Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Môn Văn khối C: Khó có điểm cao...
Đề thi môn Văn khối C năm nay nhận được nhiều luồng ý kiến khen và chê khác nhau từ phía thí sinh dự thi và nhiều chuyên gia trong ngành. Giảng viên Trần Hinh (khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) - người có nhiều năm tham gia công tác chấm thi môn Văn học chia sẻ ý kiến về đề thi năm nay:

- Thưa ông, ông có nhận xét gì về đề thi môn Văn khối C năm nay ?

Trước khi trả lời câu hỏi, tôi muốn nói rõ thêm một chút như thế này, tôi vừa lướt qua một loạt các tít báo cả báo in và báo mạng ngày hôm nay, thì thấy đa số đều khen đề thi môn văn năm nay, mà đa số đều nhấn mạnh câu hỏi nghị luận xã hội về sự trung thực trong thi cử. Chỉ có báo Đất Việt thì có cái tít hơi khác một chút : “Thí sinh tự do than trời vì đề thi môn văn khối C…”. Trên báo Tuổi trẻ, ông Vương Trí Nhàn còn có một bài viết “đinh” với tít rất ấn tượng : “Đề thi hợp lòng người…”. Theo tôi, đề thi năm nay tiến bộ hơn một số năm trước nhưng cũng không đáng được nhận những lời khen quá “hào phóng” như thế.

- Nhiều ý kiến cho rằng câu hỏi thứ II trong đề thi là câu hỏi hay và giúp phân loại được thí sinh, ý kiến của ông ?

Đề thi năm nay mới so với đề một số năm vừa qua, đúng ra chỉ với dạng câu hỏi nghị luận xã hội, mà câu hỏi của nó lại đánh trúng tâm lí của nhiều người, đó là sự trung thực trong thi cử. Bấy lâu nay, xã hội ta đã quá nhức nhối về vấn đề này, nên bây giờ người ta đưa nó ra bàn luận, khiến cho nhiều người khoái. Có lẽ chỉ vậy thôi, chứ nó cũng có gì đặc biệt lắm đâu. Bạn hãy thử trở lại với một vài đề thi trước đây mà xem, tôi nhớ, đề thi đại học trước đây cũng đã rất đa dạng, mới mẻ. Chẳng hạn, có năm đề chỉ ra một chữ thế này : “Đất nước?”, lại có năm đề thi yêu cầu bình luận câu nói của Marx với con gái : “Hạnh phúc là đấu tranh”; năm tôi thi, đề ra yêu cầu giải thích và chứng minh câu nói “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”… Học sinh được viết một cách tự do. Tất nhiên, với hướng ra đề như thế, tôi cũng rất ủng hộ, thậm chí tôi cho rằng, thực ra đề thi đại học môn văn chỉ cần ra một câu như thế là đủ. Ra như thế, học sinh có đủ điều kiện để trình bày suy nghĩ của mình và họ cũng không thể viết quá dài, giáo viên chấm sẽ chính xác hơn. Văn ở phổ thông chỉ nên yêu cầu học sinh diễn đạt gãy gọn suy nghĩ của họ bằng một thứ tiếng Việt trong sáng là đủ.

- Vậy ông có gợi ý gì về lời giải cho câu thứ II này ?

Tôi thấy cũng không cần thiết phải gợi ý trả lời câu hỏi này vì đến lúc này đã có đáp án của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tôi sợ nếu mình đưa ra ý kiến riêng sẽ ảnh hưởng đến chấm thi tới đây. Hãy cứ làm theo pháp lệnh.

- Ông có thể nhận xét gì về độ khó, độ hay của từng câu hỏi trong đề thi cũng như khả năng trả lời của thí sinh ở từng câu?

Trong ba câu hỏi đề thi văn khối C, theo tôi, câu khó nhất chính là câu 5 điểm. Trước khi giải thích tại sao, tôi xin được nói ngắn gọn từng câu như thế này :

Câu 1, theo tôi, chỉ là loại câu 2 điểm nhưng yêu cầu quá cao. Tôi nghĩ rằng, học sinh không thể trả lời cặn kẽ, rõ ràng cả hai vấn đề thực ra rất lớn của tác phẩm là nhân đạo và bút pháp nghệ thuật mà chỉ cho có hai điểm. Ông Trần Hữu Tá cũng đã nói tới ý này trên báo Tuổi Trẻ hôm qua. Tất nhiên người ra đề cũng có thể có lí khi họ nghĩ rằng, một học sinh thông minh ắt sẽ phải biết cân đối thời gian và dung lượng cho từng loại câu hỏi mới xứng đáng đậu. Tuy nhiên, giá như chọn một vấn đề thích hợp với từng loại câu, thì sẽ tốt hơn.

Câu 2, không khó với học sinh đã học liên tục theo chương trình mới, chỉ khó với thí sinh tự do như báo Đất Việt đã đưa tin. Tuy nhiên tôi vẫn e ngại vấn đề đặt ra thì thế, nhưng liệu khi viết, học sinh có trình bày trung thực suy nghĩ của họ hay không còn là một vấn đề. Tôi sợ họ lại viết theo kiểu hô khẩu hiệu, viết chỉ nhằm trả lời cho được câu hỏi, kiểu như chúng ta vẫn thường được chứng kiến một số cuộc điều tra xã hội học hiện nay, như thế cũng phản tác dụng.

Câu thứ ba, về “vẻ đẹp khuất lấp” của hai nhân vật vợ nhặt và người vợ anh thuyền chài trong hai tác phẩm Vợ nhặtChiếc thuyền ngoài xa. Đề thi chỉ “hay” ở chỗ kiểm tra được khả năng học thật của học sinh. Đúng là với câu hỏi này, nếu chỉ dựa theo bài học ở lớp, đi học ôn thi một cách thụ động, không chịu suy nghĩ, học sinh khó trả lời tốt. Tuy nhiên tôi lại thấy, có lẽ do cố tìm cho được cái mới, người ra đề đã đi chệch ra khỏi vấn đề chính bài học trong sách giáo khoa. Tất nhiên, trong cả hai tác phẩm Vợ nhặtChiếc thuyền ngoài xa, cả hai tác giả Kim Lân và Nguyễn Minh Châu đều không có “ác ý” gì với hai nhân vật nữ (vì họ là những người lao động rất đáng được trân trọng trong xã hội), nhưng tôi tin chắc rằng, đó không phải là vấn đề cơ bản của cả hai tác phẩm. Cái cơ bản của hai tác phẩm này là vấn đề tình huống, với Vợ nhặt, thông qua tình huống oái oăm: một người dân ngụ cư, xấu xí, đã cao tuổi, nghèo rớt mồng tơi… lại giữa năm đói kém nhất, bất ngờ lấy được vợ. Kim Lân muốn khẳng định quyền được hạnh phúc của con người. Còn nếu nói vẻ đẹp của nhân vật vợ nhặt thì cho dù khuất lấp, tôi vẫn thấy nó khiên cưỡng. Tôi xin đưa ra đây vài ví dụ: khi người vợ nhặt theo không anh Tràng về nhà, đến đầu làng bị bọn trẻ con trêu chọc, “thị có vẻ khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại…”; khi về đến nhà anh Tràng, “thị đảo mắt nhìn quanh”, thấy cảnh nghèo khổ, “thị nén một tiếng thở dài”. Khi Tràng cố ý làm cho thị vui, đùa hỏi “thị nhếch mép cười nhạt”… Tôi không nghĩ rằng, một người phụ nữ trong hoàn cảnh như thế mà có thể “đẹp” ngay được. Nhưng ngay cả khi đã có ít nhiều thay đổi, khi đã được bà cụ Tứ, mẹ Tràng đối xử thân mật, ân cần, vậy mà khi mẹ chồng đưa lên nồi chè khoán (chè cám) để mọi người cùng ăn cho đỡ đói (xung quanh nhiều người thậm chí không có gì để ăn), “hai con mắt thị tối sầm lại”… Một vài gợi ý đề thi trên báo chí thậm chí còn khẳng định rằng, ở người phụ nữ này tiềm tàng khả năng làm vợ. Tất nhiên rồi, ai là phụ nữ mà lại không tiềm tàng khả năng làm vợ, chứ phải đâu chỉ riêng chị vợ nhặt?...Đừng nghĩ rằng tôi bắt bẻ, tôi không đòi hỏi gì ở một người đàn bà khốn khổ trong một hoàn cảnh bi đát đến thế kia, nhưng bảo rằng tôi phải chứng minh vẻ đẹp dù là khuất lấp của chị cũng thật là quá khó. Một người tốt thì trong hoàn cảnh nào họ cũng phải biết vượt qua hoàn cảnh để giữ được phẩm chất tốt của họ…

Nhân vật thứ hai, người vợ anh thuyền chài, tôi còn thấy khiên cưỡng hơn, nếu bắt học sinh phải cố đi tìm vẻ đẹp khuất lấp của chị ta. Thực ra, cũng giống Vợ nhặt, Nguyễn Minh Châu muốn “chơi tình huống” trong truyện ngắn này. Rõ ràng, qua những gì ông viết, ta thấy được, ngoài chiếc thuyền ngoài xa, còn có một chiếc thuyền ở gần, ở xa thì đẹp, đến gần thì không hoàn toàn thế. Bất cứ nhà văn nào cầm bút cũng đều hiểu được. Cũng giống như ánh trăng huyền diệu và căn nhà dột nát cùng cuộc sống nheo nhóc của nhà văn Điền trong truyện ngắn Trăng sáng của Nam Cao vậy thôi. Mỗi tác phẩm văn học của một nhà văn có tài đều muốn vươn tới một điều gì đó lớn lao hơn như thế. Tôi không nghĩ, một người phụ nữ cam chịu đến mức nô lệ, thậm chí ngay cả trước mắt người lạ, để cho chồng đánh đập mình bất cứ lúc nào, nhất quyết không chịu li hôn chỉ vì lí do “trên thuyền phải có một người đàn ông”, mà đẹp được cho dù khuất lấp. Tôi liếc qua đáp án và một số gợi ý đề thi, bên trong ngoại hình xấu xí thô kệch, là một tấm lòng nhân hậu vị tha, độ lượng” (đáp án); và vì người đàn bà này hết lòng yêu thương con mình (gợi ý đề thi môn văn trên hầu hết các báo ngày hôm qua… ). Thì đã đành, nhưng chẳng nhẽ lại chỉ thế? Nếu chỉ vì thế thì liệu mụ vợ gã Tênacđiê trong Những người khốn khổ của V. Huygô cũng yêu hết lòng con mình thì sao? Tôi e rằng buộc phải đi tìm vẻ đẹp của một nhân vật nữ như thế thì có khác nào chúng ta khích lệ cho một lối sống cam chịu, nô lệ (?!). Hẳn Nguyễn Minh Châu không muốn nói điều đó trong Chiếc thuyền ngoài xa của mình? Bằng chứng là trong cả hai tác phẩm, phần câu hỏi hướng dẫn học bài không hề có bất cứ dấu hiệu nào hé lộ vấn đề này, chứng tỏ người soạn sách giáo khoa không hoàn toàn coi đây là vấn đề trọng tâm. Tôi nói người ra đề đi lệch trọng tâm bài học là như thế…

Với câu hỏi về thơ, cảm nhận hai khổ thơ trong Tương tư của Nguyễn Bính và Việt Bắc của Tố Hữu, tôi cũng thấy người ra đề cố làm mới đề thi chứ nó vẫn chưa được coi là hay. Hai đoạn thơ được đem ra so sánh cũng khiên cưỡng, ít có những gắn bó thuyết phục giúp học sinh có thể tìm ra được điều gì thật thú vị trong bài viết… Tóm lại tôi cho rằng đề thi môn văn khối C năm nay có nhiều cái mới nhưng bảo là nó “hay quá”, “hợp lòng người” quá như lời khen của một số tờ báo thì tôi nghĩ chúng ta hào phóng quá…

- Từ kinh nghiệm chấm thi đại học nhiều năm, theo ông với đề văn khối C năm nay thì thí sinh có dễ được điểm cao không ?

Tôi không nghĩ đề thi năm nay sẽ giúp thí sinh có được điểm cao, thậm chí để có được mặt bằng điểm như năm ngoái cũng là khó. Thêm nữa do năm nay có một câu hỏi nghị luận xã hội mà yêu cầu chung cho rằng cần phải có một đáp án mở, thì, ngay như thế cũng khó có được sự thống nhất chung trong tất cả các thầy cô giáo chấm thi. Chúng ta đành phải chờ đợi vậy. Chắc không lâu lắm đâu chúng ta sẽ có một câu trả lời chính xác hơn cho vấn đề này.

Xin cảm ơn ông.

>>> Bài liên quan:

 Nguyễn Thắng (Thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   |