Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Thăm lại chiến trường xưa
Những ngày này, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2007). Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN tổ chức chuyến đi “Thăm lại chiến trường xưa” với mong muốn gửi gắm những tình cảm, lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ. Còn tôi - một cựu quân nhân đã tham gia trong quân đội thời bình cũng may mắn được tham dự cùng chuyến đi này cũng không nằm ngoài mong muốn ấy.

Trong tờ chương trình mà đồng chí Chủ tịch Công đoàn Nhà trường Nguyễn Đức Duyên đưa cho tôi có nhắc tới Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị và Khu di tích nhà tù Lao Bảo… Đây là những địa điểm mà trước đây chúng tôi dù đã được nghe, xem rất nhiều nhưng chỉ là qua sách báo và qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng qua "Thăm lại chiến trường xưa", chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến và thấm thía biết bao điều ý nghĩa!

Đoàn chúng tôi gồm 81 người là các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; các đồng chí cựu thanh niên xung phong; các đồng chí thương binh; vợ, chồng, con gia đình liệt sĩ; các đồng chí sĩ quan dự bị đang công tác tại trường đã khởi hành từ Hà Nội theo quốc lộ 1A tới địa phận Can Lộc (Hà Tĩnh) - nơi ghi dấu ấn lịch sử về 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) của tiểu đội 4: Ngã ba Đồng Lộc. Với diện tích khoảng 50ha, Ngã ba Đồng Lộc được coi là yết hầu trong mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam, là trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược nên đế quốc Mỹ âm mưu ném bom huỷ diệt nhằm cắt đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, đạn dược, lương thực…của miền Bắc cho chiến trường miền Nam ngày ấy. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, địch đã trút xuống mảnh đất này 48.600 quả bom các loại. Và cũng chính nơi đây, nhiều tác giả đã ví mảnh đất này là “túi bom” thời chiến.

Theo người dẫn chương trình của Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, thầy và trò chúng tôi được nghe kể về những chiến tích của 10 cô gái TNXP, chúng tôi ai cũng bồi hồi xúc động. Các chị dũng cảm chiến đấu và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ: người nhiều tuổi nhất là chị tiểu đội trưởng Võ Thị Tần - 22 tuổi, người ít tuổi nhất là chị Trần Thị Hường - 17 tuổi, còn lại các chị đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Trưởng đoàn chúng tôi là đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Phó Hiệu trưởng, Phó bí thư Đảng uỷ nhà trường cùng các đồng chí cán bộ, giáo viên của trường thắp nén tâm nhang và tưởng nhớ tấm gương hy sinh dũng cảm của các cô gái TNXP. Quanh mộ các chị, chúng tôi lặng lẽ thắp hương cho từng phần mộ. Nhiều thầy cô trong đoàn vừa thắp hương vừa khóc, những giọt nước mắt, những tiếng nghẹn ngào nghe sao thiêng liêng đến vậy!

Tạm biệt Ngã ba Đồng Lộc, tạm biệt tiểu đội liệt sĩ anh hùng TNXP, đoàn chúng tôi về nghỉ đêm tại Đồng Hới (Quảng Bình) khép lại một ngày đi nhiều cây số. Mặc dù hơi mệt nhưng ai nấy đều vui vẻ. Hôm sau, dù vẫn còn muốn ngủ nhưng chúng tôi vẫn phải dậy đúng 6 giờ để tiếp tục lên đường. Chương trình hôm đó gồm thăm viếng Nghĩa trang Trường Sơn, Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị, Đài tưởng niệm Thạch Hãn…Ai cũng dự định cho mình một giấc ngủ trên xe, nhưng những gì được chứng kiến khiến mọi người không thể chợp mắt được nữa vì để suy nghĩ, để chia sẻ bớt những cảm xúc trong lòng.

Trời Quảng Trị cuối tháng 7 nắng như đổ lửa. Dọc theo Quốc lộ 9, chúng tôi hành hương về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Băng qua những cánh rừng cao su, rừng keo tai tượng…xanh ngát bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, của đất đai, chúng tôi tới địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị nơi có nghĩa trang lịch sử huyền thoại – Nghĩa trang Trường Sơn. Chúng tôi đến nơi lúc ấy gần 11 giờ trưa, thời tiết càng ngày càng nóng bức cộng thêm những đợt gió Lào càng làm cho cảnh quan thêm u tịch. Theo sự hướng dẫn và sắp xếp của Ban quản lý nghĩa trang, đoàn chúng tôi xếp thành hai hàng ngang giữa sân tượng đài chính, mặc dù với cái nắng 39 – 40 độ nhưng đứng trước lễ đài, trước anh linh của hơn 10 nghìn mộ liệt sĩ tất cả chúng tôi đều ngả mũ, tay cầm nén nhang đứng nghiêm tưởng nhớ linh hồn các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập - tự do của Tổ quốc. Sau bài nhạc “Hồn tử sĩ”, chúng tôi toả đi mỗi người một hướng thắp nén nhang tri ân tới các phần mộ. Với diện tích trên 40 ha được quy hoạch thành các khu mộ riêng biệt, mặc dù ít thời gian nhưng tôi và các thầy cô trong đoàn cũng tìm đến được khu mộ dành cho các liệt sĩ quê ở Hà Nam Ninh, Hà Tây, Hoà Bình, Khu mộ tử sĩ để thắp hương và tưởng niệm hương hồn các anh. Trước phần mộ các anh, chúng tôi xúc động nghẹn ngào bởi sự mất mát, hy sinh không thể đong đếm được, nhiều bia mộ chỉ ghi dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”… Lúc này, tiếng loa gọi đoàn tập trung lên xe đã vang lên, chúng tôi chắp tay cầu nguyện và gửi tới các anh lòng biết ơn và sự thành kính sâu sắc.

Trưa hè trời Quảng Trị càng nắng nóng, chúng tôi rời Nghĩa trang huyền thoại Trường Sơn về nghỉ và ăn trưa tại Thị xã Đông Hà để tiếp tục lên đường tới thăm Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị. Trên đường đến khu di tích, chúng tôi được nghe đồng chí Nguyễn Đức Duyên - Chủ tịch Công đoàn trường, đồng chí Bùi Ngọc Oánh - Phó giám đốc TT Multimedia… nguyên là các cựu quân nhân đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị kể nhiều về sự chiến đấu anh dũng, hy sinh mất mát của Sư đoàn 325 ngày ấy. Theo lời kể thì ở đất Quảng Trị này còn rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ, nhiều phần mộ liệt sĩ chưa được quy tụ về các nghĩa trang theo mong muốn của người thân mà chúng tôi chưa có dịp tới thăm.

Nằm bên vĩ tuyến 17, với diện tích khoảng 8 ha, nơi đây trong 81 ngày đêm máu lửa năm 1972, đế quốc Mỹ đã thả xuống 80 vạn tấn bom, khối lượng chất nổ bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirôshima (Nhật Bản) năm 1945. Hơn 14 nghìn bộ đội, dân quân đã hy sinh, cả thị xã chỉ còn là đống tro tàn. Theo lời kể của người hướng dẫn tại khu di tích Thành Cổ thì vào những ngày cam go ác liệt ấy, nơi đây không một viên gạch nào còn nguyên vẹn. Tới tượng đài tháp được xây theo thuật phong thuỷ âm dương, chúng tôi vô cùng xúc động và ấn tượng khi lời ca của bài hát “Hồn tử sĩ” vang lên giữa cái nắng chói chang của đất trời Quảng Trị bởi lẽ với tôi và một số đồng nghiệp thì đây là lần đầu tiên chúng tôi được tới những khu di tích như thế này và cũng là lần đầu tiên chúng tôi được nghe phần lời của bài hát trong khoảnh khắc thiêng liêng như thế. Chúng tôi nhanh chóng theo người hướng dẫn tới những khu trưng bày hiện vật của các anh bộ đội giải phóng được tìm thấy và lưu giữ trong Thành Cổ. Nào là vũ khí, cuốc, xẻng, bút viết nhưng với tôi hiện vật làm tôi ấn tượng nhất là những lá thư đã nhoè mực được ép plastic được đặt trong tủ kính. Cả đoàn chúng tôi ai cũng đều xúc động rưng rưng nước mắt khi nghe người hướng dẫn kể về quá trình chiến đấu hy sinh anh dũng của các anh mà trước khi ra trận các anh chỉ kịp ghi lại những dòng chữ mộc mạc gửi về cho mẹ, cho vợ…

Bao nhiêu chiến sĩ ngã xuống là bấy nhiêu nỗi đau của các mẹ, các chị. Để có được hoà bình độc lập, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua bao mất mát hy sinh. Mảnh đất Quảng Trị này, chứng tích của những mất mát, đau thương, chúng tôi - những thế hệ đi sau chỉ biết được qua từng thước phim, từng câu chuyện. Trong không gian tĩnh lặng ấy, chúng tôi chỉ biết chắp tay cầu khấn và thầm cảm ơn các anh, các chị đã vì sự nghiệp Cách mạng cao cả mà hy sinh thân mình!

Khu di tích nhà tù Lao Bảo là điểm dừng cuối cùng trong chặng đường chúng tôi tới thăm. Nằm trên địa bàn thôn Duy Tân, xã Duy Phước, ở phía Tây Nam đường 9, cách thị trấn Khe Sanh chừng khoảng hơn 20km, nhà tù được xây dựng trên khu đất khoảng 10 ha. Nơi đây đã từng giam giữ nhiều đồng chí lão thành Cách mạng, nhiều chiến sĩ Cộng sản của Quảng Trị, của miền Trung Trung bộ như Trần Hữu Dục, Trần Hoành, Đoàn Lân, nhà thơ -nhà Cách mạng Tố Hữu….Tại đây, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những đồ vật mà bọn thực dân phong kiến và đế quốc dùng để giam cầm và tra tấn các đồng chí Cộng sản nhưng chúng không thể khuất phục được bởi ý chí kiên cường của những người yêu nước, bởi khí tiết của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Và cũng tại nơi đây bài thơ “Con cá Chột Nưa” của nhà thơ Tố Hữu ra đời:

…Ăn đi vài con cá

Năm bảy cái chột nưa

Có ai biết ai ngờ…

Từ khi chân dấn bước

Trên con đường đấu tranh

Tôi sẵn có trong mình

Đôi mắt thần: chủ nghĩa

Đã đứng trong tập thể

Bênh vực lợi quyền chung

Sống chết có nhau cùng

Không được xa hàng ngũ

Không thể gì quyến rũ

Mua bán được lương tâm

Danh dự của riêng thân

Là của chung đồng chí

Phải giữ gìn tỉ mỉ

Như tròng mắt con ngươi

Đến cạn máu tàn hơi

Không xa rời kỷ luật…

Bài thơ đã thay lời tác giả phản ánh tinh thần chịu đựng kiên cường, ý chí cách mạng to lớn và quyết tâm chiến thắng trong mọi tình huống của những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản.

Kết thúc bài viết và cũng là kết thúc cuộc hành trình về “Thăm lại Chiến trường xưa” của thầy và trò trường ĐHNN - ĐHQGHN nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2007), chúng tôi những người được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước hoà bình nguyện ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để cống hiến phần công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

 Phạm Đình Lượng
Phòng Chính trị và Công tác HSSV Trường ĐH Ngoại ngữ - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :