Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
GS.TS Nguyễn Hữu Dư: "Luôn luôn cố gắng - thành công sẽ ngọt ngào hơn..."
Nhân dịp Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận chức danh giáo sư cho 44 nhà giáo và chức danh phó giáo sư cho 411 nhà giáo trên cả nước đợt năm 2006, trong đó ĐHQGHN có 3 nhà giáo được công nhận chức danh giáo sư, 31 nhà giáo được công nhận chức danh phó giáo sư.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn tân Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dư, Phó chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN, nhà giáo trẻ nhất của ĐHQGHN được công nhận chức danh giáo sư đợt này.

PV: Xin chúc mừng ông đã được công nhận chức danh Giáo sư đợt năm 2006. Thưa ông, Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 đang đến gần, ông có thể cho biết một vài suy nghĩ của mình được không?

GS. Nguyễn Hữu Dư: 20 tháng 11 là ngày lễ thiêng liêng của thầy, trò và mỗi người Việt Nam. Nó nhắc nhở đến việc phát huy tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư - trọng đạo của cha ông chúng ta tự ngàn xưa để lại cũng như nhắc nhở tình cảm và bổn phận của người thầy đối với nền học vấn của nước nhà nói chung và đối với các em học sinh thân yêu của chúng ta nói riêng. Điều đó đã tạo ra những tình cảm tốt đẹp mà xã hội dành cho ngành giáo dục và tạo nên truyền thống tốt đẹp của các thế hệ nhà giáo Việt Nam. Nhân dịp này, tôi xin gửi tới các thầy, các cô, các bạn đồng nghiệp và các em sinh viên lời chúc tốt đẹp nhất.

Tôi là một trong 44 nhà giáo, và là một trong ba nhà giáo của ĐHQGHN, được công nhận chức danh Giáo sư đợt này. Tôi nhận được danh hiệu này trước hết là do sự nỗ lực của bản thân, song cũng nhờ sự giúp đỡ lớn lao của các thầy, những thế hệ đi trước, của các anh em đồng nghiệp, của gia đình và cả những học trò của mình. Qua đây, tôi xin được tỏ lòng biết ơn đến tất cả mọi sự giúp đỡ quý báu đó. Chỉ có một điều băn khoăn là dù đã trên 50 tuổi mà vẫn được coi là giáo sư trẻ nhất của ĐHQGHN được phong đợt này. Phải chăng đó là điều đáng buồn cho mỗi chúng ta bởi ở nước ngoài người ta có thể được công nhận là giáo sư từ ở độ tuổi 30. Có thể là chuẩn mực của chúng ta và cách làm của chúng ta khác hơn… Song tôi không nghĩ chuẩn của chúng ta quá cao nhưng đạt được nó thật là khó khăn. Có lẽ điều kiện làm việc của chúng ta quá kém và chúng ta chưa có được sự động viên, khích lệ, sự bắt buộc, tạo điều kiện cho những người trẻ hơn có cơ hội phấn đấu và cống hiến tốt hơn. Tôi còn nhớ lại rằng trước năm 2000, ta còn đưa cả tiêu chuẩn mức lương vào để xét học hàm.

PV: Thưa Giáo sư, Giáo sư đã đến với ngành Toán và sự nghiệp “trồng người” như thế nào?

GS. Nguyễn Hữu Dư và hai nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn tại Đại học Mahidol (Bangkok, Thai Lan).

GS. Nguyễn Hữu Dư:
Ngay từ khi học phổ thông tôi đã say mê học Toán học dù rằng tôi chưa từng được học ở một trường phổ thông chuyên Toán nào cả. Năm 1972, tôi đang học đại học thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt. Tôi cùng nhiều sinh viên khác của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Trong những năm tháng đối mặt với cái sống và chết ở chiến trường như là người lính chiến thực thụ, tôi vẫn ấp ủ trong lòng một hoài bão Toán học lớn lao. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, tôi trở lại với mái trường Đại học Tổng hợp để gặp lại bạn bè ngày xưa và nhiều sinh viên mới là học sinh phổ thông. Lúc ấy, việc học tập của tôi thật là khó khăn so với bạn bè. Sau những năm lăn lộn ngoài chiến trường, những kiến thức đã được học ở trường phổ thông và 1 năm ở đại học gần như bằng “zêrô”, thậm chí chúng tôi còn nói đùa với nhau là “bằng âm” nữa. Vì vậy, trong thời gian học đại học, tôi đã phải vừa khắc phục tình trạng sức khoẻ sau gần 4 năm sống ở trong rừng cùng với bom rơi, đạn nổ, vừa học các kiến thức đại học vừa ôn lại những những cái gì đã học ở bậc phổ thông. Đối với người lính trở về từ chiến trường thì những khó khăn đó còn được nhân lên nhiều lần. Song, từ những kinh nghiệm trong cuộc sống, tôi ý thức được rằng: cuộc đời là một cuộc chạy đua maraton, người có thuận lợi ở đoạn đầu chưa chắc đã là người về đích trước nhất; đôi khi dường như cuộc sống không công bằng khi có những người may mắn hơn bạn… Hãy yên tâm, ai đó có chiếc bút màu đẹp hơn không có nghĩa là họ có thể vẽ đẹp hơn… Riêng tôi, “Không bao giờ ngừng cố gắng” - luôn là khẩu hiệu nhắc nhở tôi hành động. Luôn luôn cố gắng - thành công sẽ ngọt ngào hơn, còn thất bại cũng sẽ bớt đau đớn hơn khi bạn biết mình đã dùng tất cả sức lực. Tôi đã khắc phục được những khó khăn của mình trong tâm niệm như vậy và bước đầu đạt được những thành công trên con đường đã chọn. Dù rằng tôi vẫn chỉ là người lang thang trên bãi biển, nhặt được vài mảnh ốc sò rực rỡ mà thiên nhiên đã để lại trên cát.

Năm 1979, tôi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được giữ lại công tác tại Khoa. Từ đó cho tới nay đã gần ba mươi năm trôi qua, tôi vừa giảng dạy vừa học hỏi các bạn, các thầy để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Phải nói Khoa Toán, nơi tôi đang công tác, là cái nôi bình yên, nuôi dưỡng ý thức phấn đấu cho mỗi thầy - trò chúng tôi. Ở đó có những người thầy mẫu mực, những người trò đã sớm có hoài bão khoa học của mình.

Nghề dạy học, nói cách văn hoa hơn là Kỹ sư tâm hồn, đôi lúc người ta còn ví là Người lái đò, theo tôi nghĩ đã, đang và mãi mãi là một nghề cao quý. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của người xưa “Học thịnh đất nước thịnh, học suy đất nước suy”. Xem ra như vậy giáo dục là tay lái để cho con tàu tiến lên, là cái gương để soi lại sự phát triển của một xã hội. Với cá nhân tôi, được làm người thầy là một vinh dự lớn lao.

PV: Thưa Giáo sư, ông nghĩ thế nào về con đường mình đã lựa chọn?

GS. Nguyễn Hữu Dư: Nghề làm Toán có lẽ là một trong những nghề có nhiều đòi hỏi, yêu cầu khắt khe và đôi khi cả là một sự khổ hạnh. Sự chà xát trong chiến trường, trong cuộc sống có ích rất nhiều cho những người làm về khoa học xã hội, còn đối với những người làm về khoa học tự nhiên, đặc biệt là nghề làm Toán, thì sự chà xát trong cuộc sống ấy mang lại rất ít lợi ích cho nghề nghiệp của mình. Sau khi trở về từ chiến trường, nhiều đồng nghiệp tôi đã chọn ngành khác để học hay con đường khác để đi nhưng có lẽ vì tôi là người chậm thay đổi nên tôi lại tiếp tục con đường đã chọn. Trước đây, tôi vẫn nói đùa là sau này không bao giờ cho con cái mình học cái ngành 6K (khó khăn - khắc khổ - khô khan) này vì học Toán quá vất vả nhưng cuối cùng thì sự lựa chọn của hai con tôi lại ngược lại, chúng đều theo học ngành Toán…

Cũng có thể có theo nghề Toán, mới thấy được nghề này cũng có những thi vị nhất định như khi anh phát minh được một định lý, anh sẽ có cảm giác giống như như một vận động viên leo núi chinh phục được đỉnh núi nào đó, hay nhà khảo cổ tìm được một di tích lắng đọng tiếng nói của ngàn xưa. Dù rằng có ai đó nói đến sự vô dụng của ngành Toán trong cuộc sống xã hội hiện nay, cá nhân tôi vẫn cho rằng Toán học đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Nếu bây giờ được chọn lại, biết đâu tôi vẫn sẽ chọn lại ngành Toán. Ở Khoa Toán - Cơ - Tin học, mọi người hay đùa bảo tôi là “yêu hơi nhiều” vì tôi quan tâm và đã đạt được kết quả ở khá nhiều chuyên ngành của Toán như Giải tích, Xác suất Thống kê... Song, tôi lại nghĩ rằng một sự biết sâu và rộng lại rất có ích cho việc đào tạo thế hệ làm Toán tiếp theo.

Tôi đã lựa chọn ngành Toán, học nó và bây giờ là giảng dạy, nghiên cứu về nó. Tôi đúc rút ra kinh nghiệm rằng để đạt được hiệu quả khi làm bất cứ một việc gì đều cần có sự say mê. Với nghề Toán cũng vậy - cần phải có sự say mê thực sự, tận tụy với công việc…

GS.TS Nguyễn Hữu Dư tại Hội nghị khoa học kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Toán - Cơ - Tin học, 10/2006. Ảnh: BT

PV: Được biết, Giáo sư rất tâm đắc với vấn đề làm việc theo nhóm trong nghiên cứu khoa học. Giáo sư có thể nói đôi điều về vấn đề này không?

GS. Nguyễn Hữu Dư: Con người Việt Nam nhỏ bé. Sự tồn tại của dân tộc là do sự cố kết trong lịch sử. Trong khoa học cũng vậy, có phải chăng trong khi tư chất của mỗi người Việt Nam thông minh mà thành công trong khoa học rất ít vì còn đang thiếu sự cố kết có được khi chúng ta chống ngoại xâm. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước có nền khoa học tiên tiến hơn chúng ta nhiều lần. Ở đó tôi nhận ra một điều là người ta làm việc theo các nhóm nghiên cứu và đạt được kết quả cao. Đặc biệt ở Nhật Bản, ở một số nơi tôi đến thì tôi nhận thấy năng lực từng cá nhân không hơn ta nhiều lắm nhưng kết quả họ đạt được thì rực rỡ hơn nhiều. Có thể vì điều kiện làm việc ở đó tốt hơn song tôi nghĩ chủ yếu người ta tận dụng được sức mạnh của nhau, bổ sung cho nhau khi giải quyết một vấn đề. Đó là sức mạnh của làm việc theo nhóm.

PV: Thưa Giáo sư, tháng 11 này, cả nước ta đang kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, với tư cách là một nhà giáo đã có gần 30 năm gắn bó với giảng đường, Giáo sư đánh giá như thế nào về mối quan hệ thầy - trò ở môi trường giáo dục đại học hiện nay?

GS. Nguyễn Hữu Dư: Tôi cũng đã từng tham gia giảng dạy ở nhiều nước và cũng đã biết mỗi nước có một phong cách, truyền thống riêng biệt. Nếu như ở Mỹ, sau giờ học thầy và trò quan hệ như những công dân bình đẳng về mặt xã hội. Ở Pháp, quan hệ thầy trò có cách biệt hơn nhưng nhìn chung vẫn bình đẳng. Ở Nhật quan hệ thầy - trò thể hiện rất rõ nét và chắc rằng ở những nước Châu Á chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng như chúng ta thì trong quan hệ thầy - trò có những tôn ty, trật tự và tình cảm nhất định chứ không đơn thuần là một người đi bán kiến thức và một người đi mua kiến thức. Tôi không nói là như thế không bình đẳng mà tôi muốn nhấn mạnh đến một trật tự trong tiềm thức. Xã hội chúng ta đang phát triển, đang được Âu - Mỹ hóa thì có lẽ cũng sẽ có những ứng xử khác nhau tương ứng trong quan hệ thầy trò. Song tôi nghĩ rằng, dù có một học trò nào đó không muốn chào thầy hoặc thậm chí, trong lịch sử, có những người còn tệ hơn: bán rẻ người thầy cho kẻ thù… thì nhìn chung lại, quan hệ thầy - trò ở Việt Nam là quan hệ nồng ấm, thầy tôn trọng trò - trò tôn trọng thầy. Vấn đề là ở chỗ, thầy có xứng đáng để trò tôn trọng hay không. Đó là câu chuyện của chính bản thân thầy giáo ấy chứ không phải là quan hệ thầy trò nói chung.

PV: Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, Giáo sư có tâm sự gì muốn gửi tới các nhà giáo nói chung và đồng nghiệp của mình nói riêng?

GS. Nguyễn Hữu Dư: Kế thừa truyền thống tôn sư trọng đạo, tôi mong mỏi rằng các nhà giáo hãy hết lòng tận tuỵ với trò, trò hết lòng với thầy để cùng nhau học tập. Mong cho mỗi trò luôn vượt lên chính bản thân mình để tiến tới đỉnh cao trong khoa học và công việc, đạt được điều mong muốn trong cuộc sống. Mong rằng ngành giáo dục của nước ta sẽ góp phần to lớn đưa Việt Nam trở thành đất nước hùng cường.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư. Xin chúc mừng Giáo sư nhân Ngày nhà giáo Việt Nam. Chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành quả hơn nữa trên con đường sự nghiệp đã lựa chọn.

 Lưu Mai (thực hiện)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :