Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Giáo dục Việt Nam thời kỳ 1945 – 1954: Diễn trình, thành tựu và kinh nghiệm
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học, luôn coi trọng và quan tâm đến vấn đề giáo dục. Trong những năm bị thực dân Pháp đô hộ, trải qua một số cuộc cải cách, giáo dục Việt Nam đã có sự tiển triển nhất định, song căn bản vẫn là nền giáo dục lạc hậu.

Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nền giáo dục Việt Nam mới đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những kết quả quan trọng và để lại nhiều kinh nghiệm có giá trị.

1. DIỄN TRÌNH GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI KỲ 1945-1954

1.1- SỰ HÌNH THÀNH NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM MỚI (1945- 1946)

- Những tiền đề lịch sử

Trong quá trình xâm lược và sau khi đặt được ách thống trị lên đất nước ta, thực dân Pháp đã thực hiện nhiều chính sách, thủ đoạn để khai thác thuộc địa, trong đó có chính sách về văn hóa, giáo dục. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất do Toàn quyền Bô chủ trương (1906) đã thu được một số kết quả quan trọng, song cũng bị phản ứng quyệt liệt của nền giáo dục truyền thống. Từ năm 1917, khi đến Đông Dương đảm nhiệm chức Toàn quyền, Anbe Xaro (Albert Sarraut) đã ban hành “Học chính tổng quy”, thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1917- 1929 nhằm xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học của triều Nguyễn, mở rộng hệ thống giáo dục Pháp- Việt.

Nói chung, mục đích phát triển giáo dục của chính quyền thuộc địa là phục vụ sự cai trị, vì "mẫu quốc" hơn là để "khai hóa văn minh" cho Việt Nam như họ thường tuyên truyền. Bởi vì, “kinh nghiệm của các dân tộc châu á khác đã chỉ rõ rằng việc truyền bá một nền học vấn đầy đủ cho người bản xứ là hết sức dại dột”. Dù vậy, một số môn học mới được đưa vào Việt Nam, số người Tây học tăng lên, có điều kiện tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật, tư tưởng tiến bộ của Pháp và của thế giới. Nhờ đó, cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, gắn liền với cuộc đấu tranh yêu nước cách mạng vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội ở Việt Nam từng bước được phát triển.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn ái Quốc đã nhận thức được việc nâng cao dân trí cho nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi Hội nghị Vécxây (6-1919), gồm 8 điểm thì điểm thứ 6 được Nguyễn Aí Quốc ghi là “Tự do được lập trường học trong các tỉnh để dạy về kỹ thuật và nghề nghiệp cần thiết cho dân bản xứ" 1. Trong cuốn “Đường kách mệnh", Nguyễn ái Quốc chủ trương: "Lập trường cho công nhân; Lập trường học cho con cháu nông dân; Lập nơi xem sách báo". Chính cương vắn tắt của Đảng thông qua tại hội nghị thành lập Đảng, vấn đề “phổ thông giáo dục theo công nông hoá” được coi là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lầp Đảng, Nguyễn Aí Quốc đã nêu khẩu hiệu thứ 9 là “thực hành giáo dục toàn dân”. Trong Luận cương chính trị của Đảng (10- 1930), vấn đề chống nạn thất học được quan niệm là "một bộ phận quan trọng của nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng và xây dựng lực lượng cách mạng".

Trên thực tế, ở thời kỳ cao trào cách mạng 1930- 1931, nhất là trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, các uỷ ban Xô viết đã “tổ chức các lớp dạy chữ quốc ngữ và các buổi đọc sách, giảng báo” cho đồng bào. Thời kỳ vận động dân chủ (1936- 1939), nhiều phong trào giáo dục được tổ chức, nhất là phong trào "Truyền bá Quốc ngữ". Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939- 1945), Chương trình của mặt trận Việt Minh (năm 1941) nhấn mạnh: phải huỷ bỏ giáo dục nô lệ, lập nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục đến bậc sơ đẳng, cho các dân tộc được quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục, lập trường chuyên môn quân sự, chính trị, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài. Hồ Chí Minh cho rằng "phong trào Việt Minh tới đâu tổ chức học văn hoá tới đó. Người biết dạy người không biết, người biết nhiều dạy người biết ít". Năm 1943, trong Đề cương về văn hoá Việt Nam, Đảng đã nêu lên ba nguyên tắc vận động của nền văn hóa Việt Nam là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa 2

Các phong trào cải cách giáo dục thời Pháp thuộc, những chủ trương giáo dục mới của Đảng trước năm 1945 đã làm cho giáo dục Việt Nam có những chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cho sự ra đời của nền giáo dục mới sau Cách mạng Tháng Tám .

- Hồ Chí Minh, người sáng lập nền giáo dục Việt Nam mới

Sau Lễ tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3-9-1945), Hồ Chí Minh đã nêu lên sáu nhiệm vụ cấp bách phải làm ngay, trong đó nhiệm vụ “Diệt giặc dốt” đứng hàng thứ hai. Hồ Chí Minh cho rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, sự dốt nát là một loại giặc nội xâm, là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu, phản lại văn hoá". Vì vậy, Người đề nghị mở ngay một chiến dịch diệt dốt và đích thân phát động chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí.. "Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong hoàn cảnh éo le chúng ta cũng quả quyết tiến hành”.

Ngày 8-9-1945, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 17-SL, thành lập Nha bình dân học vụ, qui định nhiệm vụ của Nha là lo việc học cho nhân dân, Sắc lệnh số 19-SL, qui định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học; Sắc lệnh số 20/SL, ban bố việc học chữ quốc ngữ là "bắt buộc và không mất tiền" 3, hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Trong Thư gủi học sinh, Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao dân trí: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Ngaỳ 4-10-1945, trong "Lời kêu gọi chống nạn thất học”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh "một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí", "Người chưa biết chữ có nghĩa vụ phải học tập, người biết chữ phải có nghĩa vụ dạy những người chưa biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, phụ nữ lại càng cần phải học".

Ngoài việc sắp xếp lại bộ máy học chính các cấp và các trường theo đúng tinh thần mới, ngày 10-10-1945, Hồ Chí Minh đã ra sắc lênh 14/SL lập một Hội đồng cố vấn học chính. Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc", trong đó vạch rõ nhiệm vụ của giáo dục là: “mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách học nhồi sọ”. Ngày 9-7-1946, Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 119/SL thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục. Tiếp đó ngày 10-8-1946, ra Sắc lệnh số 146/SL và Sắc lệnh số 147/SL khẳng định những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới và mục đích tôn chỉ của nó. Tại Sắc lệnh 146/SL, Chủ tịch Chính phủ đã qui định ba nguyên tắc căn bản của nên giáo dục mới là: đại chúng hoá, dân tộc hoá và khoa học hoá, theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ 4. Nền giáo dục mới theo qui định của sắc lệnh nói trên gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách; Bậc học trung học và chuyên nghiệp; Bậc học đại học. Sắc lệnh 147/SL đã ấn định thêm những điều khoản pháp chế để thực hiện bậc học cơ bản, không phải trả tiền, các môn học dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc từ tiểu học đến đại học, trong tất cả các bộ môn khoa học: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Chính phủ cũng định ra một chương trình giáo dục, tổ chức ngạch thanh tra và lập hội đồng sách giáo khoa

Đặt trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, những chủ trương, quan điểm, phương châm, sắc lệnh và việc làm nói trên, nhất là ba nguyên tắc (ba tính chất) của nền giáo dục do Đảng và Nhà nước và Hồ Chí Minh xác định, đã trực tiếp xóa bỏ tính chất phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng của chính sách giáo dục thực dân, phong kiến, đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới. Nền giáo dục mà theo Hồ Chí Minh là “một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nên giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em".

1.2- GIÁO DỤC VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM KHÁNG CHIẾN (1946-1954)

- Giáo dục trong vùng tự do

Từ ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), hoạt động của ngành giáo dục đã có những biến động to lớn, sâu sắc để thích ứng với cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong chỉ thị Toàn dân kháng chiến, Trung ương Đảng chỉ rõ kháng chiến phải toàn diện, trong đó văn hóa, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng. Trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: Kháng chiến về mặt văn hoá có hai nhiệm vụ: một là đánh đổ văn hoá ngu dân, nô dịch, xâm lược của thực dân Pháp; hai là xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên ba nguyên tắc: dân tộc- khoa học- đại chúng, "văn hoá, giáo dục cũng là một mặt trận đấu tranh của nhân dân ta".

Nghị quyết của Hội nghị cán bộ Trung ương tháng 4-1947 xác định: "chú trọng mở mang giáo dục kháng chiến". "Chương trình học phải thiết thực, nhằm mục đích đào tạo nhân tài, cần dùng cho kháng chiến trước hết, về tất cả các ngành y tế, canh nông, quân giới cũng như thương mại, ngoại giao. Học sinh phải vừa học vừa tham gia sản xuất để tự túc một phần nào. Tiếp tục phát triển bình dân học vụ. Chú ý mở trường ở các vùng quốc dân thiểu số" 5

Theo sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ, từ giữa năm 1947, phần lớn các trường, lớp sau khi sơ tán đến các vùng tư do, vùng căn cứ du kích, đã đi vào hoạt đông. Các trường khu vực Huế chủ yếu chuyển ra vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, các trường ở Hà Nội, ở Liên khu III một số lên Việt Bắc, một số vào Thanh Hóa…

Nhằm đưa sự nghiệp giáo dục đi vào ổn định và có bước phát triển mới trong hoàn cảnh kháng chiến, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng tháng 1-1948 đã xác định nhiệm vụ của Bộ giáo dục là: “họp hội nghị giáo giới chấn chỉnh và mở mang việc học trong thời chiến, định chương trình học cho các cấp, soạn sách giáo khao mới, định cách dạy học trò theo lối mới, vừa tránh được nạn nhồi sọ của thời thuộc Pháp, vừa thích hợp với tinh thần kháng chiến và dân chủ, mở trường Sư phạm đào tạo giáo sư mới và bổ túc cho giáo sư cũ, rút kinh nghiệm của các trường hiện nay và mở thêm các trường mới theo kế hoạch hẳn hoi (đặc biệt chú ý mở các trường đại học và gửi du học sinh ra nước ngoài), thiết thực giúp đỡ bình dân học vụ, khuyến khích văn nghệ, soạn lại Bộ Sử nước ta, bắt đầu viết ngay cuốn sử cách mạng Việt Nam chống Pháp và cuốn sử kháng chiến. Mở trường và đặt chữ cho các vùng dân tộc thiểu số" 6

Nghi quyết Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 20-5-1948 chủ trương: "Chỉnh đốn giáo dục, sửa chữa lại chương trình giáo dục các cấp, Chính phủ mở thêm trường (tiểu học, trung học, đại học) và khuyến khích tư nhân mở trường tư", "tiếp tục quét nạn mù chữ. Đi đến bình dân học vụ bổ túc, dạy kiến thức phổ thông. Không công chức hoá giáo viên bình dân học vụ, nhưng tùy theo địa phương mà thù lao cho giáo viên". Đối với các dân tộc thiểu số, nghị quyết hội nghị lưu ý: “Mở thêm trường tiểu học", "Phát triển bình dân học vụ, đào tạo cán bộ bình dân học vụ người địa phương. Cung cấp học bổng cho một số học sinh người thiểu số” 7

Những năm 1948- 1949, phong trào Thi đua ái quốc phát triển sôi nổi, nhất là ở các vùng tư do. Ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động hưởng ứng cuộc thi đua và giành thêm nhiều kết quả mới, nổi bật là phong trào bình dân học vụ và phong trào xây dựng, chấn chỉnh giáo dục cấp tiểu học.

Năm 1950, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tiến hành cuộc "Cải cách giáo dục" và mở cuộc vận động "Rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn cơ sở", gọi tắt là "Rèn cán chỉnh cơ" sâu rộng để xây dựng nền giáo dục mới, xóa bỏ triệt để những quan điểm, chương trình, nội dung giáo dục lạc hậu của nền giáo dục cũ.

Lý do tiến hành cuộc cải cách giáo dục là vì sau cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta thiết lập chính thể dân chủ nhân dân, song cho đến năm 1950, ngành giáo dục vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong chương trình cũng như trong cách tổ chức, còn mang nặng tàn tích của hệ thông giáo dục cũ. Trừ bình dân học vụ, "các hoạt động đều chậm chuyển biến, chưa đáp ứng được đầy đủ những đòi hỏi của nhân dân ngày càng nhiều và càng cao", chưa phù hợp với những chuyển biến lớn của đất nước, chưa tương xứng với sự tiến bộ của nhân dân và học sinh. Thực tế ấy đòi hỏi phải có một cuộc cải cách giáo dục, không phải chỉ là sửa đổi chắp vá để thích nghi hoàn cảnh mà phải thay đổi căn bản toàn bộ hệ thống giáo dục.

Đây là cuộc cải cách đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam mới, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Từ tháng 2-1950, tại Việt Bắc, Bộ Quốc gia Giáo dục đã triệu tập Hội nghị trù bị về cải cách giáo dục. Hội nghị đã đề ra phương hướng và nguyên tắc cải cách giáo dục là: Dân chủ hoá nền giáo dục; Đào tạo con người mới, gột rửa những tàn tích cũ; Chương trình học phải thiết thực theo nhu cầu của xã hội hiện tại. Sau hội nghị này, Bộ đã thành lập Tiểu ban chương trình để dự thảo chương trình mới cho các cấp học, cho từng năm và từng môn và Tiểu ban kế hoạch tổ chức nghiên cứu, thảo dự án tổ chức lại hệ thống giáo dục cũ và sắp đặt lại các cấp học theo tinh thần của hệ thống mới.

Tháng 7-1950 Hội đồng Chính phủ họp, chính thức thông qua Đề án cải cách giáo dục, xét duyệt và quyết định cho thi hành hệ thống trường phổ thông 9 năm và chương trình giảng dạy mới. Đề án cho rằng "Nhân dân Việt Nam sau khi giành được chính quyền làm chủ về chính trị nhất thiết phải phải xây dựng một nền giáo dục dân chủ nhân dân, phù hợp với lợi ích cơ bản của mình". Muốn vậy, trước hết cần phải xoá bỏ triệt để nền giáo dục cũ cùng với những tàn dư của nó về nội dung, phương pháp giáo dục và xây dựng một cơ sở tư tưởng mới, nhận thức mới vè nền giáo dục dân chủ nhân dân với những thiết chế giáo dục và hệ thống giáo dục tương ứng.

Mục tiêu của nhà trường phổ thông là giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những “công dân lao động tương lai”, trung thành với chế độ nhân dân; có đủ năng lực và phẩm chất phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến kiến quốc. Phương châm giáo dục là học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Nội dung giáo dục là bồi dưỡng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần yêu lao động, tinh thần tập thể, phương pháp suy luận và thói quen làm việc khoa học.

Cơ cấu nhà trường là phải phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến, rút bớt số năm học của phổ thông và đặt mối quan hệ giữa các ngành học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (phổ thông; bổ túc văn hóa; chuyên nghiệp). Tổ chức nhà trường phải dân chủ hóa thêm một bước, củng cố và đề cao vai trò của các đoàn thể giáo viên và học sinh, nhằm phát huy khả năng tích cực của họ trong việc xây dựng nhà trường về mọi mặt. Hệ thống nhà trường 12 năm được thay thế bằng hệ thống nhà trường phổ thông 9 năm, chia làm 3 cấp, đảm bảo tính liên tục 8. Các kỳ thi cuối cấp được xoá bỏ, cuối năm lớp 9 học sinh chỉ phải qua một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng nhằm mục đích kiểm tra tổng quát những kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Cùng với hệ thông nhà trường phổ thông 9 năm, hệ thông giáo dục bình dân (bổ túc văn hóa) và hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cũng được quy định các cấp học, thời gian học nhằm đảm bảo cho người học ở bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng đạt một trình độ học vấn tương đương và bằng con đường nào cũng có thể học lên được bậc cao hơn 9. Đề án đã quy định thêm bậc Dự bị đại học 2 năm nhằm bổ túc cho học sinh đã tốt nghiệp phổ thông 9 năm để tiếp tục học lên đại học 10 

Về bộ máy quản lý của nhà trường, Đề án nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh hội đồng chuyên mônhội đồng kỷ luật đã có từ trước, thành lập thêm hội đồng quản trị, thành phần gồm có đại biểu giáo viên, đại biểu phụ huynh đều do hiệu trưởng làm chủ tịch. Các thành viên hội đồng đều có quyền thảo luận, biểu quyết ngang nhau. Về nội dung giảng dạy, chương trình phổ thông 9 năm phải bỏ bớt hoặc tam gác lại một số môn chưa thật cần thiết hoặc chưa có điều kiên giảng dạy tốt như ngoại ngữ, nhạc, vẽ, nữ công… đồng thời đưa vào những môn học và hoạt động mới như thời sự, chính sách giáo dục, công dân, tăng gia sản xuất ở tất cả các lớp. Và cũng bỏ bớt những phần kiến thức chưa thật cần thiết như lịch sử cổ đại, văn học cổ, địa lý thế giới, để có thời gian dạy văn học cách mạng, lịch sử cách mạng, địa lý Việt Nam.

Xây dựng đội ngũ cán bộ được coi là vấn đề có ý nghĩa then chốt của cải cách giáo dục. Đội ngũ giáo viên lúc đó đều do các trường học thời Pháp thuộc đào tạo ra, tuy chất lượng chuyên môn là tốt, nhưng vì quan điểm lập trường nhất là quan điểm giáo dục có lúc, có người còn mơ hồ, có tư tưởng giáo dục trung lập và văn hoá thuần tuý, nên công việc đầu tiên được cuộc cải cách chú trọng là bồi dưỡng cho họ về lập trường chính trị. Mặt khác, Đảng, Nhà nước cũng rất chú ý đào tạo một lớp giáo viên mới từ những thanh niên lớn lên trong kháng chiến. Nhiều trường và lớp sư phạm được mở ở Trung ương và các khu. Trong phong trào “Rèn cán chỉnh cơ”, lần đầu tiên phương pháp phê bình và tự phê bình được áp dụng trong giáo giới, đã thổi một luồng gió mạnh vào khung cảnh nhà trường, giúp cho các giáo viên tiến bộ về ý thức nghề nghiệp và kỹ thuật chuyên môn. Cuộc vận động phát triển giáo dục cho các dân tộc thiểu số, cho nhân dân miền núi cũng được quan tâm.

Cuộc cải cách giáo dục đã được đông đảo giáo viên, học sinh và nhân dân hưởng ứng, trở thành phong trào chấn hưng giáo dục sôi nổi trong các vùng tự do Liên khu V, Liên khu IV, Liên khu III, Liên khu Việt Bắc…. Các tỉnh cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam Bộ do điều kiện khó khăn, tiếp tục học theo chương trình cũ đã cải tiến.

Tháng 2-1951, Chính cương của Đảng do Đại hội lần thứ hai thông qua, đã nhấn mạnh: “Để đào tạo con người mới và cán bộ mới và để đẩy mạng kháng chiến kiến quốc phải bài trừ những di tích văn hoá giáo dục thực dân và phong kiến, phát triển nền văn hoá giáo dục có tính chất: về hình thức thì dân tộc, về nội dung thì khoa học, về đối tượng thì đại chúng". Chính sách văn hóa giáo dục là: “Thủ tiêu nạn mù chữ, cải cách chế độ giáo dục, mở mang các trường chuyên nghiệp. Phát triển khoa học kỹ thuật và văn nghệ nhân dân. Phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc đồng thời học tập văn hóa Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác. Phát triển văn hóa dân tộc thiểu số" 11. Mùa hè 1951, nhóm học sinh đầu tiên gồm 21 người được cử sang Liên Xô học tập, mở đầu quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giữa Việt Nam và các nước anh em.

Trung tuần tháng 7-1951 tại Thanh Hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục đã tổ chức Hội nghị giáo dục toàn quốc để rút kinh nghiệm các thí điểm cải cách giáo dục và triển khai hệ thống giáo dục mới. Hội nghị đã có mặt đông đủ các đại biẻu ở các vùng tự do, vùng bị địch chiếm, miền núi, đồng bằng. Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị, có đoạn “kiểm thảo công tác giáo dục để thấy những khuyết điểm mà sửa chữa, những ưu điểm mà phát triển thêm".

Hội nghị xác định phương châm “giáo dục phục vụ kháng chiến chủ yếu là tiền tuyến, giáo dục phục vụ nhân dân chủ yếu là công nông binh, giáo dục phục vụ sản xuất chủ yếu là nông nghiệp”. Nội dung chương trình là chuyển các môn học lịch sử, địa lý, khoa học thường thức ở cấp I thành môn học thống nhất là tập đọc để tinh giảm nội dung giảng dạy và cải tiến phương pháp giảng dạy cho phù hợp với lứa tuổi. Chương trình tăng gia sản xuất được đưa vào hoạt động chính khoá và sinh hoạt tập thể. Hoạt động đoàn thể của học sinh (hiệu đoàn học sinh) được đề cao. Tổ chức công đoàn được xây dựng, tổ chức thiếu sinh quân được bãi bỏ. Hội nghị nhận định “tình hình giáo dục của toàn quốc tuy còn nhiều khó khăn, nhưng xét kinh nghiệm những năm vừa qua, chúng ta nhân thấy nhà trường đã bước vào con đường xây dựng chắc chắn. Ta thấy con đường dân chủ nhân dân là con đường độc nhất của giáo dục”.

Mùa hè 1951, tại Đào Dã (Phú Thọ), Bộ Quốc gia Giáo dục đã tập hợp 30 giáo viên giỏi của tất cả các cấp học, tổ chức một trung tâm viết sách giáo khoa. Ngày 21-8-1951, khi nói chuyện với cán bộ dự biên soạn sách giáo khoa, đồng chí Trường Chinh đề nghị trước hết tập trung vào các môn quốc văn, lich sử, địa lý và chính trị thường thức. Tháng 9-1951, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 đã đề ra nhiệm vụ, phương châm của công tác giáo dục trong giai đoạn mới là:"tiếp tục công tác sửa chữa chương trình, soạn sách giáo khoa, phát triển giáo dục các tầng lớp công nông" 12.

Cuối năm 1951, Bộ Quốc gia Giáo dục đã có nghị định chỉ đạo áp dụng Kế hoạch giảng dạy theo chương trình mới, tập trung vào các môn quốc văn, toàn, lý, sinh ngữ (sau đó môn sinh ngữ tạm hoãn vì thiếu điều kiện học tập). Biên chế năm học theo hệ thống giáo dục mới quy định năm học bắt đầu từ tháng 1 dương lịch đến tháng 12 năm đó. Thời gian học chia làm 2 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng, xen giữa 2 đợt nghỉ để học sinh có thời gian tham gia sản xuất vào lúc mùa màng bận nhất, hoặc vào lúc thời tiết khắc nghiêt nhất đều đảm bảo sức khoẻ cho học sinh 13.

Năm 1952, sự nghiệp giáo dục được đẩy mạnh, tập trung vào bốn nhiệm vụ trọng tâm là: Xúc tiến tiếp tục cuộc cải cách giáo dục, nhằm kiện toàn giáo dục phổ thông; bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân; Xúc tiến công cuộc xây dựng ngành giáo dục chuyên nghiệp; Tiến hành giáo dục chính trị cho cán bộ quản lý. Ngoài ra, ngành Giáo dục còn có nhiệm vụ hoàn thành công tác thanh toán nạn mù chữ, kiện toàn các cơ sở Dự bị đại học và Y học, chỉnh đốn tổ chức và cải tạo tư tưởng cho cán bộ và học sinh để đẩy mạnh công tác giáo dục, đồng thời kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục với công tác trung tâm sản xuất tiết kiệm 14.

Năm 1953, để phục vụ công tác trung tâm số một là Phát động quần chúng, bồi dưỡng lực lượng cho kháng chiến, tiến hành cách mạng phản đế và phản phong, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo toàn ngành thực hiịen chương trình công tác gồm 6 điểm: Cải tạo tư tưởng cho cán bộ; Bổ túc văn hóa cho nhân dân; Huy động lực lượng các trường phổ thông phục vụ phát động quần chúng; Phát triển giáo dục chuyên nghiệp; Đào tạo cán bộ miền núi; Tăng cường co sở giáo dục ở miền mới giải phóng và trong địch hậu", chủ yếu là ba việc đầu 15.

Năm 1954, yêu cầu đặt ra cho ngành giáo dục có những nét mới, bức xúc phải kịp thời giải quyết. Đó là tập trung mọi lực lượng để nâng cao trình độ cho cán bộ địa phương vì sau các đợt Phát động quần chúng, đa số cán bộ được quần chúng đề bạt vào chính quyền và đoàn thể đều kém văn hóa, có người còn mù chữ, nhất là cán bộ phụ nữ. Trong ngành giáo dục, để dự kiến công tác đúng cho cấp dưới và phục vụ công tác Phát động quần chúng, phục vụ cuộc kháng chiến đang trên đà đi tới thắng lợi, Bộ và các Khu, các tỉnh đã thực hiện việc sâu sát trong mọi công tác, vận dụng tất cả kinh nghiệm và khả năng của cán bộ, phát huy mọi tổ chức để nắm vững được tình hình 16. Bộ đã cử các đoàn cán bộ đi chỉ đạo thực hiện kế hoạch tại ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Thanh Hóa để rút kinh nghiệm hướng dẫn cho các địa phương khác.

Nhìn chung, nền giáo dục Việt Nam mới được hình thành sau Cách mạng tháng Tám đã tiếp tục được xây dựng, phát triển mạnh trong những năm kháng chiến. Cuộc "cải cách giáo dục" và phong trào "rèn cán chỉnh cơ" được phát động năm 1950 là bước đột phá quan trọng đưa giáo dục Việt Nam chuyển biến sâu sắc và toàn diện sang giai đoạn mới theo đúng ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng và phương châm nâng cao dân trì, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phụng sự kháng chiến. Đội ngũ học sinh, sinh viên, cán bộ do ngành giáo dục Việt Nam đào tạo nên cùng với đông đảo nhân dân được nâng cao văn hóa, tư tưởng qua phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa là nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến, kiến quốc và là sự chuẩn bị tích cực cho cách mạng Việt Nam giai đoạn sau.

- Giáo dục trong vùng tạm bị chiếm

Sau một số xáo động, hoạt đọng rời rạc, từ năm 1948, giáo dục vùng tạm bị chiếm do chính quyền Bảo Đại quan lý đã hoạt động trở lại. Với âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", thực dân Pháp đã dồn cuộc sống của nhân dân ta ở vùng tạm bị chiếm đến chỗ cùng cực, không có điều kiện để học tập, nhất là vùng thôn quê, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Hệ thống trường, lớp được tái giảng, duy trì chủ yếu là ở các thành phố như Hà Nội, Nam Định, Huế, Sài Gòn... Số trường đại học, cao đẳng, trung học chỉ có ở một vài thành phố lớn, trường trung học ở các địa phương không nhiều, chỉ có ở một số tỉnh 17. Các trường trường đại học, cao đẳng chủ yếu dành cho con em tầng lớp trên và những người khá giả. Đại đa số con em nhân dân lao động không được đi học, nếu có thì cũng chỉ hết bậc Tiểu học. Những người đến trường đều phải tiếp thu nền giáo dục thực dân, phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Ngoài những môn tự nhiên, kỹ thuật, các môn học khác thường nặng về ca tụng sự viện trợ của Pháp, Mỹ, ca tụng nền độc lập giả hiệu của bọn bù nhìn tay sai. Nhà trường trở thành nơi tuyên truyền cho hành động xâm lược, cho sự chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo, gây hận thù trong các tầng lớp nhân dân. Các loại văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, như phim ảnh, sách báo, thơ ca nhạc họa phản động, bi quan, hoặc liều lĩnh, hung ác được phổ biến trong thanh niên, học sinh. Thực dân Pháp còn dùng nhà trường để thu hút, quản lý và theo dõi thanh niên, bắt học sinh phải "báo cáo về tình hình Việt Minh", tham gia các "tổ lượm tin", theo dõi, gây nghi kỵ lẫn nhau. Các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, làm sa đọa và lừa bắt học sinh, sinh viên đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng được thực thi ráo riết.

Những giáo viên, công chức, học sinh, sinh viên tiến bộ, không chịu sự áp bức, nô dịch của nhà cầm quyền đều bị thực dân Pháp và bọn bù nhìn dùng các biện pháp để đe dọa, khủng bố hoặc mua chuộc. Nhiều giáo viên công chức giáo dục, học sinh, sinh viên đã bị bắt, bị tù, bị giết, bị thương trong các cuộc đàn áp do tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước, dân chủ tiến bộ. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên thành phố Sài Gòn ngày 9-1-1950. Hơn 10 vạn nhân dân thành phố đã xuống đường biểu tình đưa tang học sinh Trần Văn Ơn và các học sinh bị thực dân Pháp giết hại. Phong trào đã lan rông ra cả nước, lôi kéo hàng vạn học sinh, sinh viên, trí thức, công chức Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác mít tinh, bãi khóa 18.

Do không có sự quan tâm đối với giáo dục và không quản lý được các vùng nông thôn, vùng giáp ranh, nên ở đó, các lớp, trường tiểu học, phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ vẫn được ta tiếp tục duy trì ở các mức độ thịch hợp, nhất là bình dân học vụ. Những địa phương có phong trào bình dân học vụ khá trong vùng tạm bị chiếm là Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Nguyên,… Ơ Nam Bộ, phong trào bình dân học vụ tiếp tục đước duy trì rộng khắp, với hình thức linh hoạt. Từ tháng 8-1947 Sở giáo dục Nam Bộ đã chỉ đạo thành lập các ban bình dân học vụ từ cấp tỉnh xuống cấp xã, kể cả các xã sát Sài Gòn như An Phú Đông, Thạch Lộc…

Những năm 1953-1954, trong các trường lớp do chính quyền địch quản lý, việc học tập bị xáo động nhiều, ngoài những lý do trên, còn vì thắng lợi của ta tác động tới, khiến cho giáo viên, học sinh, sinh viên mất lòng tin vào chế độ thực dân, tay sai, dẫn tới việc chán học, bỏ học. Những nơi chịu ảnh hưởng hay sự chỉ đạo của cách mạng, tình hình cũng có những thay đổi, số học sinh, sinh viên, giáo viên bỏ học, bỏ dạy để tránh bắt lính, chống văn hóa nô dịch, đi theo kháng chiến ngày càng nhiều.

Đại thể, giáo dục trong vùng tạm bị chiếm những năm 1945-1954 có hai bộ phận, một số lớp, trường chịu ảnh hưởng hay do cách mạng chỉ đạo hoạt động không thật ổn định, chủ yếu là bình dân học vụ và bậc tiểu học. Những trường, lớp do chính quyền địch tổ chức, quản lý, nhất là bậc đại học, cao đẳng, trung học, về cơ bản vần được duy trì, song chương trình, nội dung giáo dục không có sự thay đổi lớn so với trước năm 1945.

2. THÀNH TỰU VÀ KINH NGHIỆM

2.1. THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ

- Những thành tựu chung

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Hồ Chí Minh, giáo dục Việt Nam thời kỳ 1945-1954 đã đạt được một số thành tựu hết sức quan trọng:

+ Thứ nhất, đã xác định được những quan điểm, phương châm đúng đắn cho nền giáo dục cách mạng, tiến bộ với mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thực hiện quyền được học tập của mọi người dân, vận hành theo nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá, và tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ. Những quan điểm, phương châm, nguyên tắc, tôn chỉ giáo dục đó không chỉ đã xây dựng nên nền giáo dục Việt Nam mới, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, kiến quốc thời kỳ 1945-1954 mà còn có giá trị lâu dài đối với nền giáo dục nước ta ở các giai đọan sau và hiện nay.

+ Thứ hai, đã xây dựng được phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa với sự hưởng ứng sôi nổi của quảng đại nhân dân, làm cho số người biết chữ tăng lên đáng kể. Chỉ ba tháng sau ngày đất nước được độc lập, cả nước ta đã trở thành một trường học lớn. Đến cuối 1946, cả nước có trên 2 triệu người thoát nạn mù chữ. Trong các năm 1948-1950, số người được xoá nạn mù chữ là trên 10 triệu người. Đến 1950, tổng số đơn vị được công nhận thanh toán nạn mù chữ là 10 tỉnh, 80 huyện, 1.424 xã và 7.284 thôn, tiêu biểu là tỉnh Hà Tĩnh (vùng tự do) và tỉnh Thái Bình (vùng tạm bị chiếm) 19.

+ Thứ ba, đã cải tổ và xây dựng được ngành học phổ thông và đội ngũ giáo viên, học sinh khá đông đảo, chất lượng ngày càng cao, nhất là các ngành học phổ thông. Năm học 1945-1946 cả nước chỉ so 3.500 giáo viên tiểu học, 95 giáo viên trung học, thì đến 1950 đã có 10.500 giáo viên tiểu học, 584 giáo viên cấp hai và 31 giáo viên cấp 3 20, với nhiều nhà giáo tên tuổi 21. Trên cơ sở tăng cường đội ngũ giáo viên, số trường lớp và học sinh cũng được tăng lên, chế độ cho học sinh được ưu đãi. Tính từ khu V trở ra, năm học 1948-1949 ở vùng tự do có 35 trường phổ thông trung học, 6.535 học sinh. Tiểu học trong cả nước có 6.328 trường và 411.127 học sinh. Năm 1954, ở vùng tự do, Cấp I có 2.854 trường, 7.314 giáo viên, 381.900 học sinh; Cấp II có: 193 trường, 630 giáo viên, 30.800 học sinh; Cấp III có: 9 trường 45 giáo viên, 700 học sinh 22...

+ Thứ tư, đã xây dựng được bậc giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong điều kiện kháng chiến. Từ tháng 10-1945, một số trường cao đẳng, đại học cũ được cải tổ và khai giảng trở lại 23. Lớp Chính trị xã hội được tổ chức thay thế cho trường Luật khoa cũ và mở thêm Trường Đại học Văn khoa 24. Năm 1949, đại học có các trường Sư phạm, Ngoại ngữ, Y Dược khoa, Xã hội-Pháp lý, chuẩn bị tổ chức lại trường Văn khoa và Khoa học (đã có một số lớp Toán, Văn ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên). Nét nổi bật trong phát triển giáo dục kháng chiến là tất cả giáo viên đều đã dùng tiếng Việt để giảng dạy ở tất cả các bộ môn, kể cả môn khoa học tự nhiên dạy ở bậc đại học. Tiếng Việt đã từ địa vị phụ thuộc trở thành địa vị làm chủ và là ngôn ngữ chung cho tất cả các dân tộc Việt Nam .

+ Thứ năm, đã hình thành được ngành học mầm non và quan điểm Nhà nước bảo vệ quyền lợi của bà mẹ, trẻ em. Ngày 15- 12- 1945, Bộ Quốc gia Giáo dục đã thành lập Ban giáo dục ấu trĩ. Nhiều nơi đã mở các lớp ấu trĩ, vỡ lòng, khai tâm., “bậc học ấu trĩ nhận giáo dục trẻ em dưới 7 tuổi”. Phần lớn giáo viên là những người dạy bình dân học vụ kiêm nghiệm, với tính chất “công tâm” (không nhận thù lao). Đến tháng 11-1946, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định: “Nhà nước bảo vệ quyền lợi của những người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, các nhà trẻ và vườn trẻ”.

+ Thứ sau, đã quan tâm đúng mức giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tạm bị chiếm. Với ý thức coi giáo dục là quốc sách, giáo dục là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân, trong khi chú trọng phát triển giáo dục ở các vùng tự do, cho tầng lớp công nông, Ngành Giáo dục đã có nhiều chủ trương, biến pháp quan tâm, thúc đẩy công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng tạm bị chiếm. Phòng giáo dục Quốc dân miền núi của Bộ, Phòng giáo dục Thượng du các liên khu đã mở nhiều lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ giáo dục cho các vùng đặc biệt này, với chế độ ưu đãi, khuyến khích. Việc nghiên cứu kinh tế, địa dư, lịch sử, văn hóa và xuất bản sách về các lĩnh vực đó cho các dân tộc miền núi được xúc tiến.

+ Thứ bảy, đã chú trọng đúng mức việc xây dựng các quy chế quản lý, xây dựng đoàn thể chính trị và giáo dục tư tưởng trong nhà trường, chú ý đưa giáo dục phục vụ kháng chiến, đấu tranh chống giáo dục phản động của địch. Ngoài việc sắp xếp lại bộ máy học chính và các cấp học theo đúng tinh thần mới, nhiều chính sách, biện pháp, quy định tuyển dụng giáo viên, học sinh, sinh viên được ban hành. Cuộc Cải cách giáo dục, phong trào "Rèn cán chỉnh cơ" năm 1950 là biểu hiện cụ thể, đỉnh cao của cuộc đấu tranh xây dựng nền giáo dục mới, là sự thay đổi sâu sắc trong giáo dục Việt Nam cả về quan niệm, chương trình, nội dung giáo dục và cơ cấu tổ chức, cả về hệ thống quản lý và hệ thống đòan thể chính trị, hoạt động giáo giới, đưa hoạt động lãnh đạo, quản lý của hệ thống giáo dục đi vào quy cũ, phục vụ hiệu quả hơn cho cuộc kháng chiến kiến quốc.

Tóm lại, dù còn non trẻ, hoát động trong điều kiện khó khăn, song nền giáo dục Việt Nam mới thời kỳ 1945-1954 đã chứng tỏ là nền giáo dục dân chủ nhân dân của nhân dân ta. Đó là nền giáo dục của dân, do dân, vì dân, nhằm biến dân tộc ta "thành một dân tộc thông thái, một dân tộc có học thức, có đạo đức, một dân tộc văn minh". Dù mới thu được một số thành tựu ban đầu, song nền giáo dục mới đã có tác dụng tích cực, góp phần tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ mới, thúc đẩy cuộc kháng chiến, kiến quốc đi tới thắng lợi và chuẩn bị cơ sở cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước tiếp tục phát triển ở các thời kỳ sau.

- Những hạn chế lớn

Bên cạnh những thành tựu quan trọng, nền giáo dục Việt Nam thời kỳ kháng chiến cũng còn một số hạn chế, thiếu sót lớn. Đó là:

+ Trong giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học, việc chuyển đổi từ nền giáo dục cũ sang nền giáo dục mới nhiều nơi còn chậm, gây trở ngại cho việc thu dung cán bộ, giáo viên, học sinh. Khi kháng chiến nổ ra, việc sơ tán, chuyển đổi môi trường giảng dạy, học tập lúc đầu còn có tư tưởng tạm bợ, một số giáo viên, học sinh không khắc phục được khó khăn nơi sơ tán, phải trở lại vùng tạm bị chiếm.. Việc sắp xếp từ hệ thống phổ thông cũ 12 năm thành hệ thống mới 9 năm thiếu đồng bộ trong chương trình và tổ chức, chưa phục vụ đắc lực nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm. Sách giáo khoa in ấn chậm, phát hành chưa cấn đối, nhiều nơi, nhất là vùng địch hậu, miền núi vẫn thiếu thốn, phải học theo sách cũ. Số lượng học sinh có tăng lên, song nữ sinh còn thấp so với nam sinh (nơi cao như Liên khu IV, nữ sinh cũng chỉ 20%). Tổ chức Công đoàn, Hiệu đoàn trong các trường có nơi chưa phát huy được vai trò, chưa làm tốt chức năng giáo dục chính trị tư tưởng. Cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu và yếu, nhiều người không nhìn thấu được khâu chính, thường loanh quanh trong việc hành chính. Có nơi, có lúc sử dụng cán bộ không hợp lý, phí phạm tài năng, lương, phụ cấp còn thấp. Sự phói hợp giữa địa phương với nhà trường có nơi lỏng lẻo, có nơi, có lúc lại quá mức cần thiết. Phương pháp giảng dạy sửa đổi chưa đồng bộ, ít được phổ biến, nhân rộng. Chất lượng giáo dục trường tư thục còn thấp, sự thanh tra không toàn diện, thiếu kịp thời… 25

+ Trong bình dân học vụ, bổ túc văn hóa nhiều lúc, nhiều nơi quan niệm về ý nghĩa, tầm quan trọng của các lĩnh vực đó còn lệch lạc, không sát với khả năng và nhu cầu của nhân dân, phong trào thiếu liên tục, sâu rộng. Việc phổ biến các chủ trương, chính sách, ban hành các văn bản hướng dẫn về bình dân học vụ, bổ túc văn hóa nhiều lúc không kịp thời, thiếu rõ ràng, nên nhiều nơi không tập trung mạnh vào vùng nông thôn và cấp tiểu học nhằm phục vụ đại đa số nhân dân. Có nơi mở lớp lung tung, không có sự theo dõi, kiểm tra, nên việc dạy và học chỉ có tính chất phong trào, gây lãnh phí thì giờ và lực lượng. Việc thành lập Trường Phổ thông lao động là một sự tiến bộ, nhưng chương trình chưa phù hợp, sự giảng dạy, học tập chưa gắn với thực tế, do đó chưa xây dựng được thái độ học tập đúng đắn của học viên, kiến tinh thần học tập kém phần hào hứng.

+ Trong giáo dục chuyên nghiệp, số trường chuyên nghiệp không phát triển được mấy, việc tìm hiểu tình hình các trường đã lập để có kế hoạc giúp đỡ cụ thể chưa sâu sát, thường xuyên. Mới có hướng dẫn chung cho các trường chính quy, còn hình thức, nội dung, chương trình giáo dục chuyên nghiệp của các loại trường khác còn thiếu, nhất là vấn đề chính sách, chế độ đối với cán bộ học tại chức, giáo viên kiêm nhiệm. Việc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất trong nhân dân còn hạn chế, việc hướng nghiệp cho học sinh các trường, lớp thiếu kế hoạch,…

+ Trong giáo dục chính trị, do thiếu cán bộ nên nhiều nơi chưa kịp thời, đầy đủ, thường tập trung cho cán bộ lãnh đạo, quan lý cấp Bộ, Liên khu, tỉnh, còn cấp có sở, các trường và trong học sinh, sinh viên chưa được chú ý đúng mức. Việc học tập chính trị, rèn luyện tư tưởng ở vùng miền núi, vùng tạm bị chiến gặp khó khăn, nhiều nơi, nhiều lúc không thực hiện được. Phong trào "Rèn cán chỉnh cơ" năm 1950 có nơi, có lúc thái quá trong phê bình, tự phê bình, có nơi lại coi nhẹ, làm cho xong chuyện. Kế hoạch giáo dục chính trị thường bị động, thiếu sự phối hợp một cách có hệ thống với công tác chỉnh huấn của Đảng từ Trung ương xuống địa phương. Sự phân nhiệm giáo dục chính trị chưa rõ ràng giữa các bộ, các ngành, các cấp, nên nhiều lúc, nhiều nơi bị động, lúng túng thiếu nhất quán về chương trình, nội dung, thậm chí có nơi chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót.

Những thiếu sót, hạn chế đó đã làm giảm sút phần nào thành tích của giáo dục Việt Nam thời kỳ kháng chiến.

2.2. MỘT SỐ KINH NGHIỆM ĐÁNG LƯU Ý

Từ thực tế công cuộc xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam trong kháng chiến, có thể nêu lên một số kinh nghiệm như sau:

- Một là, phải coi trọng truyền thống hiếu học của dân tộc, coi trọng vai trò của giáo dục trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Dân tọc ta có truyền thống hiếu học, do đó trong xây dựng nền giáo dục mới, vấn đề đầu tiên là phải nắm vững đặc điểm truyền thống đó để có có niềm tin và quan điểm đúng đắn về giáo dục đào tạo, quan điểm dựa vào dân, giáo dục của dân do dân, vì dân. Mặt khác phải xuất phát từ tình hình đất nước để xây dựng, phát triển giáo dục sát hợp với thực tế. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân là do nhiều yếu tố kết hợp lại, trong đó có yêu tố văn hóa, giáo dục, vì vậy dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt, phải có sự quan tâm đúng mức đối với giáo dục.

- Hai là, phải có sự lựa chọn đúng định hướng và quan điểm xây dựng nền giáo dục phù hợp với quan điểm, định hướng chung của sự nghiệp cách mạng, để đề ra những nguyên tắc, phương châm giáo dục đúng đắn. Ngay từ ngày cách mạng mới thành công, Đảng và Hồ Chí Minh đã xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng, bảo vệ chế độ mới mà đã chú ý ngay đến vấn đề giáo dục. Với quan điềm giáo dục là quốc sách hàng đầu là sự nghiệp trồng ngưới, đầu tư cho lâu dài, Đảng, Nhà nước, Hồ Chí Minh đã nêu lên những nguyên tắc, phương châm đúng đắn cho giáo dục là phát triển theo các nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, là nâng cao dân trị, xây dựng xã hội học tập của của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

- Ba là, phải xây dựng nền giáo dục gắn liền với đời sống xã hội và nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể, kết hợp lợi ích của xã hội với lợi ích học tập của cá nhân người học. Giáo dục tuy không đồng nghĩa với chính trị nhưng phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước, phục vụ lợi ích dân tộc. Nền giáo dục mới dân chủ nhân dân những năm 1945-1954 không có nhiệm vụ nào khác ngoài nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ, đào tạo cán bộ và nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Do đó, giáo dục phải luôn luôn tự coi mình là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, phải phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đó. Đồng thời không được coi nhẹ lợi ích thiết thực của học sinh, sinh viên, nhân dân khi học tập là nâng cao trình độ, gia tăng cơ hội hội nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Chỉ có như vậy, sự nghiệp giáo dục mới có sức sống để phát triển. Điều đó có nghĩa là giáo dục phải vi hiện tại đồng thời phải vì tương lai của đất nước và của chính người học, nhất là thế hệ trẻ.

- Bốn là, phải thể chế hoá quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng thãnh các chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Giáo dục là vấn đề chiến lược, mang tính quốc gia, đồng thời lại liên quan rất cụ thể tới từng con người, từng gia đình, từng địa phương và nói chung là lĩnh vực rất nhạy cảm, được toàn xã hội trực tiếp quan tâm. Do đó có quan điểm, phương châm chung là hết sức quan trọng, song phải được thể chế hoá một cách rõ ràng, tỷ mỷ thành những văn bản pháp lý cụ thể, thống nhất, được phổ biến sâu rộng không chỉ trong nhà trường mà cho toàn xã hội. Sự cụ thể hóa đó phải bảo đảm tính nguyên tắc, tập trung, đồng thời có sự linh hoạt, dân chủ phù hợp với từng thời kỳ, từng hoàn cảnh của đất nước và phải chú ý tính hệ thống, đồng bộ, hài hòa ngang, dọc, mới có thể thực thi có hiệu quả 26.

- Năm là, phải xây dựng nền giáo dục gắn bó với quần chúng nhân dân, thực hiện dân chủ, dựa vào dân và nêu cao tinh thần tư lực cánh sinh trong quá trình xây dựng, phát triển. Giáo dục phải là sự nghiệp của quần chúng, do đó phải thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa, dân chủ hóa giáo dục. Trong thời kỳ 1945-1954, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho ngành giáo dục rất hạn chế. Để có điều kiện hoạt động, Ngành giáo dục đã giải quyết những khó về tài chính cho mình và cho người học bằng việc giảm bớt số năm học phổ thông, rút gọn nội dung các môn học chưa thật cần thiết, tập trung vào hình thức bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, vào bậc tiểu học, các bậc đại học, cao đẳng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực tối cần thiết như Y, Dược, Sư phạm. Việc gắn giáo dục với lao động sản xuất và phục vụ nhiệm vụ kinh tế- xã hội trên địa bàn đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân, cán bộ, học sinh trong việc sản xuất tự túc, đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà trường, hỗ trợ giáo dục.

- Sáu là, phải thường xuyên coi trọng và không ngừng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Vì giáo viên, cán bộ quản lý là nhân tố quan trọng quyết định đối với sự phát triển giáo dục về số lượng cũng như chất lượng. Người giáo viên , cán bộ quản lý giáo dục không chỉ làm nhiệm vụ truyền bá kiến thức cho học sinh, sinh viên và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, mà họ còn là mẫu mực để học sinh, sinh viên noi theo về tư tưởng, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Để có đội ngũ giáo dục có đức, có tài như vậy, phải giải chú trọng các trường lớp sư phạm, phải tôn trọng nhân cách, cá tính khoa học, mạnh dạn đề bạt những cán bộ, giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt, cố gắng giành cho họ những điều kiện tốt nhất về tài liệu, trang thiết bị dạy học, phụ cấp ưu đãi và khen thưởng động viên tinh thần…

Những kinh nghiệm của giáo dục Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của giáo dục nước ta thời gian qua, trong đó nhiều vấn đề vẫn còn nguyên giá trị cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay./.



(1): Viện Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh ,biên niên tiểu sử, t .1, Nxb CTQG,Hà Nội, 1993, tr 62.
(2): Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, 1940-1945, Nxb CTQG,Hà Nội, 2000, tr 319.
(3): Tổng mục lục văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam 1945-2002. Nxb CTQG,Hà Nội, 2003, tr 22.
(4):Tính dân tộc, có ý nghĩa là nội dung giáo dục phải thấu triệt việc giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục tinh thần yêu dân tộc, tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc. Đó là cơ sở của toàn bộ nội dung giáo dục, thực tế dân tộc là cơ bản của nền giáo dục nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người phụng sư dân tộc một cách đắc lực.

- Tính khoa học, có ý nghĩa là nội dung là dạy cho học sinh những tri thức và phương pháp khoa học tiến bộ, chống giáo điều, dạy và học theo nguyên tắc học để hành, giáo dục gắn liền với cuộc sống của nhân dân. Lấy nền giáo dục làm công cụ để giải phóng về mặt tư tưởng.

- Tính đại chúng, có nghĩa là nền giáo dục có nhiệm vụ mang tri thức tới quần chúng, từ chỗ mù chữ đến chỗ biét chữ, phổ cập một trình độ học vấn nhất định từ thấp đến cao, cũng như đem các tri thức khoa học đến với quần chúng rộng rãi để họ áp dụng những tri thức ấy vào cuộc sống, vào sản xuất. Như vậy, tính đại chúng của nền giáo dục cũng đồng nghĩa với tính dân chủ, được thực hiện từng bước.

(5): Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 8, 1945-1947, Nxb CTQG,Hà Nội, 2000, tr 182, 188

(6): Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, 1948, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 35.

(7): Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, 1948, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 104- 106

(8): Cấp I có lớp 1, 2, 3, 4 (không kể 1 năm học vỡ lòng); Cấp II có lớp 5, 6, 7; Cấp III có lớp 8 và 9-

(9): Hệ thống giáo dục bình dân gồm có: Sơ cấp bình dân: thời gian 4 tháng, dạy cho người chưa biết chữ; Dự bị bình dân: thời gian 4 tháng dạy đến trình độ ngang lớp nhì cũ, lớp 3 phổ thông; Bổ túc bình dân: thời gian 8 tháng dạy đến lớp 5 phổ thông; Trung cấp bình dân (trung học bình dân ) thời gian 18 tháng dạy đến lớp 8 phổ thông hoăc cao hơn một ít. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp có: Chuyên nghiệp sơ cấp: lấy học sinh phổ thông đã học xong cấp I hoặc bổ túc bình dân vào học nghề; Chuyên nghiệp trung cấp: Lấy học sinh phổ thông đã học xong lớp 7 phổ thông hoặc trung cấp bình dân vào học, thời gian học của hệ thống này tuỳ thuộc tính chất ngành nghề có thể quy định từ 1-2 năm cho sơ cấp , từ 2-4 năm cho trung cấp. 

(10):  Mục đích 2 năm dư bị đại học là huấn luyện cho học sinh nắm vững phương pháp suy luận, phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tức là phương pháp chung của các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

(11): Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, 1951, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 440.

(12): Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, 1951, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 582.

(13): Quy định này bắt đầu thực hiện và áp dụng từ thông số 54/TT của Bộ Quốc gia Giáo dục ngày 22/12/1951.

(14): Bộ giáo dục. Kiểm thảo công tác giáo dục năm 1953. Nguyễn Văn Huyên, Toàn tập, tập 3, Nxb GD, Hà Nội, tr 1069-1070, 1076-1077

(15): Nguyễn Văn Huyên… Sđ d, trang 1127.

(16): Nguyễn Văn Huyên, d, tr 1136-1137

(17: )Năm 1949, Hà Nội có Trường Albert Sarraut, cho trẻ con Pháp và một số ít trẻ con Việt Nam; Trường Chu Văn An cho học sinh Việt Nam, trường nữ học Trưng Vương cho nữ học sinh, và 4-5 trương tiểu học.. Trương tư thục có Trí Tri, Dũng Lạc, Hồng Bàng, Thăng Long, có hai ban Tiểu học và Trung học. Có 2 ngành học: Sơ học cấp tốc, 9 tháng cho học sinh từ 5 đến 18 tuổi và Tráng niên giáo dục, 4 thang cho người trên 18 tuổi. Ngoài ra còn có Trường Đại học Y khoa…Nam Định có 3 trường ở thành phố: Trường công (Ecole Muncipale), 450 học sinh, Lê Bảo Tịnh, 69 học sinh, Sacré Coeur, 200 học sinh. Huế do Nha học chính và văn hóa Trung phần quản lý, có trường Khải Định, Đồng Khánh. Tây Nguyên do Phòng học vụ, sau đổi thành Ty Thanh tra tiểu học kiêm bình dân học vụ Tây Nguyên quản lý. Darlac, Gia Lai mỗi tỉnh có 1 trường tiểu học, Kontum có 3 trường ở Komplong, Daglây, Cheo Reo.

(18): Ngày 9-1-1950 trở thành ngày học sinh, sinh viên toàn quốc.

(19): Năm 1949, Hà Tĩnh là tỉnh thanh toán nạn mù đầu tiên của cả nước. Riêng 4 tỉnh Liên khu V là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên có 314.587 người học BDHV, tại 17.073 lớp 22.115 giáo viên

(20): Bộ GD_ĐT (Trần Hồng Quân). 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945-1995), Nxb GD, Hà Nội, 1995, tr 310

(21): Như GS Ca Văn Thỉnh, Luật sư Vũ Đình Hòe, GS Đặng Thai Mai, GS.TS Nguyễn Văn Huyên, GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Thúc Hào, GS Nguyễn Xiển, GS Trần Đức Thảo, GS Trân Văn Giàu…

(22): Liên khu I: Có 5 trường với 759 học sinh; Liên khu II: Có 3 trường với 358 học sinh; Liên khu III: Có 6 trường với 2043 học sinh; Liên khu IV: Có 17 trường với 2271 học sinh; Liên khu V: Có 4 trường với 1104 học sinh. Cấp tiểu học, Liên khu I: có 987 trường (404 trường cơ bản) với 22 854 học sinh; Liên khu III có: 590 trườngvới 116 712 học sinh; Liên khu IV: có 713 trường, với 80 893 học sinh; Liên khu V: có 918 trường, với 70 014 học sinh; Liên khu X : có 247 trương, với 15 654 học sinh; Nam bộ có 2 873 trường, với 105 000 học sinh.

(23): Tại Hà Nội, các trường Đại học Y khoa, Dược khoa, Nha khoa, Cao đẳng Mỹ thuật, Cao đẳng công chính, Cao đẳng Canh nông, Thú y… được khai giảng

(24): Ngày 15-11-1945, lế khai giảng trường Đại học Việt Nam được tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Trương có 5 ban: Y khoa, Khoa học, Văn Khoa, Chính trị xã hội, Mỹ thuật. Ban Y khoa có các khoa Y học, Dược học, Nha học; Bam Khoa học có các khoa Toán, Lý, Hóa, Thiên nhiên học; BanMỹ thuật có Hội họa, Điêu khắc; Ban Chính trị xã hội (mới lập, thay Ban Luật học cũ) có Lớp Đặc biệt (dành cho sinh viên đã học ở Ban Luạt học cũ), lớp Thường, cho những đối tượng còn lại. Ban Văn khoa (mới lập), mục đích là để đào tạo một số giáo sư cho nền trung học, và đào tạo những người nghiên cứu cơ bản trong các ngành triết lý, xã hội, văn chương, sử ký, địa dư… Dự kiến sẽ mở thêm các mười khoa mới trong vài năm tới: Tiết lý, Xã hội và Nhân chủng, Văn chương, Sử ký, Địa dư…(Lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi lế khai giảng Trường Đại học quốc gia Việt Nam, 11-11-1945)

(25): Nguyễn Văn Huyên. Sđ d, tr 1071-1077.

(26): Ngang là Đảng, Nhà nước, xã hội, ngành giáo dục; dọc là Trung ương, địa phương (tỉnh, thành, quân, huyện) và cơ sở (xã, phường, cơ sở giáo dục).

 PGS.TS Ngô Đăng Tri - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   |