17:33:32 Ngày 18/04/2024 GMT+7
A. Ramachandran: Gạch nối truyền thống – hiện đại
Là một trong những nghệ sĩ lỗi lạc nhất Ấn Độ, A. Ramachandran có con đường riêng cho mình để biểu đạt nghệ thuật. Là họa sĩ đồng thời là nhà điêu khắc, Ramachandran tạo lập một phong cách biểu đạt mới, theo đó con người và thiên nhiên có mối quan hệ cộng sinh không thể lay chuyển và không bị phá vỡ. Nghệ thuật của Ramachandran nổi bật sự tham khảo truyền thống tranh tường của Ấn Độ, sự kiểm soát đường nét mạnh mẽ, phong cách mãnh liệt và làm chủ màu sắc.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> A. Ramachandran: Gạch nối truyền thống – hiện đại (pdf)

Sinh năm 1935, Ramachandran lớn lên trong khung cảnh tươi đẹp của vùng Kerala. Trong số nhiều ảnh hưởng định hình phong cách, thì nền cảnh hoa lá tốt tươi và màu sắc rực rỡ của các bích họa đền ở Kerala mà ông quan sát trong suốt những năm tháng trưởng thành đã để lại ấn tượng không bao giờ phai mờ. Sau khi lấy bằng Thạc sỹ Văn học Malayalam ở trường Đại học Kerala, Ramachandran đến Kala Bhavana, Visva Bharati ở Santiniketan, Tây Bengal, để học nghệ thuật. Nhận thức của ông về cái đẹp và sức mạnh thiên nhiên càng được khơi dậy bởi môi trường ở Santiniketan và mỹ học của nó. Năm 1961, ông hoàn thành khóa học nghệ thuật tại Kala Bhavana và được làm nghiên cứu sinh về truyền thống tranh tường Kerala với thời gian là bốn năm. Tuy nhiên, phải đến tận năm 2005 thì công trình nghiên cứu cả đời của ông về chủ đề này mới ra mắt. IGNCA đã phối hợp với Phòng triển lãm Nghệ thuật Vadehra xuất bản một cuốn sách có ảnh hưởng sâu xa, vẽ nơi ở của thánh thần: truyền thống bích họa của Kerala.

Vào khoảng những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Ramachandran chuyển đến Delhi. Năm 1965, ông vào làm việc tại Đại học Jamia Millia Islamia, trở thành giáo sư, trưởng khoa mỹ thuật và giáo dục nghệ thuật. Ông tình nguyện nghỉ hưu năm 1992. Kể từ giữa thập kỷ 60, Ramachandran đã tổ chức một vài triển lãm cá nhân ở cả Ấn Độ và nước ngoài. Năm 2003-2004, ông được tôn vinh với cuộc triển lãm nhìn lại quá khứ sáng tác của mình do Phòng triển lãm Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia ở New Delhi tổ chức. Trong số nhiều đơn đặt hàng ông nhận được, tác phẩm điêu khắc công cộng nổi tiếng nhất là bức phù điêu ở Rajiv Gandhi Ninaivakam ở thị trấn Sriperumbudur. Tác phẩm điêu khắc đồ sộ bằng granit này có lẽ là công trình nghệ thuật công cộng lớn nhất Ấn Độ. Công trình là một ví dụ đáng chú ý về việc Ramachandran có thể khôi phục và tái tạo truyền thống. Ramachandran đã được tôn vinh với nhiều giải thưởng, đáng kể trong số đó là giải thưởng Gagan-Abani Purashkar của Đại học Visva Bharati năm 1998, Raja Ravi Varma của chính quyền bang Kerala năm 2003 và Padma Bhushan năm 2005.

Có một vài đặc điểm khiến Ramachandran nổi bật với tư cách một nghệ sĩ – đó là sự khéo léo trong việc xử lý chất liệu, dù đấy là sơn hay là đồng, việc dễ dàng thay đổi từ tác phẩm cỡ lớn sang tiểu họa, sức sống của đường nét, sự pha trộn trí tuệ và cảm xúc mà ông đem đến cho hình ảnh. Những năm đầu trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Ramachandran vẽ tranh sơn dầu khổ lớn, mô tả các nhân vật tàn bạo, mất nhân tính theo phong cách chủ nghĩa biểu hiện. Khi học ở Santiniketan, ông xúc động sâu sắc trước cảnh khổ cực và khốn cùng của người tị nạn Đông Pakistan – những người đang cố tìm kiếm một cuộc sống ở Kolkata sau khi bị chia cắt. Trong tranh của Ramachandran, hình ảnh kỳ cục về những con người bị lôi kéo vào náo loạn, lộn xộn, dần dần “mềm” đi theo thời gian, và những người xem cũng dần cảm thấy sự hiện diện rõ rệt của thiên nhiên. Nhân tố xúc tác là chuyến thăm tới Rajasthan vào đầu những năm 1970. Không những Ramachandran bị mê hoặc bởi phong cảnh rực rỡ của vùng Udaipur cùng sự mộc mạc và thẳng thắn của đời sống bộ tộc ở đó, mà chuyến đi còn giúp ông kết nối lại với các truyền thống nghệ thuật Ấn Độ.

Vào đầu thập kỷ 1970, Ramachandran vẽ hai bộ tiểu họa mà trong đó, ông kết hợp khéo léo cách nhìn truyền thống và hiện đại. Với ông, đây là thời kỳ ấp ủ ý tưởng. Ông thực hiện nhiều thử nghiệm về gốm, điêu khắc; ở hai loại hình nghệ thuật này ông đã khám phá ra cả các hình thức như tôtem có tính hình tượng lẫn các hình thức phôi thai. Ông thiết kế tem thư. Ông được công nhận cả ở Trung Quốc và Nhật Bản về tranh minh họa sách thiếu nhi. Trong những bức tranh sơn dầu khổ lớn được thực hiện trong thập kỷ này, ông lấy tham khảo từ các hình tượng truyền thống Nayikas của Ấn Độ được vẽ trong bối cảnh hiện đại. Ông còn vẽ những người phụ nữ quét rác, bới rác bị gạt ra khỏi lề xã hội mà ông gặp ở vùng ông sống và đưa họ trở thành chủ đề trung tâm.

Năm 1986 đánh dấu bước ngoặt của Ramachandran khi ông triển lãm Yayati – một bức bích họa lớn dài khoảng 60 phít và một bộ các tác phẩm điêu khắc bằng đồng. Từ đó trở đi, tranh sơn dầu của Ramachandran rực rỡ sắc màu. Ông bắt đầu vẽ các bộ tộc quanh Udaipur, những người sống ngoài rìa xã hội một cách hài hòa với thiên nhiên. Ramachandran tưởng tượng ra một miền đất lý tưởng mà ở đó, mối liên kết hài hòa giữa con người với thiên nhiên luôn luôn là nguồn cảm hứng để tán dương. Các tác phẩm điêu khắc tôtem cũng khái niệm hóa mối gắn kết giữa hình dạng phụ nữ và tính phồn thực của tự nhiên. Các tranh ao sen của ông là sự mở rộng phép ẩn dụ về tính phong phú và vẻ đẹp thiên nhiên. Ông vẽ những bức tranh này vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày và ở nhiều mùa khác nhau. Ao sen – vốn được hình dung như một vũ trụ chỉnh thể - đã được Ramachandran vẽ bằng màu sắc phong phú, no nê, những dấu ấn của họa sĩ.

 

 Ella Datta - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC