Hình ảnh 06:32:21 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Làm gì để trở thành “Thung lũng Silicon”
Liệu có thể sao chép lại thung lũng Silicon ở một nơi nào khác hay không? Có điều gì đặc biệt khiến nó trở nên độc nhất vô nhị trên thế giới?
Không chỉ các quốc gia trên thế giới tìm cách xây dựng một nơi nào đó tại đất nước mình giống như thung lũng Silicon mà ngay cả các thành phố khác của nước Mỹ cũng cố tự biến mình thành một trung tâm công nghệ. Trong lịch sử hàng nghìn năm, cho đến cách đây hai thập kỷ, vị trí địa lý vẫn là một yếu tố quyết định vận mệnh của các thành phố. Các đô thị lớn sầm uất đều nằm trên các trục đường thủy vì đây là cánh cửa thương mại mang lại sự thịnh vượng. Ngày nay, con người có thể xây dựng các thành phố lớn ở bất kỳ đâu, kể cả trên sa mạc hay một hòn đảo nhân tạo. Vậy điều gì là tối cần thiết trong việc xây dựng một nơi giống như thung lũng Silicon? Đó là người tài. Vậy câu hỏi đặt ra là những con người tài giỏi ở đây là ai?
Tôi nghĩ chỉ cần hai kiểu người để tạo ra một trung tâm công nghệ: những người giàu có sẵn sàng mạo hiểm tiền bạc của mình để đầu tư vào tương lai và những người có đam mê không mệt mỏi với công nghệ. Họ chính là những nhân tố cần thiết sản sinh ra các dự án khởi nghiệp, các công ty công nghệ. Điều này có thể dễ dàng nhận ra bằng cách quan sát các thành phố tại Mỹ. Ví dụ, có rất ít công ty công nghệ khởi nghiệp ở Miami dù ở đây có rất nhiều người giàu có, vì nơi đây không có những người say mê nghiên cứu công nghệ. Trong khi đó Pittsburgh, thành phố lớn thứ hai nước Mỹ lại ngược lại. Tại đây có rất nhiều trường đại học tuy nhiên lại chẳng có tỷ phú nào thích ở đây cả. Hay Ithaca, nơi có trường đại học Cornell hàng đầu cũng gặp vấn đề tương tự. Những người giàu có không muốn sống ở Pittsburgh hay Ithaca, vì vậy dù có thừa những người say mê nghiên cứu công nghệ nhưng chẳng có ai đầu tư cho họ.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, có nhất thiết cần những người giàu có? Liệu có thể nhờ chính phủ đầu tư cho những người say mê nghiên cứu hay không? Câu trả lời là không! Không thể. Những người giàu sẵn sàng đầu tư vào tương lai là kiểu người đặc biệt. Họ thường có kinh nghiệm trong việc kinh doanh, nhạy bén trong việc nhìn ra cơ hội và có niềm tin vào những giá trị vô hình. Điều này giúp họ có thể chọn ra các dự án hay các công ty khởi nghiệp tiềm năng, đồng thời ngoài vốn, họ còn có thể cho lời khuyên, giới thiệu các mối quan hệ,... Việc nhà nước mở ra các quỹ đầu tư khởi nghiệp giống như những nhà toán học điều hành tạp chí thời trang, hay nói một cách chính xác hơn là những biên tập viên thời trang lại đi mở tập san toán vậy.
Nếu đến thăm thung lũng Silicon, những gì bạn thấy là các tòa nhà cao tầng. Nhưng con người tạo ra thung lũng Silicon chứ không phải các tòa nhà. Rất nhiều nơi trên thế giới cố gắng xây dựng các “công viên công nghệ” như thể thung lũng Silicon chỉ tồn tại được là nhờ các tòa nhà văn phòng. Pháp rất tự hào về Sophia Antipolis vì ở đó có Cisco, Compaq, IBM, Nortel,... nhưng không lẽ người Pháp không hiểu rằng, đó chỉ là văn phòng đại diện chứ không phải các công ty khởi nghiệp thực thụ? Việc xây dựng các tòa nhà văn phòng cho các công ty đến cư ngụ sẽ không thể giúp bạn có một thung lũng Silicon, vì số mệnh của một công ty khởi nghiệp xẩy ra trước khi cần đến bất cứ thứ gì tương tự như vậy. Mấu chốt là lúc có ba anh chàng nào đó, ngồi với nhau, làm việc say mê với một ý tưởng tuyệt vời. Và ở đâu họ có thể huy động được vốn, họ sẽ ở lại đó. Intel, Apple, Google có mặt ở thung lũng Silicon đơn giản là vì họ đã khởi nghiệp từ đây.
Như vậy, tất cả những gì bạn cần là con người, những người tài giỏi. Nếu bạn có thể thu hút một lượng đủ lớn những người say mê nghiên cứu và các nhà đầu tư giàu có vào một chỗ, bạn có thể có một thung lũng Silicon thứ hai. Hai nhóm người này đều rất linh hoạt, họ sẽ chỉ đến nơi có cuộc sống khiến họ thoải mái. Vậy làm thế nào để tạo ra một nơi thoải mái với hai nhóm người này?
Thứ mà một người đam mê nghiên cứu thích thú chính là những người cũng đam mê như họ. Họ sẽ đến bất cứ nơi nào có những người thông minh, giỏi giang, nhiệt huyết. Các trường đại học chính là một nơi như thế. Ở Mỹ, không có trung tâm công nghệ nào mà ở đó không có các trường đại học hàng đầu, hoặc ít nhất là các trường có các khoa công nghệ hàng đầu. Như vậy, thứ bạn cần không phải chỉ là một trường đại học bình thường, mà bạn cần một nhóm người thuộc top đầu thế giới. Nhóm người này giống như một thỏi nam châm, lôi kéo những người tài giỏi từ xa đến. Điều này nghe có vẻ khó khăn, nhưng thực tế có thể thực hiện được không quá khó. Những gì thu hút các giáo sư? Đó chính là đồng nghiệp và sinh viên giỏi. Vì vậy nếu bạn có thể trả cho 200 giáo sư, giảng viên, cán bộ nghiên cứu 2 triệu USD/1 năm, kết hợp họ lại trong một khoa, bạn sẽ có một khoa đại học sánh với bất cứ nơi nào trên thế giới. Từ đó chuỗi phản ứng dây chuyền có thể tự xaûy ra. Sinh viên sẽ kéo đến, và các nghiên cứu, các dự án sẽ mọc ra như nấm.
Tuy nhiên nếu chỉ tạo ra một trường đại học là không đủ. Trường đại học chỉ là một hạt mầm, cần phải được gieo trên một nền đất tốt. Để tạo ra các dự án hay công ty công nghệ khởi nghiệp, trường đại học cần phải nằm trong một thành phố, nơi mà các nhà đầu tư giàu có muốn sống và các sinh viên muốn ở lại sau khi tốt nghiệp. Chắc chắn đó không phải là một thành phố được xây dựng kiểu công nghiệp, với những tòa nhà dập khuôn, không có nét đặc trưng gì cả. Đó phải là một thành phố có “cá tính”, có nét đẹp, có không gian đủ thuyết phục hai nhóm người khó tính này. Để làm được như vậy, đó phải là một thành phố mà mỗi tòa nhà, mỗi khuôn viên, đều là tác phẩm của một nhóm kiến trúc sư nhiệt huyết, thay vì là một bản vẽ tổng thể của một dự án được quy hoạch bởi một công ty duy nhất. Khó lòng có thể đòi hỏi thứ gì cá tính và độc đáo ở những dự án quy hoạch kiểu như vậy.
Các nhà lãnh đạo khi đặt ra câu hỏi “làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một nơi giống như thung lũng Silicon?” có thể thất bại do chính cách mà họ nghĩ ra câu hỏi. Chúng ta không xây dựng một thung lũng Silicon, mà chúng ta chỉ tạo ra các điều kiện để cho nó tự phát triển.
NGUYỄN VIỆT NINH (lược dịch)
 Paul Graham - Bản tin số 264 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC