19:05:42 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Đòn cân não dai dẳng
Cách đây 40 năm, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đập tan cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12/1972 - 12/2012) gây chấn động toàn cầu. Chiến thắng vang dội này đã buộc đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, buộc chúng phải ngồi kí vào Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút quân về nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi đã có dịp ghi lại cảm xúc của đồng chí Lưu Văn Lợi - nhà ngoại giao, nguyên Thư kí Cố vấn Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris.
Ông Lưu Văn Lợi kể lại: Tôi được giao làm Thư kí riêng của đồng chí Lê Đức Thọ từ năm 1968. Khi dự Hội nghị Paris, đồng chí dừng chân ở Matxcơva. Lúc đó, tôi làm tuỳ viên phòng Văn hoá Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva, cùng với Đại sứ Nguyễn Thọ Chân ra đón. Phía Liên Xô thông báo là lãnh đạo của họ sẽ đến làm việc ngay tại biệt thự với đồng chí Lê Đức Thọ. Tôi dịch cho cuộc làm việc đó. Ngay chiều hôm ấy, đồng chí Lê Đức Thọ gọi tôi vào nói: "Mai cậu đi Paris với tôi, tôi rất cần một người biết ngoại ngữ mà thông thạo ngoại giao". Thời điểm đó, tôi thạo tiếng Nga, tiếng Anh mới học, còn tiếng Pháp học hồi nhỏ đã quên nhiều. Tôi nói với đồng chí Lê Đức Thọ: "Tôi không đi ngay được đâu anh ạ, phải báo cáo về Bộ. Phải làm thủ tục visa". Lúc đó, đồng chí Lê Đức Thọ nói anh Phạm Thế Đống điện về Bộ Ngoại giao để lấy tôi đi. Anh Đống là Thư kí của đồng chí Lê Đức Thọ từ hồi ở trong nước. Trong vòng mươi ngày, tôi có visa vào Pháp. Khi tham dự Hội nghị Paris, tôi là thành viên phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong quá trình đàm phán, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Các phiên công khai là diễn đàn để tuyên truyền, vì khi mình sang tới Paris, không phải người ta hiểu mình hết đâu. Với Trung Quốc thì họ muốn mình tiếp tục đánh, chưa đàm vội, mà đàm thì phải có điều kiện. Cho nên khi đoàn của cố vấn Lê Đức Thọ qua Pháp dừng lại ở Bắc Kinh, họ phê phán ta, nói là các đồng chí vội quá, các đồng chí nhượng bộ Mỹ nhiều quá... Trung Quốc họ không thích Paris, họ nói đáng lẽ phải họp ở Campuchia, Myanma hay Lào. Còn với Liên Xô thì lúc nào cũng như lúc nào, rất tôn trọng ta, nhưng đồng thời cũng rất khéo léo khuyên ta nên sớm kí được Hiệp định, nếu đã có lợi, để chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cũng theo ông Lợi: Các phiên họp riêng giữa các anh Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ và Kissinger, Cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon, đều là những ngày làm việc dài. Có ngày làm việc đến 13 tiếng đồng hồ, lấn sang cả đêm. Anh Lê Đức Thọ sinh năm 1911, lúc ấy hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger gần một giáp. Kissinger rất mánh lới, vào đầu các cuộc họp riêng thì cứ đưa chuyện nọ - chuyện kia dài lê thê, và cứ nhè vào lúc chiều hay gần tối mới đưa việc chính ra tranh cãi.. Đó là lúc ông ta nghĩ rằng ông già kia (Lê Đức Thọ) mệt mỏi rồi, chắc dễ ừ, dễ gật. Nhưng ông ta không biết gì về anh Thọ! Lúc nghỉ, tôi hỏi thăm, anh Thọ nói: "Mình phải cảnh giác, mình biết thằng này hoạt động theo kiểu tình báo, mình phải giữ...". Đàm phán càng muộn, anh Thọ càng tỉnh và thậm chí có lúc diễn thuyết làm cho Kissinger sau này phải nói là: "Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật. Có những lúc ông ấy nói cả tiếng đồng hồ, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi, thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại...".
Năm 1972 là giai đoạn đi vào thương lượng cụ thể. Hồi đó lập trường của hai bên khác nhau lắm, Mỹ muốn rút, nhưng muốn giữ nguyên chế độ Thiệu - Kì, mà lại không công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN). Lúc bấy giờ đã đi vào thảo luận về Hiệp định rồi, hôm trước vừa thoả thuận như thế, nhưng hôm sau họ lật lại. Mỹ luôn lấy cớ rằng chính quyền Sài Gòn không chấp nhận. Ở nhà, đồng chí Lê Duẩn đã dặn đồng chí Lê Đức Thọ: Anh sang bây giờ, anh sẽ là Tư lệnh ở mặt trận ngoại giao, làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là "Mỹ rút, quân ta ở lại".
Tháng 10 tưởng đàm phán xong rồi. Tổng thống Nixon đã gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói rằng Hiệp định đã có thể hoàn chỉnh, rồi Kissinger cũng huênh hoang nói rằng không còn điểm bất đồng gì lớn nữa. Đã thoả thuận là tháng 10 Kissinger sẽ sang Hà Nội kí tắt, rồi sau đó về Paris kí chính thức. Mỹ đã nhượng bộ không đòi quân Bắc Việt Nam rút, chỉ yêu cầu một số điều, thí dụ như hồi hương một ít, hay di chuyển quân, tượng trưng cũng được, để máy bay chụp ảnh, chứng minh cho dư luận Mỹ biết rằng cũng đòi được quân Bắc Việt Nam rút lui. Lúc đầu ta còn trả lời vòng vo, nhưng sau nói thẳng: Người Việt Nam sống trên đất Việt Nam, mà quân đội miền Bắc gồm cả những người miền Nam tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ và Thiệu - Kì, chính là những người đã tập kết ra Bắc. Hơn nữa, người Việt Nam bất cứ ở đâu đều có nghĩa vụ đánh Mỹ.
Ông Lợi cho biết thêm: Tôi nhớ có một lần họp riêng, Kissinger đưa cho Cố vấn Lê Đức Thọ khoảng 30 cái ảnh màu cỡ bằng cái khay, chụp từ vệ tinh rất rõ, toàn ảnh quân đội ta không đội mũ tai bèo mà đội mũ cối, vai đeo lon, rõ cả sao trên mũ. Kissinger nói: "Đã thoả thuận là từ tháng 3 các ông thôi không đưa thêm quân vào nữa. Đây, ông vào đây này". Anh Thọ cười, tiếng cười lạ lắm, cười khoẻ, kiểu vừa khinh lại vừa ở thế thắng. Anh bảo Kissinger: "Mấy cái ảnh này các ông chụp ở đâu chẳng được, ông ra Bắc, rừng chỗ nào chả giống nhau. Tình báo các ông tồi lắm, lúc chúng tôi không đưa quân thì các ông lại bảo chúng tôi đưa quân, nhưng lúc chúng tôi đưa xe tăng và đại pháo vào sát Sài Gòn thì các ông chả biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải". Kissinger ngồi không nói được câu nào!
Hôm 23/1 phiên họp riêng cuối cùng, chỉ có ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn trao bút cho nhau. Trước đó mấy hôm, tôi đã cùng một anh trong đoàn đi ra phố mua cả hộp bút phớt. Tôi nhớ là lúc kí tắt thì cứ kí một văn bản xong lại thay bút, anh em chúng tôi giữ lại để còn đưa vào Bảo tàng, đưa vào Bộ Ngoại giao, rồi giữ kỷ niệm. Tôi cũng đã từng giữ được một cái nhưng sau đó Lưu trữ Trung ương lấy mất! Hôm kí tắt, cười ra nước mắt. Phía Mỹ thì hiện đại, kí xong đóng dấu ngay, họ có một cái máy, dí vào chì là xong. Còn bên mình, có một ông mang cái xoong quấy bột trẻ con đến, ông ấy lấy tờ tin, đốt ngay ở trong phòng Hội nghị quốc tế để làm chảy xi ra, rồi mới đóng dấu được.
Ông Lưu Văn Lợi tiếc rẻ: Tôi không dự Lễ kí chính thức hôm 27/1 vì ngày 26/1, tôi theo đồng chí Lê Đức Thọ về Matxcơva. Ngay tối hôm đó, Liên Xô tổ chức mít tinh hoành tráng ở nhà Công đoàn, có các nhà lãnh đạo Liên Xô đến dự. Máy bay đưa đồng chí Lê Đức Thọ về lại quay sang Paris đón đồng chí Nguyễn Duy Trinh, rồi cả đoàn cùng về nhà. Đi qua Trung Quốc thì vào đúng Tết ta. Chúng tôi ăn giao thừa ở Bắc Kinh, đầu bếp là một ông người Trung Quốc đi học nấu cơm ở Hà Nội, mới về nước. Thế là bữa tất niên có bánh chưng, nem...Chính phủ Trung Quốc cũng tổ chức cuộc mít tinh cực kì lớn ở ngoài trời, phải đến vạn người tham gia. Lúc đó, ai cũng mừng cho ta. Về đến Hà Nội, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị và Trần Duy Hưng ra đón đoàn. Đó là những kí ức không thể nào quên của người Thư kí - nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi tại một Hiệp định lịch sử của dân tộc Việt Nam.

 

 Xuân Lộc (ghi) - Bản tin số 264 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC