Hãy cùng lắng nghe PGS. Vũ Quang Hiển phân tích đề thi và dự đoán về phổ điểm:
Đề thi đại học môn Sử năm nay thật ra chỉ hay ở cách hỏi mà thôi chứ kiến thức thì không mới và cũng không khó. Thậm chí có thể cho là thí sinh đã trúng “tủ” với đề thi này.
Câu I: Yêu cầu tóm tắt quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến 1920 và nêu lên con đường giải phóng dân tộc mà Bác đã tìm ra cho cách mạng Việt Nam. Đây là một câu “truyền thống” và thuộc trọng tâm kiến thức mà tôi nghĩ là bạn học sinh nào cũng phải nắm được. Đề lại chỉ yêu cầu tóm tắt và chỉ ra thôi nên khá dễ dàng. Trong tư duy của các thầy dạy Sử thì đây là một câu “khuyến mại” đối với học sinh.
Câu II thì đưa ra hai yêu cầu rất rõ ràng là trình bày và nhận xét về chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng được đề ra tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1-1930), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (10-1930) và Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941). Với câu hỏi này thí sinh có hai việc: một là trình bày lại chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng đề ra trong 3 hội nghị như trong sách giáo khoa đã có; hai là trên cơ sở ấy thì đưa ra nhận xét. Mỗi phần việc chiếm một nửa số điểm trong tổng điểm của cả câu. Thí sinh có thể trình bày các chủ trương lần lượt được đề ra ở 3 hội nghị trước rồi đưa ra nhận xét sau, hoặc trình bày đến hội nghị nào thì nhận xét luôn về chủ trương được đề ra ở hội nghị ấy, miễn là đủ ý theo yêu cầu. Hơn nữa, theo đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì yêu cầu nhận xét mới dừng ở mức độ là học sinh phải nói được là những chủ trương ấy là đúng hay sai, tiến bộ hay hạn chế ở điểm nào mà thôi.
Cái hay của đề thi lần này là chỉ hỏi một vấn đề về chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng nhưng lại xuyên suốt qua 3 văn kiện quan trọng nhất của Đảng. Tuy nhiên muốn nhận xét được thì học sinh phải biết vận dụng kiến thức. Chưa kể nhiều bạn không đọc kỹ đề sẽ nhầm lẫn về yêu cầu của đề khi trình bày hết cả nội dung ở ba hội nghị trên. Theo tôi, để trả lời câu hỏi này một cách cơ bản nhất theo kiến thức trong sách giáo khoa thì chỉ mất từ 6 đến 8 dòng. Nếu ai có khả năng diễn đạt hay và sâu hơn thì có thể viết đến khoảng 10-15 dòng. Rõ ràng là câu hỏi này không làm khó học sinh vì không bắt phải nhớ quá nhiều kiến thức nhưng buộc các em phải hiểu đề, hiều bài mới làm đúng được.
Nhưng nếu bạn nào giỏi hơn, tinh hơn thì có thể thấy là cương lĩnh đầu tiên liên quan đến Bác Hồ - người chủ trì hai hội nghị 1/1930 và 5/1941. Quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng của Bác là tập hợp sức mạnh toàn dân tộc, phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Còn hội nghị tháng 10/1930 thì có hạn chế khi chủ trương chỉ tập hợp giai cấp công nông mà không tập hợp các lực lượng khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện ở hội nghị 1930 và được tái khẳng định lại tại hội nghị 1941 trên cơ sở khắc phục hạn chế tại hội nghị 10/1930. Và thực tiễn thành công của cách mạng Việt Nam đã khẳng định tư tưởng ấy của Bác là đúng. Nếu nói được điều ấy thì có thể được điểm thưởng.
Câu III cũng tương tự như hai câu trên, dù kiến thức rơi vào giai đoạn cách mạng 1954-1975 nhưng thật ra đề bài chỉ hỏi về nguyên nhân dẫn đến phong trào Đồng khởi - phong trào đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền Nam Việt Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công. Đây cũng lại là một phần kiến thức throng tam nun có thể nói đây cũng là một câu “tủ” của thí sinh.
Đến câu VIa lại là một kiến thức tủ nữa. Về châu Á, học sinh thường học “tủ” phần về Trung Quốc, Lào, Ấn Độ và ASEAN. Và câu này cũng được các thầy chấm Sử coi là câu “khuyến mại”. Đề chỉ yêu cầu phân chia giai đoạn và tóm tắt lại từng giai đoạn từ 1946 đến 1975. Câu này nếu bạn nào tinh ý, dù không giỏi về lịch sử Lào mà chỉ nắm được lịch sử Việt Nam trêm cơ sở nhận ra được những nét tương đồng về mặt mốc thời gian giữa phong trào cách mạng hai nước thì cũng đã làm được bài. Cả cách mạng Lào và Việt Nam đều có những mốc thời gian quan trọng là 1946 - 1954: kháng chiến chống Pháp và 1954 - 1975: kháng chiến chống Mỹ. Khi Pháp xâm lược Việt Nam thì cũng bắt đầu xâm lược Lào. Khi Việt Nam bắt đầu tiến hành kháng chiến thì Lào cũng vậy. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 bàn về các vấn đề Đông Dương trong đó có liên quan đến cả Việt Nam và Lào. Và khi học về cuộc tiến công Đông Xuân 1953-1954 trong cách mạng Việt Nam thì học sinh chắc phải nhớ rằng cuộc tiến công này cũng diễn ra ở một phần ở chiến trường Lào. Ai học về sử Việt Nam cũng có thể hiểu được một phần về lịch sử Lào. Như vậy câu hỏi này tưởng là khó khi bắt học sinh phải phân đoạn được các giai đoạn phát triển của cách mạng Lào thì thật ra lại là không khó.
Câu VIb: cũng là một câu kiến thức trọng tâm nhưng chỉ nằm trong sách giáo khoa mới chương trình Nâng cao. Câu này thì rõ ràng là một câu chỉ cần thuộc bài theo đúng sách giáo khoa là được.
Tóm lại, với đề thi này, tôi nghĩ chỉ làm tối đa là 8 trang, tức hai tờ giấy thi là được. Với đề này thí sinh không thể học tủ, học vẹt mà phải học đều các phần và hiểu bài. Phải vận dụng các kiến thức đã học để trả lời câu hỏi của đề, đề hỏi gì thì trả lời nấy. Nhưng khi hỏi về kiến thức thì toàn là cơ bản, không cần trình bày dài mà đi thẳng vào vấn đề. Đề không có câu nào đòi hỏi phân tích mà chủ yếu là trình bày và nhận xét, trên cơ sở thuộc bài nhưng phải hiểu bài.
Với đề thi này, điểm 0 và 1 chắc sẽ ít hơn các năm trước. Chắc là không có tình trạng “mưa điểm 0” môn Sử như trước đây. Vì kiến thức được hỏi toàn là cơ bản, ít nhiều thí sinh có học thì cũng không đến nỗi bỏ giấy trắng. Nhưng điểm cao cũng sẽ không dễ gì. Tôi dự đoán số điểm thi trên 6 điểm sẽ chiếm khoảng 20%. Còn phần nhiều chắc sẽ rơi vào khoảng từ 4 đến 5 điểm.
Một điều lưu ý khác là nếu học sinh đưa vào bài được những kiến thức bên ngoài sách giáo khoa và làm phần trả lời thêm sâu sắc thì giáo viên có quyền cho thêm điểm thưởng, bù trừ cho những câu trả lời khác chưa tốt lắm, miễn là không vượt quá tổng điểm của toàn bài. Đáp án chỉ là yêu cầu tối thiểu chứ không phải là tối đa. Và thực tế chấm thi nhiều năm đã cho thấy có nhiều thí sinh đã trả lời xuất sắc vượt trội hơn cả đáp án. Điểm 10 môn Sử thi đại học thì tôi chưa từng thấy nhưng điểm 9 và 9,5 đã xuất hiện nhiều.
>>> Bài liên quan:
|