12:41:28 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Cần tập trung đầu tư cho đội ngũ giáo viên
Những khóa đầu tiên của trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nhà giáo nổi tiếng, đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của cả nước. Tốt nghiệp khóa 1, là giảng viên trụ cột của trường, GS.NGND Vũ Dương Ninh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập và giảng dạy của mình

Giáo sư đánh giá thế nào về kết quả học tập của sinh viên hiện nay?

Hiện nay, nhiều người, đặc biệt là các doanh nghiệp và cơ quan cho rằng sinh viên tốt nghiệp ra trường kiến thức không vững chắc, thiếu thực tế, không đáp ứng được công việc. Ðánh giá như vậy có phần đúng vì nó phản ánh một thực trạng đáng lo ngại, nhưng cũng có phần bi quan.

Tôi cho rằng muốn đánh giá đúng chất lượng học tập của sinh viên thì phải đợi sau một thời gian thử việc, sinh viên đã thích nghi với môi trường công tác rồi dần dần tự thể hiện mình qua công việc. Nhiều sinh viên của Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, sau khi ra trường đã làm việc rất tốt trong nhiều lĩnh vực như giảng dạy và nghiên cứu trong các cơ sở khoa học, hoạt động trong các cơ quan thông tấn như truyền hình, báo chí; vững vàng trong công tác đối ngoại và thành công trong các tổ chức doanh nghiệp…

GS. Vũ Dương Ninh

Cũng phải thừa nhận một thực tế là sinh viên thời nay có điều kiện học tập tốt hơn nhiều so với thời của chúng tôi, nhưng khi ra trường lại có phần khó thích nghi với công việc. Lý do bởi thứ nhất, chúng ta đào tạo không có địa chỉ rõ ràng, trừ một số trường đào tạo nghề, cho nên ít trang bị được kĩ năng nghiệp vụ. Chính vì vậy, người sinh viên dù có năng lực cũng cần phải có một thời gian nhất định mới thích nghi được với mà họ đảm nhiệm. Thứ hai là chương trình đào tạo vẫn còn có chỗ chưa hợp lý, có những môn không gắn với thực tế, đào tạo nặng về lí thuyết, ít thực hành. Cho nên khi sinh viên ra trường không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu trước môi trường mới. Do vậy, phải có sự phối hợp giữa nhà trường và xã hội trong đào tạo đại học. Trường đại học cung cấp cho sinh viên những kiến thức gắn với thực tế hơn, cần trang bị cho họ một số kĩ năng nghiệp vụ, kĩ năng sống cụ thể. Ðồng thời các cơ quan, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho sinh viên thực tập ở cơ sở của mình. Tuy nhiên, cũng không nên quên rằng ÐHQGHN, trong đó có trường ÐHKHXH&NV là trường khoa học cơ bản cho nên việc gắn liền kiến thức cơ bản với thực tiễn xã hội là điều cần được hết sức coi trọng.

Cũng phải nói thêm rằng trong xã hội, việc mở trường đại học tràn lan, không có đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn, thiếu kiểm tra chất lượng nên đưa ra xã hội những sản phẩm thứ yếu là điều không tránh khỏi. ÐHQGHN đã không đi vào vết xe đó.

Theo Giáo sư, phương pháp giáo dục đại học hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của xã hội không?

Theo tôi, thước đo đánh giá chất lượng dạy và học là giáo dục có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không. Trước đây, nhu cầu xã hội là đào tạo những thanh niên sẵn sàng xả thân vì đất nước. Ðòi hỏi của xã hội hiện nay rất cao, rất nhanh vì ở nước ta đang diễn ra quá trình chuyển đổi từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp và văn minh thông tin. Ðất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới được hơn hai mươi năm, trong khi đó các nước phương Tây phải mất hàng thế kỷ. Chúng ta chưa theo kịp, bởi chúng ta chưa hoàn toàn thoát ra khỏi cái cũ, cách dạy và học cũ, chương trình học nặng nề trong nhà trường, nhiều môn học chung còn quá nặng, không hiệu quả. Mặt khác, điều kiện vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo và nghiên cứu tuy đã được trang bị thêm nhiều nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu nên hạn chế khả năng thực hành của sinh viên.

Vậy phương pháp dạy và học nào sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao nhất trong dạy và học hiện nay?

Vấn đề đặt ra cho các thế hệ thầy cô giáo là: Làm thế nào để sinh viên phát huy được tính tự học? Muốn sinh viên tự học thì kinh nghiệm nghiên cứu của người thầy rất quan trọng. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức, mà qua kiến thức phải hướng dẫn sinh viên phương pháp khai thác tài liệu, tổng hợp kiến thức, phát hiện vấn đề, khảo sát thực tế và gợi mở những kiến giải khác nhau... Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là tự học, hiện nay sinh viên có nhiều điều kiện, sách vở sẵn, tài liệu sẵn và "thầy sẵn", nếu được hướng dẫn tốt, nếu chăm chỉ thì sẽ tự rèn luyện mình thành một cán bộ khoa học nhiều triển vọng.

Theo Giáo sư, Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, cần phải có giải pháp đột phá nào để thực hiện sứ mệnh hội nhập với giáo dục thế giới?

65 xây dựng và trường thành, Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, đã thay đổi rất nhiều, quy mô đào tạo, số khoa, ngành tăng lên, các bậc học cũng tăng lên, quan hệ quốc tế được mở rộng. Sinh viên Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, phát huy được vốn kiến thức, phẩm chất của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, vẫn là cơ sở đào tạo có thế mạnh, có tiềm năng trên phạm vi toàn quốc và có ảnh hưởng nhất định trong khu vực và quốc tế.

Ðể có thể hoàn thành sứ mệnh hội nhập với giáo dục thế giới, theo tôi, giải pháp đột phá là phải tập trung cho đội ngũ thầy giáo. Nhà trường lấy học trò làm trung tâm, nhưng người quyết định kết quả và chất lượng đào tạo vẫn là thầy giáo. Phải tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ cho người thầy. Ðã có nhiều giảng viên được đào tạo hoặc đi tu nghiệp ở nước ngoài, mở ra tầm nhìn và nâng cao năng lực trong giảng dạy và nghiên cứu. Ðồng thời nên tăng cường việc mời các chuyên gia giỏi từ nước ngoài đến giảng dạy theo các chuyên đề. Cũng cần có sự phân nhiệm hợp lí công việc giữa các giảng viên, đừng "cào bằng" như bấy lâu nay. Phải định rõ giáo sư làm việc gì, giảng viên làm việc gì, trợ giảng làm việc gì, thiết lập từng nhóm công tác theo đề tài thì đó là cách bồi dưỡng cán bộ tốt, mang lại hiệu quả thiết thực. Và cuối cùng là phải đảm bảo cho các giảng viên điều kiện vật chất để làm việc, học tập, để họ không phải lo kiếm sống bằng những công việc khác. Có như vậy, họ mới yên tâm dành thời gian và tâm huyết cho công việc chuyên môn của mình.

Tôi nghĩ rằng năm nào cũng vậy, trong nhà trường đều xuất hiện những sinh viên xuất sắc, có khả năng tiếp nối bước đi của các thầy, phát huy các thành quả nghiên cứu lên tầm cao mới. Tôi đặt niềm tin vào thế hệ trẻ là những người sẽ đưa Trường ÐHKHXH&NV, ÐHQGHN, đưa ngành KHXHNV của đất nước theo kịp đà phát triển của khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 Việt Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC