06:23:31 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Du học Đức
Sinh viên quốc tế đến CHLB Đức du học không chỉ đơn thuần là học tập tại CHLB Đức sẽ được chính phủ tài trợ 100% học phí, mà còn là để hưởng thụ một nền giáo dục phát triển với chất lượng cao và bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới.

Với trên 350 trường đại học công lập và hàng trăm ngành học, nền giáo dục của Đức có thể đáp được mọi sự lựa chọn của bạn, trong đó phải kể đến các ngành nổi tiếng về kỹ thuật như: chế tạo máy, công nghệ thông tin, kỹ thuật chính xác và về kinh tế: tài chính ngân hàng và quản trị doanh nghiệp.

1. Tại sao bạn muốn đến Đức để thực hiện ước mơ, nguyện vọng của mình?

Nước Đức tự hào không chỉ vì sự đa dạng của khung cảnh thiên nhiên trải dài từ dãy núi Alpe ở phía Nam, qua những cao nguyên, ngọn đồi, cánh đồng phủ kín bóng cây thạch nam, kéo dài đến tận bờ biển ở phía Bắc; mà còn tự hào là một đất nước có nhiều vùng ngôn ngữ với nền văn hoá được thể hiện rõ qua các con số: 350 nhà hát lớn, 120 nhà hát opera và khoảng 4.000 bảo tàng trên 357.000km2 của toàn đất nước.

Nước Đức nằm ở trung tâm Châu Âu, là một nước có nền công nghiệp và kinh tế phát triển, là nơi hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế.

Là một nước Cộng hoà liên bang với 16 tiểu bang và là trung tâm địa lý văn hoá của Châu Âu với lịch sử phát triển lâu đời, nền văn hoá, con người Đức luôn toát lên vẻ lịch lãm, hiếu khách.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Đức là một quốc gia có nền văn hoá giáo dục được đánh giá cao vào loại nhất Châu Âu. Du học tại Đức tức là bạn đang hoà nhập vào thế giới của những người tiên phong nhất trong chuyên ngành mà bạn lựa chọn.

Sự ưu đãi về xã hội, giáo dục đã tạo nên nét đặc trưng riêng, độc đáo của nước Đức. Nền giáo dục Đức hoàn toàn miễn phí học đại học và cao học không chỉ đối với sinh viên trong nước mà cả đối với sinh viên quốc tế. Các trường của Đức yêu cầu một đầu vào vô cùng khắt khe như: 1. Muốn học đại học Đức thì bạn phải học hết năm thứ nhất đại học ở Việt Nam; 2. Muốn học cao học thì bạn phải tốt nghiệp đại học loại khá giỏi. Vì vậy bạn có thể yên tâm về uy tín cũng như chất lượng của nền giáo dục Đức.

Bên cạnh đó, cơ hội việc làm trong quá trình học tập của sinh viên được nhà nước cho phép và tạo mọi điều kiện. Sinh viên được đi làm 3 tháng/ năm và các ngày cuối tuần, ngày lễ tết với thu nhập từ 7- 12 Euro/giờ. Như vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm về tài chính phục vụ cho việc cho việc sống và học tập tại Đức.

Đến với nước Đức bạn có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành học bởi ở Đức có trên 350 trường đại học tổng hợp và các trường đại học khoa học ứng dụng, có trên 150 khoá học nổi tiếng được giảng dạy bằng tiếng Anh và cấp bằng quốc tế.

Đến với nước Đức bạn sẽ được học tập trong một môi trường trong sáng, sát với thực tế cuộc sống. Trong thời gian thực tập bạn có nhiều cơ hội sang thăm các nước Châu Âu và tìm hiểu về nền văn hoá Châu Âu.

Đó là những lý do khiến nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn CHLB Đức làm nơi học tập, nghiên cứu và thực hiện hoài bão của mình.

2. Hệ thống giáo dục Đức

Giáo dục là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Đức đề cao và dốc sức đầu tư vào kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Các trường đại học ở Đức có một lịch sử lâu đời và có những chuyên gia, giáo sư nổi tiếng giảng dạy. Hầu hết các trường phổ thông và đại học ở Đức đều là trường công lập và học sinh theo học ở đây đều không phải trả học phí. Chất lượng giáo dục ở Đức được công nhận trên toàn thế giới, các phương tiện học tập hiện đại, các khoá học đa dạng phù hợp với nhu cầu của xã hội. Hệ thống giáo dục linh động giúp bạn có nhiều sự lựa chọn.

Về cơ bản, hệ thống giáo dục Đức gồm: Phổ thông cơ sở (4 năm) dành cho lứa tuổi từ 6 trở lên, Trung học 1 (6 năm), Trung học 2 (3 năm); Đại học (gồm hai loại: đại học khoa học ứng dụng và đại học tổng hợp, thời gian đào tạo từ 3 đến 5 năm). Học đại học bắt đầu bằng học kỳ mùa đông vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.

3. Đối tượng tuyển sinh

Đối với các trường đại học ở Đức, yêu cầu bắt buộc phải là sinh viên vừa thi đỗ đại học, sinh viên đang học đại học, cao đẳng hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trực thuộc hệ thống giáo dục của Bộ GD&ĐT Việt Nam; có trình độ tiếng Đức tối thiểu 400 giờ và có một tài khoản từ 6.500 Euro tại ngân hàng Đức.

Đối với các khóa cao học (tự túc hoặc có học bổng), sinh viên phải đạt trình độ tốt nghiệp đại học; tiếng Đức tối thiểu 400 giờ (nếu học bằng tiếng Đức), bằng TOEFL 500 điểm (học bằng tiếng Anh); có một tài khoản 6.500 Euro tại ngân hàng Đức (nếu học tự túc) hoặc chứng nhận công tác (có học bổng).

Riêng chương trình giao lưu văn hóa dành cho học sinh bậc trung học phổ thông, chỉ yêu cầu học sinh ở độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi; trình độ tiếng Đức tối thiểu 200 giờ; có phẩm chất đạo đức tốt.

Mặc dù đã có đủ kiến thức tiếng Đức (tối thiểu 400 giờ), nhưng với một số trường hợp Chính phủ Đức vẫn yêu cầu sinh viên phải có giấy chứng nhận đã đăng ký khóa học tiếng Đức bổ sung tại một học viện ngôn ngữ ở Đức kèm theo chứng nhận đã trả tiền học phí cho khóa học tiếng Đức này. Khóa học sẽ diễn ra từ 3 tháng đến 1 năm học ở Đức (gọi là học dự bị). Sau khóa học này, sinh viên sẽ được cấp bằng ngôn ngữ DSH hoặc M1 thì mới được nhận vào học chính thức tại các trường đại học ở Đức.

4. Chi phí họp tập, ăn ở

Trên nguyên tắc, việc học tại các trường của Chính phủ thì không tốn tiền. Nhưng chi phí để ăn ở tốn khoảng 500 -700 Euro mỗi tháng. Tại các thành phố lớn chi phí này còn cao hơn nữa. Sinh viên cần có giấy chứng nhận có tài khoản tại một ngân hàng Đức với số tiền tối thiểu là 6.500 Euro (do sinh viên đứng tên tài khoản). Tài khoản này là tài khoản giới hạn (Sperrkonto) để mỗi tháng sinh viên chỉ được rút tối đa 500 Euro cho chi phí của mình ở Đức (giá thuê phòng dành cho một sinh viên du học ở Đức khoảng 180 đến 200 Euro/tháng). Nếu sinh viên có người bảo lãnh thì người bảo lãnh phải cam kết với Sở Ngoại kiều chịu tất cả các phí tổn cho sinh viên trong suốt thời gian du học.

5. Thủ tục nhập học

+ Hồ sơ xin du học Đức bao gồm:

- Học bạ THPT;

- Bằng tốt nghiệp THPT;

- Giấy gọi nhập học vào đại học, cao đẳng ở Đức;

- Giấy chứng nhận sinh viên;

- Bảng điểm (nếu có);

- Bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ (nếu đã tốt nghiệp);

- Sơ yếu lý lịch;

- Hộ chiếu;

- Giấy chứng nhận tiếng Đức 400 giờ;

- 10 ảnh 4x6.

Và một số giấy tờ khác tuỳ theo yêu cầu cụ thể của mỗi trường.

Các giấy tờ bằng tiếng Việt phải được công chứng và dịch sang tiếng Đức hoặc tiếng Anh.

+ Trường hợp có người bảo lãnh:

- Giấy tờ của người bảo lãnh (người mời);

- Đơn mời tự viết (có đóng dấu công chứng chữ ký);

- Giấy mời và lời hứa của Công an hoặc Sở Ngoại kiều (nếu không có phải tự viết và công chứng chữ ký);

- Photo hộ chiếu và công chứng;

- Photo hợp đồng nhà và công chứng;

- Giấy chứng nhận nhân khẩu;

- Chứng nhận 3 tháng thu nhập (từ 3000 DM/tháng);

- Chứng nhận có đóng bảo hiểm cho người đi du học;

- Hợp đồng học tiếng Đức và chứng chỉ đã đóng tiền học phí;

- Giấy tiếp nhận của trường đại học và giấy xác nhận của ký túc xá có chỗ ở.

+ Trường hợp không có người bảo lãnh:

Có đủ số tiền nộp cho trường ở Đức bao gồm tiền ăn ở chi phí sinh hoạt trong một năm (khoảng 11.000USD).

Giấy tờ trên sẽ được nộp cùng với:

- Hộ chiếu phía Việt Nam của người du học;

- 03 tờ đơn khai theo mẫu của Đại sứ quán có dán ảnh;

- Đương sự phải tự đi nộp và nhân viên Đại sứ quán Đức hẹn phỏng vấn bằng tiếng Đức.

Để biết thêm thông tin về du học Đức, bạn có thể vào website:

www.duhocchlbduc.com

www.daadvn.org

 Minh Hằng (t.hợp) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 170 tháng 4/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC