14:15:54 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Sản xuất rau sạch phải chung tay cả “bốn nhà”
Những thông tin về trồng rau không đảm bảo an toàn có phần bị…thổi phồng. Tuy nhiên, để xây dựng một nguồn cung rau sạch bền vững cho thành phố Hà Nội, đòi hỏi phải có một quy hoạch bền vững, thống nhất với sự “chung tay" của nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và…nhà nông.

Những năm gần đây số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có rau, có chiều hướng tăng (năm 2008 tăng 21,1% so với năm 2007, trong đó có khoảng 11,8 % do thực phẩm chứa chất độc tự nhiên). “Là một trong những địa bàn tiêu thụ rau lớn, trước khi sát nhập, Hà Nội có khoảng hơn 8 nghìn ha trồng rau, nhưng theo đánh giá, rau an toàn chỉ chiếm khoảng 10%”, PGS.TS Trần Khắc Hiệp, Bộ môn Khoa học đất và Môi trường, Khoa Môi trường, Trường ÐHKHTN - ÐHQGHN, cho biết. Trăn trở cộng với cả nỗi bức xúc về nguồn rau sạch cung cấp cho người dân nội thành Hà Nội, muốn tìm hiểu thực hư về hiện tượng ô nhiễm đất, nước vốn được xem là yếu tố quyết định “độ sạch” của rau ở những vùng ven đô, đã thôi thúc PGS.TS Trần Khắc Hiệp bắt tay vào nghiên cứu “điều tra”. Ðề tài cấp ÐHQGHN: “Nghiên cứu môi trường đất, nước một số vùng ven đô trong rau của Hà Nội và đề xuất giải pháp tổng hợp sản xuất rau an toàn”, sau 2 năm triển khai, ông và đồng nghiệp đã đưa ra một đánh giá chi tiết về mối tương quan giữa ô nhiễm đất, nước với chất lượng rau.

Ô nhiễm bị... thổi phồng

Cùng đồng nghiệp, PGS. Hiệp “lang thang” khắp các ruộng rau ở Thanh Trì, Từ Liêm đến những vùng vốn xưa nay rau sạch đã có “thương hiệu” như Vân Nội (Ðông Anh) để thu thập hàng trăm mẫu rau, đất, phân bón, phân tích thành phần cũng như các hóa chất tích tụ. “Ô nhiễm đất là một vấn đề phức tạp vì đây là tổng hợp ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước” - ông Hiệp cho biết - “Những kim loại nặng độc hại cho cơ thể con được cây thẩm thấu. Nếu ăn phải những cây rau trồng trên vùng đất ô nhiễm sẽ làm cho cơ thể chúng ta mắc bệnh”.

Người nông dân nhiều khi vì lợi ích kinh tế mà bất chấp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, nhất là những thuốc bảo vệ thực vật có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, do khan hiếm nước tưới, nhiều hộ tiện luôn nguồn nước thải từ các nhà máy mặc dù đã được khuyến cáo có chứa nhiều kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, asen (thạch tín)... “Sông Tô Lịch chảy qua một số nhà máy khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, địa hình Hà Nội dốc nên những chất thải từ Ðông Anh sẽ đổ dồn về về những vùng thấp như Từ Liêm, Thanh Trì làm cho những nơi này vô tình trở nên ô nhiễm nhất”, ông Hiệp nhận định. Kết quả phân tích ban đầu của đề tài cho thấy một số mẫu rau ở Từ Liêm tích lũy kim loại nặng như Cd, nguyên nhân là do bà con một số năm sử dụng phân bón gia cầm. Tuy nhiên, theo PGS. Hiệp, “các mẫu đất có dấu hiệu ô nhiễm Cd ở mức nhẹ, hàm lượng Cd2+ dao động từ 0,943 - 1,553 ppm”.

Việc trồng rau tập trung chủ yếu vào hai vụ đông xuân và hè thu, sau khi tiến hành khảo sát, kết quả cho thấy, “vụ đông xuân có nguy cơ ô nhiễm hơn so với vụ hè thu vì lượng mưa ít nên bà con phải sử dụng những nguồn nước mặt tưới, trong đó không loại trừ có cả nước thải ô nhiễm”. Chính bởi vậy, PGS. Hiệp cùng đồng nghiệp đưa ra những giải pháp kỹ thuật giúp “lọc” nước tưới. “Nhưng cái khó đối với chúng tôi là thuyết phục được bà con sử dụng công nghệ này trong khi họ vốn quen tiện lợi, không tốn kém”, ông Hiệp nói.

Sau 2 năm khảo sát toàn bộ địa bàn với hàng trăm mẫu đất được thu thập, phân tích để tìm ra mối liên hệ với chất lượng của rau, kết quả đưa ra khiến không ít người phải ngạc nhiên, xóa đi những tin đồn vốn xưa nay làm cho người trồng rau khốn đốn vì…ế hàng. “Hầu hết địa bàn sản xuất rau ven đô, điều kiện môi trường đất, nước đều đảm bảo trồng rau sạch. Hàm lượng kim loại trong nước tưới rất thấp, trong đó Cu, Pb, Zn thấp hơn hàng trăm lần so với tiêu chuẩn” – ông Hiệp cho biết - “Các mẫu rau phân tích không có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng Cu, Pb, Cd. Chỉ có một số ít nơi, do bà con lạm dụng việc sử dụng phân bón, đạm quá mức khiến một số loại rau bị nhiễm nitrat”.

Kết hợp “bốn nhà”

Ðô thị hóa, mở rộng các khu công nghiệp, làm đường và bê tông hóa đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp trong đó có trồng rau. Thậm chí, nhiều khu vực xưa nay vốn là nguồn cung lớn cho nhu cầu rau xanh nội thành thì nay chỉ toàn là những nhà cao tầng, khu dân cư mới. “Vài năm trước, phần lớn thu nhập kinh tế gia đình trông chờ vào việc trồng rau bán, nhưng từ khi có chính sách thu hồi đất nông nghiệp tôi buộc phải đi mua rau ở nơi khác rồi về bán lại”, chị Phạm Thị Nguyệt (Thanh Trì) cho biết. Cũng giống như chị Nguyệt, chị Nguyễn Thị Hải (Mỹ Ðình) than thở nếu bãi muống của gia đình chị và nhiều ra đình khác bị san lấp để xây dựng khu trung cư chị phải tìm kế sinh nhai khác.

Việc diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, để gia tăng lượng cung, bà con buộc phải sử dụng thuốc kích thích giúp cây rau tăng trưởng nhanh,… Chính vì vậy, bên cạnh việc quy hoạch phát triển đô thị thì cần phải có quy hoạch vùng trồng rau sạch”, ông Hiệp nhận định. Việc thành phố Hà Nội đầu tư hơn 350 tỷ đồng cho đề án quy hoạch sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2007 - 2010, không chỉ là tin vui đối với người nông dân mà còn cả với những nhà khoa học như ông Hiệp. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, việc quy hoạch cần phải chú trọng đến vấn đề môi trường, thậm chí cả phát triển du lịch sinh thái tại những vùng trồng rau. Cùng với đó là xây dựng những khu trồng rau công nghệ cao vốn được triễn khai thành công ở Trung Quốc, Singapore

Ngoài ra, theo ông Hiệp, cần phải đa dạng hóa loại hình sản xuất rau sạch, không chỉ ở ven đô, những khu đô thị, nhà cao tầng có thể áp dụng công nghệ sinh học trồng rau sạch tại nhà. “Trồng rau không cần đất – thủy canh – nên được khuyến khích. Tuy nhiên, cần phải kiểm soát môi trường dinh dưỡng của nước, nếu không sẽ lợi bất cập hại”, ông Hiệp khuyến cáo. Một vấn đề quan trọng khác, theo ông Hiệp, là cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa “bốn nhà”: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và…nhà nông, để quy hoạch sản xuất rau an toàn đủ sản lượng, đảm bảo chất lượng và tiêu thụ thuận lợi.

 Đức Phường - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 216, tháng 2/2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC