Sách và học liệu
Home   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Tủ sách Khoa học: Những cung bậc trữ tình trong thơ Nguyễn Du
Thi hào Nguyễn Du giã từ cuộc sống đã gần hai thế kỷ, song các thế hệ con cháu mỗi lần đọc lại những vần thơ vẫn cảm thấy động lòng trắc ẩn xao xuyến trước bao nỗi nghẹn ngào của tác giả không biết tỏ cùng ai. Cổng Thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu cuốn sách Những cung bậc trữ tình trong thơ Nguyễn Du do PGS.TS Nguyễn Trường Lịch chủ biên, sách do NXB ĐHQGHN phát hành năm 2018

Gần hai trăm năm qua đã có biết bao giấy mực, sách vở, bài báo, chuyên khảo, thơ ca và cả tiểu thuyết viết về thân thế sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du, đặc biệt về tác phẩm Truyện Kiều. Ngày nay Tổ chức UNESCO đã vinh danh Nguyễn Du - danh nhân văn hóa nhân loại đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 250 năm sinh của đại thi hào (1765 - 2015).

Từ xưa đến nay, giới nghiên cứu văn học nghệ thuật cũng như các thế hệ độc giả yêu quý Nguyễn Du từng dành nhiều tâm huyết khẳng định và ngợi ca sức sống bất tử của Truyện Kiều theo năm tháng.

Một trong những phương diện tuyệt vời nhất của truyện nôm Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) là được sáng tác bằng chữ Nôm - tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ và kỳ diệu hơn nữa lại được viết bằng thể thơ lục bát, một thể thơ dân tộc - đại chúng, mà người dân Việt bình thường không biết chữ Nôm cũng như không biết đọc chữ Việt vẫn có thể nhớ, có thể thuộc làu 3254 câu thơ và có thể cùng nhau ngồi đố Kiều, lẩy Kiều và bói Kiều. Đó là điều vô cùng quý giá và nhìn rộng hơn cũng là đặc điểm hiếm thấy trong lịch sử văn hóa nhân loại. Tôi được biết ở Hà Tĩnh quê tôi, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều bà cụ thuộc lớp người sinh vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thường chuyện trò bên nhau câu nói vui vui, là lạ theo kiểu dân gian thân mật mỗi lần nhắc đến chuyện Thúy Kiều - Kim Trọng: - “Nước Nam ta đẹp nhất là con Kiều, mà khổ nhất cũng là con Kiều!”.

Khác với Truyện Kiều, ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du chưa được chú ý đầy đủ, cũng có thể nói chưa đặt đúng vị trí xứng đáng của nó, bởi lý do dễ hiểu là lớp trí thức tiền bối thâm nho nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1918 dần dần quy tiên. Hơn nữa, sau khi chính quyền thống trị Pháp ra lệnh hủy bỏ việc thi cử chữ Hán truyền thống (1916 - 1918) thì việc học tập nghiên cứu phần văn chương chữ Hán ngày càng bị hạn chế, nhất là trong hoàn cảnh kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc của toàn dân kéo dài suốt 30 năm. Truyện Kiều được tác giả sáng tác theo phương pháp khách quan của tiểu thuyết bằng thơ, thì ngược lại 249 bài thơ chữ Hán còn được lưu lại hầu hết là những trang nhật ký được ghi chép theo mạch cảm xúc hàng ngày với năng khiếu bẩm sinh thiên tài “xuất khẩu thành thi - bảy bước thành thơ ”, kể cả suốt chặng đường “bắc hành” dài thăm thẳm trên đất nước Trung Hoa. Do đó điểm khó khăn nhất ở những vần thơ này là nếu không biết chữ Hán (và không thạo từ Hán - Việt) thì người đọc sẽ gặp nhiều rắc rối trong việc cảm nhận thấu đáo cái hay, cái đẹp cùng tầm cao trí tuệ, tài năng của nhà thơ. Ngay khi đã được dịch nghĩa ra tiếng Việt, người đọc vẫn không dễ hào hứng đào sâu nội dung của các bài thơ. Dù biết rằng những vần thơ ấy thể hiện dồi dào các ý tưởng cụ thể, sinh động qua muôn hình nghìn vẻ về nhà thơ, về thế thái nhân tình, về lịch sử văn hóa - xã hội, về thế giới thi ca, về triết lý cuộc sống và con người đất nước Việt cũng như đất nước Trung Hoa.

Qua từng trang thơ, bạn đọc có thể cảm nhận được tiếng thở dài: Bạc đầu luẩn quẩn ăn cùng mặc, Sao được hát cuồng ngông như bọn thiếu niên? (Dạ tọa) và cả tiếng than rầu rĩ của nhà thơ về nỗi bế tắc không tìm ra lối thoát: Sống chưa nên danh đã già yếu,Phơ phơ tóc bạc gió chiều thổi.... Chẳng biết cuối cùng sẽ phiêu dạt về đâu? (...hà xứ khứ?)

Thi hào Nguyễn Du giã từ cuộc sống đã gần hai thế kỷ, song các thế hệ con cháu mỗi lần đọc lại những vần thơ vẫn cảm thấy động lòng trắc ẩn xao xuyến trước bao nỗi nghẹn ngào của tác giả không biết tỏ cùng ai: Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai được? Dưới núi Hồng Sơn, sông Quế sâu thăm thẳm! Bao nỗi dằn vặt giằng xé khiến nhà thơ không sao ngủ yên và nước mắt tuôn trào về chính thân phận mình: Nhiều năm làm lữ khách nước mắt từng tuôn chảy dưới đèn, Lòng nhớ quê nhà ngoài nghìn dặm gửi vào bóng trăng.

Tuy vậy có những lúc nghĩ về “tình nhà nợ nước”, nghĩ về truyền thống gia đình một thời vang bóng, về công lao đóng góp cho xã hội của cha và anh cả, nhà thơ Tố Như - chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt - bỗng bừng sáng lên một khát vọng hào hùng đầy lãng mạn: Nghĩ muốn làm sao đẩy núi Thiên Nhẫn, Lấp bằng năm trăm dặm sông này. (Lam giang) Trong tình huống bi kịch của lịch sử đất nước, và tình trạng bế tắc của bản thân thì có lẽ cảm nhận xót xa nhất đối với nhà thơ là:

Đeo gươm dài ngất nghểu nương dựa trời xanh, Lăn lộn trong bùn lầm đã ba chục năm rồi.Văn tự chưa từng là thứ hữu dụng cho ta!Bất giác đói rét khiến cho người thương. (Khất thực)

Giới thiệu một số đoạn thơ trên nhằm phác thảo một bức tranh khái quát về chân dung Tố Như, mong cùng bạn đọc ngày nay tìm hiểu đầy đủ hơn ba tập thơ chữ Hán:

- Thanh hiên thi tập - 079 bài.

- Nam trung tạp ngâm - 040 bài - Bắc hành tạp lục - 130 bài1

Từ những cung bậc tự tình này, bạn có thể hiểu toàn diện con người, cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào - nhà văn hóa vĩ đại của Việt Nam và của cả nhân loại.

Riêng tôi, dường như có nét duyên nợ quê hương, qua văn hóa gia đình, tôi đã nghe, biết đến Truyện Kiều từ tuổi ấu thơ khi đang cắp sách đến trường làng; Tuy vậy, tôi chỉ tiếp cận một số phương diện cụ thể theo từng chủ điểm riêng mà tôi cảm thấy hào hứng qua ba tập thơ và truyện thơ. Mạnh dạn trình bày cuốn sách nhỏ này, tôi muốn tỏ lòng quý mến, ngưỡng mộ và biết ơn đối với bậc thi nhân tài hoa.

Phần lớn những bài viết trong tập sách này đều đã được công bố qua các báo, tạp chí. Cuốn sách đến tay bạn đọc gần xa là nhờ sự khích lệ, động viên của các bạn đồng nghiệp và sự ủng hộ thiết thực của Ban Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành.

Hà Nội, mùa Xuân Mậu Tuất - 2018

 

 VNU Media - NXB ĐHQGHN
  Print     Send