiện khí hậu hiện nay. Đây là năm thứ 2 cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm các dự án hướng tới giải quyết nhu cầu cấp thiết của rủi ro khí hậu và thích ứng với những hậu quả trước mắt và lâu dài của chúng.

Futuresalt cũng là đại diện Việt Nam duy nhất tham gia cuộc thi. Ngày 13/10 tới đây, các thành viên của nhóm sẽ có cơ hội thuyết trình trước đại diện lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu của UNESCO tại Lễ công bố và trao giải diễn ra tại Thủ đô Paris, Pháp.

Cùng trò chuyện với Vũ Mai Anh - sinh viên lớp KTTC.21.E1 và Đỗ Hoàng Ngọc - sinh viên lớp KTTC.21.E4 về quá trình tham gia cuộc thi và tìm hiểu sâu hơn về dự án này.

Xuất phát từ lý do nào mà các bạn lại lựa chọn tham gia một cuộc thi về môi trường? Ý tưởng cho dự án đoạt giải này của nhóm các bạn tới từ đâu?

Xuất phát từ nhận thức được một cách sâu sắc về các vấn đề môi trường đang diễn ra, đồng thời chúng tôi cảm thấy những người trẻ tuổi cần hành động với các mục tiêu phát triển bền vững của xã hội. Vì vậy, chúng tôi đã tìm kiếm các cuộc thi trong và ngoài nước để thử sức. Đây là lần đầu tiên bước chân ra đấu trường quốc tế nhưng chúng tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ và đặc biệt hơn nữa là một thành tích ngoài dự đoán của cả đội.

Hơn nữa, với việc được học tập trong một môi trường học thuật, đề cao sự sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, chúng tôi đã có những động lực để cố gắng và phấn đấu nhiều hơn. Những hình ảnh các anh chị sinh viên khóa trên đạt giải cao trong các cuộc thi về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong và ngoài Trường đã thôi thúc chúng tôi tìm tòi thêm những cuộc thi về các dự án phục vụ cộng đồng và những động lực ấy đã giúp chúng tôi có chút thành quả nhỏ của ngày hôm nay.

Ý tưởng cho dự án đến từ khoảnh khắc chúng tôi xem những bức ảnh về ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn đến cuộc sống của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Hoa màu thiệt hại, người dân thiếu nước sạch trầm trọng để sử dụng trong cuộc sống…, những điều này thực sự khiến nhóm trăn trở và mong muốn tìm ra giải pháp để hỗ trợ người dân cải thiện tình trạng này. Nhận thấy được tính ứng dụng cao của công nghệ trong đời sống, sau rất nhiều lần cân nhắc các ý tưởng, nhóm chúng tôi quyết định sẽ ứng dụng công nghệ vào giải pháp của mình để có thể cung cấp sự hỗ trợ tối ưu nhất cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, giải pháp Futuresalt đã ra đời.

Các bạn có thể chia sẻ về quá trình tham dự cuộc thi này được không?

Chúng tôi đã tham khảo các tài liệu, nghiên cứu và thông tin liên quan để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và hậu quả của xâm nhập mặn. Và cũng thật may mắn khi chúng tôi có cơ hội biết và kết nối với các thành viên khác từ Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Việc trao đổi, họp nhóm chủ yếu thông qua mạng xã hội do khoảng cách về địa lý.

Mỗi thành viên trong nhóm đều có những thế mạnh nhất định về cả kiến thức lẫn kĩ năng như Kinh tế, Môi trường, Khoa học Công nghệ… Tuy nhiên, nhờ đó mà chúng tôi đều có thể phát huy hết khả năng và những điểm yếu, thiếu sót được các thành viên còn lại hỗ trợ. Sau khi thành lập nhóm, chúng tôi bắt đầu tiến hành xây dựng dự án. Bắt đầu từ những buổi họp thảo luận và hoàn thiện chi tiết ý tưởng dự án đến những ngày ngồi đọc tài liệu để tìm hiểu các phương pháp và công nghệ để triển khai ý tưởng dự án trong vòng 2 tháng. Mỗi thành viên đều vẫn còn là sinh viên nên đều vướng lịch học, do vậy chúng tôi đều phải cố gắng tranh thủ tối đa thời gian.

Có lẽ sau quá trình triển khai dự án, kỷ niệm khó quên nhất với nhóm là những ngày ngồi viết rồi lại sửa 3,4 lần tới đêm, dù mệt nhưng thực sự rất vui. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã hoàn thành dự án với thành quả là một giải pháp có khả năng giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn như mong muốn. Chúng tôi có cơ hội đưa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới và trình bày dự án của mình trước ban giám khảo và hội đồng trong cuộc thi #TeamUpForClimate 2023. Giải thưởng với chúng tôi là sự công nhận về những nỗ lực, tính sáng tạo, khả thi và tiềm năng trong việc ứng phó với xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Là sinh viên chuyên ngành Kinh tế - Tài chính nhưng lại tham gia vào một dự án về môi trường và khí hậu, các bạn có những lợi thế và khó khăn gì khi tham dự cuộc thi?

 

Hoàng Ngọc: Tôi cho rằng, chuyên ngành Kinh tế - Tài chính với kiến thức về quản lý tài chính, đánh giá rủi ro và phân tích kinh tế có thể giúp tôi hiểu và đánh giá được các yếu tố tài chính và kinh tế liên quan đến dự án môi trường, từ đó có thể đưa ra các phân tích tài chính và đề xuất các giải pháp có tính bền vững về mặt kinh tế.

Khi đã có những kiến thức về kinh tế, chúng tôi có khả năng phân tích và đánh giá tác động kinh tế của các biện pháp môi trường và khí hậu, từ đó có thể đưa ra các phân tích chi phí, tính hiệu quả, đánh giá rủi ro - điều quan trọng để giám khảo đánh giá được tính khả thi của dự án. Đặc biệt, việc vận dụng các mô hình đã được học như: SWOT, Business Model Canvas với tính ứng dụng của giải pháp đã giúp dự án có thêm điểm cộng trước Hội đồng Ban Giám khảo. 

Và hơn nữa, nhờ các kĩ năng được học tập trên trường, trên lớp như quản lý dự án, kỹ năng giao tiếp đã giúp tôi có thể tổ chức và điều hành dự án một cách hiệu quả, đảm bảo tiến độ và kế hoạch được thực hiện đúng hạn, đồng thời trình bày ý kiến, đàm phán trong dự án về môi trường và khí hậu một cách thuyết phục.

Tuy vậy, tôi cũng gặp phải đôi chút khó khăn liên quan đến kiến thức về các vấn đề môi trường và khí hậu. Từ đó, tôi phải tự nắm bắt thông tin, nghiên cứu và học hỏi thêm về các khía cạnh môi trường để có cái nhìn toàn diện và đưa ra giải pháp phù hợp. Trong quá trình tham gia cuộc thi, ban tổ chức cũng có những buổi workshop cùng sự hỗ trợ của mentors (người cố vấn, hướng dẫn) để chúng tôi có thêm được nhiều kiến thức và phát triển dự án hơn.

Mai Anh: Thuận lợi lớn nhất có lẽ là khả năng phân tích và đánh giá rủi ro học được trong chuyên ngành đã giúp tôi đánh giá được khả năng thực tiễn như chi phí, những rủi ro của dự án và các mức độ tác động của xâm nhập mặn lên nền kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, với những kiến thức về kinh tế tài chính sẵn có và định hướng tìm hiểu về mô hình kinh tế bền vững, tôi càng nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa kinh tế và môi trường với sự tác động qua lại lẫn nhau của chúng. Tôi luôn tâm niệm rằng môi trường là địa bàn và đối tượng để kinh tế phát triển, còn phát triển kinh tế là nguyên nhân sẽ tạo nên các biến đổi của môi trường. Do đó, muốn kinh tế phát triển bền vững thì ta phải để tâm đến khía cạnh môi trường.

Tuy nhiên, tôi cũng gặp không ít khó khăn khi tham gia vào một cuộc thi quốc tế về môi trường và khí hậu vì tôi vốn không có phông kiến thức sâu rộng về lĩnh vực này và nhóm chúng tôi lại là nhóm Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong số hơn 400 hồ sơ đăng ký dự thi. Do đó, tôi cũng có những áp lực nhất định khi tham gia vì phải tiếp nhận rất nhiều kiến thức mới về môi trường và biến đổi khí hậu. Nhưng thật may mắn khi tôi có những người đồng đội vô cùng xuất sắc với những thế mạnh ở các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, các mentors của cuộc thi cũng nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi, cùng với kiến thức từ các buổi workshop của cuộc thi đã giúp nhóm có kết quả ngày hôm nay.

Vậy với việc là sinh viên tại Việt Nam nhưng học tập theo chương trình của Hoa Kỳ, điều này có hỗ trợ gì cho các bạn trong việc tham gia dự án này không? Các bạn nhận thấy được những điểm ưu việt gì khi được học tập theo chương trình?

Mai Anh: Đầu tiên chắc tôi phải nói là nhờ học theo chương trình của Hoa Kỳ mà chúng tôi có tư duy dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá (cười). Chúng tôi cũng đã rất e ngại khi đăng ký tham gia cuộc thi bởi đây là một lĩnh vực mình không hiểu biết sâu rộng. Nhưng tôi nghĩ sinh viên Kinh tế - Tài chính ai cũng vậy, càng sợ thì càng muốn thử, thử để biết, thử để khẳng định bản thân và để vượt qua chính mình.

Ngoài ra, chương trình học tập của Hoa Kỳ đề cao tính tự chủ, tư duy cá nhân, điều này giúp chúng tôi dám nêu ra ý tưởng, từ đó có thể đóng góp vào quá trình làm việc nhóm một cách hiệu quả nhất. Bởi chương trình của chúng tôi được học tập hoàn toàn bằng Tiếng Anh và hầu hết các môn học đều có bài thuyết trình trước lớp nên mình cảm thấy rất tự tin khi thuyết trình trước hội đồng hay trao đổi với mentors và ban tổ chức cuộc thi bằng tiếng Anh. Việc theo học một chương trình của Hoa Kỳ thực sự đã giúp mình thay đổi tư duy của bản thân, từ một cô bé nhút nhát năm cấp 3, tôi đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để tham gia các hoạt động, dự án xã hội.

Hoàng Ngọc: Chương trình giáo dục của Hoa Kỳ tập trung vào việc phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo, phân tích, tự học và làm việc nhóm. Nhờ đó, tôi có khả năng nắm bắt nhanh chóng các khái niệm phức tạp, tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả và áp dụng chúng vào dự án dù phát triển trên nền tảng kiến thức không phải chuyên môn.  Học tập theo chương trình này khuyến khích sự tự chủ và khả năng quản lý cá nhân. Điều này giúp tôi phát triển kỹ năng quản lý thời gian, ưu tiên và tổ chức công việc hiệu quả khi làm việc nhóm.

Đặc biệt, chương trình được học tập và giảng dạy bằng tiếng Anh đã giúp tôi tự tin, hòa nhập tốt hơn khi tham gia một cuộc thi quốc tế. Từ việc đã quen thuộc với cách làm việc của giảng viên nước ngoài nên tôi rất tự tin trong những cuộc đối thoại hay những khi thuyết trình dự án, trả lời câu hỏi đều khá chỉn chu và nhận được phản hồi tích cực từ các mentors hướng dẫn, Hội đồng Ban Giám khảo.

Với kết quả chung cuộc đạt TOP 2 của cuộc thi và lần thuyết trình vào tháng 10 này tại Pháp, hai bạn có dự kiến kế hoạch gì chưa?

Trước hết, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện APP theo yêu cầu của chương trình để mang đến một sản phẩm hoàn chỉnh nhất “Made in Việt Nam” giới thiệu đến bạn bè quốc tế ở nước Pháp.

Với cơ hội được đặt chân tới thủ đô Paris lần này, điều đầu tiên chúng tôi muốn làm là có thể mang hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay, hình ảnh sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN nói chung và sinh viên ngành Kinh tế - Tài chính nói riêng toả sáng ở Paris hoa lệ. Chúng tôi hy vọng sẽ có một vài bức ảnh tại chân Tháp Eiffel trong chiếc áo đồng phục của trường và trong khán phòng của cuộc thi với dự kiến 1.000 người tham gia.

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Chủ nhiệm Khoa Đào tạo & Bồi dưỡng ngoại ngữ, các giảng viên đã và đang giảng dạy tại ngành Kinh tế - Tài chính luôn quan tâm, động viên kịp thời và tạo điều kiện hết sức cho mỗi sinh viên trong các hoạt động về học tập, nghiên cứu. Mình cũng mong rằng các bạn sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ nói chung và sinh viên ngành Kinh tế - Tài chính tại Việt Nam nói riêng sẽ có những thành công tại các cuộc thi tương tự trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn hai bạn về cuộc trò chuyện, chúc hai bạn sẽ có thật nhiều kỉ niệm đẹp tại Thủ đô Paris trong Lễ công bố và trao giải của cuộc thi!

 Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC