Phổ biến pháp luật
Home   >  Tin tức  >   Phổ biến pháp luật  >  
Một số văn bản mới của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ
Trong nửa đầu tháng 6 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động trong Đại học Quốc gia Hà Nội ở các lĩnh vực: Chính trị công tác học sinh sinh viên, Đào tạo, Khoa học Công nghệ, Tổ chức cán bộ, Tài chính. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:

1. Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường

Để khắc phục những hạn chế của sự lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2021, Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021, Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2021 và Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2022. Đồng thời, cần Đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường.

Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Chỉ thị số 08/CT-TTg

2. Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Nghị định được áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau: Vùng I: 4.680.000, Vùng II: 4.160.000, Vùng III: 3.640.000, Vùng IV: 3.250.000. Theo đó, việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau: Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất; người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới; Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Nghị định số 38/2022/NĐ-CP

3. Thông tư số 30/2022/TT-BTC ngày 3 tháng 6 năm 2022 của Bộ Tài Chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030

Thông tư quy định cụ thể về: Nguồn kinh phí thực hiện; nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ; nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở trong nước; nội dung hỗ trợ đối với phương thức liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ; lập dự toán; phân bổ và giao dự toán; nguyên tắc quản lý và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2022. Người học đã được tuyển sinh và đang theo học của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, thì tiếp tục được chi trả theo quy định tại Thông tư liên tịch số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg; Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh và chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 599/QĐ-TTg cho tới khi hoàn thành chương trình đào tạo theo quyết định phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 30/2022/TT-BTC

4. Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ giáo dục và Đào tạo quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, mục đích ban hành và sử dụng Danh mục nhằm phân loại, thống kê, phát triển các ngành và chương trình đào tạo của giáo dục đại học; xây dựng và thực hiện các quy định về mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, kiểm định chất lượng, cấp và quản lý văn bằng trong giáo dục đại học. Đồng thời thông tư quy định cụ thể về: Căn cứ của việc phân loại, sắp xếp chương trình và ngành đào tạo; các điều kiện để một ngành đào tạo mới được xem xét bổ sung vào một nhóm ngành cụ thể trong Danh mục ngành chính thức; và các điều kiện để một ngành trong Danh mục được xem xét đổi tên hoặc chuyển vị trí; hội đồng tư vấn danh mục ngành đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 7 năm 2022. Thông tư này thay thế Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học và Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đối với những ngành có thay đổi trong Danh mục mà đang được hưởng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của nhà nước thì tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các khóa đã tuyển sinh trước thời điểm thông tư này có hiệu lực.

>>> Xem toàn văn: Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT

5. Thông tư 33/2022/TT-BTC ngày 09 tháng 6 năm 2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước

Nội dung Thông tư sửa đổi một số điều sau của Thông tư số 26/2019/TT-BTC: Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 15 Điều 3 về nội dung chi; sửa đổi, bổ sung khoản 1, điểm b khoản 7, khoản 12, khoản 14 Điều 4 về mức chi; sửa đổi đoạn cuối khoản 1, Điều 6 về tổ chức thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Thông tư 33/2022/TT-BTC

6. Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10 tháng 6 năm 2022 của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền; thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc: “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào” được quy định tại khoản 4 Điều 5 của Thông tư này; chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 10 tháng 6 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT

7. Quyết định số 975/2022/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 06 năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2022

Theo nội dung của Quyết định, mục đích điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tổ chức nghiên cứu và phát triển; cơ sở giáo dục đại học; các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; các doanh nghiệp; các tổ chức khác có hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm mục đích thu thập thông tin về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của quốc gia phục vụ đánh giá, xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch khoa học và công nghệ. Đối tượng điều tra, đồng thời là đơn vị điều tra của Điều tra nghiên cứu và Phát triển có: Các tổ chức khoa học và công nghệ gồm: Tổ chức nghiên cứu và phát triển (viện hàn lâm, viện/trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và cơ sở nghiên cứu và phát triển khác); cơ sở giáo dục đại học: gồm đại học, trường đại học, học viện (các viện, trung tâm nghiên cứu thuộc trường được coi như đơn vị trường đại học), trường cao đẳng; tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ (các trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm... về: thông tin, thư viện; bảo tàng khoa học và công nghệ; dịch thuật, biên tập, xuất bản cho khoa học và công nghệ; điều tra cơ bản định kỳ, thường xuyên; thống kê, điều tra xã hội; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tư vấn về khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ…). Phạm vi điều tra là trên cả nước. Thời điểm bắt đầu điều tra là ngày 01/7/2022. Thời kỳ điều tra: những chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ được lấy thông tin trong vòng 1 năm, từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Quyết định này có hiệu lực ngày 10 tháng 06 năm 2022

>>> Xem toàn văn: Quyết định số 975/2022/QĐ-BKHCN

 VNU Media - Ban Thanh tra và Pháp chế
  Print     Send