Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Nghiên cứu và giảng dạy triết học trong bối cảnh hội nhập
Hội thảo diễn ra ngày 3/12/2008 với sự tham gia của nhiều sinh viên, học viên sau đại học, cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu triết học ở nhiều cơ sở đào tạo đại học trong cả nước. Hơn 30 tham luận đã được trình bày.

Đề dẫn trước khi bắt đầu hội thảo, TS. Nguyễn Thuý Vân - chủ nhiệm Khoa Triết học, Trường ĐHHKHXH&NV phát biểu: Triết học là một trong những khoa học có thể cung cấp cho con người những quan niệm và phương pháp nhận thức thế giới. Vì thế, trước đây, bây giờ và mãi về sau, vai trò xây dựng thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn cho nhận thức khoa học và hoạt động thực tiễn của triết học là không thể thay đổi. Nhưng đó là vấn đề lý luận, còn thực tiễn thì có đúng như vậy không ? Liệu triết học có phải đúng là quan trọng và cần thiết như người ta vẫn nói ? Nếu thực sự là vậy thì việc truyền bá những kiến thức triết học hiện nay có đáp ứng được đúng yêu cầu mà xã hội, mà thực tiễn đòi hỏi, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và phát triển ? Đó cũng là chủ đề chính mà các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo lần này.

 

Một trong những nội dung mà nhiều đại biểu đề cập đề là việc xác định cho đúng vai trò và ý nghĩa của môn khoa học này trong bối cảnh hiện nay cũng như phải phát triển và bổ sung, vận dụng triết học Mác như thế nào vào thực tiễn cuộc sống, thực tiễn giảng dạy đại học. TS. Nguyễn Vũ Hảo (Khoa Triết học) cho rằng cần phải xác định đúng mối quan hệ giữa triết học và chính trị, không chính trị  hoá triết học một cách cực đoan. Triết học phải giữ được vị thế độc lập tương đối cần thiết của nó với tư cách là một khoa học và không bị đồng nhất với chính trị. Bên cạnh đó, cần tạo ra được động lực sáng tạo tinh thần thực sự, khích lệ tự do tư tưởng và tranh luận làm tiền đề cho sáng tạo triết học. Cũng theo TS. Nguyễn Vũ Hảo thì điều đáng tiếc là hiện nay Việt Nam là một trong số ít các nước không có Hội triết học - một tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ phát triển của nền triết học và giáo dục triết học của một quốc gia, cũng là một trở ngại cho việc hội nhập với nền triết học thế giới.

 

Trước sự việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định nhập 3 môn khoa học: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị học thành một môn chung với tên gọi: Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn rằng: Với kết cấu tổng thể như vậy thì môn học đã gọn hơn rất nhiều và khắc phục được tình trạng trùng lắp ở một số nội dung giữa các môn học cũ. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình đổi mới này nếu không có sự tính toán và chuẩn bị chu đáo có thể dẫn đến xu hướng giản lược hoá khối kiến thức về chủ nghĩa Mác Lênin. Hơn nữa, từ trước đến nay, việc nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác Lênin được thực hiện theo ba bộ môn độc lập, do vậy hầu hết các giảng viên thường chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực hoặc là Triết học Mác Lênin hoặc Kinh tế chính trị Mác Lênin hay là Chủ nghĩa xã hội khoa học. Theo chương trình mới, mỗi người sẽ đảm nhận dạy cả ba môn nhưng chưa có sự đầu tư cẩn thận thì chính người dạy cũng dễ rơi vào trạng thái mơ hồ ở những phần mình chưa dạy, dẫn đến học trò sẽ không lĩnh hội hết kiến thức.

 

Vấn để đổi mới trong việc nghiên cứu và giảng dạy triết học hiện nay là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập đến nhất. Nhiều tham luận đã chỉ ra những hạn chế như: việc nghiên cứu triết học Mác Lênin những năm qua có phát triển nhưng chưa có những đóng góp mang tính bước ngoặt và thay đổi; nghiên cứu triết học nhưng kém về khả năng vận dụng những nguyên lý của triết học Mác Lênin vào việc phân tích chứng thực đường lối chủ trương của Đảng; nghiên cứu lý luận nhiều nhưng không có những nghiên cứu mang tính chất kỹ thuật để kiểm nghiệm nhưng vấn đề lý luận trong thực tiễn; tiếp cận đơn tuyến – không tích hợp được với tri thức hiện đại mà nặng về lối dậy áp đặt, sa đà trích dẫn... Về phía sinh viên, sinh viên thiếu kiến thức nền và nhiều kỹ năng cần thiết khác để có thể học triết học... Về phía giáo viên thì giảng dạy không sáng tạo, không vận dụng kiến thức vào thực tiễn khiến triết học trở thành một môn khó hiểu và quá cao siêu đối với sinh viên. Giáo trình môn học này hiện nay là giáo trình chung cho nhiều đơn vị đào tạo mà không tính đến mục đích đào tạo môn triết học ở từng chuyên ngành, từng lĩnh vực đều có những nét riêng...

 

Có thể nói các ý kiến thảo luận tại hội thảo đã đi đến cùng với ý kiến riêng, có phản biện, tranh luận để đi đến những thống nhất về mặt giải pháp cho vấn đề nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy môn triết học hiện nay. Nó cũng chứng tỏ những boăn khoăn thực, những trăn trở day dứt không ngừng của rất nhiều thầy cô đã gắn bó nhiều năm cuộc đời mình với sự nghiệp nghiên cứu và truyền bá các tri thức triết học. Xới lên nhiều vấn đề, hội thảo cũng kỳ vọng sẽ đưa đến nhiều thay đổi trong tư duy và hành động của những người giảng dạy và cả những người học triết hiện nay.

 Duy Anh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   |