Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Khoa Quốc tế học Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, 10 năm xây dựng và phát triển
Khoa Quốc tế học chính thức được thành lập theo Quyết định số 436/TCCB ngày 21/10/1995 của Giám đốc ĐHQGHN. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ.

Đầu những năm 1990, trước nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế theo đường lối đổi mới của Đảng ta, ý tưởng xây dựng ngành Quốc tế học được hình thành. Năm 1993, Quốc tế học trở thành một ngành mới của Khoa Lịch sử. Hai năm sau, Khoa Quốc tế học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) - ĐHQGHN chính thức được thành lập theo Quyết định số 436/TCCB ngày 21/10/1995 của Giám đốc ĐHQGHN.

Đây là một ngành học mới ở Việt Nam. Việc xây dựng một ngành đào tạo mới trong điều kiện đất nước mở cửa, hợp tác quốc tế mở rộng và phù hợp với chủ trương xây dựng một đại học đa ngành, đa lĩnh vực của Trường ĐHKHXH&NV là điều kiện thuận lợi cơ bản đối với Khoa Quốc tế học.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng ngành học mới này gặp không ít những khó khăn như đội ngũ cán bộ còn ít, chương trình, giáo trình và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn nhiều bất cập, quan niệm thế nào là quốc tế học còn rất khác nhau...

Vượt lên những khó khăn nói trên, Khoa Quốc tế học đã nỗ lực không ngừng, sau 10 năm xây dựng đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ.

 Công việc đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Khoa là đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn không ngừng được nâng cao và bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm nhận giảng dạy gần như tất cả các môn học trong chương trình. Từ 5 cán bộ ban đầu, đến nay Khoa có 17 cán bộ trong đó có 1 giáo sư - nhà giáo nhân dân, 1 tiến sĩ khoa học, 3 tiến sĩ, 9 thạc sĩ làm việc tại 3 bộ môn là Quan hệ quốc tế, Châu Âu học và Châu Mỹ học.

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo một ngành học mới, Khoa Quốc tế học đã từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo. Từ một chương trình đào tạo chưa phân ngành ở giai đoạn đầu, năm học 2002-2003 chương trình đào tạo được điều chỉnh theo hướng chuyên ngành gồm Quan hệ quốc tế và Khu vực học.

Đến nay chương trình đào tạo của Khoa gồm 3 chuyên ngành là Quan hệ quốc tế, Châu Âu học và Châu Mỹ học. Cùng với việc hoàn thành xây dựng chương trình, đã và đang xây dựng hệ thống giáo trình và bài giảng các môn cơ sở và chuyên ngành, cung cấp nguồn tài liệu cần thiết cho sinh viên học tập.

Phương pháp đào tạo theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên được quan tâm. Các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy như overhead, projector, video… được chú ý sử dụng, tạo ra sự hứng thú cho sinh viên.

Trong 10 năm qua, Khoa đã đào tạo được 1.306 sinh viên hệ chính quy, trong đó có 925 sinh viên đã ra trường; 530 sinh viên hệ tại chức. Sinh viên tốt nghiệp của Khoa Quốc tế học công tác trong nhiều lĩnh vực hoạt động của đất nước, đặc biệt là trong các cơ quan đối ngoại, thông tấn, các cơ sở doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang phát huy tốt những kiến thức cơ bản được trang bị trong trường.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân, Khoa đã khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế. Chương trình đã được ĐHQGHN phê duyệt tháng 5/2004 và đã tuyển sinh được 2 khóa gồm 47 sinh viên.

Bên cạnh công tác đào tạo, ngay từ khi được thành lập, Khoa đã coi trọng công tác nghiên cứu khoa học với định hướng nghiên cứu phục vụ đào tạo và hội nhập quốc tế. Mười năm qua, cán bộ của Khoa thực hiện 27 đề tài nghiên cứu Khoa học, trong đó tham gia 6 đề tài cấp nhà nước, chủ trì 19 đề tài cấp ĐHQG hoặc cấp bộ, 12 đề tài nghiên cứu cấp trường. Đã tổ chức 8 hội nghị, hội thảo trong đó có 6 hội thảo khoa học quốc tế dưới sự chủ trì của trường ĐHKHXH&NV. 147 công trình, bài báo của cán bộ trong Khoa đã được công bố, trong đó có 12 bài đăng trên tạp chí nước ngoài. Hoạt động khoa học của sinh viên được chú ý và duy trì đều đặn. Khoa đã tổ chức 9 hội nghị khoa học sinh viên với hơn 400 báo cáo. 4 sinh viên của Khoa đã giành được giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN và cấp bộ, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì.

Các đề tài nghiên cứu khoa học của Khoa tập trung vào 2 mảng lớn là nghiên cứu phục vụ đào tạo và hội nhập quốc tế. Các đề tài nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu, quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh hoặc các vấn đề khu vực như NAFTA và kinh tế Mỹ, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đặc trưng văn hoá Mỹ, chính sách đối ngoại chung của Liên minh Châu Âu, đặc trưng văn hóa Châu Âu, đời sống văn hóa Đức đương đại, khối Liên hiệp Anh… đã phục vụ đắc lực cho việc biên soạn bài giảng chuyên ngành, nâng cao chất lượng đào tạo. Đề tài trọng điểm “Quan hệ Việt Nam - ASEAN” cùng với nhiều bài viết về khu vực Đông Nam Á và Đông Á và các bài viết về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có liên quan đến Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả nghiên cứu cũng đã được công bố trong một số cuốn sách như “Toàn cầu hoá và tác động đối với sự hội nhập của Việt Nam (2003), “Việt Nam - ASEAN: Quan hệ đa phương và song phương” (2004), “Việt Nam và tiến trình gia nhập WTO” (2004).

Một trong những thành tựu đáng ghi nhận của Khoa Quốc tế học trong 10 năm qua là đã xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Các giáo sư, các nhà khoa học của nhiều viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam như Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện kinh tế và chính trị quốc tế, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh… đã nhận lời mời đến giảng dạy, tham gia nghiên cứu, tham gia hội thảo và các hoạt động khác của Khoa. Nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Trịnh Xuân Lãng đã viết đề cương môn Hoa Kỳ học và trực tiếp giảng dạy cho sinh viên của Khoa trong nhiều năm. Đặc biệt phải kể đến quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ môn Quan hệ Quốc tế ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM và Khoa Quốc tế học Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN trong việc thực hiện Dự án do Quỹ Ford tài trợ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hệ cử nhân ngành Quan hệ quốc tế ở Việt Nam.

Trong công tác hợp tác quốc tế, Khoa luôn luôn chủ động trong việc xây dựng các chương trình hợp tác. Đến nay, Khoa Quốc tế học đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy và có hiệu quả với nhiều đối tác lớn, có uy tín trên phạm vi toàn cầu. Đó là Quỹ Ford, Quỹ Châu Á, Chương trình Fulbright, Đại học Oregon, Đại học California (Hoa Kỳ); Phái đoàn của Uỷ ban Châu Âu; Quỹ Konrad Adenauer; Hiệp hội hợp tác kỹ thuật CHLB Đức (GTZ); Tổ chức trao đổi học thuật Đức (DAAD), Đại học Humbolt, Đại học Pasau, Đại học Bochum, Đại học J. Guttenberg- Mainz (CHLB Đức) và nhiều tổ chức, trường đại học khác trên thế giới cũng như các đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam.

Có thể kể một vài ví dụ như khoản tài trợ 550.000 USD của Quỹ Ford dành cho việc đào tạo 6 thạc sĩ và xây dựng chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hệ cử nhân ngành quan hệ quốc tế; Quỹ Châu Á tài trợ 400.000 USD để đào tạo 3 cán bộ, xây dựng chương trình đào tạo và xây dựng phòng tư liệu về Hoa Kỳ. Từ năm 2001 đến nay Quỹ Konrad Adenauer mỗi năm tài trợ khoảng 9.000 - 10.000 Euro cho việc nghiên cứu và tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế về các chủ đề kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Một số hội thảo quốc tế do Khoa Quốc tế học tổ chức dưới sự chủ trì của Trường ĐHKHXH&NV như Kinh tế thị trường xã hội (2001), Toàn cầu hoá và tác động đối với sự hội nhập của Việt Nam (2002), Tiếp cận nghiên cứu Hoa Kỳ học và kinh nghiệm đối với Việt Nam (2003), Việt Nam và tiến trình gia nhập WTO (2004), Bước phát triển mới trong quan hệ Việt - Đức (2005), Hướng tới Cộng đồng Đông Á - cơ hội và thách thức (2005) đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các học giả trong và ngoài nước.

 Còn nhiều hoạt động hợp tác quốc tế khác như tham dự hội nghị, hội thảo, các khóa nâng cao trình độ cho cán bộ và sinh viên trong Khoa và các chuyên đề, bài giảng của các giáo sư nước ngoài tại Khoa… Cùng với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, công tác hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức hoạt động khoa học cho cán bộ và nâng cao vị thế của Khoa.

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Khoa Quốc tế học không ngừng lớn mạnh, trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu các vấn đề quốc tế được nhiều người biết đến. Những thành tích của Khoa đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận. Nhiều năm Khoa được Trường ĐHKHXH&NV và ĐHQGHN công nhận là tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc, Chi bộ trong sạch vững mạnh và tặng giấy khen, bằng khen. Năm học 2004 - 2005 Khoa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhiều cán bộ của Khoa đã được tặng những danh hiệu và phần thưởng cao quý trong đó có 1 nhà giáo nhân dân, 1 Huân chương Lao động hạng nhì, 1 Huân chương Lao động hạng nhất và 6 bằng khen của ĐHQGHN.

Những thành tích 10 năm qua của Khoa Quốc tế học là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ và sinh viên toàn Khoa. Những thành tích đó gắn liền với sự quan tâm lãnh đạo của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, sự giúp đỡ của các đơn vị bạn và sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác của các cơ quan, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Nhân dịp này Khoa Quốc tế học xin bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả sự quan tâm, giúp đỡ quý báu và sự hợp tác có hiệu quả đó và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác trong chặng đường đi tới của Khoa.

 Khoa Quốc tế học - ĐHKHXH&NV
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :