Quốc tế
Home   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Quốc tế hóa Giáo dục đại học – Kinh nghiệm của Singapore và NUS
Với mục tiêu tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác phát triển tại ĐHQGHN, tạo cơ hội cho các cán bộ làm công tác này có cơ hội tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm về hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học của một đại học xuất sắc trong khu vực và trên thế giới, đồng thời thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với ĐHQG Singapore (NUS), ngày 28/11/2019, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị “Quốc tế hóa Giáo dục đại học – Kinh nghiệm của Singapore và NUS”.

Tại chương trình, các cán bộ là lãnh đạo và chuyên viên phụ tách công tác hợp tác phát triển tại các đơn vị của ĐHQGHN đã nghe chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế hóa giáo dục đại học của Singapore và ĐHQG Singapore từ bà Chin Wee Shong - Giám đốc học thuật, Văn phòng hợp tác toàn cầu, NUS.

Bà Chin Wee Shong chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế hóa giáo dục đại học tại Singapore và NUS

Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu và đang phát triển, thể hiện trong các văn bản của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Quốc tế hóa giáo dục đại học hỗ trợ quá trình cải cách giáo dục quốc gia tại Việt Nam và đưa yếu tố quốc tế vào chương trình dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng. Quốc tế hóa giáo dục đại học sẽ góp phần xây dựng tiềm lực kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị trí xếp hạng toàn cầu, giúp các nghiên cứu khoa học đạt được các chuẩn mực quốc tế; thông qua các chương trình trao đổi giáo dục sẽ cung cấp cho người học các trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới để từ đó gia tăng tiềm năng và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và vai trò tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, quốc tế hóa đã trở thành một điều kiện tiên quyết giúp ĐHQGHN bắt kịp với sự phát triển của khu vực và quốc tế, qua đó có thể phát triển bền vững và khẳng định vị thế hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, quá trình đổi mới của cả hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và một đại học nói riêng ngoài việc giữ được những nét đặc thù của giáo dục Việt Nam thì rất cần phải tiệm cận được các tiêu chuẩn chung của thế giới. Do đó việc tiếp cận và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt các nước có nền giáo dục tiên tiến, đã trở thành xu thế tất yếu.

Bà Chin Wee Shong cho biết, ngay từ khi lập quốc vào năm 1965, Singapore đã chú trọng đến tính quốc tế hóa trong hoạt động giáo dục. Chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế và đã đầu tư nhiều nguồn lực cho hoạt động quốc tế hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

Với tầm nhìn trở thành đại học toàn cầu hàng đầu góp phần định hình tương lai, NUS đang vươn lên trở thành đại học xuất sắc và đẳng cấp trong khu vực và trên thế giới. NUS là đại học đi đầu tại Singapore cũng như khu vực và thế giới trong đổi mới và quốc tế hóa giáo dục đại học.

Theo bà Chin Wee Shong, các chương trình trao đổi sinh viên, các điểm trường ở nước ngoài và Block 71 - được thành lập bởi NUS Enterprise nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học tập và giảng dạy là những điểm nổi bật góp phần gia tăng quốc tế hóa của NUS. Trên 2000 lượt sinh viên đến từ NUS và hàng trăm trường đại học trên thế giới tham gia các chương trình trao đổi mỗi năm tại đây. NUS rất chú trọng việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. NUS có 10 điểm trường (NUS Overseas Colleges - NOC) tại các quốc gia như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Thụy Sĩ, Israel... Tại các điểm trường này, sinh viên năm thứ 3 sẽ được thực tập tại các công ty khởi nghiệp vào ban ngày và tham gia các khóa học về khởi nghiệp buổi tối tại các trường đại học đối tác. Sang năm thứ tư, sinh viên sẽ quay lại NUS, ở ký túc xá và cùng các sinh viên ở nhiều quốc gia khác nhau thực hiện các ý tưởng kinh doanh. Mỗi năm, NUS có khoảng 350 doanh nghiệp khởi nghiệp từ sinh viên.

NUS cũng thường xuyên tổ chức các khóa thực tập, trải nghiệm cho sinh viên thông qua chương trình STEER (Study trips for Engagement and Enrichment), giúp người học làm quen với môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội đa dạng tại các khu vực, quốc gia khác nhau. Được khởi xướng từ năm 2010, tính đến nay, có hơn 1.300 sinh viên tham gia chương trình này và địa điểm của chương trình được mở rộng tới nhiều quốc gia như Myanmar, Costa Rica, Brazil, Thái Lan, Ả Rập Saudi, Indonesia,…

Tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược giúp NUS tham gia tích cực vào mạng lưới toàn cầu, từ đó có thể cung cấp các chương trình giáo dục, nghiên cứu và kinh doanh toàn cầu đa dạng và phong phú. Giám đốc học thuật, Văn phòng hợp tác toàn cầu Chin Wee Shong chia sẻ, trong thời gian tới, NUS sẽ chú trọng vào phát triển các kỹ năng mềm suốt đời cho người học thông qua tương tác toàn cầu như các kỹ năng: giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tính sáng tạo, quản trị nhân lực, cộng tác, trí tuệ cảm xúc, đưa ra quyết định, đám phán… Với quan điểm cơ hội học tập suốt đời là bình đẳng đổi với tất cả mọi người, NUS cũng sẽ cung cấp các khóa học cho các cựu sinh viên đã tốt nghiệp trong vòng 20 năm cũng như xây dựng một số chương trình học tập cho người trưởng thành ở châu Á và các khu vực khác.

Cũng tại buổi chia sẻ, bà Chin Wee Shong cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, ĐHQGHN và ĐHQG Singapore có thể triển khai các hoạt động hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và trao đổi sinh viên, nâng tầm hợp tác chiến lược và toàn diện giữa hai đại học.

 Minh Khuê - VNU Media
  Print     Send