Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Có đoạt giải mới dự thi…
Tối ngày 21/11/2006, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ đã diễn ra Lễ trao thưởng vòng chung kết cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2006.

Giải Nhất duy nhất của cuộc thi đã thuộc về nhóm giảng viên, nghiên cứu viên của Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN. Nhân dịp này, Trang thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trò chuyện với ThS. Đào Kiến Quốc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Phần mềm, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN - Trưởng nhóm tác giả của sản phẩm MRTEST, sản phẩm đoạt giải Nhất cho Nhóm sản phẩm tiềm năng ứng dụng của cuộc thi. Sau đây là nội dung trao đổi:

VNUnews: Chúc mừng ông và các cộng sự đã vinh dự được trao tặng giải nhất cho nhóm Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2006, xin ông cho biết một số thông tin về sản phẩm đoạt giải - sản phẩm MRTEST? Tiềm năng ứng dụng của MRTEST là gì, thưa ông?

ThS. Đào Kiến Quốc: Trước hết tôi phải nói một chút về lý do chúng tôi phát triển phần mềm này. MRTEST là viết tắt của Mark Recognition Test, nghĩa là trắc nghiệm bằng nhận dạng đánh dấu. Sản phẩm được phát triển từ năm 2001 với mục đích tăng cường hiệu quả tổ chức thi và chấm thi tại Khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến năm 2002, sản phẩm đã nhận được Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

ThS. Đào Kiến Quốc

Vào thời gian đó nếu trắc nghiệm với máy tính, hầu như người ta chỉ triển khai trắc nghiệm trực tuyến, theo đó thí sinh làm trực tiếp trên máy để đánh dấu vào các phương án thích hợp trên màn hình. Hình thức thi này đã bộc lộ rất nhiều điều bất cập. Thứ nhất, khó tổ chức những kỳ thi lớn vì cần có đủ một máy tính cho mỗi thí sinh. Thứ hai, thí sinh phải có một kỹ năng sử dụng máy tính nhất định, do đó khó triển khai cho những nơi thí sinh không thạo máy tính. Thứ ba, nếu đang thi xảy ra sự cố mất điện hoặc trục trặc mạng một thời gian đủ dài thì phải huỷ bỏ kỳ thi. Do đó thi trực tuyến chỉ thích hợp với các kỳ thi nhỏ, và với những người có kỹ năng tin học tốt, trên một môi truờng tin cậy hoặc dùng để tự học, tự kiểm tra kiến thức.

Cũng vào thời gian đó, việc chấm thi bằng các máy chấm chuyên dụng dùng diode cảm quang đã được sử dụng tại Trường Đại học Đà Lạt. Loại máy này đòi hỏi đầu tư ban đầu khá lớn (lúc đó giá thành của giải pháp khoảng 400 triệu đồng). Mặt khác, do đọc bằng các diode cảm quang, nên giấy cần được dẫn qua đầu đọc hết sức chính xác. Vì thế người ta phải dùng giấy cứng làm phiếu trả lời. Điều này cũng gây ra một tốn kém đáng kể. Hơn nữa, khi bán máy đọc bằng diode cảm quang, phần mềm nhận dạng các vị trí đánh dấu đã được nhà sản xuất cứng hoá trong máy đọc, không có phần mềm quản lý kỳ thi, làm đề và chấm tự động theo biểu điểm. Người dùng vẫn phải lập trình để chấm và phần mềm làm đề tự động nếu muốn. Chính Đại học Quốc gia Hà Nội đã mua một máy chấm loại này.

Một giải pháp khác được Viện Công nghệ Thông tin thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia xây dựng trong phần mềm MARKREAD dùng để thiết kế phiếu đánh dấu và nhận dạng ảnh phiếu. Phần mềm này giải quyết được vấn đề không phải dùng giấy chuyên dụng và làm cho việc thiết kế phiếu trở nên động hơn. Tuy nhiên với một mục đích rất rõ ràng như thi trắc nghiệm thì việc người dùng phải tự thiết kế phiếu và phải cho máy học mẫu phiếu lại làm phức tạp cho người dùng vì việc này hoàn toàn có thể làm tự động. Một vấn đề khác là tại thời điểm này, MARKREAD cũng không phải là một giải pháp trọn gói nghĩa là không cung cấp phương tiện sinh đề và biểu điểm tự động. Phần mềm cũng không quản lý tự động các kỳ thi cùng với đề, danh sách thí sinh và cũng không tự động đến khâu cuối cùng là lập báo cáo kết quả thi. Như vậy về phương diện giải pháp, ngoài việc có thể dùng giấy thường, MARKREAD cũng giống như phần mềm bán kèm máy chấm đọc bằng diode cảm quang nói trên, có nghĩa là cũng chỉ là một công cụ thiết kế và nhận dạng phiếu mà thôi, không thực hiện các công đoạn khác trong một kỳ thi trắc nghiệm. Có thể đến nay, MARKREAD đã được nâng cấp.

Niềm vui chiến thắng

Lúc đó, một số giáo viên Phòng thí nghiệm Công nghệ Phần mềm của Khoa Công nghệ (nay là Trường Đại học Công nghệ) đã quyết định xây dựng một giải pháp và một phần mềm tự động hoá hoàn toàn việc tổ chức thi (chỉ có công việc sao chụp phiếu thi và việc làm bài của thí sinh là không tự động hoá được). Phần mềm phải giúp quản lý trên máy tính hồ sơ thí sinh tiềm năng (chẳng hạn cơ sở dữ liệu sinh viên) để tự động lên danh sách phòng thi, quản lý ngân hàng câu hỏi cho các môn học khác nhau, khả năng thiết lập các kỳ thi, khả năng lập đề thi tự động với các chế độ khác nhau, khả năng tự động sinh phiếu trả lời, khả năng nhận tự động driver của scanner để thực hiện việc quét ảnh phiếu trả lời trực tiếp trên phần mềm, khả năng nhận dạng và chấm tự động với tốc độ cao, khả năng xử lý các bài có sự cố do sai sót của thí sinh, khả năng lên các báo cáo và phân tích, khả năng hỗ trợ người sử dụng trực tiếp. Tóm lại là phần mềm phải trọn gói, đồng bộ, hiệu quả và dễ dùng. Phần mềm có thể ra đề với tốc độ 1 giây một đề và chấm với mức 10.000 bài một giờ. Vì thế tốc độ làm việc chỉ còn phụ thuộc vào tốc độ máy quét.

Giải Nhân tài Đất Việt tổ chức hai nhóm sản phẩm. Tiêu chí của sản phẩm đã ứng dụng là sản phẩm đã được ứng dụng rộng rãi, trong khi đó MRTEST đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng tới năm 2006, Bộ Giáo dục & Đào tạo mới triển khai rộng rãi việc tổ chức thi theo phương thức trắc nghiệm nên trước đó các cơ sở đào tạo hầu như không cần dùng máy để chấm thi. Chính vì thế MRTEST phải đăng ký trong nhóm sản phẩm có tiềm năng. Trong thời gian chờ xét giải, phần mềm này không còn là tiềm năng nữa vì đã bán được 9 bản.

VNUnews: Ông và cộng sự đã phải dành bao nhiêu thời gian cho việc nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm công nghệ này, thưa ông?

ThS. Đào Kiến Quốc: Nhóm phát triển bắt đầu được thiết kế từ cuối năm 2001 và đầu năm 2002 bắt đầu viết mã. Việc phát triển phiên bản đầu tiên chỉ riêng phần viết mã đã mất 6 tháng. Một số các thành viên tham gia ban đầu do công việc không thể tiếp tục tham gia, anh Lê Quang Hiếu đi làm nghiên cứu sinh ở Đức, anh Nguyễn Tiến Sỹ đi làm nghiên cứu sinh ở Pháp còn anh Nguyễn Đức Định vốn là sĩ quan công tác tại Viện Công nghệ thông tin tại Bộ Quốc Phòng. Sau khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Phần mềm được thành lập, chúng tôi cho lập lại nhóm phát triển để xây dựng phiên bản 3.0. Sự khác biệt cơ bản nhất giữa phiên bản 3.0 và các phiên bản trước đó là nâng cấp phần nhận dạng và thêm vào các chức năng cho phù hợp với các chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo đã áp dụng trong kỳ thi năm 2006. Mặc dù thời gian phát triển tổng cộng là 5 năm nhưng có một giai đoạn ngừng khoảng 2 năm.

VNUnews: Lý do nào để ông và cộng sự gửi sản phẩm MRTEST tới cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2006?

ThS. Đào Kiến Quốc: Tôi thấy rằng Nhân tài Đất Việt là một cuộc thi lớn và có uy tín về lĩnh vực Công nghệ thông tin. Năm 2005, tôi cũng được mời làm phản biện cho giải này. Qua đó, tôi nắm được một số thông tin về chất lượng sản phẩm cuộc thi Nhân tài Đất Việt lần đầu tiên.

Năm nay, qua website của cuộc thi, tôi biết số lượng sản phẩm năm nay dự thi đông hơn và chất lượng sản phẩm cũng cao hơn năm trước. Đã có tổng số 186 sản phẩm dự thi được các tác giả gửi về từ 7 quốc gia trên thế giới. Khi cuộc thi năm 2006 được phát động, tôi và các cộng sự chưa quyết định gửi sản phẩm dự thi ngay vì nghĩ rằng đã thi thì nên có giải. Tuần cuối cùng trước khi đóng giải, chúng tôi lên Website của cuộc thi xem danh sách các sản phẩm và thấy có thể có giải mới quyết định tham dự. Trung tâm làm hồ sơ cấp tốc trong vòng 4 ngày và chỉ nộp trước giờ khoá hồ sơ 30 phút. Lúc đó tôi đã nói với các bạn ở Trung tâm rằng, với mức độ như các sản phẩm đã đưa lên Website thì tôi tin rằng sản phẩm sẽ có mặt ở vòng chung kết, còn được giải cao đến đâu thì không ai dám chắc cả.

Một lý do khác là với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai rộng chấm thi bằng máy, Trung tâm đã xác định MRTEST là sản phẩm kinh doanh chủ lực trong giai đoạn tới. Vì thế nếu vào được sâu thì cơ hội marketting là rất cao. Và chúng tôi đã thành công. Cũng phải nói thêm rằng vào thời gian này, chúng tôi đã tạo dựng các liên kết chặt chẽ với các công ty phân phối thiết bị để cùng đi với nhau trong việc phân phối sản phẩm.

VNUnews: Được biết, thời gian qua, bên cạnh sản phẩm đoạt giải tại cuộc thi này, Trung Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Phần mềm, Trường ĐH Công nghệ do ông làm Giám đốc còn có nhiều sản phẩm, công nghệ có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, với tư cách là Giám đốc, ông có thể cho biết những thông tin cụ thể hơn về các sản phẩm của Trung tâm?

ThS. Đào Kiến Quốc: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Phần mềm của Trường ĐH Công nghệ hiện có quy mô hoạt động không lớn lắm. Mặc dù Trung tâm được Trường Đại học Công nghệ đầu tư phương tiện, máy móc và trang thiết bị, cấp kinh phí chi trả lương thường xuyên cho 3 chỉ tiêu cán bộ, song trong giai đoạn đầu, do không có vốn lưu động nên hoạt động của Trung tâm khá vất vả. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ cơ hữu và không cơ hữu, Trung tâm đã dần vượt qua được những khó khăn và vững tin vào chiến lược phát triển đúng đắn.

Phương châm hoạt động của Trung tâm chúng tôi là sẽ không chạy theo các hợp đồng nhỏ lẻ mà tập trung sức người, vật lực cho những định hướng có tiềm năng bán sản phẩm với số lượng lớn như: các sản phẩm phục vụ trường học (trong đó có MRTEST và phần mềm quản lý trường học), các hệ thống cổng thông tin điện tử. Có một số hướng nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ chưa có khả năng tiếp cận và đi sâu vào thị trường nhưng nếu có triển vọng thì vẫn phải đầu tư, chẳng hạn các hệ tự động hoá phải lập trình trên chip (các hệ vi xử lý). Chúng tôi đã xây dựng các hệ thống điều phối hàng đợi QMS phục vụ cho các trung tâm hành chính và hệ thống điều khiển sa bàn điện tử cho Quân đoàn 2. Gần đây, Trung tâm bắt đầu thực hiện các hoạt động gia công cho nước ngoài, dù rằng chưa thể nói trước được khả năng thành công tới đây nhưng đây là một hướng ưu tiên lớn. Hiện nay, các chuyên gia của Hàn Quốc đang đào tạo nhân viên của Trung tâm để có thể tham gia vào các hoạt động thiết kế 3D của bạn và từ tháng 12 thì sẽ lập nhóm lập trình tự động hoá cho dự án này.

Cùng với các khoa, bộ môn trực thuộc Trường ĐH Công nghệ, Trung tâm đã tham gia hội chợ TechMart Hoà Bình (8/2006) và TechMart Hà Nội (9/2006) với hàng chục sản phẩm phần mềm, thiết bị và giải pháp.

Hy vọng rằng trong 2 năm tới, Trung tâm sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới với khí thế nhanh, mạnh và tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Chúng tôi sẵn sàng liên kết và mở rộng liên kết song đồng thời chúng tôi cũng tâm niệm điều quan trọng là phải có thời gian để xây dựng lực lượng. Trong công nghệ cao, con người đóng vai trò quyết định.

Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi vừa qua. Chúc ông và các đồng sự gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường chinh phục các nấc thang của công nghệ thông tin.

 Trần Đỗ thực hiện; Ảnh nguồn Internet - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :