Tin tức chung
Home   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Chương tình Tây Bắc: Hướng tới chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho tỉnh Lạng Sơn
Ngày 8/5, Đoàn công tác của ĐHQGHN do Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc GS.TS. Mai Trọng Nhuận làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn để đánh giá kết quả, hiệu quả và đóng góp của các đề tài, dự án thuộc Chương trình Tây Bắc giai đoạn 2013 - 2018 đã và đang triển khai tại tỉnh; đồng thời, đề xuất các nội dung, lĩnh vực cần thiết chuẩn bị kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2 (từ 2019 - 2025) của Chương trình Tây Bắc.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2018, các đề tài được triển khai tại Lạng Sơn gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng để thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc; Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc.

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thị Hà đánh giá cao việc đóng góp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng đang đặt ra trong thực tế, giải phóng những tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực cho sự phát triển bền vững địa phương.

Về đề tài “Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ nhận định, hệ thống CSDL có tính tích hợp và tính liên ngành, là một kênh thông tin hữu ích phục vụ cho việc thẩm định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư; cung cấp thông tin tham khảo cho công tác thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời gian qua. Bà đề nghị Ban chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục có các chương trình nhằm chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất, hướng dẫn kỹ thuật, cách thức triển khai cập nhật thông tin cho CSDL dùng chung.

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thị Hà

Giám đốc Sở cũng đánh giá cao tính hiệu quả của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng để thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc”. Sau khi được đào tạo, các cán bộ, công chức được bổ sung một số lượng lớn vốn từ vựng theo hệ thống, chủ đề phù hợp với lĩnh vực công tác, cải thiện năng lực phiên dịch, sử dụng ngoại ngữ trong công việc cao. Bà cũng đề xuất nên thiết kế bộ học liệu như đĩa CD, sổ tay tiếng Trung Quốc, tiếng Anh như cuốn cẩm nang chia theo lĩnh vực công tác để có thể vận dụng, tra cứu khi cần thiết.

Lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đề nghị, trong thời gian tới, Chương trình Tây Bắc chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng và có lợi thế của tỉnh. Giám đốc Sở cho rằng nên tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để chọn lọc và phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao; ứng dụng KHCN trong chế biến, bảo quản nông, lâm sản đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh như cây hồi, thạch đen, thông, na, quýt, hồng… Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu cải tiến và đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu và ứng dụng các nguồn năng lượng mới; ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành…

Đại diện một số đơn vị cũng đưa ra một số kiến nghị như: nghiên cứu các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách và định hướng phát triển bền vững đối với liên kết vùng, tiểu vùng; nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong giáo dục – đào tạo; nghiên cứu, phát triển du lịch theo hướng bền vững và toàn diện với các định hướng là khôi phục, bảo tồn, tôn tạo, nâng cao các di tích văn hóa – lịch sử.

Đại diện các đơn vị cũng mong muốn các kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc sẽ sớm được chuyển giao, đưa vào thực tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh.

Cũng tại buổi làm việc, đoàn công tác của Đại học Quốc gia Hà Nội đã lấy ý kiến của các đại biểu dự hội nghị vào các phiếu tham vấn nhằm thu thập những phản hồi về Chương trình Tây Bắc sau giai đoạn 1, các ý kiến đề xuất các đề tài, nghiên cứu phù hợp với đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn. Từ việc tổng hợp các ý kiến góp ý, phản hồi sẽ là cơ sở, định hướng để Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2 (2019 - 2025) của Chương trình Tây Bắc một cách hợp lý và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của ĐHQGHN cũng đã có buổi làm việc với đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn và Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị về việc lấy ý kiến đánh giá, nhận xét cho đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng để thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc”.

Giai đoạn 2013 - 2018, Chương trình Tây Bắc có 58 đề tài, dự án đã và đang triển khai tại 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đến thời điểm này, Chương trình đã nghiệm thu 34 đề tài, còn 24 đề tài chuẩn bị nghiệm thu.

Đoàn công tác của ĐHQGHN làm việc với đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn…

  ... và Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị

 Vũ Thị Sinh - Chương trình Tây Bắc
  Print     Send
Others