Văn hóa  Văn học 20:44:21 Ngày 19/04/2024 GMT+7
“Xuất khẩu” văn học Việt ra thế giới
Những năm gần đây, mảng sách văn học trong nước được xem là “ế ẩm” (số sách văn học được xuất bản giảm cả về số lượng cuốn và bản). Thế nhưng, năm 2011 này NXB Trẻ đã “thử nghiệm” dịch một số cuốn sách văn học trong nước ra tiếng Anh. Đây là việc làm “dũng cảm”, có lẽ chưa từng có NXB “nội” nào (trừ một số NXB chuyên về sách nước ngoài như NXB Thế giới) dám dấn thân trong việc “xuất khẩu” sách văn học Việt Nam ra thế giới. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về sự “thử nghiệm” đầy táo bạo này, ông Phạm Sỹ Sáu – Trưởng phòng Truyền thông kiêm phụ trách khai thác tác quyền nội địa của NXB Trẻ cho biết.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> “Xuất khẩu” văn học Việt ra thế giới (pdf)

Xin ông cho biết kế hoạch dịch Văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài của NXB Trẻ đang triển khai?

Việc xuất bản tập sách “Open the window, eyes closed” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, dịch giả Trương Tiếp Trương trong tháng 3 năm 2011 là một nỗ lực lớn của NXB Trẻ trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (24.3.1981 – 24.3.2011). Đây gần như là phát pháo mở đầu nhằm thăm dò thị trường của NXB.

Lâu nay, NXB Trẻ cũng như các NXB khác trong nước đã “nhập khẩu” khá nhiều sách nước ngoài, từ Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc đến Châu Á, với nhiều loại thể tài khác nhau, nhiều nhất là văn học và truyện tranh. Còn chuyện giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài dường như là con số không. (Ở đây không kể đến những tác phẩm của Bảo Ninh, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… được dịch ra tiếng nước ngoài từ sự chủ động của người nước ngoài).

Việc chủ động chuyển ngữ văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài, mà trước mắt là tập truyện “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của giới truyền thông trong nước. Điều nầy là một niềm khích lệ lớn cho NXB Trẻ trong việc dần đưa văn học Việt Nam ra thế giới. NXB Trẻ cũng đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của những bạn văn có vốn ngoại ngữ khá bằng việc chủ động giới thiệu với NXB Trẻ những tác phẩm mà các bạn thấy là có thể chuyển ngữ để giới thiệu với bạn đọc nước ngoài.

 Nói chung, NXB Trẻ đang cố gắng chuyển ngữ các tác phẩm mà mình có bản quyền, trong điều kiện có thể với sự cẩn trọng cần thiết, bởi đây là một công cuộc kinh doanh, chứ không phải là chuyện nhắm mắt làm bừa được.

Kho tàng Văn học Việt Nam khá đồ sộ. Vậy việc lựa chọn các đầu sách để dịch sao cho “xứng tầm” được NXB chú trọng như thế nào thưa ông?

Trước mắt NXB Trẻ chỉ chuyển ngữ các tác phẩm mà NXB được quyền sử dụng bởi đó là tài sản của NXB Trẻ hoặc NXB Trẻ được tác giả ủy quyền. Chúng tôi chưa có tham vọng chuyển ngữ kho tàng “Văn học Việt Nam”, bởi chúng tôi là những người đang đi chân đất với mớ vốn còm cõi, chưa và không thể tung cánh bay cao bay xa được. Chỉ mong việc chủ động chuyển ngữ của mình góp phần nhỏ bé vào công cuộc chung của đất nước.

Những khó khăn mà NXB đang gặp phải trong việc dịch các tác phẩm tiêu biểu của Văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài là gì?

Khó khăn chúng tôi gặp phải, trước mắt là phần tìm kiếm tác giả và dịch giả, thứ đến là kinh phí đầu tư, thứ ba là thị trường phát hành, thứ tư là hình thức thanh toán. Với những quy định nhiêu khê và trói buộc của ngành tài chính và thuế về việc thanh toán, việc đánh thuế chưa thực sự hợp lý vào các chủ thể sáng tạo như tác giả, dịch giả đã không khuyến khích họ tham gia cùng NXB Trẻ.

Việc giới thiệu, quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài là việc lớn của cả ngành xuất bản. Vậy theo ông, NXB đã “sẵn sàng” cho một cuộc “phiêu lưu” đầy chông gai?

Đây không chỉ là việc lớn của ngành xuất bản mà là của nhiều ngành khác, hay nói đúng hơn là của nhà nước. Bởi chỉ có sự chỉ đạo và đầu tư tập trung của nhà nước chúng ta mới có những bước đi thích hợp cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Đầu tư cho việc quảng bá là tốn kém nhưng khi những sản phẩm văn học đến được với người nước ngoài, nó sẽ mang lại những hiệu quả cho những ngành khác như du lịch, thương mại, giáo dục…

“Độc hành” trong cuộc phiêu lưu này, NXB Trẻ cũng thấy “lạnh lưng” lắm chứ. Nhưng nếu không chủ động chuyển ngữ mà chờ đón sự tiếp nhận “có điều kiện” của phía nước ngoài thì có lẽ một diện mạo văn học Việt Nam nhìn từ nước ngoài sẽ vô cùng méo mó.

Việc tìm đầu ra cho các tác phẩm dịch Văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài được NXB nhằm vào những thị trường nào?

Trước mắt là thị trường trong nước, dành cho khách du lịch, sau đó là thị trường nước ngoài thông qua các nhà phân phối trên mạng. Để có được một cuốn sách Việt chuyển ngữ trên kệ sách của nhà sách truyền thống ở nước ngoài cần có nhiều nỗ lực hơn nữa. NXB Trẻ hy vọng thông qua các hội chợ sách quốc tế, tiếp cận được với các nhà phát hành lớn hoặc các đại lý bản quyền để việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài mới có cơ duyên thành hiện thực sống động và như thế con đường tiếp cận với độc giả nước ngoài mới thực sự thỏa lòng mong mỏi của những người chủ trương đầu tư. Nói có vẻ khách sáo, nhưng thực sự NXB Trẻ đang chủ trương làm sách bằng tấm lòng trong sáng của những người yêu nước mình, chứ không phải những kẻ buôn sách.

Được biết, NXB Trẻ đã khẳng định năm nay sẽ là năm của sách Văn học Việt Nam. Vậy do dâu mà NXB lại đặt trọng tâm theo hướng này?

Sau nhiều năm tập trung khai thác các tác phẩm best-seller của nước ngoài, NXB Trẻ nhận ra một điều là mình đang “nhập siêu” trong xuất bản. Trong khi nhiều năm qua, với sự hỗ trợ không mệt mỏi của các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước, tình hình đọc sách trong một bộ phận dân cư đã có những tiến bộ rõ rệt. Chúng tôi nói một bộ phận dân cư, vì thật ra với số dân trên 80 triệu người, số người biết đọc là cực lớn, mà số lượng bản in lại cực nhỏ - nhỏ đến thảm thương, thì thử hỏi nếu không cổ động cho một nền văn học Việt Nam ngay trên chính đất nước mình có phải là một thiếu sót lớn không?

Bằng những kinh nghiệm thực tiễn, NXB thấy rằng chúng ta có thể đẩy mạnh việc in các tác phẩm văn học trong nước và qua đó giúp bạn đọc có nhiều cơ hội tiếp xúc với những tác phẩm của mình hơn. Chúng tôi không có tham vọng đưa các tác giả Việt Nam thành những tên tuổi lớn như các tác gia thời thượng nước ngoài, nhưng việc để có nhiều người Việt nhận biết nhiều hơn những Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái…, những Sơn Nam, Toan Ánh, Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Trang Thế Hy…, là điều hoàn toàn có thể làm được và làm tốt là đằng khác.

Rồi ra, chúng ta cũng sẽ nhanh chóng có nhiều tác giả 10.000 (tức tác giả có số lượng in 10.000 bản cho một đầu sách), và lúc đó các nhà văn chắc chắn sẽ sống được bằng chính tác phẩm của mình. Còn bây giờ, hãy chấp nhận khởi đầu với hai hay ba ngàn bản thôi.

Xin cảm ơn ông!

 

 Đài Sơn (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC