Hình ảnh 10:57:12 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Cơ hội tập hợp các sáng kiến quốc tế
Vừa qua ĐHQGHN, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hiệp hội các trường đại học Đông nam Á đã đồng tổ chức hội thảo quốc tế “Vai trò của đại học trong ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu”. Hội thảo đã quy tụ hơn 100 nhà khoa học hàng đầu trong khu vực và một số nhà khoa học đến từ các nước phát triển.

Vài con số…

Hội thảo đã mời được một số học giả có đóng góp quan trọng trên các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu đến từ nhiều đại học danh tiếng như GS. Baros, Ðồng Chủ tịch Nhóm công tác II của IPCC, GS. Soelthun, Ðại học Oslo Nauy, GS. Mimura, Ðại học Ibarki Nhật Bản, đặc biệt là các giáo sư, Takeuchi, Herath đến từ Ðại học Liên Hợp quốc UNU tại Tokyo. Bài phát biểu của các giáo sư đã nêu bật vai trò của giáo dục đại học trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đều nhấn mạnh tiếp cận “ứng phó thông minh” mà GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ÐHQGHN, đã nêu trong bài phát biểu khai mạc. Ðại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Ðức, đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của ÐHQGHN và nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo đại học trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về tác động của biến đổi khí hậu cũng như năng lực ứng phó một cách thông minh với biến đổi khí hậu. Hai ngày làm việc với 36 báo cáo được chọn từ 46 bài gửi tới hội thảo là biểu hiện mối quan tâm của cộng đồng khoa học ở nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực với chủ đề của Hội thảo. Nước chủ nhà Việt Nam đã đóng góp 12/46 báo cáo. Thái Lan là nước mang đến Hội thảo nhiều báo cáo nhất, 15 tham luận.

Các nước đều tranh thủ Báo cáo quốc gia (Country Report) để quảng bá hình ảnh nền đại học của mình thông qua nhiều sáng kiến tiếp cận cộng đồng, phương thức, biện pháp cụ thể về ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu một cách thông minh. Mặc dù vấn đề sức khỏe cộng đồng được IPCC đưa ra như một trong những lĩnh vực chịu tác động của biến đổi khí hậu nhưng chỉ có một báo cáo của Ðại học Subaraya, Indonesia đề cấp đến vấn đề này; lĩnh vực năng lượng mới và cộng đồng đại học được đề cập đến trong Báo cáo Quốc gia của Ðại học Hồng Kông là báo cáo duy nhất về lĩnh vực này; phần đa các báo cáo đều đề cập đến tai biến thiên nhiên và tác động của biến đổi khí hậu đến cộng đồng, an ninh lương thực và đánh giá tổn thương. Báo cáo về đánh giá tổn thương một điểm du lịch nổi tiếng có trong chương trình tham quan của đại biểu là Vịnh Hạ Long của đại diện ÐHQGHN được Hội thảo đánh giá là một trong những nghiên cứu trường hợp có tính điển hình hóa cao và mang lại nhiều thông tin. Về chương trình giáo dục chỉ có một bài đề cập đến chất lượng đại học (của Ðại học Bournemouth UK). Các đại biểu đều nhắc đến biến đổi khí hậu như sự thách thức toàn cầu nhưng lại đang đem lại nhiều cơ hội cho các đại học.

 GS.TS Phạm Văn Cự - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC