Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 12:22:25 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Học giỏi cũng là cách làm giàu
Trịnh Thị Tâm đã đến với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên không phải như “mối tình đầu” của mình. Thế nhưng, từ một cơ duyên đặc biệt, qua năm tháng được học tập và nghiên cứu dưới mái trường, tình yêu nghề đã nảy nở và thành một niềm đam mê... Cũng từ tình yêu nghề, tình yêu thầy cô, mái trường đã hình thành nên động lực để Tâm phấn đấu giành được nhiều thành tích trong học tập, công tác.
Em có thể chia sẻ vì sao chọn Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học mà không phải là một Khoa nào khác của Trường?
Đến với Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học là một cơ duyên trong cuộc đời mà em không ngờ tới. Em sinh ra và lớn lên ở miền quê chiêm trũng thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chứng kiến cuộc sống nghèo khó của những người dân quê mà trực tiếp là bố mẹ em, em đã nuôi ước mơ phải thoát nghèo, phải làm giàu. Em đã nghĩ rằng phải giàu có, có tiền mới có thể giúp đỡ được người khác. Và ước mơ đó đã thôi thúc em đăng ký thi nguyện vọng 1 vào một trường đại học bên khối ngành kinh tế, tài chính. Không đỗ nguyện vọng 1 thực sự làm em rất hụt hẫng. Mọi chuyện xảy ra như một cái duyên đã định, khi bạn thân em, người có tầm ảnh hưởng lớn tới em đã gợi ý cho em vào Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học của Trường. Lúc đó, em đã suy nghĩ rất nhiều. Em đã nghĩ là làm giàu không phải chỉ có học kinh tế, làm giàu có nhiều cách, nếu mình học giỏi và làm tốt thì cơ hội làm giàu sẽ đến với mình. Thêm nữa là học ở Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, em có thể giúp đỡ trực tiếp người nông dân. Vì cuộc sống của người nông dân gắn liền với cây lúa; nhưng mùa gặt cũng là mùa có nhiều giông bão và mưa gió nhất. Ai là nông dân chắc sẽ hiểu được nỗi xót xa khi mùa vụ sắp được thu hoạch rồi bỗng dưng mất trắng. Tất cả những suy nghĩ đó đã đưa em đến quyết định chọn Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học.
Lúc đã trở thành sinh viên, tại sao em không chọn ngành Khí tượng hay Thủy văn mà lại chọn Hải dương học, em có cảm thấy nó xa vời với ý định ban đầu của em hay không?
Khi ra Hà Nội học, được mở rộng tầm hiểu biết và tầm nhìn của mình, em đã nghĩ rằng hướng ra biển là một xu thế tất yếu của con người, nhất là Việt Nam có bờ biển dài và tiềm năng về biển dồi dào. Lúc đó, với nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn chinh phục những cái to lớn và muốn sống cho lý tưởng hoài bão nên khi được các thầy cô tư vấn chọn một trong ba ngành, em đã đăng ký Hải dương học. Thêm nữa là, học ngành này em có thể dự báo sóng và dòng chảy biển, dự báo được ngư trường cá, khảo sát môi trường biển, đánh giá tác động và bảo vệ rừng ngập mặn, tài nguyên sinh vật biển , khoáng sản biển... giúp được những người dân miền biền bớt nỗi cực nhọc nghèo khó, hạn chế sự mất mát về người và của sau mỗi cơn bão... Đây là ngành học rất bổ ích và có nhiều ứng dụng trong cuộc sống.
Trong quá trình học, điều gì ở ngành Hải dương học thực sự là điều cuốn hút em và các bạn?
Có lẽ điều thú vị nhất là học ngành Hải dương được đi thực tập, thực tế trên biển. Có ra biển mới thấy được sự mênh mông, sự dữ dội và vô tận của biển cả. Em không thể nào quên những ngày thực tập trên đảo Hòn Dáu, dưới sự hướng dẫn của các cô chú trên trạm Khí tượng và Hải văn ở đây, chúng em đã được trực ốp quan trắc. Cực nhọc vất vả nhất là ốp 1 giờ đêm, dù trời tạnh ráo hay mưa gió thì các cô chú vẫn phải lên trên trạm lấy số liệu quan trắc Khí tượng và xuống biển lấy số liệu quan trắc Hải văn. Con đường lên trạm đã được lát bằng đá nhưng nếu gặp trời mưa thì rất trơn, nhất là 2 bên dệ đường cây rừng mọc um tùm, có cả những cây cổ thụ rễ mọc dài buông xuống như mành che, đi lên trạm vào ban đêm nhất là khi trời mưa bão đúng là cả một sự thử thách và rèn luyện về bản lĩnh. Còn nữa, điều thích thú nhất ở Hòn Dáu là chúng em được tận mắt chứng kiến hiện tượng thủy triều lên xuống trong cùng một ngày hay còn gọi là hiện tượng nhật triều.
Em cũng không thể quên được trải nghiệm thú vị vào lần đầu tiên em được ra biển, được lênh đênh trên biển một ngày đêm, được thả máy quan trắc sóng và dòng chảy biển. Thật may là sức khỏe của em cũng khá tốt và không bị say sóng nên em vẫn dậy được cùng mấy bạn nam thả máy lấy số liệu quan trắc ốp 1 giờ đêm. Biển đêm bao la, chỉ có ánh sáng sao trời và chút ánh sáng của đèn đường trong đất liền hắt ra biển, nhìn leo lét như ánh đèn dầu trong đêm tối. Biển đêm yên tĩnh, chỉ có tiếng gió biển thổi, tiếng sóng vỗ vào thân tàu... Đi khảo sát trên biển thật đúng là gian nan và đầy thử thách. May mà chúng em đi vào những ngày trời yên biển lặng. Tất cả đã trở thành những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời sinh viên ngành Hải dương học của chúng em.
Những trải nghiệm thú vị này là động lực học tập của em?
Bên cạnh những trải nghiệm thực tế, em rất vinh dự được học tập những người thầy, người cô tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Điều đó khiến em càng thấy tự hào và phấn đấu học tập thật tốt để có thể làm nghiên cứu khoa học được như các thầy cô giáo. Chúng em luôn nhận được sự thân thiện, cởi mở của các thầy cô trong khoa, sự nhiệt tình giúp đỡ cả trong học tập và trong nghiên cứu khoa học, từ phương pháp đến tài liệu học tập và nghiên cứu. Những buổi học trên lớp hay những buổi có hội thảo khoa học các thầy cô luôn tạo điều kiện tốt nhất để chúng em có thể vừa tiếp thu được kiến thức vừa liên hệ được với thực tế. Từ đó, chúng em càng thấy thích thú học tập và yêu ngành học của mình hơn.
Sắp tới em có dự định gì chưa? Học tập theo đuổi khoa học hay đi làm?
Thật may mắn và vinh dự cho em được là thủ khoa của ngành, em thực sự muốn được tiếp tục sự nghiệp học tập và nghiên cứu khoa học. Nhưng do hoàn cảnh đặc biệt nên em sẽ liên hệ để làm việc trước. Trong quá trình liên hệ việc làm em đã gặp không ít khó khăn vì thế em thiết nghĩ Nhà trường nên có những chính sách, liên hệ với các cơ quan tổ chức có nhu cầu tuyển dụng một cách tích cực hơn nữa để mở rộng đầu ra cho sinh viên. Những sinh viên mới tốt nghiệp thường còn nhiều bỡ ngỡ, nếu có Nhà trường hậu thuẫn sau lưng thì bước đi sẽ vững vàng và thuận lợi hơn.
Cảm ơn em! Chúc em luôn thành công trong sự nghiệp và cuộc sống!
 Thanh Nhàn (thực hiện) - Bản tin số 261 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC