Văn hóa 18:54:06 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Tiết hạnh ở “Làng trinh tiêt”
Làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội) vốn nổi tiếng với những người phụ nữ đảm đang, khéo léo, chung thủy. Tương truyền, thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thây cảnh đẹp thơ mộng của làng đã ghé vào thăm. Nhà vua vô cùng hài lòng khi thấy các thiếu nữ trong vùng vừa xinh đẹp, nết na, khéo léo, lại một lòng tiết hạnh nuôi dưỡng mẹ già, chờ chồng khi ra trận. Trước khi rời khỏi nơi cảnh đẹp hữu tình, nhà vua ban xuống đặt tên làng Trinh Tiết để phong tặng cho nét đẹp truyền thống của phụ nữ nơi đây.
Câu chuyện thủ tiết chờ chồng của người phụ nữ là mẹ của thành hoàng làng Nguyễn Đức Bảo – một vị tướng tài của Triệu Việt Vương vẫn còn được người dân trong vùng nhắc đến như một lời răn dạy con cháu về tiết hạnh của người phụ nữ trong những dịp lễ làng hay những câu chuyện của các vị bô lão.
Làng phụ nữ “thủ tiết chờ chồng”
Chúng tôi về làng Trinh Tiết đúng dịp trong làng đang rộn ràng đón Tết. Phiên chợ Sêu nổi tiếng đông chặt người. Những chiếc xe chất đầy lá dong xanh, lạt giang mềm để làm bánh chưng, đến những gian hàng tranh treo Tết, hoa tươi… ngập hai bên đường. Người người cười nói, trao đổi hàng hóa, trẻ con thích thú với bóng bay hình con mèo, con rắn… Tết năm nay hứa hẹn sẽ ấm cúng và đủ đầy...
“Đông con đông cháu không bằng hai sáu chợ Sêu”. Câu thơ đó đã đi vào lòng người dân đất làng Trinh Tiết để khẳng định về sự trù phú, giàu có của vùng. Chợ Sêu nằm bên đường liên thôn, giáp bến đò sông Đáy. Ngay từ chiều 25 âm lịch, dân trong vùng đã đến rắc vôi, trải lá chuối để… đặt chỗ bán. Hai giờ sáng 26 Tết, chợ Sêu đông cứng người, tấp nập mua bán. Con phà bắc qua sông Đáy đến chợ Sêu cũng chật người giao thương. Sau một năm làm lụng, chắt chiu, người dân lại sắm sửa cho một cái Tết ấm no, khởi sắc. Phiên chợ Tết làng Sêu kéo dài đến tận 30 Tết mới tan.
Từ ba mươi Tết, đền Trinh Tiết nằm uy nghiêm giữa làng nghi ngút khói hương. Người dân đến thắp hương ở đền và đình để cầu khấn cho một năm làm ăn phát đạt, công danh vinh hiển, sức khỏe, an lành. Đền Trinh Tiết rất thiêng. Nhà ai có việc lớn như hiếu hỉ, xuất hành, cưới hỏi, xây nhà… đều đến xin Thánh ban phước. Ông từ Đào Bá Lộc canh giữ đền bao năm nay kể: Đền được xây dựng từ năm 892. Ngày 8/6 âm lịch hằng năm diễn ra Hội làng. Dân trong vùng xúng xính áo dài, áo lễ để đi rước thần. Đi đầu là những vị cao niên, 16 nam thanh nữ tú được lựa chọn để khiêng lễ. Phần hội tổ chức liên tục trong 2 -3 ngày với nhiều trò chơi dân gian, trở thành sân chơi văn hóa, truyền thống của vùng.
Làng Trinh Tiết có tên gọi đầu tiên là làng Bối Lang. Xưa kia, làng nằm trên một gò đất nổi. Phù sa sông Đáy đã bồi đắp thành một vùng đất màu mỡ, phì nhiêu. Dân tứ xứ rủ nhau về an cư, lập nghiệp bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Làng Trinh Tiết là thủ đô tơ tằm một thời. Những hàng thủ công do chính con gái làng làm ra được bán ở chợ Sêu. Tiếng tăm về hàng tơ lụa làng Sêu nổi tiếng khắp trong và ngoài vùng, đến tận tai vua. Một lần, vua Lý Thánh Tông du hành trên sông Đáy, ngang qua làng Sêu. Con gái làng Sêu tháo vát, đảm đang. Những cô gái trẻ tự thêu một tấm lụa tơ tằm và kể cho vua nghe sự tích thành hoàng làng. Mẹ thành hoàng làng là bà Nguyễn Thị Thanh xinh đẹp nức tiếng xa gần. Có vị học sĩ ở miền trong là Nguyễn Đức Minh đi ngang qua vùng đã yêu quý vẻ đẹp trời ban của nàng. Hai người kết duyên vợ chồng và sinh được một người con trai, đặt tên là Nguyễn Đức Bảo.
Vừa sinh con thì chồng chết, mẹ Bảo ở vậy nuôi con. Bảo lớn lên bằng tình yêu bao la và những tiếng sợi quay hằng đêm của mẹ. Sau này, Bảo trở thành vị tướng tài của vua Triệu Việt Vương, ghi danh nhiều chiến công hiển hách. Tiếng thơm về mẹ Bảo nức tiếng xa gần. Dân làng trong vùng ngưỡng mộ đức hạnh của bà, thường lấy bà làm gương cho những người có chồng đi chiến trận.
Nghe xong câu chuyện, vua Lý đặt tên cho làng là làng Trinh Tiết. Thiếu nữ trong vùng luôn giữ đức hạnh làm đầu, lấy chồng chung thủy với chồng. Ông Lộc chỉ vào con đường lát gạch vào thôn: “Thôn còn có tục lệ, con gái lấy chồng xa thì góp gạch làm đường, con gái lấy chồng nhà góp mâm làm lễ Thành hoàng làng. Đến giờ, đường vào thôn trải gạch sạch sẽ và luôn giữ nếp sống văn minh”
Tiết hạnh thời nay
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ xâm lược, làng Trinh Tiết luôn được tuyên dương là hậu phương vững chắc. Phụ nữ trong vùng ngoài “chắc tay cày, đảm tay cấy” còn là một trong những nơi giúp đỡ, che chở cho bộ đội vững chắc nhất.
Bà Đinh Thị Huyến năm nay đã 71 tuổi, nhưng từ năm 27 tuổi, bà đã ở vậy chăm con. Vốn con gái làng bên lấy chồng sang, ngay từ khi mới về nhà chồng, bà đã được mẹ chồng nhắc nhở truyền thống của làng: con gái lấy tiết hạnh và sự chung thủy làm đầu. Năm 1967, ông lên đường nhập ngũ. Một năm sau, nghe tin đồng đội báo về chồng bà đã hi sinh, bà lặng người đau đớn. Ở nhà, bà tham gia vào Hội mẹ chiến sĩ, chăm sóc mẹ chồng và nuôi con nhỏ, đồng thời, cùng những phụ nữ trong vùng giúp đỡ tân binh lên đường nhập ngũ. Bộ đội đi qua, các chị, các mẹ lại làm gậy, gói bánh, gửi gắm tình yêu và niềm tin chiến thắng. Anh Bùi Chí Dũng, trưởng thôn Trinh Tiết hoài niệm: Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, trai làng ra trận rồi hi sinh. Nhiều người vừa mới cưới chưa tròn 1 ngày đã phải xa chồng, rồi mãi mãi trở thành quả phụ. Nhưng 100% phụ nữ có chồng hi sinh đều không đi bước nữa, một lòng phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi con khôn lớn như bà Bùi Thị Tít, bà Nguyễn Thị Thê không con, nuôi mẹ chồng... Trong thôn hiện có hai mẹ Việt Nam anh hùng.
Con gái chị Huyến đã trở thành giáo viên trường làng, kết hôn với anh bộ đội cụ Hồ và có một gia đình hạnh phúc. Thương mẹ, chị Bùi Thị Kim Chung cùng chồng xây căn nhà 3 tầng khang trang để ở. Anh Dũng chia sẻ, “chữ Trinh tiết ngày nay được nhắc đến như phẩm hạnh, sự chung thủy và xây dựng giá trị bền vững của gia đình. Xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, gia đình một vợ - một chồng trở thành điểm nhấn cho các hoạt động của thôn để giữ vững nét truyền thống tốt đẹp của thôn”.
Cổng làng Trinh Tiết sừng sững vẫn còn lưu lại tên cũ: Làng Sêu, Hai câu đối trước cổng làng: “Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa, còn lưu mãi - Trinh tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thuở, phải là đây” trở thành ngưỡng giá trị cho người thiếu nữ trong thôn về giá trị của truyền thống và hiện đại. 
 Thanh Xuân – Hồng Nhung - Bản tin số 262-263 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC