Chuyển đổi số với giáo dục đại học
Home   >  Tin tức  >   Chuyển đổi số với giáo dục đại học  >  
Biến thách thức thành cơ hội bứt phá
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, với nhiều chính sách đổi mới giáo dục đào tạo ra đời cùng cơ chế tự chủ đặt các trường đại học công lập trong nước nói chung và ĐHQGHN nói riêng trước nhiều thách thức lớn.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn

- Để phát triển theo mô hình đại học thông minh trong bối cảnh mới của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ĐHQGHN có sự chuẩn bị gì thưa Giám đốc?

ĐHQGHN luôn chủ động tiên phong trong mọi hoạt động phù hợp với xu hướng tự chủ đại học trong tình hình mới; thích ứng trong điều kiện mới, tránh rủi ro; giữ vững tính chủ động và vị thế của ĐHQGHN, phát huy tiềm lực và tính tự chủ của các đơn vị.

Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã và đang tích cực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng đại học thông minh, số hóa. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được duy trì, đẩy mạnh với việc ban hành Kế hoạch “Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ở ĐHQGHN đến năm 2020” theo mô hình hiện đại, chú trọng thu thập, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản trị đại học, đào tạo, công tác học sinh sinh viên và nghiên cứu khoa học.

Mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực ngày càng được hoàn thiện. Năm qua, ĐHQGHN đã kiện toàn, điều chỉnh, sắp xếp và ổn định tổ chức; điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để nâng cao năng lực của một số đơn vị trực thuộc, góp phần hoàn thiện cơ cấu tổ chức của ĐHQGHN, đồng thời tăng cường sự liên thông, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, góp phần xây dựng ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ, thống nhất, gia tăng các giá trị, tạo nên các sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao.

- Giám đốc có thể điểm qua một số thành tựu nổi bật đạt được trong năm vừa qua?

Trong quản trị đại học, ĐHQGHN đang hướng tới mục tiêu phát triển tổ chức và đổi mới mô hình quản trị hệ thống phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Mô hình quản trị này phát huy thế mạnh liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực của các đơn vị trong ĐHQGHN như một thực thể thống nhất. Ở đó, mỗi đơn vị thành viên, trực thuộc vừa phát huy được thế mạnh đặc thù của mình, vừa liên kết, tận dụng được nguồn lực và lợi thế chung của ĐHQGHN. Cơ chế vận hành hệ thống sẽ tuân theo thông lệ quản trị đại học tiên tiến của thế giới với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và thống nhất.

Về đào tạo, ĐHQGHN tăng cường đổi mới hoạt động đào tạo Tiến sĩ theo định hướng tinh giản các thủ tục hành chính, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Những thay đổi này được thực hiện cùng việc triển khai các đề án “Đổi mới mô hình hoạt động cấp Bộ môn” nhằm điều chỉnh hoạt động cấp bộ môn của các đơn vị đào tạo; đề án “Thu hút sinh viên quốc tế” nhằm tăng cường mức độ quốc tế hóa và đề án “Đổi mới đào tạo các môn chung” nhằm tăng cường sự gắn kết hệ thống, phát huy sức mạnh tổng thể của ĐHQGHN… Bên cạnh việc tiếp tục tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và tăng cường số lượng các công bố quốc tế, hoạt động khoa học và công nghệ cũng không ngừng chuyển biến khi ĐHQGHN đã thành lập 8 hội đồng chuyên môn trên cơ sở chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của 14 hội đồng ngành, liên ngành trước đây. Các hội đồng chuyên môn sẽ tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi khoa học trong và ngoài nước, kiến tạo môi trường học thuật tích cực và tham mưu các nhiệm vụ khoa học lớn xứng tầm với ĐHQGHN. Đặc biệt, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ĐHQGHN là đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”, khẳng định uy tín cao của ĐHQGHN trong nghiên cứu liên ngành, đa ngành và vị thế lớn mạnh của ĐHQGHN.

Năm qua, công tác sinh viên cũng được chú trọng với nhiều hoạt động triển khai sâu rộng của đề án “Đổi mới công tác hỗ trợ sinh viên” nhằm tạo lập cơ chế tương tác giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng, với sinh viên đang học hay sinh viên đã tốt nghiệp.

Hoạt động hợp tác phát triển cũng ghi dấu hình ảnh tốt đẹp của ĐHQGHN không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế. Với vai trò là thành viên của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) và là thành viên Ban điều hành mạng lưới các đại học Đông Nam Á (AUN), ĐHQGHN luôn chủ động và tích cực tham gia các hoạt động, thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, kiểm định chất lượng, trao đổi sinh viên trong khu vực. Hoạt động hợp tác trong nước của ĐHQGHN cũng diễn ra phong phú với các địa phương, với doanh nghiệp.

- Bên cạnh những thành tựu trên, niềm vui lớn đên với cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên là năm vừa qua, việc xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc có được bước ngoặt lớn. Xin Giám đốc chia sẻ về điều này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần làm việc với ĐHQGHN đã cho rằng, việc xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc là công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ĐHQGHN mà còn là một đô thị đại học, diện mạo của cả nước. Chính phủ tin tưởng, kỳ vọng vào ĐHQGHN trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo cũng như đóng góp vào sự phát triển đất nước. ĐHQGHN giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt hệ thống đại học trong đổi mới, hội nhập. Chính phủ luôn quan tâm và tạo điều kiện để ĐHQGHN phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, để phát triển ĐHQGHN thành một đại học thông minh thì phải có đột phá trong xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Để hiện thực hóa các chủ trương nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 về việc chuyển giao Dự án Đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang ĐHQGHN cùng quyền quyết định đầu tư. Đây không chỉ là cơ sở cho viêc tháo gỡ các nút thắt về cơ sở vật chất bấy lâu nay mà còn là tiền đề thiết yếu cho việc xây dựng một đô thị đại học xanh, thông minh và hiện đại mà ĐHQGHN đang hướng tới.

- Cùng với phát triển đại học thông minh thì xu hướng khởi nghiệp đang trở thành một động lực gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các trường đại học. Vậy vấn đề này được quan tâm như thê nào ở ĐHQGHN, thưa Giám đốc?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong lần về thăm và làm việc với ĐHQGHN mong muốn, ĐHQGHN phải trở thành một phần của hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp; phải là nơi khuyến khích, tiên phong trong xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ĐHQGHN đã thực hiện đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với chủ trương tạo vườn ươm dựa trên nền tảng nhân lực KH&CN.

Đặc biệt, trong nghiên cứu ĐHQGHN không chỉ quan tâm đến số lượng các công bố quốc tế mà còn ra sức thúc đẩy việc đăng ký phát minh, sáng chế, tác động của các nghiên cứu cơ bản đến các phát minh sáng chế. Đây là một chỉ số cơ bản của hoạt động đổi mới sáng tạo, làm cơ sở cho hoạt động chuyển giao tri thức. Điều này cho thấy ĐHQGHN không chỉ thành công với những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, mà đã có những gặt hái ban đầu trong sáng tạo, khởi nghiệp của kỉ nguyên đại học 4.0.

ĐHQGHN đang nỗ lực phát triển đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp, gắn kết nhà khoa học, các phòng thí nghiệm, các đơn vị với các đối tác, cựu sinh viên, các quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, ĐHQGHN dự kiến sẽ đưa môn học kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính quy. Đồng thời, ĐHQGHN đã chủ động tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và các cơ sở kinh tế xã hội, cơ sở giáo dục khác, thu hút thêm các nguồn lực của xã hội để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và coi đây là một trong những ưu tiên trong kế hoạch phát triển ĐHQGHN.

- Để trở thành đơn vị tiên phong trong xây dựng quốc gia khởi nghiệp, ĐHQGHN đã có những đổi mới gì trong công tác đào tạo, thưa Giám đốc?

Sự hài lòng của xã hội đối với sản phẩm đào tạo của ĐHQGHN là rất quan trọng. ĐHQGHN luôn chú trọng phát triển người học bằng nền giáo dục khai phóng, bằng tự do học thuật và môi trường giáo dục mang tính nhân văn và thẩm mỹ cao đẹp. Do vậy, dù trong bối cảnh nào thì công tác đào tạo của ĐHQGHN luôn đảm bảo chuẩn đầu ra chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của xã hội, của các doanh nghiệp có nhu cầu, tạo uy tín và tạo đà cho các bước phát triển của ĐHQGHN. Chính bởi vậy mà công tác đào tạo đại học chính quy của ĐHQGHN trong năm qua luôn duy trì ổn định, bám sát và đảm bảo mục tiêu đào tạo nhân tài, nhân lực có chất lượng cao. ĐHQGHN đã chủ động mở những mã ngành đào tạo mới ở các bậc đào tạo để phù hợp với yêu cầu của đất nước và thời đại. Chỉ tiêu cơ cấu ngành đào tạo được điều chỉnh phù hợp theo các năm, khuyến khích mở mới các ngành, chuyên ngành khoa học đặc thù phát huy thế mạnh các đơn vị thành viên/trực thuộc, đáp ứng nhu cầu xã hội, và thu hút được sự quan tâm của người học.

Đặc biệt trong năm qua, lần đầu tiên ĐHQGHN xây dựng và áp dụng thống nhất phần mềm tuyển sinh sau đại học. Thí sinh đăng kí dự thi trực tuyến. Các đơn vị thực hiện việc xét duyệt hồ sơ online. Hồ sơ chính thức chỉ phải nộp sau khi thí sinh có kết quả trúng tuyển. Việc sử dụng phần mềm trong tuyển sinh SĐH đã tạo thuận lợi cho người dự thi; minh bạch, khách quan; tiết kiệm thời gian, công sức cho các đơn vị đào tạo. Hiện nay, phần mềm đang tiếp tục được hoàn thiện để hỗ trợ cho kì thi tuyển sinh năm sau.

Cũng trong năm vừa rồi, ĐHQGHN cho phép một số đơn vị mở rộng việc thí điểm thực hiện phương thức tuyển sinh xét tuyển. Phương thức này được thực hiện thông qua việc xét hồ sơ kết hợp với phỏng vấn và kiểm tra một số năng lực liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo. Đây là phương pháp giúp đánh giá một cách trực tiếp và khá chính xác năng lực của ứng viên để lựa chọn người học có đủ năng lực và phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

- Để đạt được những thành tựu đáng tự hào trên chắc hẳn những thách thức đặt ra với ĐHQGHN là không nhỏ, thưa Giám đốc?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra sự thay đổi đặc biệt lớn trong tất cả lĩnh vực đời sống trong đó có giáo dục. Đây là thách thức đối với ĐHQGHN khi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Tự chủ đại học cùng với các chính sách đổi mới giáo dục đào tạo tiếp tục tạo áp lực cho các trường đại học trong đó có ĐHQGHN; buộc các trường phải đổi mới về cơ chế tổ chức và cách thức quản trị đại học để có thể đứng vững và cạnh tranh được về các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu.

Thách thức phía trước là hết sức to lớn nhưng tập thể cán bộ ĐHQGHN luôn đồng sức chung lòng biến thách thức đó thành cơ hội, thực hiện thành công mục tiêu đặt ra. Đó là mục tiêu xây dựng thành công một đại học nghiên cứu với mô hình quản trị thống nhất, bền vững, vừa phù hợp với đặc thù của ĐHQGHN, với quy định của Chính phủ, vừa bắt nhịp với xu thế phát triển của mô hình đại học tiên tiến trên thế giới.

- Trên nền tảng những thành tựu đạt được năm vừa qua, ĐHQGHN tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì trong năm 2018, thưa Giám đốc?

Năm 2018 là năm ĐHQGHN được giao triển khai một số nhiệm vụ lớn: Chủ đầu tư dự án Hòa Lạc; Chủ nhiệm Nhiệm vụ kế hoạch đặc biệt cấp quốc gia: xây dựng Bộ Quốc chí. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn. Cơ hội được thể hiện, phát huy tiềm năng của đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng thách thức không nhỏ về nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là nguồn lực tài chính trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Với mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới, biến thách thức thành cơ hội, ĐHQGHN thực hiện cơ chế quản trị linh hoạt, đồng thời huy động các nguồn lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc; kiến tạo mô hình trường đại học chia sẻ: kết nối với nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và chuyên gia trong đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ khởi nghiệp; chuyển giao và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ.

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ trên, chúng ta cần:

Một là, tập trung triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc làm việc với ĐHQGHN.

Hai là, tập trung cho việc phát triển khu ĐHQGHN tại Hòa Lạc, đặc biệt là huy động các nguồn lực để “Làm tốt từng khâu – Huy động tổng lực – Chắc chắn an toàn – Nhanh nhất có thể”.

Ba là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ; Triển khai các giải pháp tổng thể, trong đó cốt lõi là phát huy cao độ quyền của cán bộ chuyên môn; đổi mới hoạt động của bộ môn song hành với đổi mới đào tạo tiến sĩ, tăng cường hỗ trợ kinh phí, học bổng cho nghiên cứu sinh… Đồng thời đẩy mạnh đổi mới đào tạo chất lượng cao, đưa phương thức đào tạo tín chỉ đi vào thực chất, chiều sâu.

Bốn là, tập trung đổi mới phương thức lựa chọn, giao đề tài, tư vấn nhiệm vụ khoa học công nghệ, đầu tư phát triển hệ thống phòng thí nghiệm như giải pháp nền tảng cho việc đẩy nhanh triển khai các sản phẩm khoa học công nghệ.

Năm là, tập trung chỉ đạo để từng bước triển khai kế hoạch phát triển công nghệ thông tin hướng tới mục tiêu xây dựng đại học thông minh và số hóa.

- Xin cảm ơn Giám đốc!

 

 Đức Phường - Bản tin ĐHQGHN số 322+323
  Print     Send