15:38:17 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Đào tạo báo chí hiện đại là... đào tạo người tự học
Có thể nói, báo chí là một nghề có thể tự học, hoặc là một nghề có thể học được, còn dạy thì không...

Mỗi ngày, khi bình minh ló rạng, con người ở bất cứ đâu trên trái đất này mở mắt thức giấc đón chào ngày mới, phải chăng đều giống nhau ở chỗ, cùng có chung một câu hỏi: "Ngày hôm nay có gì mới?" Nhu cầu chung ấy của nhân loại được gọi là nhu cầu cần được thông tin, một nhu cầu tinh thần thiết yếu bậc nhất của quyền con người.

Câu hỏi đặt ra: “Ai sẽ thoả mãn nhu cầu này?"

Chính là những nhà báo. Nhà báo, vì thế, là người làm nghề đưa tin, với nhiệm vụ đặc thù là cung cấp thông tin về tất cả những gì mới mà những người cần nhận tin phải được biết, và phải được biết mỗi ngày mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây, để thoả mãn nhu cầu được thông tin không bao giờ vơi cạn.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

ở làng xã cổ truyền Việt Nam, khi chưa có bất kỳ một phương tiện thông tin hiện đại nào, người dân quê lại thường là mù chữ, thì cơ chế thông tin truyền thống hiển nhiên tồn tại dưới dạng tin đồn, kiểu rỉ tai nhau, đồn thổi từ một thành mười, và tất nhiên đã là tin đồn thì phương thức tồn tại của nó là truyền tin qua tai, dân gian nói tắt là sang tai… Hiển nhiên, nhân vật được gọi là nhà báo (người đưa tin qua tai) của cơ chế tin đồn này, chính là kiểu nhà báo đi rao tin bằng loa tay, bằng miệng, cho làng trên xóm dưới biết: nhân vật mẹ Đốp (trong vở chèo cổ "Quan âm Thị Kính"). Mà lời nói, thì… theo gió bay đi, nên chuyện "tam sao thất bản’’, chuyện lời qua tiếng lại, là chuyện thường ngày ở… làng Việt ngàn xưa. Dễ hiểu là vì thế, ở làng, người ta rất sợ mang tiếng, và rất sợ… tin đồn. Tuy nhiên, đây chỉ là bức tranh xa xưa của thông tin truyền thống trong xã hội Việt Nam trước thế kỷ XX, khi Việt Nam chưa xuất hiện chữ quốc ngữ và cuộc giao lưu với văn hoá phương Tây.

Vì vậy có thể nói báo chí đã trở thành nghề thông tin của xã hội toàn cầu và đặc biệt cần thiết, đặc biệt được phát triển, phát triển đến mức… bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng, với các phương tiện truyền thông tối tân nhất.

Vì trong bản chất, nghề báo là nghề thông tin về cái mới và chỉ thông tin về cái mới mà thôi, cho nên, nghề báo thường được định nghĩa giản dị là nghề thông tin về cái gì mới. Từ góc nhìn báo chí và sâu xa hơn nữa, từ góc nhìn đào tạo nghề báo, có thể dễ thấy rằng, một nền truyền thông trong xã hội đương đại chỉ có thể được “chuyên nghiệp hoá’’, nếu được xây dựng vững chắc bằng công nghệ đào tạo sinh viên báo chí, để khi tốt nghiệp ngành báo chí học, họ có thể trở thành nhà báo, nghĩa là người thông tin chuyên nghiệp.

Và cũng chính vì thế, "Cái gì mới" sẽ trở thành câu hỏi triết học cho nghề báo, và việc trả lời câu hỏi triết học này sẽ ám ảnh suốt cuộc đời hành nghề của nhà báo toàn cầu. Nói cách khác, đây là câu hỏi thường trực đeo đuổi các nhà báo đến trọn đời. Bởi vậy, nghề báo có đặc thù: mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm, năm này qua năm khác, cho đến khi... nhắm mắt, các nhà báo đều phải trả lời câu hỏi triết học cơ bản trên, bằng các tác phẩm báo chí, trên các phương tiện truyền thông đại chúng: báo nói, viết, hình, online… và bằng các loại thể thích hợp: tin, tường thuật, phỏng vấn, phóng sự, ghi chép, chân dung, tiểu phẩm… chỉ để nhằm mục đích duy nhất là thông báo về "Cái gì mới". Vì thế, các nhà báo, vốn được coi là những nhà thông tin chuyên nghiệp, mới có thể được tôn vinh là chủ thể của ngành truyền thông đại chúng.

Là nghề trả lời câu hỏi triết học "Cái gì mới", nên khi chọn lựa và quyết định theo đuổi nghề báo, người học nghề phải hiểu rất rõ những điều kiện thiết yếu để có thể theo nghề đến cùng. Không phải ngẫu nhiên, điểm đầu vào của ngành Báo chí hệ đại học ở Việt Nam ngày nay luôn luôn là điểm chuẩn cao. Và có cơ sở đào tạo báo chí đại học khi tuyển sinh lại yêu cầu môn thi ng khiếu báo chí. Đó là vì nghề thông tin rất cần ở nhà báo tài năng nhìn thấy thông tin mới. Theo quy luật, cái mới luôn luôn bị phủ định bởi một cái mới hơn nó, để rồi chính cái mới này lại bị một cái mới hơn nữa phủ định. Nhà báo là người nằm trong dòng chảy thông tin luôn vận động không ngừng, nên buộc phải thông hiểu mọi lĩnh vực đời sống để có thể phát hiện và thông tin về cái mới trong mọi lĩnh vực. Cho nên báo chí là nghề cần có năng khiếu phát hiện thông tin và tiếp theo đó là năng khiếu truyền tin.

Phải, trước hết cần có những năng khiếu này mới có thể làm báo. Nhiều người đã nhầm lẫn khi chọn nghề báo, lầm tưởng đó là một nghề thời thượng. Thích được nổi tiếng, thích được xã hội nể trọng, nên nhiều thí sinh đã chọn nghề báo một cách cảm tính đầy sai lệch, mà không biết rằng, làm báo là một nghề nặng nhọc, và nguy hiểm, phải có năng khiếu, phải thật đam mê thông tin, như một đam mê có lý tính để gìn giữ đam mê ấy suốt đời, thì mới có thể là một nhà báo đúng nghĩa.

Vì thế, muốn trở thành nhà báo, phải tự xét xem mình có thực sự đam mê nghề thông tin không và có năng khiếu phát hiện thông tin không, sau đó, là có năng khiếu diễn đạt thông tin không? Tuy nhiên, thực tiễn phát triển Báo chí Việt Nam hiện đại suốt mấy chục năm qua cho thấy có nhiều con đường trở thành nhà báo, chứ không phải duy nhất con đường học đại học.

Trong số hàng chục nghìn nhà báo hiện nay, số đông vẫn là những người làm báo do tự học lấy nghề, bằng cách được truyền nghề từ những nhà báo giỏi, ngay trong toà soạn báo. Có nhiều nhà báo vào nghề không có bằng cử nhân Báo chí, mà có bằng cấp ở các lĩnh vực khác: Văn học, Sử học, Luật học, Tin học, Mỹ thuật, Giáo dục học, Kinh tế, Ngoại ngữ, Ngôn ngữ... Trong thực tế, nhiều toà soạn đã tổ chức thi tuyển, không hiếm người được chọn không phải là sinh viên Báo chí mà lại là các ngành khác, nhất là những ngành có liên quan mật thiết đến đặc thù, hoặc có khi chỉ là giọng điệu riêng của từng tờ báo, hoặc từng loại: báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng…

Nghề báo là nghề thực hành, nên cần kỹ năng cao trong tác nghiệp và khi tác nghiệp thì rất cụ thể. Có những người tốt nghiệp đại học Báo chí hẳn hoi, mà khi ra trường, vẫn không thể viết nổi dù chỉ một cái tin, với số chữ chỉ chiếm diện tích bằng một… bao diêm. Và tất nhiên, họ sẽ nhanh chóng bị đào thải hoặc họ bị (hay được) đào tạo lại... từ đầu.

Vì thế, đừng yên chí lớn là sau khi đã học Báo chí là có thể trở thành nhà báo ngay. Kinh nghiệm thực học trong các trường đại học Báo chí cho thấy trong quá trình được đào tạo, sinh viên Báo chí hôm nay có phần quá thiên về học kỹ thuật làm báo, mà lại nghiêng nhiều về lý thuyết. Cho nên, một mặt, do coi nhẹ việc học thêm về một ngành chuyên sâu, họ không có một bệ đỡ vững vàng về một chuyên môn, mặt khác, có thể nói, họ đã bị chính cái lý thuyết Báo chí làm thui chột khả năng thực hành, thậm chí cả năng khiếu báo chí vốn có ở họ nữa.

Có thể nói, báo chí là một nghề có thể tự học, hoặc là một nghề có thể học được, còn dạy thì không.

Trường hợp tốt nhất để thành nhà báo đã nằm trong chính con người và ý chí của người nhất định muốn làm báo. Khi ai đó đã muốn trở thành nhà báo thì chẳng có cách gì ngăn cản được, miễn là hội đủ những yếu tố cần và đủ, mà trong đó, niềm đam mê làm báo được kể như một điều kiện tiên quyết. Niềm đam mê là cái mà không ai có thể dạy ai, nếu không phải chính mình có. Có đam mê sẽ tìm ra con đường ngắn nhất để đến được… La Mã. Vì La Mã chỉ có một, còn đường đi, cách đi thì có hàng nghìn. Cách đi nhanh nhất trên con đường ngắn nhất sẽ thuộc về những người đam mê và thực sự có năng khiếu, có trí tuệ... làm báo.

 Nguyễn Thị Minh Thái - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC