Văn hóa  Văn học 09:31:04 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Quay lại chuyện “canh gà…”
Thời gian qua, dư luận báo chi, nhất là cư dân mạng, bàn tán khá nhiều về sai lầm của cô H. T. T., một cô giáo dạy văn (Trường THCS Lomonosov, Hà Nội) khi cô hạ bút cho điểm 8 vào bài bình văn của một học sinh lớp 7. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu không có một vị phụ huynh giật mình khi xem lại bài của con, phát hiện ra một lỗi “kếch xù”: Câu “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” (trong bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ) đã được em học sinh bình là “Người dân Hà Nội vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc, tôn trọng thờ kính tổ tiên. Hà Nội còn đặc sắc về những món ăn nổi tiếng như “canh gà Thọ Xương””. Điều mà nhiều người cảm thấy “bất bình” là, cô giáo đã bỏ qua một lỗi sơ đẳng về kiến thức. Ai đời “canh gà Thọ Xương” - tiếng gà gáy báo sang canh ở Thọ Xương (tên một huyện cũ của Hà Nội) - lại bị dung tục hóa, hiểu thành một món canh bao giờ. Thầy tổ trưởng tổ văn của trường này còn ngỡ ngàng thốt lên: “Làm sao có cách dạy ngớ ngẩn như vậy được?”. Đa số dư luận cũng đều đồng thanh tỏ ý thất vọng về trình độ non kém của cô. Kết cục của cuộc “đánh hội đồng” này đã làm cho cô giáo nọ bị sốc nặng, đến nỗi phải vào bệnh viện truyền nước rồi viết đơn xin nghỉ việc.
Riêng tôi, tôi không có ý trách cứ cô H.T. T. nặng nề đến thế. Không phải là để bênh cô lấy được, mà tôi nghĩ, có nhiều nguyên do dẫn đến sai sót này.
Thứ nhất, có thể là thực tế đúng như cô giáo thanh minh “Tôi yêu cầu các em tự cảm nhận, cô không gợi ý... Khi chấm, thấy nhiều học sinh hiểu nhầm “canh gà Thọ Xương” là món canh gà, trong khi hiểu đúng phải là “tiếng gà gáy sang canh”... nên lúc trả bài tôi đã nói với lớp có nhiều bạn làm sai, nhưng vì bài tự cảm nhận nên các em tự sửa để cho nhớ” (Theo VnExpress). Nếu đúng vậy, cô đã mắc lỗi sư phạm. Bởi với tư cách giám khảo, thì tất cả các lỗi lớn nhỏ trong bài làm của học sinh đều phải được chỉ ra với bút phê rõ ràng.
Thứ hai, có thể chính cô cũng mắc lỗi kiến thức, đồng tình với học sinh về cách hiểu này, hoặc là cô cũng chỉ hiểu láng máng rồi cho qua (mà phát biểu của cô sau đó chỉ là một cách chống chế, gỡ gạc thể diện).
Nhưng lỗi này cũng lại có căn nguyên của nó. Tổ hợp “canh gà Thọ Xương” là một cấu trúc mơ hồ. Từ xa xưa nhiều người đã giải nghĩa đó là “tiếng gà báo hiệu chuyển canh ở vùng Thọ Xương” (canh: khoảng thời gian bằng 1/5 của đêm, thời trước dùng làm đơn vị tính thời gian mỗi đêm; canh gà: thường dùng để chỉ tiếng gà gáy vào canh năm, khoảng thời gian cuối đêm, lúc này gà gáy dồn dập). Nhưng nếu hiểu đó là “món canh nấu bằng thịt gà” thì cũng có thể lắm chứ (nhất là nhiều người dân, đặc biệt ở đô thị hiện đại hoàn toàn xa lạ với tiếng gà báo sáng)? Câu này có người cho rằng là ca dao, có người lại khẳng định đó là sáng tác của Dương Khuê (Theo Thể thao & Văn hóa, 15-10-2012). Nhưng dù là của ai, thì lấy gì làm bằng chứng để khẳng định ý của tác giả chỉ có một “đáp số” là “tiếng gà gáy” chứ không phải “canh thịt gà”? (Mà đặc sản “canh thịt gà” cũng đáng tự hào chứ!). Nhiều khi, người đọc hay có cách suy diễn theo cảm quan bản ngữ. Chẳng hạn, từ “Đàn Nam Giao” nếu không được giảng giải (hay tìm hiểu kĩ), rất nhiều người không hiểu đây là “công trình tín ngưỡng, do nhà vua thời phong kiến xưa lập ra để tế trời (Đàn Nam Giao triều Nguyễn, Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn, Đàn Nam Giao nhà Hồ...)” mà là “một loại đàn (nhạc cụ) dân tộc có tên Nam Giao”. Không ít người đã giải nghĩa “Đàn Xã Tắc” là “Đàn dùng để tế lễ tổ tiên”, cũng bởi ai cũng hiểu “xã tắc” với nghĩa phổ biến hiện nay (chỉ “đất nước, sơn hà”). Thực tế, Đàn Xã Tắc là nơi tế Xã thần (thần Đất) và Tắc thần (thần Nông). Câu tục ngữ “Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim” theo cứ liệu văn hóa dân gian đang tồn tại ít nhất 4 cách hiểu (hoặc theo hướng tích cực, hoặc theo hướng tiêu cực).
Trong cuộc sống, còn nhiều trường hợp bị nhầm lẫn bởi các cấu trúc mơ hồ, chỉ căn cứ vào sự hiện diện của các tổ hợp ngôn ngữ “tường minh” mà không suy diễn trên nền một phông kiến thức (về ngôn ngữ - văn hoá). Không đủ tri thức, sẽ không dễ dàng cắt nghĩa ngay được. Tôi đảm bảo là nếu chưa xảy ra sự cố bài văn vừa rồi, nếu ta làm một cuộc điều tra xã hội học về cách hiểu toàn bộ bài ca dao trên, sẽ có khá nhiều người “bán tín bán nghi”, hoặc là không hiểu một cách thỏa đáng, hoặc là hiểu giống hệt như cô học trò nọ (nhất là bây giờ học sinh đang chán học văn).
Giai thoại kể rằng: Ở Huế, còn có một dị bản (cho 2 câu đầu) là “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Một người đã dịch câu này sang tiếng Tây. Một người khác lại căn cứ bản tiếng Tây đó để dịch trở lại tiếng Việt. Kết quả là cho ra lò một bài thơ “mới cứng” như sau:
                                                            Roi tre vun vút vung ra
                                                             Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng
                                                            “Mụ Trời” đánh một hồi chuông
                                                            Chạy về ăn bát canh xương gà tần
 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin số 261 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC