20:32:55 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Cuốn sách của tình yêu và nỗi đau hoài niệm
“Còn lại với thời gian” còn là cuốn sách của nỗi buồn hoài niệm. Người đọc có thể nhận ra hàng trăm trang sách vốn đã xuất hiện trên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội...

Có thể coi "Còn lại với thời gian" là cuốn sách của tình yêu và nỗi đau hoài niệm chiến tranh. Tình cảm xuyên suốt từng trang sách này là tình yêu đất nước - một tình cảm lớn lao, thiêng liêng đã thôi thúc hàng trăm cán bộ, sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, "xếp bút nghiên", tạm biệt học đường, cầm súng toả vào các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thế kỷ qua.

Phần đầu cuốn sách là tuyển chọn các sáng tác đã công bố và di cảo văn học mới tìm thấy của các liệt sĩ, cùng các trang ghi chép về các liệt sĩ của trường. Khác với cấu trúc của phần lớn các cuốn sách thông thường, mở trang đầu “Còn lại với thời gian”, người đọc rất dễ bồi hồi trước một loạt chân dung liệt sĩ. Đó là các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, phóng viên chiến tranh quen thuộc một thời. Đó là các tên tuổi thân thương như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Vũ Dũng, Đặng Luận, Nguyễn Hồng, Phạm Văn Phong... Những tấm hình liệt sĩ chiếc tỏ chiếc mờ, nhưng tất cả đã vượt qua sự phôi pha của thời gian mà đi vào lịch sử, đi vào tâm khảm bao người.

Mở đầu phần chân dung liệt sĩ là tấm ảnh Thầy giáo - Nhà thơ Lê Anh Xuân, tức Ca Lê Hiến, nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử, tác giả của những tập thơ nổi tiếng với những bài "Nhớ Bến Tre", "Dáng đứng Việt Nam" v.v. Khuôn mặt nhà thơ - Nhà giáo Lê Anh Xuân phảng phất chút ưu sầu. Ngắm ảnh anh, chúng ta có thể gặp nhau trong câu hỏi: Nhà thơ ơi, anh đang nghĩ suy gì ? Nhìn ảnh anh, ta có thể nhớ lời thơ Chế Lan Viên, khái quát cái phần nổi, phần chìm trong tâm hồn các thi sĩ Việt Nam một thời chống Mỹ:

"Màu hoa súng như cơn đau không dám khóc

Chỉ lặng yêu sắc tím để mà đau.

Người ta chỉ biết cái màu sen anh đỏ rực

Còn nỗi buồn hoa súng biết cho đâu!"

Trong những ngày đầu thu năm 2005 này, độc giả cả nước đang xốn xang trước những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Nếu đọc những trang nhật ký của Chu Cẩm Phong trong cuốn sách “n lại với thời gian", chúng ta có thể bàng hoàng trước vẻ đẹp tâm hồn liệt sĩ. Nhật ký của anh được công bố một cách bình thản, lặng lẽ, thậm chí ít ai để ý, vì nó được xếp hàng ngang cùng hàng trăm tác giả hữu danh sau khi đất nước chưa tan mùi thuốc súng. Nếu được biết đến, nhật ký của anh rất có thể bị độc giả coi là thứ văn chương nhà báo, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhật ký của Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm như báu vật được khai quật khi cuộc kháng chiến đã trôi qua 30 năm. Nhất là khi di sản tinh thần đó lại bị lưu lạc sang tận trời Tây, trong bàn tay giữ gìn của những người một thời vốn đứng ở bên kia chiến tuyến. Cuốn nhật ký đó được hưởng tất cả vinh quang và sự bù đắp của cả hai thế kỷ XX và XXI dồn lại. Còn nhật ký của Chu Cẩm Phong trong cuốn sách này đã lặng lẽ xếp hàng cùng hàng nghìn cuốn sách của người còn sống thời hậu chiến. Nhật ký của anh còn chịu sự thiệt thòi mặc nhiên vì nghề nghiệp.

"Còn lại với thời gian" còn là cuốn sách của nỗi buồn hoài niệm. Người đọc có thể nhận ra hàng trăm trang sách vốn đã xuất hiện trên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là các bài bút ký, tuỳ bút, hồi ký, các bài thơ viết về liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV, của các tác giả quen thuộc như Đinh Văn Đức, Nguyễn Kim Đính, Đỗ Ngọc Diệp. Đó là các trang viết của chính các cựu chiến binh đang công tác tại ĐHQGHN.

Chủ đề “Trọn đời là người lính" là chủ đề xuyên suốt Phần II của cuốn sách. Tên của Phần II - "Trọn đời là người lính", được lấy từ tên bài viết của GS. Nguyễn Kim Đính, về nhà nghiên cứu văn học phương Tây Nguyễn Văn Khoả. Từ chiến trường chống Pháp bước vào học đường, người cựu chiến binh bộc trực, can trường này vẫn giữ nguyên tính cách, phong độ của người lính Cụ Hồ. Ông xả thân cho khoa học và sự nghiệp đào tạo. Ông liên tục chiếm lĩnh những chân lý khoa học vốn bị cách bức bởi các rào cản ngôn ngữ và chính trị. Vẫn còn văng vẳng đâu đây lời ông nhắc nhở đồng chí, đồng nghiệp: “y làm người cộng sản như Ơ-đip", Hãy trung thực, nhìn thẳng vào sự thật mà vượt lên chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu Phần II là 4 bài kế tiếp của các tác giả Nguyễn Kim Đính, Mã Giang Lân, Phan Quý Bích, cùng về người lính chống Pháp can trường, bất chấp mọi uy vũ nói trên.

Lướt nhanh qua cột mục lục, người đọc có thể nhận ra bút danh quen thuộc của các cộng tác viên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, như Vũ Thanh Tùng, Tô Hiền, Phạm Văn Tình, Lê Ngọc Cường, Đinh Trung Kiên, Phạm Đình Lân, Thanh Hà, vợ chồng thi sĩ Phạm Quang Vũ - Mai Hương... Bản tin ĐHQGHN chính là địa danh thai nghén và là hậu cứ bề thế cho cuốn sách ra đời để chiếm được tầm cao tư tưởng cũng như diện phổ cập độc giả.

Đúng như “Lời giới thiệu" trang trọng và chân tình của PGS.TS Phạm Xuân Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường, cũng như "Lời tạ từ" của đồng chí Chủ tịch Hội cựu chiến binh Vũ Thanh Tùng, cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót. Danh sách liệt sĩ trong trang đầu - "Tổ quốc ghi công" vẫn còn thiếu một số tên tuổi liệt sĩ, mặc dù Hội cựu chiến binh đã có thông báo vận động gửi bài và tìm kiếm, tra cứu thông tin về các liệt sĩ.

"Còn lại với thời gian" là cuốn sách quý, một hình thức hoạt động đặc biệt của phong trào "Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Cuốn sách đã trở thành món quà tặng quý giá cho các Hội cựu chiến binh địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành cả nước. Cuốn sách cũng được trang trọng đặt lên bàn thờ các liệt sĩ. Hiệu quả tinh thần này bắt nguồn từ sự quan tâm của Đảng uỷ, Ban giám hiệu trường ĐHKHXH&NV, từ nỗ lực sưu tầm, tổ chức bản thảo của các đồng chí Vũ Thanh Tùng, Vũ Hoàng Lâm, Vũ Thanh Trà, Nguyễn Duy Thành, của nhiều cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, và cuối cùng là từ sự cộng tác tích cực của Bản tin và Nhà xuất bản ĐHQGHN.

Hy vọng rằng, trong tương lai, "Còn lại với thời gian" sẽ được nhân bản rộng rãi để đến với đông đảo cán bộ, sinh viên trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

 Phạm Thành Hưng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC