Tin tức & Sự kiện
Home   >   >    >  
Thương tiếc một nhân cách lớn đã ra đi!
Những ngày này Bordeaux thật là lạnh! Bầu trời ảm đạm và những cơn mưa sầm sập kéo đến làm cho mùa đông thật nặng nề, buốt giá. Cái lạnh như ngấm sâu hơn, tê tái hơn khi thông tin về sự ra đi đột ngột của GS. VS Nguyễn Văn Đạo chợt đến trong một bức thư điện tử. Đọc những dòng chữ trên bản tin của Vietnamnet có cả ảnh của ông bên cạnh mà vẫn thảng thốt kêu lên: "Không thể như thế được!".

Đã hai ngày qua đi kể từ khi ông về cõi vĩnh hằng nhưng có lẽ không chỉ tôi mà có rất nhiều người yêu quý ông vẫn không chấp nhận được sự thật khắc nghiệt này. Ở tuổi 70, cũng đã là độ tuổi "tri thiên mệnh", “Thất thập nhi nhĩ thuận” nhưng ông vẫn đang có một sức khoẻ dồi dào, một tinh thần làm việc không ngừng nghỉ và một tấm lòng nhiệt huyết không vơi cạn vì sự phát triển của nền giáo dục và khoa học nước nhà!

 

GS.VS Nguyễn Văn Đạo được biết đến nhiều ở cương vị của một nhà khoa học đầu ngành, của một nhà quản lý đầy kinh nghiệm và quyết đoán, đồng thời cả ở những hoạt động xã hội rất đa dạng. Dù ở cương vị nào, ông cũng đảm nhận với nhiệt tình và trách nhiệm cao nhất.

 

Cương vị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội mà ông đảm nhiệm không phải là vị trí quản lý đầu tiên của ông nhưng có lẽ đó là thử thách thực sự trong sự nghiệp của ông. Việc hình thành hai Đại học Quốc gia là một chủ trương lớn của Chính phủ mở đầu cho việc cải cách hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang ngày càng lạc hậu so với thế giới. Một mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, tự chủ cao là một xu hướng chung của các nền giáo dục đại học tiên tiến khi bước vào kỷ nguyên mới nhưng đối với Việt Nam lại quá xa lạ và dường như khó có thể chấp nhận được. Những ngày đầu thật khó khăn mà chỉ những người như GS.VS Nguyễn Văn Đạo và các cộng sự phải đương đầu, nếm trải thì mới thấm hiểu. Quyết tâm chính trị từ những cấp cao nhất cũng không giảm bớt được những cản trở từ một hệ thống quản lý cũ kỹ, lạc hậu, từ những nếp nghĩ chật hẹp và cả những đặc quyền không muốn bị sẻ chia. Những năm tháng gian nan đó đã chứng tỏ bản lĩnh của một người thuyền trưởng để có được những tiền đề tốt đẹp cho sự phát triển của ĐHQGHN như ngày hôm nay. Bên cạnh công tác quản lý, ông vẫn cho xuất bản đều đặn các công trình khoa học, vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và vẫn có thời gian dành cho gia đình, cho người vợ và đứa cháu trai mà ông hết mực yêu quý. Có cảm giác rằng ông không bỏ qua một khoảnh khắc nào thì mới có thể làm được vô số việc như vậy trong một đời người. Ở thế hệ của ông, những thăng trầm của thời cuộc và cả những khó khăn, vất vả đã tôi luyện cho con người những đức tính mà thế hệ trẻ sống trong no đủ ngày nay không thể có được!

Ban giám đốc ĐHQGHN ngày đầu thành lập. Ảnh từ trái sang, các Giáo sư: Đào Trọng Thi, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Đức Chính và Nghiêm Đình Vỳ.

 

Tôi chỉ được biết ông khi bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Bẩy năm làm việc dưới quyền của ông là những ngày tháng tôi tích luỹ được nhiều nhất những kinh nghiệm quý báu trong công việc, trong đối nhân xử thế. Sự nghiêm khắc và yêu cầu cao trong công việc của ông đã rèn luyện cho cấp dưới nếp nghĩ, nếp làm đầy trách nhiệm và đạt hiệu quả cao nhưng không vì thế mà ông trở nên xa cách. Điều lớn nhất mà tôi học ở ông dù chưa được nhiều lắm là tinh thần tự học để không lạc hậu với thời cuộc, độc lập suy nghĩ và dám chịu trách nhiệm, không dừng bước trước những khó khăn nhưng phải luôn đề cao chữ "TÂM" trong mỗi việc mình làm. Khi được giúp ông chuẩn bị bản thảo cho những cuốn sách mà ông chủ biên viết về các bậc tiền bối đi trước như GS. Tạ Quang Bửu, GS. Lê Văn Thiêm và GS. Trần Đại Nghĩa, tôi càng kính trọng một con người có tấm lòng như ông.

 

Tôi thấy mình may mắn vì khi bắt đầu sự nghiệp đã được làm việc bên cạnh một con người lỗi lạc như GS. Nguyễn Văn Đạo. Chắc rằng những ai đã từng quen biết, cộng tác hay dù chỉ gặp ông một lần cũng đều nhận thấy nhiệt huyết của một con người hết lòng vì đất nước và có thể cảm nhận được sự nồng hậu, ấm áp trong từng câu chuyện, từng lời ông nói. Những người bạn quốc tế, những trí thức Việt kiều đến Việt Nam đều được ông đón tiếp hết sức chu đáo và chân thành. Công tác quan hệ quốc tế của ĐHQGHN cũng vì thế mà có được sự khởi sắc ngay từ những năm đầu gây dựng.

 

Công trường ĐHQGHN (144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) thuộc Dự án đầu tư bưới 1 sử dụng vốn ODA của nước ngoài. Ảnh chụp năm 1998.

 

Sinh - Tử âu cũng là quy luật của tạo hoá nhưng sự ra đi của ông để lại một khoảng trống quá lớn, để lại sự tiếc thương sâu sắc cho gia đình, đồng nghiệp và những người đã có may mắn được cộng tác hay quen biết ông. Có lẽ mọi chuyện đến quá bất ngờ nên ông cũng chưa kịp chuẩn bị cho chuyến đi xa vĩnh viễn. Còn nhiều dự định đang dang dở, còn nhiều mong muốn đang ấp ủ nhưng tờ lịch cuối cùng trong cuộc đời ông đã dừng lại ở ngày 11/12/2006.

 

Tấm thiếp chúc Tết 2007 của GS chưa kịp gửi tới bạn bè.

Đường phố đã lên đèn. Những con phố của Bordeaux rực rỡ sắc mầu đón Giáng sinh nhưng năm nay sẽ có nhiều người bạn ở phương xa không còn nhận được thiếp chúc Tết của GS. Nguyễn Văn Đạo như mọi năm. Lúc này đây, chắc sẽ có nhiều người đang nghĩ về ông, nghĩ về những kỷ niệm đẹp và những tình cảm thân thiết mà ông đã dành cho mọi người.

 

Ngồi trong căn phòng nghiên cứu của trường đại học, đọc bài viết của GS. Nguyễn Lân Dũng viết về ông mà những dòng nước mắt không ngừng chảy. Xung quanh, những nghiên cứu sinh đang cặm cụi ghi chép, tự nhiên thấy lòng trống trải và giá lạnh. Ngày mai, tang lễ của ông sẽ được cử hành trọng thể để những người thân, những người bạn, những người yêu quý ông được gặp ông lần cuối. Thật đau xót khi phải nói với ông lời vĩnh biệt!

 

Từ phương xa, xin được thắp một nén nhang với tấm lòng thành kính mong linh hồn ông an nghỉ. Chắc hẳn ở một nơi nào đó rất xa, ông cũng hiểu được những tình cảm quý trọng mà nhiều người dành cho ông và ông có quyền tự hào vì đã sống một cuộc đời không có phút giây nào uổng phí.

 

Có người gọi ông là Giáo sư, Viện sĩ, có người gọi ông là Thầy, còn với tôi ông luôn luôn và sẽ mãi là "chú Đạo" !

 

Bordeaux, ngày 13/12/2006

                                                                          

 Nguyễn Anh Thu - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  Print     Send