06:28:58 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Thẩm định các công trình nghiên cứu khoa học: Cần minh bạch và chuyên môn
Trong khoa học, việc đánh giá một công trình nghiên cứu cần phải nghiêm chỉnh làm theo đúng qui trình. Trong đó, việc thẩm định của các đồng nghiệp có cùng chuyên môn đóng vai trò chủ đạo. Đối với những kết quả nghiên cứu mới từ trung bình cho đến những phát minh lớn, có thể gây chấn động cộng đồng khoa học thế giới thì các cơ quan hữu trách không nên tổ chức đánh giá một cách hời hợt, rồi đưa ra những kết luận qua loa. Cũng không nên công bố những kết quả này trên các phương tiện truyền thông và tranh luận trên đó khi mà kết quả chưa được giới chuyên gia bình duyệt một cách có hệ thống. Làm như thế rất tốn giấy mực và thời gian của nhiều người, và đôi lúc có thể gây phản cảm nếu những “phát minh” đó chỉ là những tuyên bố “giật gân”.

>>>> Bản tin số 256 (pdf)

>>>> Thẩm định các công trình nghiên cứu khoa học: Cần minh bạch và chuyên môn (pdf)

Một qui trình chuẩn trong công bố khoa học giống như những bản tin trên BBC. Chuyên trang sức khỏe của BBC thường xuyên giới thiệu những phát minh mới trong y học. BBC chủ yếu lấy thông tin từ các công trình đã công bố trên các tạp chí y học có tiếng, tức kết quả nghiên cứu đã được thẩm định (peer-review) bởi các chuyên gia. Sau đó họ liên hệ phỏng vấn tác giả và những người có cùng chuyên môn, và vì thế thông thường những bài báo trên BBC về vấn đề sức khỏe vừa mang tính khoa học lẫn tính thời sự. Người viết cho rằng đây là cách mà các phương tiện truyền thông ở các nước đang phát triển nên tham khảo.

Những kết quả mang tính đột phá hay có tầm ảnh hưởng lớn cần phải được bình duyệt một cách thấu đáo. Các tập san khoa học lớn như Nature, Science, PNAS, v.v. là những trung gian cho qui trình bình duyệt như thế, vì những tập san này chỉ công bố những công trình mang tính tiên phong. Thật vậy, khi xuất hiện những kết quả nghiên cứu như đã nêu từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nghiên cứu nào, ví dụ như “phát minh” làm đảo lộn thế giới vật lý hay “phát hiện” máy phát điện chạy bằng nước, việc tổ chức hội đồng thẩm định là cần thiết. Nếu kết quả thật sự mới và gây chấn động như tuyên bố của các tác giả, hay nếu việc thẩm định phức tạp và khó có thể cho kết luận khách quan thì các cơ quan hữu trách nên tạo điều kiện cho tác giả công bố kết quả của mình ra cộng đồng khoa học thế giới. Khi đó kết quả nghiên cứu của các tác giả chắc chắn sẽ được các chuyên gia quốc tế thẩm định và đánh giá khách quan hơn. Có một số cách như dưới đây mà các tác giả và các cơ quan hữu trách có thể tham khảo.

Tác giả có thể (1) công bố chi tiết kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học hàng đầu; ví dụ như tạp chí khoa học tổng quát Nature (Anh, chỉ số ảnh hưởng [impact factor, IF] năm 2010, IF2010, là 36.101), Science (Mỹ, IF2010 = 31.364) hay Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS, Mỹ, IF2010 = 9.771), hoặc các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín. Đây là những tập san khoa học hàng đầu trên thế giới, chỉ công bố những công trình nghiên cứu mang tính đột phá, những nghiên cứu mở ra một định hướng mới cho chuyên ngành, hay có ảnh hưởng đến rất nhiều người trong xã hội. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng các tập san này sai sót, nhưng khả năng đó là rất thấp, vì quy trình bình duyệt của các tập san này rất chặt chẽ và nghiêm minh.

Nếu tác giả muốn giữ bản quyền công nghệ thì tác giả có thể (2) đăng kí bằng sáng chế (patent). Và bằng sáng chế của Mỹ có uy tín cao trên thế giới. Ngay cả khi đăng ký bằng sáng chế, tác giả vẫn phải trình bày kết quả trên một tập san khoa học để đồng nghiệp thẩm định. Rất hiếm thấy ai công bố bằng sáng chế mà chưa từng công bố nghiên cứu của mình trên các tập san khoa học. Nếu nghiên cứu khoa học do công ty tài trợ thì công ty có quyền không công bố kết quả lên tạp chí quốc tế mà chỉ cần đăng ký bằng sáng chế và sản phẩm sẽ được một hội đồng chuyên môn thẩm định.

Ngoài ra, nếu tác giả muốn giữ bí mật phát minh của mình thì có thể (3) gửi thông báo ngắn về kết quả nghiên cứu cho những tạp chí khoa học tổng quát nổi tiếng Nature (Anh), PNAS (Mỹ). Theo thông tin từ hai tạp chí nổi tiếng này thì họ có thể nhận đăng các thông báo ngắn về các kết quả nghiên cứu mới, tác giả không nhất thiết phải công bố chi tiết các kết quả này. Cụ thể, Nature cho biết họ nhận “thông báo kết quả nghiên cứu khoa học mang tính tiên phong (các kết quả chính và các kết luận chưa được công bố hay chưa được xét đăng bất cứ nơi đâu)”; hay như PNAS “công bố thông báo về các kết quả nghiên cứu mang tính cách tân”.

Ở một số nước đang phát triển, đã và đang có một hiện tượng đáng buồn trong việc đánh giá các kết quả nghiên cứu khoa học. Đó là hiện tượng “nghiệm thu và xếp vào ngăn kéo” đối với các đề tài khoa học. Một số nơi, có hiện tượng tổ chức các “hội đồng nghiệm thu” gồm cả những người không có cùng chuyên môn hoặc chuyên môn yếu kém. Nếu một đề tài được hội đồng nghiệm thu bỏ phiếu “thông qua” thì coi như việc nghiên cứu đề tài này được hoàn thành; trong khi giá trị khoa học của đề tài này có thể vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Đã đến lúc, các nước đang phát triển cần chỉnh đốn lại qui trình làm khoa học, từ (a) duyệt đề cương, (b) thực hiện và giám sát, (c) đánh giá thành quả. Khâu (a) và (c) phải qua quy trình peer-review. Riêng khâu (c) cần phải công bố quốc tế. Người viết cho rằng các nhà quản lí khoa học nên xem lại chuyện “nghiệm thu” đối với các đề tài khoa học. Chính cái gọi là nghiệm thu làm cho tình trạng mập mờ như hiện nay vẫn tồn tại, vì nếu kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí quốc tế thì đâu có ai phản đối!

Trong khi Việt Nam còn hạn chế về số bằng sáng chế cũng như số lượng công trình trên các tạp chí khoa học uy tín, việc đăng kí thành công bằng sáng chế quốc tế hay có được công trình nghiên cứu trên những tạp chí uy tín sẽ làm tăng thêm uy tín của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế và sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển nền khoa học của đất nước. Điều này cũng sẽ tạo tiền đề cho khoa học Việt Nam sớm bắt nhịp với dòng chảy chung của khoa học quốc tế.

 

 TS. Lê Văn Út - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC