Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Trung tâm Thực nghiệm Giáo dục Sinh thái và Môi trường Ba Vì - 20 năm, một chặng đường nhìn lại
Trung tâm thực nghiệm Giáo dục Sinh thái và Môi trường Ba Vì (gọi tắt là Trung tâm Ba Vì) là đơn vị phục vụ thuộc ĐHQGHN. Trung tâm được xây dựng trên mảnh đất ở chân sườn phía đông của núi Ba Vì - một khối núi có 3 đỉnh cao trên 1.100m.

Với những nét đặc trưng về cấu trúc địa chất - khoáng sản, tính độc đáo về địa hình tạo nên sự phân hoá khí hậu theo đai cao, sự đa dạng về cảnh quan sơn thủy hữu tình với các đỉnh núi cao soi bóng xuống dòng sông Đà, với một hệ sinh thái rừng nhiệt đới điển hình, là nơi có nhiều sắc màu văn hóa truyền thống của đông đảo các dân tộc sống quanh núi Ba Vì là địa bàn lý tưởng cho việc thực tập, thực nghiệm phục vụ mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của ĐHQGHN.

Quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm Ba Vì gắn liền với sự biến đổi địa lý hành chính của thủ đô Hà Nội và tổ chức của Bộ GD&ĐT. Trong những năm từ 1978 đến 1991, huyện Ba Vì và một số huyện, thị xã khác của tỉnh Hà Tây được nhập vào thủ đô Hà Nội. Vùng núi Ba Vì trước đó đã bị nhân dân từ nhiều nơi khai thác quá mức và không có quy hoạch, nhiều khu rừng bị tàn phá để lộ ra những khoảng đất trống đồi trọc như những vết sẹo loang lổ. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Bộ Giáo dục có chủ trương tổ chức cho học sinh các trường phổ thông tới các vùng đồi núi trồng cây gây rừng. Với mục tiêu này, Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp Lâm nghiệp - tiền thân của Trung tâm Thực nghiệm Sinh thái và Môi trường Ba Vì hiện nay được thành lập (Quyết định số 908/QĐ-TC do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ngày 8/4/1985). Theo quyết định này, Trung tâm là một đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục Hà Nội, có các nhiệm vụ chính là: Tổ chức thực hiện giáo dục hướng nghiệp lâm nghiệp cho học sinh THPT thành phố Hà Nội; Kết hợp giáo dục hướng nghiệp lâm nghiệp với trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc Ba Vì; Xây dựng một vườn thực vật như một điểm lâm sinh cho các giáo viên và học sinh các trường tới thực tập, thực nghiệm; xây dựng và chế biến lâm sản phục vụ đồ dùng cho các trường học tại Hà Nội.

Từ năm 1992, theo quy hoạch mới của thủ đô Hà Nội, vùng đất Ba Vì không thuộc Hà Nội nữa mà trở lại với tỉnh Hà Tây. Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp Lâm nghiệp cũng được chuyển về dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT.

Nhận thức được vị thế đặc biệt của vùng đồi núi Ba Vì đối với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, ngay từ khi thành lập, theo Quyết định số 364/TCCB ngày 8/9/1005, ĐHQGHN đã tiếp nhận Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp Lâm nghiệp từ Bộ GD&ĐT. Với chức năng nhiệm vụ mới của một đơn vị phục vụ, theo quyết định số 1335/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN ngày 12/10/1999, Trung tâm đã được đổi tên là Trung tâm Thực nghiệm Giáo dục Sinh thái và Môi trường Ba Vì. Trung tâm Ba Vì có nhiệm vụ:

 + Phối hợp cùng với các đơn vị trong ĐHQGHN nghiên cứu, xây dựng dự án cho những cơ sở thực nghiệm và nghiên cứu khoa học về các các lĩnh vực có thế mạnh tại khu vực Ba Vì như: Khoa học về Trái đất, Sinh học, Môi trường; các dự án sản xuất thực nghiệm về sinh thái và môi trường .

 + Tổ chức quản lý bảo vệ, chăm sóc và bảo quản các tài sản hiện có trên khu đất do Trung tâm quản lý như: đất đai, cây trồng, công sở, cơ sở hạ tầng kỹ thuật,....

 + Tổ chức dịch vụ đón tiếp và phục vụ các đoàn thực tập, thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, các hội nghị, hội thảo trong và ngoài ĐHQGHN.

Sau 20 mươi năm xây dựng và phát triển, cùng với những biến đổi lớn lao của đất nước, Trung tâm Ba Vì cũng gặp nhiều khó khăn, song Trung tâm đã khắc phục được và đạt được những thành tích rất đáng tự hào.

Trong những năm đầu mới thành lập, Trung tâm Ba Vì được UBND thành phố Hà Nội giao cho quản lý 650 ha đất tại sườn Đông của núi Ba Vì, từ cốt 400 đến dưới cốt 100m. Đồng thời với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung tâm đã thống nhất kế hoạch với Sở Giáo dục Hà Nội, Sở Lâm nghiệp Hà Nội và phối hợp với các trường THPT tại Hà Nội tới hoạt động hướng nghiệp và trồng cây gây rừng. Hàng năm Trung tâm tổ chức đón tiếp từ 20 - 25 trường, mỗi trường từ 100 - 120 học sinh, 5 - 10 giáo viên trong thời gian 1 tuần. Tại Trung tâm, học sinh được cán bộ, giáo viên của Trung tâm giảng dạy những kiến thức về lâm nghiệp, bảo vệ môi trường; được giáo viên, công nhân kỹ thuật hướng dẫn thực hành, hướng dẫn các kỹ năng làm đất, phát dọn thực bì, gieo ươm cây, trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng,...

Kiên trì sự nghiệp “trồng cây để trồng người”, từ năm 1985 đến 1995, Trung tâm đã đón hàng vạn lượt học sinh, hàng nghìn lượt cán bộ giáo viên từ các trường phổ thông trung học ở Hà Nội tới hoạt động giáo dục hướng nghiệp lâm nghiệp trồng cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại núi Ba Vì. Kết quả của công tác này thật lớn lao, hàng chục triệu cây giống các loại như keo lá tràm, bạch đàn, keo tai tượng, cây gió,... đã được gieo ươm, gần 350 ha đất trồng từ núi Ba Vì từ cốt 400 trở xuống đã được phủ xanh. Ngoài việc các em phải nếm trải những khó khăn thử thách như vượt suối, trèo đèo, gai đâm, vắt cắn, mưa dầm gió bấc, tại Trung tâm, các em học sinh còn được nhà trường phối hợp với Trung tâm tổ chức các hoạt động giáo dục, giúp các em rèn luyện phấn đấu tốt hơn như tìm hiểu về Đoàn, tổ chức kết nạp Đoàn, tổ chức hội thảo trao đổi phương pháp học tập, tổ chức các trò chơi giải trí, thể dục thể thao, thăm quan, cắm trại,... Những hoạt động này đã góp phần không nhỏ cho quá trình giáo dục toàn diện của học sinh. Cũng qua những đợt tới Trung tâm Ba Vì, các em đã có nhiều kỷ niệm, những dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời học sinh và đã có không ít em đã có những bước ngoặt trong cách nhìn nhận, ứng xử với bạn bè, với người dân lao động, nhân cách sống, tình cảm của các em được nâng lên. Nhiều học sinh đã được định hướng trong việc lựa chọn ngành nghề cho bước đường học tập tiếp theo của mình.

Với lợi thế về vị trí địa lý, với những kinh nghiệm trong công tác giáo dục hướng nghiệp được tích luỹ trong 10 năm dưới sự quản lý của Sở Giáo dục Hà Nội và Bộ GD&ĐT, ngay từ khi mới được chuyển về ĐHQGHN, Trung tâm đã được đón tiếp nhiều đoàn tới nghiên cứu, thực tập. Từ những năm 1996 - 1996, dưới sự chỉ đạo của Ban Đào tạo, Trung tâm đã phối hợp với cán bộ giảng dạy của các bộ môn, khoa của nhiều trường đại học thuộc ĐHQGHN tiến hành khảo sát, xây dựng dự án thực nghiệm, thực tập cho sinh viên các ngành thuộc khối Khoa học Trái đất, Sinh học, Môi trường,...

Cơ chế hoạt động của Trung tâm trong thời kỳ này là căn cứ vào nhu cầu thực tập, thực hành cũng như nhu cầu trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học của các khoa, các trường và các đơn vị trong ĐHQGHN để xây dựng các kế hoạch tổ chức đón tiếp. Trong những năm qua Trung tâm đã đón tiếp và phục vụ hàng trăm lượt với hàng nghìn cán bộ, giảng viên, sinh viên của các khoa đến thực tập, tham quan, hội thảo. Cùng với các hoạt động thực tập, thực nghiệm, Trung tâm còn đón tiếp nhiều đoàn các nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy, các giáo sư tới nghiên cứu, khảo sát tại vùng núi Ba Vì. Với cảnh quan môi trường xanh, sạch và đặc biệt là đội ngũ những người phục vụ tận tâm, nhiệt tình, có trách nhiệm, Trung tâm thường xuyên là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo của các đơn vị thuộc ĐHQGHN.

Điều kiện và khả năng phục vụ của Trung tâm Ba Vì cũng được nhiều trường đại học, trung học trong cả nước ghi nhận. Trong thời gian qua, Trung tâm đã đón tiếp và tổ chức thực tập cho nhiều đơn vị đào tạo của các trường đại học như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Xuân Hoà, Đại học Hải Phòng, Đại học Nông nghiệp I, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên,... Ngoài việc tạo nguồn thu bổ sung cho đơn vị, việc đón tiếp các đoàn này còn là dịp để các cán bộ giáo viên, sinh viên thuộc các đơn vị khác có thêm những hiểu biết về ĐHQGHN.

Một trong những nội dung hoạt động được Trung tâm đặc biệt quan tâm là việc phối hợp với các đoàn sinh viên nước ngoài tới thực tập, giao lưu văn hoá. Trong những năm qua, đã có nhiều đoàn học sinh, sinh viên quốc tế như sinh viên Singapore, học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản tới giao lưu văn hoá, lao động tình nguyện tại Trung tâm và các địa phương lân cận. Sự hợp tác này đã góp phần tạo mối quan hệ tốt giữa Trung tâm với địa phương, đồng thời qua đó cũng đóng góp xây dựng cho các xã miền núi của huyện Ba Vì được một cụm trường mẫu giáo, một số nhà văn hoá, trạm xá tại xã Khánh Thượng và các xã lân cận.

Để nâng cao chất lượng của công tác phục vụ, Trung tâm đã thường xuyên chú ý tới việc quản lý, tu bổ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Trung tâm có hội trường thoáng mát với 150 chỗ ngồi, nhiều phòng nghỉ khép kín, 3 nhà sàn với hệ thống điện nước hợp lý. Mặc dù chưa thật khang trang, đầy đủ, song cho tới nay Trung tâm Ba Vì đã có đủ khả năng để đón tiếp, phục vụ và tổ chức đồng thời cho trên 400 sinh viên tới thực tập, tham quan. Trong điều kiện chưa xây dựng được mô hình thực tập tại chỗ, Trung tâm đã liên kết với các tổ chức kinh tế, các đơn vị nghiên cứu, các nông trường, trại thí nghiệm cũng như các cơ sở du lịch sinh thái, các trung tâm văn hoá, danh lam thắng cảnh ở vùng phụ cận để tổ chức cho sinh viên tới thực tập.

Với những thành tích đã đạt được, trong 20 năm qua Trung tâm Ba Vì đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lâm nghiệp và nhiều bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN trong những năm học gần đây.

*

Để định hướng cho các hoạt động trong thời kỳ mới, Trung tâm Ba Vì đã xác định được những thuận lợi chủ yếu là: Tập thể cán bộ, công chức của Trung tâm có tinh thần đoàn kết nội bộ cao; sự thẳng thắn, công tâm, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc của cán bộ, công chức, của lãnh đạo các đoàn thể; Trung tâm hiện có một cơ sở hạ tầng chưa thật đầy đủ song bước đầu đã đáp ứng được sự phát triển, diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng (số đỏ); Vị thế địa lý của vùng núi Ba Vì trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ngày càng được khẳng định và cơ hội được đón tiếp các đoàn tới thực tập, nghiên cứu, hội nghị,... ngày càng tăng; Được sự quan tâm chỉ đạo, động viên của Thường vụ Đảng uỷ, Ban giám đốc và lãnh đạo các đoàn thể, các ban, các đơn vị thành viên của ĐHQGHN.

 Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Trung tâm cũng có một số khó khăn nhất định. Mặc dù khu đất của Trung tâm đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song diện tích đất còn lại không nhiều so với trước đây, đặc biệt là không còn tính đa dạng về cảnh quan nên việc định hướng cho các dự án xây dựng cơ sở thực nghiệm giáo dục bị hạn chế. Cơ sở hạ tầng hiện tại của Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu cho việc tổ chức hội thảo (phòng hội thảo hiện đã xuống cấp và còn thiếu trang thiết bị,...). Về nhân lực, Trung tâm chưa có cán bộ chuyên môn về sinh thái và môi trường để làm công tác điều tra, nghiên cứu tiềm năng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội tại khu vực xung quanh vùng núi Ba Vì, làm cơ sở cho việc đề xuất các dự án về cơ sở thực tập cho sinh viên theo nhiệm vụ đã được giao. Trung tâm chưa thực sự có sự giới thiệu, quảng bá rộng rãi cho các đơn vị, các nhà quản lý, các thầy cô giáo ở các đơn vị thuộc ĐHQGHN thấy được những thế mạnh của mình.

Trong điều kiện mới của ĐHQGHN là đến năm 2008 sẽ có một số đơn vị chuyển lên cơ sở mới tại Hoà Lạc, Trung tâm Ba Vì phải có những định hướng mới, phù hợp với điều kiện thực tế mới có thể phát huy đầy đủ những thế mạnh của mình.

Mục tiêu chung của Trung tâm là tập trung nguồn lực, trí tuệ, xây dựng Trung tâm Ba Vì thành đơn vị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng đa ngành, chất lượng cao, có uy tín, thu hút được nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài ĐHQGHN tới thực tập, hội thảo, và có quy mô tương xứng với các đơn vị phục vụ khác của ĐHQGHN.

*

20 năm xây dựng và phát triển, những thành tích đạt được chưa thật nhiều, song với truyền thống, kinh nghiệm và sự hỗ trợ của Ban giám đốc, của các đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN, Trung tâm Ba Vì sẽ tiếp tục phát huy, tìm tòi hướng đi đúng đắn để vươn lên, góp phần vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của ĐHQGHN.

 PGS.TS Đặng Văn Bào
Giám đốc TT TNGDST&MT Ba Vì
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :