Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Thử tìm một quy trình hợp lí trong công tác đào tạo người làm báo
(Bài đã đăng trên tạp chí "Người làm báo", tác giả - nhà báo nhà giáo Trần Quang đã đọc lại và sửa chữa thêm. Trang thông tin điện tử của Đại học Quốc gia Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả)

Cơ sở vật chất, hệ thống giáo trình, sĩ số lớp học và phương pháp giảng dạy quyết định hiệu quả đào tạo.

Từ diễn đàn của cuộc Hội thảo về công tác đào tạo người làm báo, với tư cách là một cán bộ giảng dạy, chúng ta có thể nói một cách tự tin, rằng trong những năm qua, các cơ sở đào tạo người làm báo ở Việt Nam đã làm được nhiều việc đáng trân trọng. Tuy nhiên, hiện nay trên các diễn đàn công luận vẫn vang lên lời hiêu triệu “đổi mới phương pháp giảng dạy”. Nhiều ý kiến đã đòi hỏi gay gắt sự cần thiết đổi mới này vì , theo cách so sánh phương pháp đào tạo của chúng ta với thế giới hiện đại thì chúng ta đã quá lạc hậu và lỗi thời. Chỉ nói riêng trong ngành báo chí, không ít cơ quan tuyển dụng phàn nàn rằng sinh viên báo chí ra trường chưa có khả năng tác nghiệp theo yêu cầu của báo chí hiện đại, hầu hết cần phải đào tạo lại.

Nhà báo, nhà giáo
Trần Quang

Vì thế, đổi mới công tác đào tạo là công việc cần thiết. Nhưng đổi mới phương pháp đào tạo phải tiến hành ra sao, bắt đầu từ những công việc cụ thể nào? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và phải tìm được giải pháp thích hợp thì mới mang lại hiệu quả. Do tính chất và mục tiêu đào tạo cho từng ngành nghề có nhiều điểm rất khác nhau, chúng tôi không thể trình bày một phương pháp có tính chất khái quát để áp dụng cho tất cả. Vì thế, ở đây chúng tôi chỉ trình bày ý kiến của mình về một ngành nghề cụ thể: ngành báo chí.

Tôi quan niệm là công tác đào tạo bao gồm sự tổng hợp của nhiều yếu tố như hệ thống giáo trình, sách tham khảo, giảng đường, công cụ dạy học, công tác quản lý, tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy và hệ thống chương trình. Thông thường, trong quan niệm của công luận thì phương pháp giảng dạy được coi là yếu tố quyết định cho hiệu quả đào tạo. Và khi nói đến đổi mới phương pháp đào tạo, dường như đồng nghĩa với đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng phương pháp giảng dạy lại phụ thuộc rất nhiều và gần như bị chi phối triệt để bởi các yếu tố khác như đã nêu trên. Nếu chỉ là phương pháp giảng dạy hiểu theo nghĩa là cách thức truyền đạt tri thức cho sinh viên, làm sao để người học tiếp nhận dễ dàng, chắc chắn, thì có lẽ chúng ta không có nhiều chuyện để bàn bạc. Vì đó là công việc hàng ngày của giáo viên. Khi giảng bài, tuỳ vào đối tượng tiếp nhận, giáo viên có thể thay đổi ngay lập tức cách thức truyền đạt. Một yêu cầu duy nhất để dạy tốt là tri thức về lý thuyết và năng lực thực hành của giáo viên. Vì thế cần phải hiểu phương pháp đào tạo theo nghĩa rộng hơn.

Sinh viên khoa Báo chí được dự một phiên họp Quốc hội tại khu vực dành riêng cho các nhà báo

Muốn đổi mới phương pháp đào tạo, trước hết phải đổi mới chương trình. Chúng ta cần dạy cho sinh viên những gì họ cần, có nghĩa là các đơn vị sản xuất đang cần chứ không thể dạy những gì chúng ta đang có. Vì những thứ chúng ta đang có, rất có thể đó là những thứ đã lạc hậu so với nhu cầu của xã hội. Muốn khắc phục điều này, Nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên học và tự học, tự nghiên cứu. Tôi nhấn mạnh vấn đề tự học, tự nghiên cứu của giáo viên vì đây là cách tốt nhất để giáo viên có thể hiểu biết sâu các chuyên ngành mà họ đảm nhiệm. Hiện nay giáo viên của chúng ta, có nhiều người đang ở trong tình trạng hiểu biết chung chung, cái gì cũng nói được, nhưng không làm được đến nơi đến chốn, thậm chí có người không tác nghiệp được bằng chuyên môn của mình.

Về học viên, nhiều người đã từng làm báo lâu năm, khi vào học cao học, họ muốn nâng cao tay nghề, nhưng lại phải học tất cả mọi cái, kể cả những thứ mà trong công việc trước đó họ không cần và sau khi học họ cũng không cần. Ví dụ: có người đã làm ở tạp chí lâu năm rồi, họ cũng không có ý định thay đổi nghề nghiệp sau khi đã có bằng thạc sĩ, nhưng khi học cao học, họ phải học truyền hình, phát thanh...trong khi phần chuyên môn sâu của họ lại không được huấn luyện kĩ càng hơn những gì họ đã biết. Đó là sự lãng phí thời gian và sức lực mà không hề mang lại hiệu quả.

Và rất vinh dự khi được chụp ảnh với Thầy giáo của mình là Đại biểu Quốc hội (GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội chuyên trách của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, nguyên phó hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV)

Để có một chương trình đào tạo tốt, cần kiên quyết loại bỏ những gì sinh viên đã từng học ở trường phổ thông nếu ở bậc đại học không được học nhiều hơn, sâu hơn, rộng hơn. Hãy dồn hết những giờ dạy vô bổ đó cho việc đào tạo chuyên ngành.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là khi đào tạo chuyên ngành, không thể dạy chung cho cả lớp hàng trăm người (đã có lớp học chuyên ngành ở thời điểm đông nhất là 130 người, còn hiện nay, trung bình mỗi lớp có từ 89 đến trên 100 sinh viên). Trong khi đó theo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài khi trao đổi về phương pháp đào tạo là: nếu lớp học chuyên ngành vượt quá 15 người thì kém hiệu quả, nếu lớp học chuyên ngành có đến 30 người thì học cũng như không. Tôi mong chờ ở các nhà quản lý đào tạo là ở giai đoạn 2 - giai đoạn đào tạo chuyên ngành, hãy chỉ đạo để khoa báo chí phân thành các chuyên ngành hẹp như phát thanh - truyền hình, báo in và báo ảnh, xuất bản, báo trực tuyến. Nếu phân chuyên ngành như vậy, chắc chắn công tác đào tạo sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Việc này có liên quan đến lợi ích của người học, danh dự và uy tín của Nhà trường.

Khi đã có chương trình tốt rồi thì một vấn đề liên quan trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo là cơ sở vật chất, kĩ thuật. Các nhà quản lí cần phải có cái nhìn chính xác về vấn đề này. Cần phải hiểu được rằng: để đào tạo ra các nhà báo thực thụ thì khoa Báo chí phải có trang thiết bị, tuy số lượng ít hơn, nhưng chất lượng và tính hiện đại của công nghệ, phải bằng tổng số trang thiết bị của đài truyền hình, đài phát thanh, trung tâm nghe nhìn, nhà xuất bản và toà soạn báo in cộng lại. Chúng ta không thể dạy cho học sinh cày bằng chiếc cày chìa vôi để khi ra trường các đơn vị sản xuất giao cho họ sử dụng một chiếc máy cày bừa gặt đập liên hiệp. Thế mà hiện nay ở khoa báo chí, như chuyên ngành báo in và báo trực tuyến thì chiếc "cày chìa vôi" cũng chưa có.

Sinh viên khoa Báo chí trước phòng truyền thống của Quốc hội

Trên đây là những vấn đề về chương trình và cơ sở vật chất, kĩ thuật. Khi đã có các yếu tố nói trên thì vấn đề có thể trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo là huấn luyện tay nghề.

Sau khi sinh viên đã được trang bị tương đối đầy đủ về khối kiến thức cơ bản và cơ sở, một quy trình đào tạo chuyên ngành nên được thực hiện qua mấy bước như sau:

Bước thứ nhất: Giáo viên phải dành thời gian cho việc giảng dạy lí thuyết và thực hành tại lớp. Phần lí thuyết cần cung cấp cho học viên đặc điểm của từng thể loại.Phương pháp tìm kiếm thông tin, nhận thức chính xác loại tin tức nào phù hợp với báo chí... Giáo viên phải lựa chọn những tác phẩm báo chí điển hình để phân tích, và qua đó, chỉ ra các đặc điểm của từng thể loại. Giai đoạn này phải chọn được cả những bài tốt nhất và những bài tồi nhất trên báo chí để học viên thấy được thế nào là một bài báo tốt và thế nào là bài báo chưa đạt yêu cầu. Giáo viên phải hướng dẫn cho học viên cách thức lập luận, cách thức tạo lập và liên kết văn bản, nghĩa là phải ghép nối các modulus thành một bài báo hoàn chỉnh.

Bước thứ hai: Cung cấp một số dữ liệu (có thể lấy ngay các dữ liệu trên báo chí, bóc tách các dữ liệu thành những đơn vị thông tin độc lập) rồi yêu cầu học viên áp dụng phần lí thuyết đã được học để viết thành bài báo theo những quy tắc thể loại. Có thể cùng một lượng dữ liệu nhưng yêu cầu học viên viết thành những bài báo thuộc các thể loại khác nhau. Cũng có thể giao cho học viên một tập tư liệu dày 20 trang hoặc hơn, rồi yêu cầu họ đọc và viết một bản tin 300 từ. Sau khi họ đã thành thục về thể loại, nghĩa là nếu có tư liệu họ có thể nhanh chóng tạo lập văn bản theo thể loại một cách dễ dàng. Cần phải thấy rằng, học viên có hai loại: đã từng làm báo và chưa từng làm báo. Với những người đã từng làm báo thì chỉ hướng dẫn lí thuyết thể loại rồi bỏ qua bước thực hành tại lớp. Còn học viên là người chưa từng làm báo, đặc biệt và đa số là sinh viên mới từ trường phổ thông vào đại học nên không thể bỏ qua quy trình này. Nếu chỉ giới thiệu qua loa về lí thuyết rồi "ném" họ ra cuộc sống thì những lần đầu tiên họ sẽ mang về một mớ tư liệu đủ các chủng loại và giáo viên sẽ cực kì vất vả với hàng trăm tập tư liệu như thế. Nếu lớp học chỉ 15 người như cách đào tạo của người Pháp thì giáo viên có thể làm việc với từng người hoặc cả nhóm, nhưng khi lớp lên đến 130 người thì chắc giáo viên chỉ giơ tay lên trời mà rằng...tôi bất lực.

Bước thứ ba: Ra đề và để học viên đi vào thực tế cuộc sống, tự tìm tư liệu, tự viết bài. Sau đó, giáo viên chỉ cho họ thấy những chỗ yếu kém trong bài của họ để họ tự sửa chữa. Cách làm này có nghĩa là tự học có hướng dẫn. Mỗi lần như vậy, học viên sẽ nhận ra nhược điểm của mình và "vứt hết những rác rưởi trong bài của họ". Lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, mỗi lần viết bài là một lần họ tránh được cái sai của lần trước. Đến khi ra trường thì những sai sót thường có đã được để lại phía sau, trong cuộc đời sinh viên của họ. Bấy giờ, họ đã là một nhà báo trẻ và tương đối thành thạo trong các thao tác nghiệp vụ. Thời kì học viên thâm nhập cuộc sống, phát hiện vấn đề và viết bài cũng chính là thời kì giáo viên sẽ huấn luyện cho họ những vấn đề liên quan đến tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và tất cả những nội dung liên quan đến nghề báo. Những bài học này thường thông qua tác phẩm của họ nên dễ nhớ, dễ áp dụng. Nếu công đoạn này được áp dụng liên tục trong cả quá trình học thì kĩ năng tác nghiệp của học viên sẽ được nâng lên nhanh chóng.

Bước cuối cùng: Giáo viên chia học viên thành từng nhóm, tương đương với biên chế "cứng" của một toà soạn. Mỗi nhóm như thế trong một thời gian nhất định phải phát hành một tờ báo (hay một chương trình truyền hình, phát thanh...) đúng tiêu chuẩn. Đây là một công đoạn đặc biệt quan trọng. Học viên phải làm việc như một nhà báo thực thụ. Thời kì này các thành viên của nhóm phải phân công nhau làm việc theo quy chế của toà soạn, có Tổng biên tập, có Thư kí toà soạn, có phóng viên ảnh, phóng viên tin tức và những người chịu trách nhiệm về các mảng đề tài...Cơ cấu này sẽ thay đổi theo từng số báo (hay chương trình phát thanh, truyền hình). Họ phải huy động toàn bộ kiến thức đã học trong nhà trường và những gì họ tiếp nhận được từ thực tế cuộc sống như triết học, luật pháp, ngôn ngữ, tâm lí học, xã hội học, kĩ thuật quay phim, nhiếp ảnh, tổ chức trang báo hay chương trình phát thanh, truyền hình v.v.. để sản xuất chương trình. Vì chỉ có tối đa là 15 người/nhóm nhưng phải phát hành một tờ báo, không thể để khoảng trống trên báo vì thiếu bài nên cường độ làm việc thường là vất vả hơn các phóng viên ở các toà soạn. Đây là thời kì vất vả nhất của học viên trong cả quá trình học. Vì quá bận rộn, nếu thiếu cố gắng, báo sẽ ra chậm nên nhiều người nghĩ ra cách gian lận là lấy bài cũ ở đâu đó để in cho kín trang báo của nhóm. Đây cũng là thời kì giáo viên vất vả nhất vì phải dõi theo và chỉ dẫn từng chi tiết trong quá trình tác nghiệp của sinh viên nên không thể làm việc theo giờ hành chính mà phải làm việc nhiều hơn giờ quy định trong thời khoá biểu nhiều lần. Sau khi đã được huấn luyện nghiệp vụ theo quy trình này, ra trường, nếu là học viên loại giỏi, họ không chỉ làm tốt công việc phóng viên mà còn làm được tất cả mọi công việc khác ở một cơ quan báo chí, kể cả thay thế Tổng biên tập để tổ chức sản xuất chương trình khi cần.

Ngoài được trang bị về "Tư duy và phương pháp luận" của người làm báo thì còn phải có "súng ống xịn"

Điều cuối cùng chúng ta cần quan tâm là: lòng nhiệt tình, sự tận tâm, trách nhiệm xã hội của một nhà giáo luôn luôn tỉ lệ thuận với những gì mà họ được hưởng. Khái niệm "được hưởng" ở đây không chỉ giới hạn trong các giá trị vật chất. Mặc dù vật chất rất quan trọng, vì nó giúp cho các nhà giáo duy trì được sự yên ổn của cuộc sống, nhưng những giá trị về tinh thần có thể còn quan trọng hơn. Đó là sự ghi nhận của tổ chức, sự đánh giá chính xác và công bằng của đồng nghiệp đối với những đóng góp của họ trong nghiên cứu và giảng dạy. Để kích thích lòng nhiệt tình và năng lực sáng tạo của giáo viên, chúng tôi đề nghị Hội đồng thi đua có phương pháp đánh giá thành tích của từng cá nhân và tập thể chính xác và công bằng. Các loại phần thưởng thường làm cho người lao động cảm thấy vui mừng và phấn khởi khi được tổ chức ghi nhận công lao của họ. Nhưng không phải lúc nào khen thưởng cũng đạt được mục đích đó. Có người được khen thưởng nhưng không phấn khởi vì thấy những người khác rất kém cỏi nhưng cũng nhận sự khen thưởng như mình. Vì thế họ cảm thấy bị coi thường khi tổ chức đã đánh giá họ ngang hàng với người kém hơn. Tình trạng này rất dễ dẫn đến sự triệt tiêu lòng nhiệt tình và khả năng sáng tạo của người lao động. Để khắc phục tình trạng này, Hội đồng khen thưởng nên đưa ra một số tiêu chí cụ thể cho mỗi cấp độ khen thưởng. Đại loại thế này: Một cán bộ sẽ được Trường khen thưởng khi có đủ 50 điểm thi đua chẳng hạn. Trong đó một cuốn sách xuất bản trong năm là 20 điểm, mỗi bài báo là 2 điểm, dạy vượt 10 giờ là 1 điểm, không vi phạm quy chế là 10 điểm, được anh em trong đơn vị tín nhiệm 100% là 5 điểm v.v.. Với những tiêu chí đại thể như vậy, nếu giảng viên bình thường đạt 50 điểm thì được giấy khen, mặc dù sự tín nhiệm của người đó chỉ đạt 3/5 điểm. Trong khi đó ông trưởng khoa đạt điểm tối đa về uy tín, nhưng điểm nghiên cứu sáng tạo lại thấp nên tổng cộng không đạt 50 điểm thì vẫn không được khen thưởng.

Tôi tin rằng sự cải cách về chế độ khen thưởng sẽ góp phần phát triển công tác NCKH và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Trên đây là ý kiến của riêng chúng tôi về quy trình đào tạo người làm báo. Có nơi đã làm được, có nơi mới chỉ thực hiện được một phần của quy trình này. Có thể còn nhiều phương pháp đào tạo khác nữa, rất mong được trao đổi với các đồng nghiệp và các nhà chuyên môn để tìm kiếm một phương pháp tốt hơn.

Cùng tác giả:

- Đạo đức nghề báo: Lương tâm và lòng tự trọng

 Trần Quang - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :