Phiên bản Tiếng Việt
Home   >   >    >  
GS Phạm Hùng Việt: Khám phá tính mới là yếu tố tiên quyết của một công trình nghiên cứu khoa học
Công bố khoa học được xem là một trong những thước đo trình độ phát triển khoa học công nghệ và sức cạnh tranh của một quốc gia. Do đó, đầu tư cho KH&CN là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 bài công bố vào năm 2009, lên đến 8.234 bài năm 2018.

GS.TS. Phạm Hùng Việt trình bày báo cáo tại hội nghị quốc tế APMP 2016 tại Đà Nẵng

Để hiểu rõ hơn về tính mới trong nghiên cứu, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Hùng Việt, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và Phát triển bền vững (CETASD), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội – Nhà khoa học với nhiều bài báo được công bố và trích dẫn trên thế giới, trong đó phải kể đến công trình về cơ chế phát sinh ô nhiễm ASEN trong nước ngầm.

GS.Phạm Hùng Việt: Việt Nam trong giai đoạn vừa qua ngày càng quan tâm nhiều hơn tới hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Số lượng và chất lượng các nghiên cứu và công bố không ngừng gia tăng.  

Công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên Scopus thuộc tất cả các lĩnh vực, trong đó, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Trong năm 2018, các lĩnh vực có số lượng nghiên cứu được đăng tạp chí thuộc ISI/Scopus đạt từ một nghìn bài trở lên bao gồm: khoa học nông nghiệp, toán học, khoa học vật liệu, vật lí và thiên văn học, khoa học máy tính và kĩ thuật. Các lĩnh vực khác như nha khoa, y tế, khoa học thần kinh, điều dưỡng, thú y, tâm lí học, nghệ thuật và nhân văn có số lượng các bài nghiên cứu thuộc ISI/Scopus còn tương đối khiêm tốn hơn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy khả năng sáng tạo và giúp các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên tạo ra những sản phẩm KH&CN có giá trị, hiện nay các trường đại học ở Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Các hội thảo gần đây do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức đã khẳng định chính sách đó của lãnh đạo ngành giáo dục đại học trong cả nước. Các trường đại học tổ chức các hoạt động nghiên cứu cấp cơ sở, hỗ trợ giảng viên và sinh viên tham gia, cùng với đó là các chính sách khuyến khích ngày càng mạnh, đơn cử việc trường đại học có chính sách khen thưởng (bằng kinh phí) cho các tác giả có công bố quốc tế uy tín hàng năm ngày càng tăng lên.

 Thành viên chủ chốt của các nước tham gia cuộc họp dự án “Quan trắc và quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tại khu vực Đông Á” tại Kyoto, Nhật Bản năm 2019

Được biết, Việt Nam có số lượng khiêm tốn trong danh sách 100.000 nhà khoa học có công bố quốc tế và số trích dẫn cao có ảnh hưởng trong tổng số 7 triệu nhà khoa học trên thế giới. Vậy GS có thể chia sẻ thêm điều này?  

GS. Phạm Hùng Việt: Trong danh sách 100 ngàn nhà khoa học được xếp vào nhóm “most-citedscientists” (tức là các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất, dựa trên số liệu 2017), công bố trên Tập san PoS Biology, có khoảng 80 người Việt Nam và người nước ngoài gốc Việt. Danh sách này do nhóm nghiên cứu Metrics của GS Jonh Joannidis của gần 7 triệu nhà khoa học toàn thế giới. Tuy nhiên, trong danh sách đó, chỉ có khoảng 10 nhà khoa học đang làm việc thật sự ở Việt Nam.

Thật ra văn hóa trích dẫn cũng như số lượng trích dẫn ở mỗi ngành là rất khác nhau, ngay cả trong ngành Hóa, trích dẫn của chuyên ngành Hóa hữu cơ và Hóa vô cơ lại rất khác nhau. Do đó, khó đánh giá một cách chính xác thứ hạng của các nhà khoa học đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, từ số liệu này, có thể tạm hiểu đây là 10 nhà khoa học đang làm việc trong nước và có ảnh hưởng nhất do có nhiều trích dẫn nhất. Bản thân tôi thấy rất vinh dự vì được lọt vào danh sách 10 người này, riêng ĐHQGHN có 2 người là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và tôi.

 Nhóm nghiên cứu về điện di mao quản và các hệ thiết bị đã chế tạo

Chỉ có 10 nhà khoa học có mặt trong danh sách này là một con số khá khiêm tốn. Hoa Kỳ vẫn là cường quốc khoa học, có hơn 49.000 người có mặt trong danh sách này. Nhìn sang những nước láng giềng như Singapo có khoảng 390 người, Đài Loan có khoảng 450 người nằm trong danh sách 100 ngàn người. Đặc biệt, 2 trong số 20 người đứng đầu danh sách là Singapo. Điều này chứng tỏ nội lực nghiên cứu cơ bản của Việt Nam thật sự khá mỏng, xét về cả chất và lượng.

Theo thống kê của Google Scholar, Giáo sư thuộc nhóm 10 nhà khoa học Việt Nam có các chỉ số trích dẫn cao. GS có thể chia sẻ những khó khăn cũng như thành tích trong sự nghiệp?

GS Phạm Hùng Việt: Một trong những yếu tố hàng đầu đem lại thành quả này là nhờ chủ trương kết hợp phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản đỉnh cao hướng đến cộng đồng – khoa học vị nhân sinh của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Nhằm phát triển lực lượng nghiên cứu khoa học nòng cốt theo định hướng này, Nhà trường đã khuyến khích và thúc đẩy việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong những năm gần đây.

Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Điển hình, các vấn đề trong nghiên cứu cơ bản vẫn chưa được quan tâm đúng mức, bên cạnh đó, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị là một trong những khó khăn mà đội ngũ làm khoa học đang phải đối mặt. Thực tế cho thấy các nhà khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam gần như chưa nhận được mức thu nhập tương xứng do hoạt động nghiên cứu mang lại. Điều đáng nói là việc đánh giá năng lực của các nhà khoa học ở Việt Nam vẫn còn mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất.

Trong tháng 9/2019 vừa qua, tổ chức THE đã xếp hạng ĐHQGHN vào nhóm 801-1000 trường đại học tốt nhất của thế giới. ĐHQGHN có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng. Như vậy, công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn là chỉ số quan trọng đối với xếp hạng đại học. Từ góc độ quản lý nhà nước, chính sách, đầu tư lẫn về phía quản trị đại học thì các cơ sở giáo dục đại học cần làm gì và và cả kinh nghiệm từ góc độ 1 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất do được trích dẫn nhiều nhất, GS có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm cho các nhà khoa học khác?

GS Phạm Hùng Việt: Tổ chức THE đưa ra bộ tiêu chí hướng đến việc đánh giá và xếp hạng các trường đại học có định hướng nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và xã hội. Các chỉ số đánh giá liên quan tới nghiên cứu và tính quốc tế hóa trong nghiên cứu cũng như đài tạo chiếm tỷ trọng cao. Trong số đó số lượng công bố quốc tế và số lượng trích dẫn là hai chỉ số quan trọng. Số lượng trích dẫn cao phản ánh các kết quả công bố mang tính tiên phong mở ra vấn đề, phương pháp nghiên cứu mới mà sau đó nhiều người sẽ tiếp tục phát triển hoặc là vấn đề mang tính cập nhật nhất với quốc tế, được nhiều người quan tâm. Ở góc độ nhà khoa học tại Việt Nam, để có được công bố quốc tế trước tiên tất nhiên là cần khẳng định tính mới của nghiên cứu. Để có trích dẫn của cộng đồng quốc tế nên lựa chọn những vấn đề mang tính thời sự, xu thế trong khoa học, được nhiều người quan tâm.

Trở lại vấn đề môi trường là chuyên ngành của Giáo sư, cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu “Pleistocene" là công trình được công bố trên Tạp chí khoa học Nature uy tín hàng đầu thế giới. GS có thể chia sẻ thêm một số công trình gần đây của GS và nhóm nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tiễn đời sống?

GS. Phạm Hùng Việt: “Từ năm 2000, chúng tôi đã có chủ trương thành lập một nhóm nghiên cứu về vấn đề địa hóa môi trường và ô nhiễm asen trong nước ngầm trên cơ sở hợp tác giữa nhiều mảng chuyên môn khác nhau. Xuất phát điểm của dự án có từ 15 năm trước, trải qua nhiều cấp bậc khác nhau và quá trình hợp tác với nhiều đối tác như Thụy Sĩ (mô hình hóa và dự đoán vùng ô nhiễm As), Đan Mạch (cơ chế giải phóng asen từ trầm tích vào nước ngầm), Mỹ (vận chuyển As giữa các tầng nước) Nhật Bản (ảnh hưởng của ô nhiễm As đến sức khỏe cộng đồng)…, những nghiên cứu ban đầu được nâng tầm theo thời gian và chúng tôi mới có được thành quả như hôm nay”.

Tính đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu của trung tâm CETASD đã có hơn 40 bài báo quốc tế ở lĩnh vực này, trong đó phải kể đến những bài có tầm ảnh hưởng lớn như bài báo đăng trên Tạp chí Nature - công trình được lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học tiêu biểu của nước ta năm 2013. Đó là sản phẩm của cả một tập thể nghiên cứu thuộc Trung tâm CETASD cộng tác với các nhà khoa học có uy tín cao thuộc Đại học Columbia (New York) và viện EAWAG (Thụy Sĩ), làm việc miệt mài trong gần 10 năm từ năm 2006 đến 2013.

Trong thời gian tới, tôi và nhóm nghiên cứu mạnh của Trường ĐHKH Tự nhiên tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu để giải thích nguyên nhân vì sao mỗi điểm lại có sự nhiễm asen khác nhau và cơ chế vận chuyển As giữa các tầng nước Holocen và Pleistocene. Hiện CETASD đang triển khai các nghiên cứu về rác thải nhựa, vi nhựa, các hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy POP hấp phụ trong vi nhựa có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển và nguồn thức ăn tự nhiên, cuối cùng là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Các dự án này liên quan đến sức khỏe, môi trường có tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế. Song song với đó, chúng tôi hiện đang phát triển các hệ đo như thiết bị điện di mao quản hai kênh loại xách tay sử dụng các detector độ dẫn và detector quang để ứng dụng xác định các chất ô nhiễm trong môi trường (đo trực tiếp ngoài hiện trường) như xyanua hoặc phenol,…

Được biết, GS là một trong số những nhà khoa học của Trường ĐHKHTN có nhiều dự án hợp tác quốc tế. Rõ ràng, hợp tác quốc tế đã và đang thể hiện vai trò là động lực kích thích và thúc đẩy sự phát triển cả về nguồn nhân lực lẫn chất lượng đào tạo, nghiên cứu. GS nghĩ sao về điều đó? Và theo GS, để đạt được hiệu quả tối ưu, hợp tác quốc tế nên chú trọng những yếu tố nào hay theo xu hướng nào?

GS Phạm Hùng Việt: Trong từng giai đoạn phát triển của các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, hợp tác quốc tế đem lại những hiệu quả tích cực khác nhau trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực và chất lượng nghiên cứu. Cách đây khoảng 20 năm, hợp tác quốc tế thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo các cán bộ trẻ, giúp tiếp cận các phương pháp nghiên cứu hiện đại, cách làm việc bài bản. Còn hiện nay, khi khoảng cách về nhân lực đã được đào tạo, cũng như điều kiện trang thiết bị của Việt Nam và các nước phát triển đã thu hẹp lại, hợp tác quốc tế trong khoa học vẫn đóng vai trò rất cần thiết mở ra các hướng hợp tác tiên tiến, liên ngành. Giúp các nhà khoa học Việt Nam định hướng, lựa chọn các đối tượng nghiên cứu phù hợp với xu hướng khu vực và quốc tế cũng như xây dựng mạng lưới hợp tác trong cộng đồng khoa học đây là yếu tố cần thiết trong nghiên cứu.

Trân trọng cảm ơn GS!

>>>Link tin liên quan:

 

- GS. Phạm Hùng Việt: Miệt mài, nỗ lực vì trách nhiệm với cộng đồng

 

- Công bố quốc tế đừng là đích đến cuối cùng và duy nhất của một nghiên cứu

 

- Hội nghị Điển hình tiên tiến Trường ĐHKHTN giai đoạn 2010 – 2015

 

Công bố quốc tế đừng là đích đến cuối cùng và duy nhất của một nghiên cứu

 

Các nhà khoa học của ĐHQGHN ghi danh trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật 2013

 

Giảm thiểu ô nhiễm thạch tín (Asen) trong nước ngầm tầng nông

 

Tặng Giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu năm 2013 

 

- Xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019

 

Lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội có mặt trong Bảng xếp hạng đại học Thế giới của Times Higher Education 2020

 

Đại học Quốc gia Hà Nội vào nhóm 1000 ĐH hàng đầu thế giới: Chỉ là một chỉ số đánh giá chất lượng!

 

ĐHQGHN duy trì vị trí số 1 Việt Nam và tăng gần 80 bậc thế giới trong bảng xếp hạng Webometrics

 

Đại học Quốc gia Hà Nội vươn lên vị trí thứ 124 trong bảng xếp hạng QS Châu Á năm 2019

 

QS World Ranking 2018: ĐHQGHN lần đầu tiên vào top 1000 thế giới

 

UniRank công bố bảng xếp hạng 67 trường đại học tại Việt Nam: ĐHQGHN đứng đầu bảng xếp hạng

 

Xếp hạng đại học: Giải pháp cho Việt Nam

 

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo giáo dục bậc đại học thông qua công tác xếp hạng

 

Đổi mới quản trị để nâng cao chất lượng, uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam

 

ĐHQGHN có một tạp chí khoa học đạt chuẩn ISI và đạt chuẩn SCOPUS

 

Xếp hang châu Á 2017: ĐHQGHN duy trì vị trí 139

 Thùy Dương - VNU Media
  Print     Send
Others