Sau đại học
Home   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Sau đại học
Thông tin LATS của NCS Nguyễn Thị Hảo
Tên đề tài: 汉越鸟类名称对比研究 / Nghiên cứu đối chiếu tên gọi các loài chim trong tiếng Hán và tiếng Việt

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Hảo                            2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 17/02/1985                                                            4. Nơi sinh: Nam Định

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số 2239/QĐ-ĐHNN ngày 12/12/2016

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không

7. Tên đề tài luận án: 汉越鸟类名称对比研究 / Nghiên cứu đối chiếu tên gọi các loài chim trong tiếng Hán và tiếng Việt

8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ Trung Quốc                                    9. Mã số: 9220204.01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS.Nguyễn Văn Khang

11. Tóm tắt các kết quả của luận án:

Luận án tiến hành nghiên cứu đối chiếu nhằm chỉ ra các điểm khác biệt và tương đồng về cấu tạo, đặc điểm định danh (cơ sở định danh, phương thức định danh) và nghĩa phái sinh giữa tên gọi các loài chim trong tiếng Hán và tiếng Việt. Nghiên cứu đã rút ra một số các kết luận quan trọng sau :

1) Từ phương diện cấu tạo, coi “thành tố cấu tạo tên gọi” là đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên tên gọi, các tên gọi chim có từ 1 đến 4 thành tố cấu tạo: đại bộ phận tên gọi chim gồm 1 hoặc 2 thành tố, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất đều là tên gọi chứa 2 thành tố, trong đó, tên gọi 2 thành tố dạng chính phụ xếp ở vị trí đầu tiên. Đối chiếu giữa hai ngôn ngữ cho thấy, cấu tạo điển hình của tên gọi các loài chim trong tiếng Hán là “thành tố khu biệt + thành tố chỉ loại”, còn cấu tạo điển hình của tên gọi các loài chim trong tiếng Việt là “thành tố chỉ loại + thành tố khu biệt”. Xếp ở vị trí thứ hai đều là các tên gọi là 1 thành tố dạng đơn âm tiết; xếp ở vị trí thứ ba là các tên gọi 1 thành tố dạng lianmian (连绵式), các dạng tên gọi còn lại đều chiếm tỉ lệ rất ít. Ngoài ra, tỉ lệ các tên gọi là điệp phụ âm đầu, điệp vần, điệp âm trong tiếng Việt cao hơn hẳn tiếng Hán, là nét độc đáo riêng của tên chim tiếng Việt.

2) Từ phương diện cơ sở định danh, tên gọi các loài chim trong hai ngôn ngữ đều có lý do tương đối phong phú. Lý do của tên gọi chủ yếu từ những thuộc tính khách quan của các loài chim, như: màu sắc bộ lông, hình dạng, tiếng kêu/ hót, tập tính sống, thức ăn v.v… cũng có những lý do từ nguồn gốc, công dụng, phẩm chất, truyền thuyết điển cố, tuy nhiên, tỉ lệ những lý do kiểu này không nhiều, chiếm vị trí thứ yếu. Nhìn từ tỉ lệ phân bố các lý do cho thấy, con người đặt tên các loài chim chủ yếu dựa vào những đặc trưng có thể cảm nhận trực tiếp được, nhất là những đặc trưng cảm nhận bằng thị giác. Cụ thể, cả hai ngôn ngữ đều quan tâm nhất đến đặc trưng “màu sắc cơ thể” của các loài chim. 3 loại đặc trưng khác cũng chiếm tỉ lệ cao là: “môi trường sống”,  “hình dạng” và “tiếng kêu hót”. Nhìn từ mức độ cụ thể của tên gọi, tên gọi các loài chim trong tiếng Hán được phân chia cụ thể, tỉ mỉ hơn trong tiếng Việt.

3) Từ phương diện phương thức định danh, cả hai ngôn ngữ đều sử dụng số lượng phương thức phong phú. Trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là phương thức ghép thành tố, nhưng tiếng Hán có tỉ lệ cao hơn tiếng Việt. Phương thức định danh kết hợp ngẫu nhiên, tỉ lệ trong tiếng Việt cao hơn hẳn tiếng Hán. Cả hai ngôn ngữ  đều sử dụng các biện pháp tu từ để đặt tên cho các loài chim, nhưng đối tượng tham chiếu không giống nhau. Tên gọi chim trong tiếng Hán thường quy chiếu đến thế giới loài người, dùng cách xưng hô, địa vị hay đặc trưng của người gán cho chim, còn tên gọi chim trong tiếng Việt lại thường quy chiếu đến những loài chim hoặc loài vật quen thuộc, gắn bó với con người. Việc sử dụng các bộ kiện biểu ý (như 鸟、隹、羽) trong cấu tạo chữ Hán của tên gọi chim là một phương thức định danh độc đáo riêng của tiếng Hán. Sự phát triển của các phương thức định danh, từ kết hợp ngẫu nhiên, mô phỏng tiếng kêu hót đến sử dụng bộ kiện biểu ý trong cấu tạo chữ Hán, ghép thành tố, vay mượn tiếng nước ngoài đã thể hiện sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của tư duy con người từ cụ thể đến trừu tượng.

4) Từ phương diện nghĩa phái sinh, sự phong phú đa dạng của các hiện tượng chuyển nghĩa cho thấy, cả hai ngôn ngữ đều sử dụng lối tư duy liên tưởng bắc cầu, tư duy biện chứng, coi trọng phẩm giá đạo đức, coi trọng mối quan hệ hài hòa với môi trường sống. Trong đó, phạm trù người là đích liên tưởng chủ đạo nhất. Gần như tất cả mọi phương diện của con người đều được phản ánh trong những liên tưởng từ chim: từ đặc điểm ngoại hình, đặc điểm giới tính đến tầng sâu hơn là phẩm giá, địa vị và thế giới tinh thần. Từ thế giới loài chim quy chiếu đến xã hội loài người, bên cạnh những đánh giá khách quan, công bằng, không ít những đánh giá mang màu sắc “chủ quan”, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, điểm khác biệt là: hai ngôn ngữ sử dụng những hình tượng chim khác nhau để biểu đạt nghĩa giống nhau; cùng một loại chim trong tự nhiên, nhưng ý nghĩa phái sinh trong hai ngôn ngữ lại không giống nhau hoặc vừa giống vừa khác;  hay những liên tưởng chỉ có trong ngôn ngữ này mà không có trong ngôn ngữ kia.

Nhìn một cách tổng thể, tên gọi các loài chim trong hai ngôn ngữ về cấu tạo, đặc điểm định danh cũng như nghĩa phái sinh có nhiều điểm tương đồng hơn điểm khác biệt. Điểm mới của luận án chủ yếu ở đề tài nghiên cứu mới mẻ, thứ hai là tính toàn diện và hệ thống của cách triển khai vấn đề.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn

- Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở lý luận cho các nghiên cứu liên quan đến trường từ vựng - ngữ nghĩa động vật nói chung, trường từ vựng - ngữ nghĩa chim chóc nói riêng và vấn đề định danh trong ngôn ngữ.

- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được ứng dụng trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và vận dụng tiếng Hán: Nghiên cứu đã cung cấp một hệ thống tương đối hoàn chỉnh về cấu tạo, đặc điểm định danh và nghĩa phái sinh của tên gọi các loài chim trong tiếng Hán và tiếng Việt. Các nhận xét và kết luận đã giúp đỡ người học, người nghiên cứu về hai ngôn ngữ hiểu rõ thêm về lớp từ ngữ này, là tài liệu tham khảo có ích cho các lĩnh vực: dạy học ngoại ngữ, nghiên cứu, biên phiên dịch và biên soạn từ điển.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

- Nghiên cứu đối chiếu một số trường hợp tên gọi chim điển hình trong tiếng Hán và tiếng Việt (ví dụ: phượng hoàng, đỗ quyên, hạc, cò, gà v.v...)

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

(1) Nguyễn Thị Hảo (2017). Đặc điểm cấu trúc định danh của tên gọi các loài chim trong tiếng Hán và tiếng Việt. Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, ISSN 2525-2445, tập 33 (4),101-109.

(2) Nguyễn Thị Hảo (2017). Tên gọi các loài chim trong tiếng Hán nhìn từ góc độ văn tự học. Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống, ISSN 0868-3409, số 9 (263), 70 -75.

(3) Nguyễn Thị Hảo (2018). 汉越鸟类名称构词法对比研究. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh năm 2018 (GRS 2018). Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (ISBN 978-604-62-6097-4): p190-198

(4) Nguyễn Thị Hảo (2018). 汉、越鸟类名称之修辞命名研究. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hán khu vực văn hóa chữ Hán. Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (ISBN 978-604-62-5281-8): p260-264.

 VNU Media - VNU - ULIS
  Print     Send
Others