02:18:55 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Nguồn gốc ý nghĩa từ Cát-xê
Vào Google mấy ngày gần đây mới thấy từ cát-xê (còn được viết là cát-sê, cát sê, cát xê, cátsê, cátxê...) xuất hiện quá nhiều trên báo chí. Cư dân mạng thi nhau bàn tán, rất sôi nổi về chuyện cát-xê và cách ứng xử của những người liên quan. Nguyên do là từ tuyên bố của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong một buổi họp báo, ông đã quyết định không mời mấy ca sĩ tham gia chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Cuộc thi Pháo hoa quốc tế năm 2013 (tại Đà Nẵng) theo dự định với lí do "đòi tiền cát-xê quá cao". Cát-xê là phiên cách đọc của một từ tiếng Pháp: cachet, có nghĩa là “tiền thù lao”. Thông thường trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật (ca nhạc, tạp kĩ...), ban tổ chức phải tính đến các chi phí, trong đó có tiền chi trả, bồi dưỡng cho những nghệ sĩ tham gia. Ngày xưa, ở các nước phương Tây, chẳng hạn Pháp, khi vấn đề tài chính còn khó khăn và cũng chưa gay gắt như bây giờ, các nghệ sĩ thường được mời một bữa ăn thịnh soạn, hoặc trong khi biểu diễn, mỗi khi xong các tiết mục, họ được phát cho các viên thuốc bổ dưỡng, gọi là cachet (viên trứng nhện, một loại thuốc con nhộng) để họ ngậm cho mau lại sức. Hoạ hoằn mới có lúc các nghệ sĩ nhận tiền "phong bao". Sau này cachet được sử dụng để chỉ “tiền thù lao chi phí cho các nghệ sĩ biểu diễn”. Người Anh hay dùng các từ honorary, fee để thay cho “cachet” tiếng Pháp, mặc dù khá nhiều nước (cũng như nước ta) đã du nhập từ cachet vào kho từ vựng nước mình.
Vấn đề rõ ràng như thế nhưng tại sao người Việt ta hiện nay lại không dùng “tiền thù lao” (cho thuần Việt) mà cứ thích dùng cachet?
Trước hết, cachet dùng chỉ một khoản tiền chi trả, bồi dưỡng cho một số đối tượng đặc biệt (người mẫu, diễn viên, ca sĩ...) trong ngành công nghiệp giải trí (điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, thời trang,...). "Tiền thù lao" có nghĩa chung và rộng hơn (bất luận việc gì ta nhờ vả, thuê mướn đều phải trả thù lao theo thỏa thuận). Thứ hai, dường như với nhiều người, nhất là báo chí ở ta thích dùng một từ ngoại lai, mới lạ, cho ấn tượng khi diễn đạt. Chẳng hạn chúng ta thích dùng sô (show) thay cho “suất diễn”, lai-vơ sô (liveshow) thay cho “chương trình biểu diễn trực tiếp" (thường dành cho một cá nhân nào đó), hot thay cho “nóng”, em-xi (MC: master of ceremony) thay cho “người dẫn chương trình”, các vi-dit (carte de visite) thay cho “tấm danh thiếp”... Hiện tượng Anh hoá, Pháp hoá một số từ Việt đang là một xu hướng khá thông dụng, mà khi nó đã trở thành thói quen rồi thì việc sửa không phải dễ. Hơn nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận một điều, từ, ngữ dùng để biểu thị một khái niệm, một sở chỉ (thực thể trong thế giới hiện thực được chỉ ra bằng một sự diễn đạt ngôn từ) không nhất nhất lúc nào cũng chỉ có một. Một sở chỉ có thể có hai hay nhiều biến thể biểu hiện (ví dụ từ ăn có: ăn, xơi, chén, tọng, hốc..., từ chết có: chết, tạ thế, từ trần, mất, thiệt mạng, toi, ngoẻo...) tùy theo từng ngữ cảnh phong cách. Trong các biến thể nội tại, có các biến thể ngoại lai. Với biến thể là tiếng nước ngoài, hoặc có nghĩa tương đương, hoặc là chỉ gần nghĩa hoặc mang một nét nghĩa nào đó (ví dụ, marketing không chỉ có nghĩa là “tiếp thị”, mini không chỉ là “nhỏ”, file không hẳn là “tệp (dữ liệu)”, play-off không hẳn là "trận quyết định",...). Vì vậy, đôi khi, trong các bối cảnh giao tiếp cần thiết, người ta có thể dùng một biến thể ngoại lai để không gây hiểu sai với nghĩa đúng của từ đang dùng. Và nhiều khi, cũng để cho ngắn gọn hơn (từ MC chẳng hạn, dịch sang Việt là "người dẫn chương trình" là hơi dài).
Cũng phải nói thêm rằng, từ cachet (cát-xê) đang mở rộng phạm vi sử dụng trong tiếng Việt. Người ta có thể dùng cát-xê cho nhiều hoạt động khác (ngoài biểu diễn nghệ thuật). Ví dụ, chúng ta vẫn nói: “Anh ta thích dạy tại chức vì tiền cát-xê cao ngất ngưởng”; “Nói chơi chơi mấy buổi ở hội nghị mà phong bì cát-xê dày lắm đấy!”; “Bà ấy là môi giới cho mấy ông nhà đất, cát-xê mỗi lẫn trúng quả cứ gọi là tiêu mệt nghỉ”, v.v. Dùng như vậy, cát-xê đã trở về nghĩa chung là “tiền thù lao, tiền bồi dưỡng”.
 Phạm Văn Tình - Bản tin số 266 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC