11:04:32 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Khoa học và công nghệ: Đông và Tây
Giáo Dục - Khoa Học - Công Nghệ là ba cột trụ cho sự phồn thịnh của một nước. Ba cột trụ này liên quan mật thiết với nhau. Giáo dục sẽ cung cấp nhân tài cho khoa học và công nghệ, khoa học là nền tảng cho tri thức và công nghệ, và công nghệ là phương tiện làm cho dân giàu nước mạnh. Trong ba thập niên qua những quốc gia tiên tiến đã không ngừng cải cách và tạo ra những liên thông giữa ba cột trụ này.
Tinh thần Nhật Bản
Những chiếc thương thuyền chạy bằng hơi nước và những chiến hạm trang bị súng thần công mang Cách mạng công nghiệp đi nửa vòng thế giới thổi một luồng gió lốc vào phương Đông còn chìm đắm trong giấc ngủ triền miên trên chiếc gối "tứ thư ngũ kinh". Đứng trước sức mạnh cơ khí của phương Tây, người Nhật Bản và người Trung Hoa có phản ứng hoàn toàn khác nhau. Tiếng nã pháo từ những chiến hạm Tây Dương làm người Nhật thức tỉnh nhưng người Trung Hoa vẫn u mê giấc điệp. Chiến tranh Nha phiến vào thế kỷ thứ 19 bắt đầu một thời kỳ đưa dân tộc Trung Hoa vào một "thế kỷ ô nhục". Nhưng vua quan nhà Thanh vẫn chưa thức tỉnh do quyền lợi của những nhóm nịnh thần quan tham, kẻ không tham ô thì lại bảo thủ mang tư tưởng bài ngoại và tinh thần hủ nho thâm căn cố đế, tự cao tự đại xem mọi kỹ thuật như một phường xảo thuật (kỳ kỹ dâm xảo).
Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất sâu sắc trong văn hóa người Nhật Bản nhưng đây là sự du nhập có chọn lọc không giáo điều, không từ chương sáo ngữ. Sĩ phu Nhật Bản (samurai) một mặt học tập, làu thông Luận Ngữ, Kinh Thi, mặt khác lại thách thức giáo điều Khổng Mạnh; họ bài bác Tống Nho nhưng nhiệt tình đón nhận Nho học thực tiễn của Vương Dương Minh với tư tưởng chủ đạo là "tri hành hợp nhất". Họ sáng lập ra trường phái "Dương Minh học", phát huy tư tưởng của họ Vương và sau này ăn sâu vào tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật. Khi người phương Tây xuất hiện, giai cấp võ sĩ nhận ra ngay nguy cơ tụt hậu của mình và đã từng nói với nhau "mười thanh kiếm bushido (võ sĩ đạo) không bằng một khẩu súng ngắn phương Tây". Cũng vào thế kỷ 19 khi những chiếc tàu đen của phương Tây bắt đầu quấy rối quần đảo Okinawa và thấp thoáng ngoài khơi Kagoshima cực nam nước Nhật, phiên chủ đương thời là Shimazu Nariakira nhận thấy sức mạnh của khoa học kỹ thuật phương Tây nên gấp rút canh tân. Ông mở một công xưởng để luyện thép chế tạo súng ống, súng thần công. Ông bắt chước phương Tây huy động việc chế tạo tàu chạy bằng hơi nước, gắn súng thần công biến thành chiến hạm giao tranh với người Anh. Ông còn mời các nhà Lan Học (ran-gaku, tiền thân các nhà khoa học Nhật Bản) chuyên về cơ khí, vật lý, hóa học, sáng chế các dụng cụ truyền thông như điện thoại, điện báo, chế tạo thủy tinh, nghệ thuật ấn loát, các loại tơ sợi may mặc và thuốc súng. Có lẽ đây là lần đầu tiên sự tương quan giữa khoa học hiện đại và công nghệ được phát huy triệt để ở phiên trấn xa xôi của một nước phương Đông. Sau này, con ông mua nhiều tàu hơi nước của Anh, Mỹ và áp dụng "công nghệ ngược" làm tàu có công lực tương đương với tàu thủy phương Tây.
Tầm nhìn thực dụng của cha con Shimazu Nariakira đã mở ra một thời đại khoa học công nghệ và truyền thống này kéo dài đến hôm nay cho ra những sản phẩm mang thương hiệu đầy uy tín "made in Japan". Song song với việc mô phỏng công nghệ các dụng cụ phương Tây là một phong trào khai sáng dịch thuật vĩ đại dùng Hán tự để dịch các thuật ngữ của mọi thư tịch phương Tây từ văn học nghệ thuật đến khoa học kỹ thuật bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 18 và tiếp tục đến ngày nay. Cách sử dụng nhuần nhuyễn và thông hiểu thấu đáo Hán tự của người Nhật đã giúp họ sáng tạo hàng vạn từ mới và giải phóng những quốc gia nằm trong không gian văn hóa chữ vuông kể cả Việt Nam thoát ra một thời đại u tối, bước sang trang tiếp cận trực tiếp đến nền văn minh xán lạn cơ khí phương Tây. Trung Quốc phải du nhập những từ dịch Hán tự của Nhật và rầm rộ cho người sang Nhật du học để bắt kịp trào lưu thế giới. Nhà triết học Hegel đã từng băn khoăn trở ngại của Hán tự trong việc phát triển khoa học thì phong trào dịch thuật của người Nhật Bản đã nhẹ nhàng hóa giải niềm âu lo của ông.
Một trăm năm sau, khoa học và công nghệ Nhật Bản vẫn song hành và bổ túc cho nhau. Một mặt, Yukawa Hideki người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel Vật Lý (1949). Mặt khác, những nhà công nghệ lỗi lạc như Honda Soichiro (nhà sáng lập hãng xe Honda) và Matsushita Konosuke (nhà sáng lập hãng điện tử Panasonic) xuất thân bần hàn và trình độ học vấn ở cấp tiểu học đã làm kinh ngạc thế giới khi cho ra đời những sản phẩm chất lượng. Những nhân vật kiệt xuất này và nhiều người khác đã mang những tia sáng bình minh đến cho nhân dân Nhật xua đuổi đêm dài u tối, cơ cực triền miên và dư âm chiến tranh, giúp Nhật Bản trỗi dậy từ đống tro tàn chiến bại. Họ nhanh chóng thay đổi khẩu hiệu "phú quốc cường binh" của Minh Trị Duy Tân đưa đến chủ nghĩa quân phiệt bằng khẩu hiệu "kỹ thuật lập quốc" ở thập niên 60 của thế kỷ trước, ngẩng đầu bước tới tiếp tục cuộc hành trình dựng nước bằng khoa học kỹ thuật.
Tự do trong nghiên cứu khoa học
Ngày nay, động lực thúc đẩy con người làm nghiên cứu khoa học vẫn không thay đổi. Lòng hiếu kỳ đối với thiên nhiên và sự đam mê khoa học vẫn bất biến. Vốn tri thức của con người gia tăng theo thời gian nhưng tạo hóa vẫn còn nhiều bí ẩn. Truy tìm thiên nhiên, lý giải thiên nhiên, thiết lập định luật rồi áp dụng nó là một hành trình tất nhiên trong nghiên cứu khoa học. Lịch sử khoa học đã cho thấy một số thành quả của nghiên cứu khoa học không sớm thì muộn sẽ có một tác động cụ thể vào sinh hoạt con người. Thuyết lượng tử là một thí dụ. Là một lý thuyết thành hình và phát triển ở đầu thế kỷ 20, một sân chơi của các nhà toán học và vật lý lý thuyết, diễn tả những đặc tính thế giới vi mô của vật chất cực nhỏ như nguyên tử, phân tử, cơ học lượng tử cơ hồ như không dính líu vào cuộc sống đời thường. Nhưng bây giờ nó đã trở thành một cột trụ trong việc phát triển những linh kiện, dụng cụ và hệ thống điện tử, quang điện tử, thậm chí trong một tương lai rất gần, vi tính lượng tử, không thể thiếu trong cuộc sống của một xã hội văn minh. Phương trình sóng điện từ Maxwell là căn bản của ngành viễn thông, chi phối sự vận hành của những đài ăngten cao ngất ngưởng đến chiếc điện thoại cầm tay nhỏ bé. Hóa học là một thí dụ khác. Các sản phẩm từ dầu hỏa, plastic/polymer, sơn, dược liệu, tơ sợi, phân bón, thuốc sát trùng và nhiều sản phẩm hóa học khác có doanh thu vài ngàn tỉ đô la mỗi năm trên thị trường thế giới.
Việc công nghiệp hóa các công trình nghiên cứu thuần lý hay cơ bản thường theo bước đưa đẩy tùy hứng của nhu cầu xã hội loài người đã chiếm một thời gian dài trong lịch sử khoa học. Nhu cầu xã hội hôm nay càng phức tạp khiến cho sự tương tác giữa khoa học và công nghệ càng đa dạng và trong cơn lốc của nhiều khám phá khoa học vĩ đại, con người không thể chờ đợi vài trăm năm hay chục năm dựa vào sự đưa đẩy ngẫu nhiên mà cần có một cơ chế quản lý năng động sao cho trong một thời gian ngắn những khám phá có thể biến thành ứng dụng thực tiễn.
Nghiên cứu và ứng dụng khoa học cũng phải tuân theo quy luật kinh tế. Nghiên cứu là quá trình biến tiền thành tri thức, và ứng dụng là quá trình biến tri thức thành tiền. Trong ý nghĩa này nghiên cứu khoa học không phải là một dạng của chủ nghĩa tự do tuyệt đối. Kết quả của một công trình khoa học phải thỏa mãn những lời giao ước trong hợp đồng hay những thành quả cụ thể đã được đề nghị trong một công trình nghiên cứu với "ông chủ" cung cấp kinh phí hay lương bổng. Einstein cũng ao ước có được sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu nên có lần hóm hỉnh phê bình, "Khoa học sẽ là một thứ tuyệt vời, nếu người ta không phải nhờ vào nó để mưu sinh".
Khoảng không gian tự do đó thật sự đã tồn tại trong quá khứ. Tại Mỹ, sau Thế chiến thứ hai theo đà phục hồi của nền kinh tế hậu chiến các công ty lớn như AT&T Bell Labs, Du Pont, Xerox, Lockheed Martin, Eastman Kodak, IBM, Texas Instruments... đã tạo ra những thiên đàng nghiên cứu cơ bản. Ban quản lý cho phép các nhà khoa học R&D làm nghiên cứu tự do với dòng kinh phí hầu như bất tận từ lợi nhuận dồi dào của công ty. Đây là thời kỳ vàng son của các nhà khoa học làm việc cho các công ty tư nhân với sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu và đồng lương hậu hỹ.
Như một khoa học gia từng làm việc tại Bell Labs trong thập niên 70 của thế kỷ trước hồi tưởng, "Bell Labs là một nơi tuyệt vời. Công ty chọn những người ưu tú vào làm việc rồi vui vẻ bảo: này nhé, các cậu muốn làm gì thì làm, chúng tôi không can dự". Nghe như nằm trong mơ. Hệ quả là AT&T Bell Labs lừng danh thế giới, bao nhiêu nhân tài thế giới tập trung về đây như một vùng đất hứa. Các nhà nghiên cứu Bell Labs không ngừng khám phá và những thành quả được đăng trên các tạp chí khoa học quyền uy, thậm chí có đến 13 người đoạt giải Nobel. Hiện tượng "Bell Labs" chưa từng thấy trong lịch sử khoa học. Chưa có một viện R&D tư nhân nào trên thế giới đưa ra một thành tích nghiên cứu khoa học cơ bản vô cùng xuất sắc như Bell Labs. Nhưng có một hệ quả khác, đáng quan tâm hơn, là rất ít những thành quả khoa học tạo ra ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn trong ngành viễn thông của hãng mẹ AT&T. Khi sự cạnh tranh trên thương trường trở nên quyết liệt với áp lực đến từ bên trong cũng như ngoài nước Mỹ, những chuyện thế tục liên quan đến "cơm áo gạo tiền" và sự sống còn của công ty trở nên vấn đề cấp bách. Các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ phải tái cấu trúc để cân bằng việc sản xuất và nghiên cứu.
Khoa học và thực dụng
Dù không còn sự hào phóng của các công ty Mỹ trong vài thập niên trước, hiện nay ở một chừng mực nào đó chính phủ tại một số quốc gia cũng dành một khoản lớn kinh phí cho các đề tài nghiên cứu cơ bản để nâng cao trình độ khoa học. Các nhà nghiên cứu và giáo sư đại học có nhiều tự do trong nghiên cứu cơ bản như giải một định đề toán học, tiên đoán sự hiện hữu của một vi hạt, khám phá ra một thiên hà mới, bản chất của lỗ đen vũ trụ, tổng hợp một hợp chất hóa học có cấu trúc tuyệt đẹp..., với một cứu cánh là phổ biến những khám phá của mình trên các tạp chí chuyên ngành mang tăm tiếng đến cho bản thân mình và cho nơi làm việc. Nếu may mắn có một ứng dụng ngẫu nhiên nào đó thì cũng như ổ bánh vốn thơm ngon lại được trang trí thêm một lớp kem béo ngọt! Nhưng Einstein đã từng nói, "Sự quan tâm về con người và số phận của con người lúc nào cũng phải là một mục tiêu trong tất cả mọi nỗ lực của khoa học kỹ thuật. Đừng bao giờ quên rằng yếu tố này nằm đâu đó giữa những biểu đồ và công thức của bạn". Mọi nghiên cứu không chỉ dừng ở điểm thỏa mãn sự hiếu kỳ hàn lâm. Nhà khoa học cũng không thể đứng ngoài vòng xã hội, chỉ biết hãnh diện với số bài báo cáo khoa học của mình. Tri thức khoa học chỉ thực sự có giá trị nhân sinh và xã hội khi được tận dụng để tạo ra vật chất, sản phẩm, đóng góp vào việc kiến thiết hạ tầng cơ sở, nâng cao mức sống người dân, nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng. Khoa học công nghệ là nguồn vốn tinh thần và vật chất của một dân tộc, là chìa khóa của sự hùng mạnh và tương lai xán lạn của một quốc gia. Có thể nói là không có sự phát triển kinh tế nếu không có tri thức khoa học. Đồng thời, tri thức khoa học chỉ có giá trị kinh tế khi được phổ biến rộng rãi và tận dụng đúng cách. Nhưng nhà khoa học chỉ có thể tự giải phóng ra khỏi tháp ngà nghiên cứu khi nào có một môi trường nghiên cứu thuận lợi cho sự sáng tạo, phổ biến và thực dụng hóa tri thức. Và đây là trách nhiệm của một chính phủ.
Giáo dục - Khoa học - Công nghệ là ba cột trụ cho sự phồn thịnh của một nước. Ba cột trụ này liên quan mật thiết với nhau. Giáo dục sẽ cung cấp nhân tài cho khoa học và công nghệ, khoa học là nền tảng cho tri thức và công nghệ, và công nghệ là phương tiện làm cho dân giàu nước mạnh. Trong ba thập niên qua những quốc gia tiên tiến hay đang lên đã không ngừng cải cách và tạo ra những liên thông giữa ba cột trụ này. Sự giao lưu giữa đại học và doanh nghiệp hay các cơ quan nghiên cứu quốc gia (tập trung vào quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, sinh y học) trở nên một tiền đề cho nền kinh tế phồn vinh và quốc phòng hùng mạnh. Những công viên công nghiệp không ngừng mọc lên để đưa các thành quả nghiên cứu hàn lâm đi một bước xa hơn tạo ra vật chất, dụng cụ cho sự tiện ích đời thường. Sự thành bại của các ứng dụng đưa đến sản phẩm tùy thuộc vào sự am tường, bén nhạy, cập nhật và biết chọn lọc của các nghiên cứu viên đối với kho tàng các thành tựu của nghiên cứu cơ bản. Mô hình hợp tác giữa Đại học Stanford và Thung lũng Silicon trong việc chế tạo những loại mạch tích hợp đã đóng góp rất lớn trong cuộc cách mạng tin học và điện tử là một thí dụ. Qua sự hợp tác, đại học là nơi phần lớn các nghiên cứu cơ bản được thực hiện sẽ có một hướng đi thực tiễn. Đồng thời, cơ quan nghiên cứu chính phủ và doanh nghiệp sẽ là nơi tiếp tục phát huy thành quả hàn lâm của đại học biến thành sản phẩm công nghệ, tránh được trường hợp những thành quả này rơi vào thung lũng chết.
Từ Đông sang Tây, công nghệ ngày nay là yếu tố nổi bật cho sự sống còn của một quốc gia. Sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng khốc liệt. Đối với doanh nghiệp, việc xuất bản một báo cáo công trình trên tạp chí khoa học là việc đáng khích lệ nhưng không phải là điều ban quản lý đặt ưu tiên hàng đầu. Đó là việc của giới hàn lâm. Điều họ quan tâm là tìm hiểu thị trường, áp dụng khoa học vào việc gia tăng chất lượng sản phẩm, triển khai sản phẩm và giảm giá thành sản xuất. Doanh nghiệp phải được sự ủng hộ của chủ cổ đông trên sàn chứng khoán và lòng yêu mến của giới tiêu thụ trên thương trường. Tương tự, các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia phải tạo thành quả cụ thể được nhà nước giao phó và xứng đáng với tiền thuế của nhân dân. Doanh nghiệp phải chọn lựa tiềm năng ứng dụng của một phát minh và cân bằng sự đầu tư tốn kém của các đề án nghiên cứu. Nhà nước phải nhạy cảm với xu thế của thời đại và nhu cầu đất nước đề ra chính sách định hướng thích hợp cho các đề án nghiên cứu hay tài trợ R&D cho doanh nghiệp.
Phác thảo một đạo luật, thực thi một chính sách, đưa ra một chiến lược để triển khai sản phẩm là những sự kiện nhiều phức tạp so với việc thực hiện thí nghiệm trong phòng nghiên cứu hay xuất bản một bài báo cáo. Vì vậy, khi phê bình thành quả giáo dục, khoa học và công nghệ của một nước mà chỉ theo thói quen hàn lâm liệt kê số bài báo cáo hàng năm đăng trên tạp chí chuyên ngành, đánh giá tạp chí nổi tiếng hay tầm thường bằng những chỉ số phức tạp, thì e rằng khập khiễng, chưa toàn diện. Mặc dù đây cũng là số liệu cần thiết, nhưng để có cái nhìn tổng thể chúng ta nên đề cập đến sự quản lý tri thức, việc đầu tư của chính phủ vào giáo dục, khoa học công nghệ, chính sách phát triển lâu dài của nhà nước, sự liên thông giữa doanh nghiệp và đại học, giá trị gia tăng (value added) và doanh thu của sản phẩm công nghệ như là thành quả của công trình khoa học.
Đông, Tây và Ta
Từ Minh Trị Duy Tân đến ngày nay lịch sử Nhật Bản đã trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng đất nước Phù Tang vẫn là một quốc gia tiên tiến về khoa học công nghệ. Mang một truyền thống hiếu học Khổng Mạnh cộng với lòng quyết tâm của chính phủ qua nhiều đời tổng thống, Hàn Quốc học tập mô hình Nhật Bản và sự phát triển của các nước phương Tây đã đưa trình độ khoa học công nghệ của mình vào những nước hàng đầu thế giới. Thức tỉnh sau bài học của "trăm năm ô nhục" và ba thập niên bị phí phạm cho đấu tranh giai cấp, Trung Quốc đang nỗ lực tập trung cho việc đầu tư liên tục vào khoa học công nghệ với những khoản tiền khổng lồ và kế hoạch phát triển lâu dài. Cách Sài Gòn 1 giờ 45 phút bay là quốc đảo Singapore, chính phủ nước này thực hiện chính sách thu hút nhân tài toàn cầu với những đãi ngộ cao, thiết lập những trung tâm nghiên cứu khoa học và R&D đẳng cấp thế giới nhằm phát triển nền kinh tế dựa trên khoa học và tri thức và rắp tâm biến quốc đảo thành giao điểm Đông Tây của khoa học công nghệ thế giới. Giờ đây, người ta nói đến Singapore với sự tôn trọng và kính phục.
Thế giới đang đi rất nhanh trong việc kết hợp khoa học và công nghệ. Người ta tiên đoán trọng tâm của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang di chuyển về phương Đông. Trong bối cảnh suy sụp kinh tế phương Tây mà một trong những hệ quả nghiêm trọng là việc cắt giảm kinh phí trong giáo dục, khoa học công nghệ, sự tiên đoán này càng chính xác hơn bao giờ hết và đang lừng lững trở thành hiện thực. Đây là điều mà ba thập niên trước người ta chỉ dám đóng khung nó trong phạm vi suy nghĩ đầy phóng túng của những người thích hoang tưởng. Trong xu thế mãnh liệt thổi về Đông, liệu Việt Nam sẽ hòa nhập theo luồng gió bay lên hay bị cơn lốc đẩy ra ngoài như một nước nhược tiểu ngoại vi? Những nhà lãnh đạo kính mến chắc hẳn có tầm nhìn cho tiền đồ của nền giáo dục, khoa học và công nghệ đất nước, vì "Ở nơi không có tầm nhìn, con người sẽ diệt vong".
 GS. Trương Văn Tân - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC