00:31:26 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Tiếng violon từ khoảng sân nhà nội
Chúng tôi lớn lên không chỉ bằng lời ru của bà, của mẹ mà tâm hồn còn được đắm chìm trong những giai điệu violon bổng trầm mỗi chiều ngân lên từ khoảng sân ngồn ngộn rạ rơm nhà nội. Ông tôi có bao nhiêu con cháu, thì bấy nhiêu người biết chơi violon và các nhạc cụ khác như tiêu, sáo, ghi-ta. “Âm nhạc giúp thanh lọc tâm hồn, để cuộc sống được chúng ta nhìn nhận nhân từ, tích cực hơn...”
Quang trên vai, tay mềm mại phím đàn...
Đã có không ít thế hệ học trò dùng hình ảnh ấy để nói về ông, người thầy dạy nhạc nông dân, chân đất của mình. Mấy chục năm trước, trái tim lạc nhịp theo tiếng gọi của âm nhạc, từ cánh đồng “chiêm khê, mùa úng”, ông rời làng đến với đoàn văn công Hà Bắc để lại bà cùng mái tranh liêu xiêu và đàn con nheo nhóc. Lưu diễn khắp các chiến trường Nam Bắc, ngày ông trở về vẫn hai bàn tay trắng, thương vợ tảo tần nên lại tay cuốc, vai quang lăn lộn với đồng đất, chuồng trại để có miếng cơm, manh áo nuôi con và nuôi cả tình yêu âm nhạc. Giờ đây, con cái đều đã trưởng thành, đều có gia đình riêng, dù đã vào cái tuổi cận bát tuần nhưng ông bà vẫn không một phút ngơi tay lao động. Hai người già tự lo lắng cho nhau, sớm tối bạn với thửa ruộng, đàn gà cùng cây đàn violon và mái nhà đơn sơ cũ dần theo năm tháng khiến bao đoàn quay phim, phóng viên báo đài tìm đến phải trầm trồ. Có lần, ông bảo có thói quen “chẳng giống ai” đó là đi ra đồng thì thôi chứ cứ về đến nhà, rời quang gánh, cuốc cày là lại “ôm” ngay lấy cây violon, không dạo được vài bản thì không yên. Làm vợ ông, phải hiểu lắm thì bà mới chiều và chịu được. Nghe bà nói, ánh mắt ông cũng chỉ hấp háy cười, khi ấy chúng tôi chợt nhận ra trong cuộc đời này có lẽ bà chính là cây vĩ cầm lớn nhất của đời ông...      
Ông nội tôi là nghệ sĩ vĩ cầm nông dân Nguyễn Hữu Đưa, một trong những người có công đầu giúp làng Then (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) trở thành làng vĩ cầm duy nhất nổi tiếng khắp nước, được cả bạn bè quốc tế biết đến, tìm về. Với tình yêu dành trọn cho cây đàn vĩ cầm, kể từ ngày rời đoàn văn công về làng, suốt tháng này qua năm khác, ông cần mẫn, tận tuỵ dạy đàn cho con cháu trong nhà, trong làng và cả quanh vùng. Ông sưu tập rất nhiều các loại nhạc cụ gồm cả sáo, nhị, đàn bầu nhưng đáng giá nhất phải kể đến những cây đàn violon đủ loại, cỡ nhỏ để dạy trẻ con, cỡ trung, cỡ lớn để người lớn, người già tập kéo. Trong bộ sưu tập đàn violon của ông ngoài một vài chiếc mới còn có những chiếc được mua từ cách đây hơn 40 năm. Đó là vào khoảng những năm 1957, phong trào chơi đàn ở làng Then phát triển mạnh, đòi hỏi cấp bách lúc ấy là phải tìm chơi những nhạc cụ mới bên cạnh các nhạc cụ truyền thống. Chẳng thể ngồi chờ người ta mang đến, ông đã đại diện mọi người lặn lội ra tận Hà Nội tìm mua về bằng được 2 chiếc đàn violon đầu tiên của làng. Có đàn rồi nhưng không ai biết kéo, ông đã suy nghĩ mọi cách, tìm tòi mọi hướng để chinh phục bằng được loại nhạc cụ Tây phương mới mẻ này. Chúng tôi vẫn thường nghe ông tự hào nhắc đến nhạc sĩ Đỗ Bài, người thầy đầu tiên trong những tháng năm ấy đã không quản khó khăn từ Đài Tiếng nói Việt Nam về vùng quê này cùng ở, cùng ăn để dạy đàn violon cho ông và dân làng. Ông bảo rằng, ngay từ lần đầu tiên nghe thử một bản nhạc bằng đàn violon do thầy Bài biểu diễn, bao người dân nơi đây đã như bị hút hồn và với riêng ông dù không nói ra cũng đã thầm coi violon như tri kỉ của đời mình. Vừa nhờ thầy dạy, vừa mày mò tự học, chỉ chưa đầy một năm sau khi mua đàn, ông nội tôi cùng một vài người khác ở làng Then đã chơi được những bản nhạc từ cây vĩ cầm. Phải chăng chính nhờ nghị lực vượt lên trên mọi điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất để đến được với cái hay, cái đẹp của giai điệu vĩ cầm đã tạo nên ở ông tôi một niềm đam mê kì lạ với cây đàn violon. Chẳng thế mà một số nhà chuyên môn, nhạc sĩ nổi tiếng hay khách nước ngoài đến thăm cứ thắc mắc: không hiểu tại sao ông ấy lại có thể khoan thai, say mê ngồi kéo đàn violon trên mảnh sân ngồn ngộn rơm rạ giữa không gian tiếng gà tác, tiếng lợn réo đòi ăn inh ỏi...?
“Thầy giáo” chưa từng thu học phí!
Ngoài việc tự học và được thầy Đỗ Bài về làng chỉ giáo cho những kiến thức cơ bản về đàn violon, ông tôi chưa từng qua bất cứ một trường lớp âm nhạc nào, cũng chưa từng được đào tạo kiến thức nền về nghiệp vụ sư phạm vậy nhưng từ mấy mươi năm nay, ông vẫn được bà con trong làng, trong xã kính phục gọi là thầy. Với ông, truyền dạy lại kiến thức về violon cũng là một cách để tìm tòi, khám phá vẻ đẹp huyền bí, nét tinh hoa độc đáo của loại nhạc cụ này. Ông đã sưu tầm được cả trăm cuốn sách dạy nhạc của Việt Nam và quốc tế (đa phần là sách nhạc lí và lý thuyết tiếp cận với cây đàn violon). Năm 1965, khi đã thực sự làm chủ được cây đàn, ông nội đã đứng ra tổ chức lớp dạy nhạc đầu tiên chỉ 16 người làng (14 người chơi violon, 1 người chơi ghita và 1 người chơi đàn măng-đô-lin). Chính lứa học trò đầu tiên của lớp học này đã vinh dự được về Thủ đô biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976. Bà con trong làng, ngoài xã ai cũng bảo rằng, chính ông là người đã góp công rất lớn tạo nên những kì tích của vùng quê lam lũ này khiến thiên hạ đều biết đến. Nửa thế kỉ gắn bó như hình với bóng với cây đàn violon, gần 50 năm tâm huyết dạy nhạc cho các thế hệ, từ lớp học mái lá, bảng vách đơn sơ của ông đã có hàng trăm học trò trưởng thành, nhiều người trong số đó đã thành tài ở tỉnh, ở thủ đô, nổi tiếng cả nước và hầu như ai cũng đều mang đậm dấu ấn của thầy giáo Đưa. Tôi cũng như tất cả các anh chị em trong nhà, trong họ đều được ông dạy dỗ, truyền cho tình yêu âm nhạc từ những ngày thơ bé. Gia đình tôi, cả 3 thế hệ cùng say mê cây đàn violon và cùng tham gia đội văn nghệ của làng. Tâm sự với mọi người, ông thường bảo rằng: “Điều tôi mong mỏi nhất là gìn giữ tiếng vĩ cầm ăn đời ở kiếp với người dân làng này. Để một mai dù cháu con có ở xa xôi góc biển, chân trời chỉ cần nghe vẳng tiếng violon là đã nhớ đến quê, chỉ cần gặp một bản nhạc quen là biết tìm về nơi chôn nhau cắt rốn...”.
“Hạnh phúc chẳng đâu xa, hạnh phúc là những điều tưởng chừng như đơn giản nhất ở quanh ta”, cứ mỗi lần nhớ về ông hoặc nghe vẳng đâu đó tiếng vĩ cầm réo rắt tôi lại tự nhủ lòng mình như vậy. Một số người bạn sau khi đọc được những bài viết về ông tôi đăng trên báo mạng đã bảo rằng, nếu ông với danh tiếng sẵn có mà dạy violon ở thành phố chắc sẽ có nhà cao cửa rộng chứ chẳng giản đơn mái tranh, quang gánh như bây giờ? Cũng có thể điều đó là đúng, nhưng với tôi kỉ niệm về tiếng vĩ cầm vang lên từ khoảng sân ngồn ngộn rạ rơm nhà nội mới là điều thiêng liêng, đáng nhớ nhất...
 Nguyễn Thị Hường - Bản tin số 250-251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC