Đô thị Hòa Lạc 08:00:16 Ngày 19/04/2024 GMT+7
VNU – CRES tăng cường phát triển sản phẩm KH, CN & ĐMST theo cơ chế tự chủ

Sự thành công trong phát triển KHCN nói chung và chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực vô cùng to lớn cho phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia, của mỗi trường đại học, tổ chức KHCN cũng như các doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần vào tiến trình phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, các trường đại học và các tổ chức KHCN công lập đóng vai trò là "cái nôi" và "máy cái" để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đổi mới sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ để thực hiện chuyển giao tri thức và thương mại hóa các sản phẩm KHCN. Sự thành công của hoạt động này được định lượng bằng những công bố khoa học, sản phẩm tài sản trí tuệ, số lượng bằng sáng chế được công bố, li-xăng, các doanh nghiệp KH&CN (spin-off và khởi nghiệp startup) mới được thành lập, lượng việc làm được tạo ra, sự dịch chuyển lao động chất lượng cao trong nghiên cứu, mức độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và các lợi ích xã hội khác.

CRES đã định hướng triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo sau đại học, tư vấn chính sách và dịch vụ khoa học công nghệ như thế nào, thưa PGS?

Trong hơn 36 năm xây dựng và phát triển, VNU-CRES đã tạo dựng được thương hiệu có uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế; tập hợp và xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ cao và uy tín; tiên phong trong đào tạo sau đại học, tư vấn chính sách và thực hiện các dịch vụ KHCN trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Là một tổ chức KHCN công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tức là tổ chức có mức tự chủ cao nhất), VNU-CRES luôn phải tự nỗ lực trong triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo sau đại học, tư vấn chính sách và dịch vụ KHCN theo hướng đáp ứng cao nhất yêu cầu của xã hội và thực tiễn về bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Mặc dù, có những bước đi chậm, nhưng VNU-CRES đã bắt nhịp với xu thế chung phát triển KHCN của đất nước trong bối cảnh mới, lựa chọn và tập trung vào ưu tiên những kết quả nghiên cứu khoa học có tiềm năng từ phòng thí nghiệm đến ngoài thực địa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và thế mạnh của Viện để phát triển các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ mục tiêu thương mại hóa trên cơ sở đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp.

PGS có thể cho biết một số kết quả phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo định hướng ứng dụng thực tiễn của VNU-CRES trong thời gian qua

Trong giai đoạn 2017-2021, VNU-CRES đã chủ trì triển khai nhiều đề tài, dự án và hợp đồng dịch vụ KHCN bao gồm: 08 Dự dự án HTQT; 06 đề tài KHCN cấp quốc Quốc gia; 06 đề tài KHCN cấp ĐHQGHN; 04 đề tài KHCN cấp tỉnh; nhiều hợp đồng tư vấn chính sách và dịch vụ KHCN. Trong đó, đã có những sản phẩm được phát triển và bắt đầu cho kế hoạch thương mại hóa cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp.

Có thể kể ra một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu như:

Đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn địa lý cho miến dong riềng đỏ tại tỉnh Bắc Kạn” do VNU-CRES chủ trì thực hiện trong khuôn khổ Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của đề tài là xây dựng được chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho miến dong riềng đỏ của tỉnh Bắc Kạn; xây dựng mô hình tổ chức quản lý CDĐL và chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất miến dong riềng đỏ tại Bắc Kạn. Việc xây dựng CDĐL thành công cho sản phẩm miến dong riềng đỏ của tỉnh Bắc Kạn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn để duy trì và nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp truyền thống của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất miến dong riềng đỏ, tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng địa phương và thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương theo hướng bền vững.

Nhận thấy tiềm năng và triển vọng phát triển của công nghệ sản xuất probiotics-enzyme tại thị trường Việt Nam, từ năm 2020, VNU-CRES đã hợp tác với Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong khuôn khổ Đề tài KHCN cấp tỉnh Nam Định do Viện chủ trì để nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ sản xuất probiotics-đa enzyme ứng dụng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, cụ thể là tại các khu vực nuôi thủy sản vùng ven biển của tỉnh Nam Định. Chế phẩm sinh học probiotics - đa enzyme này mang lại hiệu quả xử lý môi trường nuôi để kiểm soát và cạnh tranh với vi khuẩn gây bệnh; bổ sung vào thức ăn để đẩy mạnh quá trình tiêu hóa và thúc đẩy phát triển của đối tượng thủy sản nuôi, tiếp tục khẳng định là giải pháp thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản bền vững ở Việt Nam. Một loạt các vi khuẩn gram dương đã được tuyển chọn và đánh giá là men vi sinh, bao gồm các loài Aspergillus oryzae, Lactobacillus, Bacillus, Micrococcus, Carnobacterium, Enterococcus, Streptococcus và Saccharomyces.

Từ năm 2019, VNU-CRES đã kết hợp với Công ty VietDream để phát triển sản phẩm lọc nước sử dụng công nghệ lọc nước siêu hấp thu CDI. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu ban đầu, ĐHQGHN đã hỗ trợ thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ siêu hấp thụ (CDI) ứng dụng trong xử lý nước sinh hoạt”. Mục tiêu của đề tài là phát triển và hoàn thiện thiết bị lọc nước sử dụng công nghệ hấp thụ (CDI) trong xử lý nước sinh hoạt tại Việt Nam nhằm mở rộng đối tượng áp dụng, nâng cao hiệu suất lọc nước mặn ở mức dưới 40‰, nâng cao hiệu quả xử lý (lượng nước thải xuống dưới 8%). Những kết quả bước đầu của Đề tài đã hoàn thành được quy trình công nghệ CDI ứng dụng trong xử lý nước sinh hoạt và xây dựng được một số sản phẩm thí điểm phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong quy mô hộ gia đình. Nguyên lý hoạt động của công nghệ siêu hấp thu CDI được áp dụng trong phát triển sản phẩm lọc nước quy mô hộ gia đình.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, VNU-CRES tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp có quan tâm (Công ty Cổ phần Công nghệ Techno; Công ty TNHH Công nghệ Vietdream) để hoàn thiện và tối ưu hóa máy lọc siêu hấp thu CDI theo hướng đa mục tiêu để mở rộng quy mô đối tượng sử dụng từ quy mô gia đình, văn phòng ra quy mô công nghiệp và ứng dụng xử lý nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn như ở đồng bằng sông Cửu Long. Những kết quả của đề tài là cơ sở quan trọng trong việc chuyển giao tri thức KHCN đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng của xã hội.

Từ năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho VNU-CRES triển khai đề tài cấp quốc gia Xây dựng cơ sở dữ liệu về phân loại học, phân bố của một số loài động động vật có xương sống trên cạn đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam phục vụ nghiên cứu khoa học và công tác bảo tồn. Kết quả của nghiên cứu đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu đa dạng di truyền của các loài động vật có xương sống đặc hữu, nguy cấp và quý hiếm ở Việt Nam. Đây là những kết quả quan trọng để VNU-CRES có thể tiếp tục phát triển thành các sản phẩm sẵn sàng chuyển giao phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, nhân nuôi và bảo tồn nguồn gen của các loài động vật ở Việt Nam.

Theo PGS, đâu là những khó khăn, thách thức trong phát triển các sản phẩm KHCN và thương mại hóa sản phẩm của VNU-CRES?

Trước hết là khó khăn thách thức về nguồn nhân lực. Quá trình thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ đòi hỏi những cán bộ nhà khoa học nghiên cứu và phát triển được những sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa mà cần một đội ngũ cán bộ năng động với các kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp với các doanh nghiệp và tiếp cận được thị trường. Đặc biệt, đòi hỏi sự dấn thân và khát vọng nghề nghiệp của nhà khoa học. Đây là thách thức đầu tiên khi xây dựng sự hợp tác với các doanh nghiệp, hoặc khi thành lập các công ty spin-off và công ty startup. Trong năm 2021, VNU-CRES đã thành lập một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện (Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ) để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và phát triển các sản phẩm KHCN và chuyển giao tri thức phục vụ cuộc sống.

Ngoài ra, thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi một nguồn lực tài chính dồi dào trong việc đầu tư phát triển những sản phẩm phù hợp đáp ứng yêu cầu của thị trường, trong việc phát triển từ quy mô phòng thí nghiệm đến quy mô pilot và mở rộng quy mô sản xuất. Các cơ quan nghiên cứu và đào tạo như VNU-CRES sẽ không có đủ nguồn lực tài chính đó nên rất khó có thể đưa ra các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ra thị trường một cách thành công.

Các hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới của CRES là gì, thưa PGS?

Những kết quả bước đầu nhưng quan trọng của VNU-CRES trong việc phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là định hướng cho sự phát triển bền vững của một đơn vị nghiên cứu và đào tạo của ĐHQGHN, cũng như VNU-CRES. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Viện TN&MT tiếp tục phát triển, thương mại hóa các sản phẩm đã có, đồng thời phát triển và thương mại hóa một số sản phẩm nghiên cứu theo các hướng nghiên cứu mới như:

Trong giai đoạn 2025 - 2027, VNU-CRES sẽ tập trung phát triển sản phẩm phân bón sinh học nhả chậm để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đồng thời góp phần cải tạo và nâng cao sức khỏe môi trường đất. Trong giai đoạn 2028 - 2030, VNU-CRES ưu tiên triển khai các mô hình thử nghiệm ở quy mô pilot để cải tạo và phục hồi môi trường đất và định hướng ứng dụng rộng rãi cho các tỉnh trên cả nước.

Với sản phẩm bảo tồn và phát triển tài nguyên dược liệu, VNU-CRES sẽ xây dựng quy trình nhân giống và bảo tồn các cây dược liệu ở quy mô pilot và đồng thời xây dựng quy trình tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học ở quy mô phòng thí nghiệm, để có cơ sở mở rộng ra quy mô pilot theo định hướng tiếp cận thị trường.

Một trong những hướng nghiên cứu nữa đó là sản phẩm bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp độ sinh học phân tử. VNU-CRES tiếp tục duy trì xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu sinh học phân tử của các loài đặc hữu, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và các loài có giá trị kinh tế cao hướng tới việc bảo tồn và phát triển quỹ gen ứng dụng vào nhân giống và sản xuất.

Còn với công nghệ thu hồi các chất từ nước thải bằng công nghệ lò phản ứng kêt tinh tao hat đông nhât tâng sôi (FBHC) để tái sử dụng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang ưu tiên nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển công nghệ thu hồi các chất từ nước thải để tái sử dụng hướng tới phát triển nền công nghiệp môi trường và các mô hình kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, việc thu hồi N, P, K từ nước thải chăn nuôi hoặc các kim loại Fe, Al, Mg, Li,... từ nước thải khai thác mỏ. Đây là hướng nghiên cứu hứa hẹn nhiều tiềm năng và triển vọng ở Việt Nam.

Trong giai đoạn 2022-2030, VNU-CRES hợp tác với Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Quốc gia Thanh Hoa, Đài Loan và một số trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp ở Việt Nam để nghiên cứu và phát triển công nghệ thu hồi các chất dinh dưỡng N, P, K từ nước thải chăn nuôi để tái sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ nhả chậm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thưa PGS, CRES có kế hoạch gì trong tổ chức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao tri thức trong thời gian tới?

Chúng tôi sẽ hoàn thiện phương thức tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trước hết, là VNU-CRES tiếp tục tập trung vào kiện toàn hoàn hiện cơ cấu tổ chức theo hướng phát triển các phòng chuyên môn, phòng thí nghiệm và khu thực nghiệp nghiệm tại Hòa Lạc. Tận dụng tốt cơ hội đầu tư của ĐHQGHN tại Hòa Lạc để đầu tư và xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Cùng với đó là thành lập và phát triển các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên đề và Nhóm nghiên cứu mạnh, Nhóm nghiên cứu tiềm năng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của Viện, gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Đồng thời, nâng cao vai trò tư vấn định hướng chiến lược và tầm nhìn phát triển của Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Tập trung vào triển khai có hiệu quả các đề tài, dự án do Viện chủ trì, kết hợp phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

VNU-CRES cũng chú trọng tiếp tục phát triển mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài ĐHQGHN, các nhà khoa học quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kết hợp thu hút nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có tính ứng dụng cao vào đời sống xã hội.

Chúng tôi cũng sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác sẵn có, đồng thời tích cực mở rộng những đối tác tiềm năng, đặc biệt trong công tác hoạt động hợp tác quốc tế.

Vậy còn trong việc phát triển nguồn nhân lực và cán bộ cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, CRES có những định hướng gì, thưa PGS?

Phát huy những cán bộ sẵn có của Viện, sắp xếp theo chuyên môn để có thể xây dựng các nhóm chuyên môn mạnh, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên đào tạo lại và đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt đối với các cán bộ khoa học trẻ. Hiện nay, VNU-CRES đã cử 04 cán bộ trẻ đang đi đào tạo Chương trình tiến sĩ tại nước ngoài. Đây là nguồn nhân lực quan trọng bổ sung cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Viện trong những năm tới.

Triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi hướng nghiên cứu có ít nhất một cán bộ có chuyên môn xuất sắc làm hạt nhân lãnh đạo nhóm và quy tụ lực lượng tham gia. Các cán bộ khoa học có chuyên môn gần với các hướng nghiên cứu của từng nhóm sẽ được tập hợp theo hai hình thức: Cơ hữu và cộng tác viên (bao gồm cả cán bộ khoa học mời bên ngoài Viện). Nguồn nhân lực nghiên cứu của từng phòng (Nhóm nghiên cứu) có thể thay đổi linh hoạt cho phù hợp với từng thời kỳ, trừ một số thành viên chính của các nhóm.

Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!

 

 Tùng Anh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC